Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Thu, 01/05/2012 - 05:06
Nhận thức về việc đi xuống của Hoa Kỳ đã khuyến khích thái độ lấn lướt của Trung Quốc trong khu vực
Điều có vẻ là không tưởng năm năm trước đây ngày nay đã trở thành hiện thực; Trung Quốc đã đi lên nhanh chóng và với những hình thức rất khác so với đa số vẫn trông đợi. Điều này đã ảnh hưởng cực lớn đến khu vực, phương Tây và khái niệm về phương Tây. Trung Quốc đã chọn con đường riêng của mình; nó sẽ không trở thành một thành viên của một câu lạc bộ mà Roosevelt từng hi vọng đến Stalin. Kinh tế thị trường chắc chắn sẽ không dẫn đến đa đảng và rõ ràng cũng không dẫn đến dân chủ như nhiều người tại Washington từng tin tưởng từ những năm 1980. Thay vì thế, Trung Quốc, một quốc gia đang phát triển đang đạt đến điểm đỉnh của quyền lực thế giới, đã chính danh hoá chủ nghĩa độc tài trong thời đại của chúng ta.
Phản ánh quan điểm rằng “không phải quân đội của ai sẽ thắng, mà câu chuyện của ai sẽ thắng,” Trung Quốc sẽ không đối đầu với phương Tây trên chiến trường, mà là trên thị trường và không gian thông tin thế giới nơi Bắc Kinh tìm cách miêu tả guồng máy nước Mỹ đang trên đà đi xuống và kiến trúc quan điểm của công chúng về những thành quả của Trung Quốc một cách thân thiện. Ở đây, thành công của Bắc Kinh có nghĩa là bác bỏ tính chính danh những thành quả của phương Tây và mô tả Trung Quốc như một trọng tài của những vấn đề toàn cầu, đặc biệt là trong những nước trên thế giới bên ngoài phương Tây.
Thách thức của Trung Quốc đến từ nhiều phương diện. Nó bao gồm một loạt những vấn đề về kinh tế và an ninh và đặc biệt là một thách thức về tư tưởng. Đã xuất hiện một trận chiến về tư tưởng về việc quản lý chính quyền với những hệ quả ảnh hưởng sâu xa.
Trung Quốc đã điều chế mô hình tăng trưởng châu Á để phát triển một chính quyền độc tài thiên thị trường tăng trưởng nhanh và ổn định đang được ngưỡng mộ trên thế giới bên ngoài phương Tây và đặc biệt là trong giới lãnh đạo của Thế giới thứ Ba. Nước Trung Quốc ấy đã tạo ra một vị thế khác biệt kể từ khi Liên Xô tan rã - không nhượng bộ với quan điểm thế giới của Hoa Kỳ, nhưng cũng không đối đầu guồng máy của Hoa Kỳ cho đến gần đây - điều này đã đưa ra câu hỏi rằng những xu hướng này có ý nghĩa gì với phương Tây và quan điểm về phương Tây.
Các lãnh đạo quốc gia từ châu Phi, châu Mỹ La Tinh và những nơi khác nhìn thấy một chính quyền không có một quốc hội bướng bỉnh hoặc một giới truyền thông thách thức. Nó cung cấp công ăn việc làm, nhà ở và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân - nhưng lại không mở cửa cho công chúng quyền tự do ngôn luận, tín ngưỡng hoặc tổ chức chính trị. Người dân được yêu cầu phải kính trọng chính quyền và tránh xa chính trị. Những quan điểm phi phương Tây về ví dụ của Trung Quốc thì quan trọng với những từ như ngưỡng mộ và thèm muốn. Với sự đi lên của Trung Quốc, một quốc gia đang phát triển đã chứng tỏ những chính quyền độc tài trong thế kỷ 21 vẫn có thể dùng thị trường để tăng tốc phát triển. Trung Quốc đưa ra không những một hướng đi khác để phát triển; nó còn đưa ra một lựa chọn khác so với trật tự thế giới tự do do phương Tây kiểm soát, bác bỏ hàng loạt những giá trị và nguyên tắc nhằm giữ vững một chính quyền đại diện cho dân, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tổ chức và nhân quyền toàn cầu.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - hiện lớn gấp vài lần Ngân hàng Thế giới - đang tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lượng với mức lãi thấp trên khắp châu Phi, châu Mỹ La Tinh, Trung Á và Cận Đông, bao gồm những món nợ cho những quốc gia nhỏ bé bên ngoài. Với những món nợ bằng tiền cứng này, hệ quả là Trung Quốc đã cung cấp một con đường bên ngoài phương Tây, khiến những tiêu chuẩn và cơ quan của phương Tây trở nên ít quan trọng hơn.
