Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Fri, 01/06/2012 - 03:07
Lựa chọn cho lối thoát
Sự thất bại của Đồng thuận Washington trong những năm cuối 1980 và đầu 1990 tại châu Phi và châu Mỹ La Tinh đã khiến cho các quốc gia trở nên tồi tệ hơn sau công thức đồng nhất về tăng trưởng của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Việc giám sát lỏng lẻo và quản lý yếu kém đã khiến nhiều quốc gia với tỉ lệ xóa mù chữ trì trệ, mất việc làm và suy giảm thu nhập bình quân đầu người. Khi ảo tưởng tan biến, cánh cửa đã để ngỏ cho Trung Quốc thừa thế tiến vào bằng cách sử dụng những chính sách khéo léo tổng hợp điều khoản hỗ trợ tiền mặt đúng lúc và chủ trương không xen vào công việc nội bộ. Ở đây, Trung Quốc đã cung cấp một “lối thoát” cho các chính phủ Thế giới thứ Ba đang tìm cách vay mượn và hỗ trợ Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế vốn có những yêu sách về đạo đức và đòi hỏi các chính phủ phải cải cách - và Trung Quốc đã hưởng lợi rất nhiều từ việc này.
Trung Quốc đã xây dựng những mối quan hệ thương mại này để đẩy mạnh đòn bẩy chính trị của mình vào các cơ quan quốc tế, tạo ra một nhóm các nước chư hầu chịu ơn và vâng lời, nhưng không phải trên tinh thần của Chiến tranh Lạnh. Không có những nhóm cử tri chịu sự chỉ đạo của nhóm trưởng bên trong Liên Hiệp Quốc hoặc trong những cơ quan quốc tế khác. Thay vì thế, chúng ta thấy các quốc gia liên hệ với nhau một cách lỏng lẻo qua việc ngưỡng mộ Trung Quốc, một mong muốn nắm bắt được quyền lực của các thị trường quốc tế và mong muốn tương tự nhằm giữ tính tự chủ bên ngoài những khái niệm của phương Tây về văn hoá dân sự toàn cầu và những nền kinh tế phát triển một cách tự do.
Trong khi không thực sự có một mô hình kiểu Trung Quốc để bắt chước, hoặc xuất khẩu đến những nơi như châu Mỹ La Tinh và vùng hạ Sahara ở châu Phi, đã có những phát triển và cải cách phức tạp ở Trung Quốc trong vòng 30 năm với những thành công nhờ vào văn hoá, dân số, địa lý và triết lý lãnh đạo đặc biệt của Trung Quốc. Trong khía cạnh này, trong khi không có mô hình nào để nhận định, vẫn có những khuôn khổ có thể nhận biết được. Trên khía cạnh tư tưởng và trên khía cạnh tác động đến thế giới, những ai nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc - trong và ngoài nước - là đối tượng của một loạt những giá trị cầm quyền được tinh lọc từ kinh nghiệm của Trung Quốc hiện đại vốn đơn giản và thật sự bào mòn tính ưu việt của phương Tây. Đây là tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa độc tài thị trường.
Các nhà soạn thảo chiến lược ở Washington và Bắc Kinh hiểu rằng chúng ta đang sống trong thời đại khi những thử thách chưa từng thấy về chính trị và kinh tế nội bộ của cả hai nước cũng có thể ảnh hưởng đến quyền lực quốc gia. Những sự kiện này - ví dụ như một món nợ hoặc cơn khủng hoảng ngân hàng - có thể làm thay đổi vị thế của một trong hai quốc gia trên chính trường thế giới và chắc chắn sẽ thay đổi mối quan hệ Mỹ - Trung.
