Phạm Thị Hoài
28-1-2012
Một lần vượt qua vòng loại Giải Vô địch Thế giới. Một lần cũng đủ mãn nguyện. Đủ thổi bùng sinh khí dân tộc cho cả một thập kỉ. Đủ đặt bệ phóng cho lòng tự hào của cả một thế hệ và cung cấp huyền thoại cho muôn đời. Đủ dựng một tượng đài thành tích chói lòa cho chúng ta đến soi thể diện. Chúng ta đang nói về bóng đá.
Bóng đá, ở một đất nước còn nhiều khó khăn. Chúng ta chưa có điều kiện cải thiện vị trí 172/179 trong bảng xếp hạng Tự do Báo chí của RSF lên một chút, ngang hàng 117 với đất nước Khmer anh em chẳng hạn, nhưng vị trí thứ 40 trong bảng xếp hạng của FIFA thì đến năm 2020 dứt khoát phải đạt được. Nhà nước Việt Nam sẵn sàng thông qua khoản ngân sách mỗi năm 2000 tỉ, kèm theo một căn hộ cao cấp giữa thủ đô, một biệt thự sang trọng trên một hòn đảo – chừng nào đảo này còn thuộc Việt Nam – và một trụ sở hiện đại cho dự án Chiến lược Bóng đá Cao cấp. Để mời đích thân Pep Guardiola và Lionel Messi, mỗi khi Barça cho họ nghỉ phép, tất nhiên họ nên có quốc tịch phụ là quốc tịch Việt Nam. Cũng như mời các siêu cầu thủ thế giới thỉnh thoảng sang đá hữu nghị, Sepp Blatter và Pelé sang đọc diễn văn và Pierluigi Collina sang mở khóa đào tạo thổi còi.
Chúng ta còn nghèo, nhưng chúng ta biết chi tiền đích đáng. Bởi bóng đá không chỉ là bóng đá. Nó đặt nền móng. Nó dẫn dắt toàn bộ nền thể thao Việt Nam vào quỹ đạo quốc tế. Nó nâng cấp văn hóa thể thao. Nó chắp cánh cho niềm tin vào tương lai của bạn trẻ, dù môn thể thao trong trường phổ thông của chúng ta vẫn là tập đội hình đi đều bước. Dù số đông dân chúng trong đất nước có gần 3000 sông ngòi và gần 3500 Km bờ biển này vẫn không biết bơi và đóng góp chính của Việt Nam trong các kì Thế vận hội vẫn là tà áo dài trong lễ khai mạc. Dù đội tuyển quốc gia của nền bóng đá sơ cấp vẫn chăm chỉ nhích lên tụt xuống bốn năm một lần từ vòng sơ loại 1 sang vòng sơ loại 2 và quyết không bén mảng đến vòng loại cho World Cup. VFF vẫn lụi hụi đuổi huấn luyện viên ngoại quốc hạng ba này, mời huấn luyện viên ngoại quốc hạng tư khác cho một mức lương có thể nuôi sống cả tá huấn luyện viên bản xứ mà thành tích cao nhất là hạng thứ 99, giữ được vỏn vẹn một tháng và nay đã mất. Vẫn khổ sở với cầu thủ vừa thấp vừa yếu lại thiếu niềm tin, với những tiếng còi méo của trọng tài, với bóng đá đi đêm và bạo lực sân cỏ. Với tất cả sự nghiệp dư hoành tráng khoác áo chuyên nghiệp.
Ôi bóng đá cao cấp! Trước sứ mệnh bất khả thi của ngươi, cả Hollywood lẫn Scientology đều đầu hàng.
Tôi yêu bóng đá, vì nó là một trong rất ít thứ trên thế gian này thản nhiên bày ra đúng thực chất của nó, bất chấp mọi ảnh hưởng, mọi thế lực, mọi ràng buộc ngoài nó. Thượng đế đã một lần thò tay vào cuộc, nhưng cũng chỉ để báo hiệu cú sút thần kì của Maradona sau đó, từ khoảng cách 60 mét, vào khung thành của Peter Shilton ở México. Bóng đá Argentina năm ấy xứng đáng có đấng tối cao làm cổ động viên. Đội tuyển ngựa bay Bắc Hàn thảm bại trên sân Nam Phi năm kia, dù tai bên này nghe chỉ đạo trực tiếp qua điện thoại của cố lãnh tụ kính yêu rằng phải đá như thế nào để mở mắt thế giới, tai bên kia nghe lời hứa cũng của cố lãnh tụ kính yêu, rằng mỗi quả thua là một năm tập trung cải tạo.
Trái banh dát vàng không bay vào lưới nhanh hơn. Trái banh đã học nghị quyết và đã hô quyết tâm không biết đường vào khung thành ngắn hơn. Tỉ số ăn may một trận không làm nên một mùa bóng. Một huấn luyện viên xuất sắc chỉ phát điên giữa sự bất tài ngồi ghế công chức thể thao mơ phép mầu đến bằng tầu cao tốc. Một cầu thủ làm bàn thiên tài chỉ là tai họa cho chính mình trên một sân cỏ tầm thường, giữa một đội nhà tầm thường và trước một đội bạn tầm thường. Bóng đá là tim là óc và trí tuệ của tập thể, là mặt mũi và thái độ sống của cộng đồng, là đầu và lưng và năng lực tổ chức của xã hội, là ngực và mông và lòng dấn thân của cá nhân. Cuối cùng mới là chân. Chỉ không là hoang tưởng.
Bóng đá không biết khai man lí lịch, trưng bằng cấp giả, báo cáo thành tích ảo và trấn an bằng viễn cảnh vay nóng. Bóng đá Việt Nam là lời khai thành thật nhất về thực tại Việt Nam.
© 2012 pro&contra
.
.
.
No comments:
Post a Comment