Điểm xoay
Trong suốt 30 năm Trung Quốc đã là đối tác kinh tế của chúng ta. Giờ đây họ là đối thủ chính trị và đối thủ quân sự đang lên. Thành công của việc cải cách kinh tế trong hai thập niên qua cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa thể sụp đổ. Và chắc chắn nó sẽ không hoà nhập vào thể chế dân chủ. Trên thực tế, nó đi theo con đường ngược lại.
Trong năm 2008, cơn khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến một nhận định mới về Trung Quốc. Tăng trưởng đến con số hàng chục, thặng dư mậu dịch, quỹ dự trữ tiền mặt khổng lồ vẫn đang tăng, tỉ lệ lạm phát tương đối, một tầng lớp trung lưu đang tăng và mức sống nhìn chung đang khá hơn - dường như hệ thống thị trường chuyên chính của Trung Quốc đã đối phó với cơn khủng hoảng toàn cầu rất tốt.
Hơn nữa, từ cảnh kiệt quệ của Hoa Kỳ, đã dẫn đến một thói quen mới khó chịu trong cách thức Washington nhận thức về mối quan hệ của mình với Bắc Kinh. Việc dựa dẫm kinh tế liên đới đã làm im tiếng Hoa Kỳ về một số giá trị và vấn đề - ví dụ như quyền lợi của dân tộc thiểu số, nền pháp trị và tự do ngôn luận - vốn là nền tảng của trật tự tự do mà Hoa Kỳ đang dẫn đầu.
Hillary Clinton đã nói với các nhà báo trong năm 2008 rằng ép buộc Trung Quốc về “những vấn đề khác” - như tính minh bạch, Tây Tạng và nhân quyền - “không được cản trở việc đối phó với cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.” Thông điệp tương tự cũng đã được chuyển đến vào tháng Mười một 2009, khi Tổng thống Obama đến thăm Bắc Kinh, và trong buổi gặp gỡ giản dị không được truyền hình với Dalai Lama tại Nhà Trắng vào tháng Hai năm 2010.
Từ quan điểm chiến lược truyền thống lâu đời của Trung Quốc bắt nguồn từ Tôn Tẫn và những người khác trong thế kỷ thứ tư và thứ năm trước Công nguyên, các nhà lãnh đạo ĐCS và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã phân tích việc Washington thay đổi thái độ và kết luận rằng đã có tiềm năng để chiếm ưu thế. Giám đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nắm lấy thời điểm khi nói về bong bóng bất động sản và những ngân hàng được quản lý yếu kém, ông đã tuyên bố tại London, “Giờ đây những vị thầy đang gặp khó khăn” - nhưng như Tôn Tử (cũng trong thế kỷ thứ tư trước CN) từng nhấn mạnh, những xét xử chiến lược này phải “chính xác trong mọi thành phần,” và lần này những vị quan có thể đã suy luận quá nhiều về thời điểm này.
Thoạt đầu dường như Trung Quốc đã tính toán sai. Đã đặt cược về sự đi xuống của Hoa Kỳ khi cơn khủng hoảng 2008-2009 tràn khắp nền kinh tế Hoa Kỳ, nhưng sau đó Trung Quốc lại chứng kiến thị trường tài sản của Hoa Kỳ tăng 11% trong năm 2010, sản lượng tăng và lạm phát vẫn ở mức tương đối. Trong khi đó, Trung Quốc lại phải chống trả nợ đang tăng, sự suy yếu của ngân hàng vì nỗi lo sợ đang tăng rằng nền kinh tế chuyên về xuất khẩu của nó, nếu không thay đổi, có thể dẫn đến một thập niên thất bại theo kiểu Nhật Bản. Nhưng rồi bàn cờ lại xoay. Trong năm 2011 Hoa Kỳ không có thay đổi nhiều về giá trị tài sản, tỉ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục cao ở mức 9,1%, Quốc hội không thông qua được biện pháp giảm nợ và công ty Standard & Poor đã giảm điểm tín dụng đối với nợ của Hoa Kỳ từ AAA xuống còn AA - việc giảm điểm đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Việc này đương nhiên dẫn đến nguồn chiến thắng tại Bắc Kinh. Hoa Kỳ cuối cùng đã chắc chắn đi xuống - nhưng liệu có phải thế không?