Với những bất an này, không gì ngạc nhiên khi ta thấy một bài viết trên tờ Hồng Kỳ Văn Cảo lập luận rằng hai cơ hội chiến lược trên thế giới hiện nay đang là lợi thế cho tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Một là Hoa Kỳ và những quốc gia phương Tây khác vẫn đang tiếp tục bị ảnh hưởng bởi cơn khủng hoảng tài chính thế giới. Cơ hội chiến lược thứ hai là những thử thách từ Libya, Iraq và Afghanistan, chưa kể đến những quan ngại về ổn định khu vực, đã ngăn cản Hoa Kỳ chú trọng vào Đông Á và kềm chế Trung Quốc. Bài viết trên tờ Hồng Kỳ Văn Cảo đề xuất rằng Trung Quốc nên tận dụng hết hai cơ hội này để tăng cường quyền lực của mình trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và chính trị đang tiếp diễn của Hoa Kỳ.
Chính tình trạng hỗn loạn tại Washington đã khuyến khích thái độ hung hãn của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc đã mở rộng việc đòi hỏi chủ quyền từ Quần đảo Ryukyu đến Biển Nam Hải và vùng Arunachal Pradesh (mà Bắc Kinh gọi là Nam Tây Tạng) ở biên giới Ấn Độ. Ngành hải quân đại dương mới của Trung Quốc là mối quan tâm đặc biệt đối với Philippines, Việt Nam, Singapore và Đài Loan, những nước này đều có tranh chấp với Bắc Kinh tại vùng Biển Nam Hải. Và chính vì những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc mà Hoa Kỳ và các nước trong toàn khu vực đã viện dẫn luật lệ quốc tế để nhấn mạnh cam kết của họ đến quyền tự do đi lại và vận chuyển trong Biển Nam Hải. Và, đương nhiên, tiền tệ, nợ nần, mậu dịch, tính minh bạch, tài sản trí tuệ và nhiều vấn đề khác có thể được xem là một phần của sự đối đầu đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh.
Chính trong ngữ cảnh của cơn khủng hoảng đang diễn ra mà Henry Kissinger đã nhận thấy rằng chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc thường không uyển chuyển và mang tính đối đầu, đặc biệt là về vấn đề chủ quyền - được thúc đẩy bởi quyết tâm giành lại ảnh hưởng toàn cầu mà Trung Quốc từng có được trong những thế kỷ 14 và 15.
Đề cập đến châu Âu thời kỳ tiền Thế chiến thứ I, Kissinger đã hỏi trong cuốn sách của mình, Về Trung Quốc, rằng liệu lịch sử có lặp lại không. “Không nghi ngờ gì nữa, nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc rơi vào một xung đột chiến lược, một tình huống tương tự như cơ cấu châu Âu trước Thế chiến thứ I với việc thành lập những khối liên minh chống lại nhau có thể xảy ra ở châu Á.” Ông tiếp tục, “Một câu hỏi then chốt là liệu cơn khủng hoảng dẫn đến Thế chiến thứ I là khả năng hay là hành xử của Đức?” Ở đây ông xoay sang dẫn chứng Eyre Crowe, một quan chức thuộc Văn phòng Nước ngoài của Anh: “Crowe kết luận rằng chẳng có gì khác nhau về việc Đức công khai thừa nhận đóng vai trò nào. Con đường nào mà Đức đang theo đuổi... một khi Đức đã đạt được quyền thống trị hải quân, Crowe nhận định, điều này trong bản thân nó - bất kể ý định của Đức là gì - đã là một đe doạ khách quan đối với Anh và không thể phù hợp với sự tồn tại của Đế chế Anh.”
Kissinger đã chứng minh rằng tính song song của lịch sử này về bản chất thì không chính xác. Hơn nữa, “Sự tranh luận của Hoa Kỳ bổ sung thêm một thách thức về tư tưởng đối với phương cách cân bằng quyền lực của Crowe”. Về việc này, Kissinger đưa thêm một thông điệp hy vọng rằng quan hệ Mỹ - Trung không cần và không nên biến thành một trò được ăn cả ngã về không và vẫn còn nhiều chỗ để ngành ngoại giao xoa dịu những góc cạnh khó khăn nhất và tìm ra một tiếng nói chung.
Thách thức của Trung Quốc
Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc và những tuyên bố đầy thách thức cũng như việc phát triển ngành hải quân đầy mạnh bạo dọc theo bờ biển phía đông và khu vực biên giới phía nam đã làm các nước láng giềng cảnh giác - Từ Hàn Quốc đến Việt Nam đến Ấn Độ. Trong những kết quả từ thái độ mới của Trung Quốc chính là thái độ đón chào “chính sách quay lại châu Á” của Tổng thống Obama của những quốc gia đang phải đối diện với một Trung Quốc khó đoán hơn. Bắc Kinh đã tìm cách cân bằng việc này bằng cách nhấn mạnh quan hệ thương mại sâu đậm của mình trong khu vực (trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, 6 nước là những láng giềng trong khu vực), vai trò của nó như là guồng máy tăng trưng và xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn đầu tư bằng tiền mặt, trong khi từ chối thảo luận những tranh chấp lãnh thổ đang diễn tiến.
Vấn đề an ninh nhạy cảm thứ hai đối với Bắc Kinh là tiềm năng của việc thành lập một liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn; Bắc Kinh lo sợ rằng tiềm năng hỗn loạn trong khu vực bán đảo có thể khiến cho Nhật nghĩ lại tình trạng an ninh của mình và tái xây dựng lại lực lượng quân sự. Quan hệ ngoại giao vốn đã căng thẳng với Nam Hàn, vốn từ mùa thu 2010 đã là một thị trường đang mở rộng nhanh chóng cho hàng hoá xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của Trung Quốc. Hơn nữa, việc chính quyền Bình Nhưỡng khó đoán tấn công chiến hạmg Cheonan trên vùng biển quốc tế và bắn pháo vào hòn đảo Hàn Quốc đã dẫn đến sự hiện diện quân sự lớn của Hoa Kỳ. Bắc Kinh từ chối ủng hộ việc lên án của Liên Hiệp Quốc đối với việc tấn công này.
Thứ ba, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền quần đảo Ryukyu giàu tài nguyên và năng lượng, vốn là một phần của Nhật từ năm 1879. Hoa Kỳ chiếm đóng quần đảo trong Thế chiến thứ II và trao trả lại cho Nhật vào tháng Năm 1972. Washington đã tái lập hậu thuẫn của mình với tuyên bố chủ quyền của Nhật đối với quần đảo Ryukyu và nhấn mạnh điều này bằng những thao diễn hải quân trên biển Hoàng Hải.
Vì thế việc tái xác lập hiện diện của Hoa Kỳ trong vùng Tây Thái Bình Dương, phần lớn là hệ quả của thái độ và hành động lấn lướt của Trung Quốc. Trung Quốc đã mở cửa trên vùng Tây Thái Bình Dương và Hoa Kỳ đã bước vào.
Như căng thẳng dâng cao ở vùng bờ biển phía đông Trung Quốc vẫn chưa đủ, căng thẳng ở miền tây Trung Quốc - cụ thể là Đông Turkestan (Tân Cương) và Tây Tạng - cùng với đường biên giới rất dài với khu vực Trung Á Hồi giáo cũng gây thêm những khó khăn. Chúng không phải là những điểm nóng hiện nay mà là những vùng đang sôi sục. Chúng không được đưa tin nhiều nhưng giới quân dân Hồi giáo đang hoạt động tại Trung Á và đang đối đầu với sự đàn áp của người Hán bên trong Trung Quốc. Những cựu chiến binh người Afghan - một số do al-Qaeda huấn luyện, những người khác là cựu thánh chiến quân Taliban - đang dần dần thâm nhập vào cộng đồng Ngô Uy Nhĩ ở Tân Cương. Họ đang giận dữ vì bị kỳ thị và có thể thật sự tạo ra một khó khăn quân sự với vũ khí tuồn vào từ Tajikistan, Uzbekistan, Iran và những nơi khác.
Và cuối cùng, những tranh chấp biên giới mới đây và việc đổ quân đến biên giới Ấn Độ tại khu vực Kashmir và Arunachal Pradesh đã làm Delhi cảnh giác và mở đường cho việc củng cố quan hệ quân sự và ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ cũng như giữa Ấn Độ với Việt Nam và Nhật Bản.
Trung Quốc về đâu?
Những nhà hoạch định ở Bắc Kinh biết rằng trong thời đại thay đổi đa chiều này, Trung Quốc phải sử dụng câu chuyện châu Á để đi lên. Trung Quốc hoặc sẽ được xem là guồng máy phát triển của châu Á, đem đến tăng truởng, đầu tư, thương mại và thị trường cho các quốc gia châu Á nhỏ hơn, hoặc là bị xem như là một kẻ bá quyền - một quốc gia lớn chiếm dụng các mỏ dầu, khí đốt và khoáng sản, một kẻ du côn đòi hỏi sự thuần phục của những người khác - đòi hỏi quyền lợi của mình bọc trong chính sách ngoại giao cơ bắp.
Để chắc chắn câu chuyện Trung Quốc “thắng lợi”, Bắc Kinh đã đầu tư 6,8 tỉ trong năm 2010 để tạo ra một mạng lưới truyền thông toàn cầu với tin tức và bình luận bằng 56 thứ tiếng trên truyền hình, truyền thanh và báo giấy. Mục đích là xây dựng những tin tức đang diễn tiến theo một phong cách thân thiện với Trung Quốc. Bắc Kinh đang quyết tâm vượt qua thời kỳ mà quan điểm của thế giới có thể đổ lỗi cho Trung Quốc việc đụng độ giữa chiếc thuyền đánh cá Trung Quốc và những chiếc tàu của Tuần duyên Nhật trên vùng đảo Ryukyu, hoặc cho phép câu chuyện về Tây Tạng chê bai và làm xấu mặt Trung Quốc trên trang nhất của những tờ báo trên thế giới trước ngày khai mạc Thế Vận Hội.
Lý Tòng Quân, giám đốc của Tân Hoa Xã tại Bắc Kinh, đã tuyên bố rằng “Tân Hoa xã Trung Quốc sẽ đưa ra cái nhìn quốc tế theo quan điểm Trung Quốc.” Ông nhấn mạnh rằng mối chú tâm là nhằm “tăng cường khả năng của chúng ta trong việc hướng dẫn quan điểm quốc tế.” Đặc biệt là đề xướng này không đơn giản chỉ là một nỗ lực về quan hệ công chúng. Nó bắt nguồn từ sự tính toán chiến lược của Bắc Kinh rằng sức mạnh tương đối của các quốc gia trong thế kỷ thứ 21 sẽ được đánh giá tại không gian thông tin toàn cầu nơi câu chuyện về Trung Quốc phải chiến thắng.
Chúng ta kết thúc với ý nghĩ rằng Trung Quốc đang quyết hưởng lợi từ cơn khủng hoảng nợ của Hoa Kỳ. Bắc Kinh sẽ đặt vấn đề về giá trị tiếp diễn của trái phiếu của Ngân khố Hoa Kỳ. Nó sẽ đổ lỗi cho Hoa Kỳ về sự trì trệ của thị trường và tỉ lệ tăng trưởng chậm chạm và nhấn mạnh tính hỗn loạn tại Quốc hội Hoa Kỳ. Bắc Kinh sẽ hy vọng dùng những việc này để tấn công Hoa Kỳ trên những ấn đề địa chính trị lẫn tư tưởng, nơi tính tin cậy và sức mạnh thì vô cùng quan trọng.
Kissinger đã đúng khi đặt câu hỏi về liệu cơn khủng hoảng dẫn đến Thế chiến thứ I đã được tạo ra bởi khả năng hay hành động của Đức. Và Eyre Crowe cũng chính xác khi cho rằng nó không có gì khác biệt đối với vai trò mà Đức công khai thừa nhận, rằng một khi Đức thống lĩnh ưu thế hải quân, thì chính việc này, bất chấp ý định của Đức là gì, sẽ là mối đe doạ hiển nhiên đến Anh và không phù hợp với sự tồn tại của Đế chế Anh. Liệu sự thống lĩnh hải quân của Trung Quốc tại Thái Bình Dương cũng có tác động tương tự đến Washington?
.
.
.
No comments:
Post a Comment