Nên nhớ rõ rằng những sự suy thoái của Hoa Kỳ xảy ra còn ít hơn những năm nhuần. Trong những năm 1950 bản thân người Mỹ đã tin rằng họ đã thua trong cuộc Chiến tranh Lạnh khi Liên Xô đưa phi thuyền Sputnik vào quĩ đạo. Năm 1956 Khrushchev đã tuyên bố “Chúng tôi sẽ chôn vùi các anh.” Năm 1964 ông đã dẫn lời Mark rằng “Giới vô sản sẽ là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”, vốn vẫn là câu nói khải hoàn được sử dụng trong những nhận định tại Trung Quốc hiện nay. Trong những năm 1970, cơn khủng hoảng kép về dầu hoả vào năm 1973 và 1978 đã khiến kinh tế Hoa Kỳ dẫm chân tại chỗ; tổng thống Carter đã nói đến từ “sầu thảm”, đảng Cộng Hoà đã nói đến “chỉ số bất hạnh” đã cộng chung mức lạm phát (lúc ấy là 18%) và tỉ lệ thất nghiệp vốn ở mức 11,3%. Hoa Kỳ lại được cho là đang trên đà đi xuống lần nữa khi tổng thống Nixon đưa Hoa Kỳ ra khỏi tiêu chuẩn vàng, và một lần nữa khi Reagan được cho là đã thất bại trong nỗ lực chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế dựa trên công nghệ thông tin. Khi Paul Tsongas đang tranh cử tổng thống vào năm 1992 và đề cập đếni khái niệm suy thoái, Joseph Nye đã đưa ra luận điểm rằng “Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và Nhật đã thắng”.
Một thập niên sau chủ đề suy thoái vẫn cứ trường tồn. Ngày 22 tháng Tám 2011, tờ Bắc Kinh Nhật Báo thông báo cho chúng ta biết rằng: “Việc giảm điểm đánh giá tín dụng của Hoa Kỳ từ AAA là một sự kiện tiêu biểu mang tính lịch sử. Nó nên được nhìn nhận như là một điểm xoay trọng đại trong việc suy thoái trong quá trình phát triển quốc gia của nước này. Gió Đông đã thổi bạt gió Tây.”
Và vì thế những kẻ theo quan niệm suy thoái đã nhấn mạnh những vòng tuần hoàn tiếp diễn về tăng trưởng và củng cố của Hoa Kỳ. Nye đã làm chúng ta chú ý đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, nơi xuất bản Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu mỗi năm. Trong đó Hoa Kỳ xếp hạng thứ 2 với “thị trường lao động rất năng động, đầu tư cao vào Nghiên cứu & Phát triển, đầu tư cao vào giáo dục (gấp đôi so với châu Âu về đầu tư đại học bình quân mỗi đầu người)”, và trên những mặt trận kỹ thuật vi mô và kỹ thuật sinh học. Thụy Sĩ đứng thứ 1. Trung Quốc đứng thứ 29. Vì thế bức tranh về việc suy thoái của Hoa Kỳ thì không còn rõ ràng nữa.
Và đương nhiên, khi năm 2011 trôi qua, những khó khăn của riêng Trung Quốc cũng đã được thừa nhận: một khả năng của bong bóng bất động sản không kềm chế nỗi, nợ nần của các chính quyền địa phương và cấp tỉnh đang tăng mạnh, ngân hàng không có đủ quỹ dự trữ để phòng ngừa các món nợ xấu và tỉ lệ lạm phát gây ra bởi giá trị thấp giả tạo của đồng nhân dân tệ được dự đoán vào mức 6-10%.
Trong chuyến đi thăm Washington vào tháng Giêng 2011, Chủ tịch Đào đã thấy ra rằng giọng điệu hung hãn hơn của Bắc Kinh đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực trầm trọng tại Washington. Thái độ đối với Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn. Việc Trung Quốc chuyển hướng từ châm ngôn Thao Quang Dưỡng Hối của Đặng Tiểu Bình, được hiểu như “nắm lấy thời gian và củng cố sức mạnh”, sang “thái độ hung hãn, dương oai và chiến thắng” được tường thuật trong điện văn của cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Jon Huntsman, hiện đã kiến tạo nên cái nhìn của Washington về mối quan hệ của hai bên.
Thay vì là một “cổ phần viên” trong khối thịnh vượng chung của thế giới như Giám đốc Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick mô tả, giờ đây chúng ta thấy vai trò của Trung Quốc lại trở nên phức tạp hơn. Trung Quốc đã giúp nhiều trong vài vấn đề - Bắc Hàn, nạn cướp biển trong vùng Vịnh Aden, cung cấp lực lượng gìn giữ hoà bình cho Liên Hiệp Quốc tại nhiều nơi - và cũng là một thành viên tham gia tích cực, tuy thường xuyên rất khó khăn, trong Tổ chức Thương mại Thế giới và Liên Hiệp Quốc. Nhưng thời gian qua, rõ ràng là những hành động của Trung Quóc được điều khiển bởi một chủ nghĩa thực dụng tinh vi nhằm phục vụ lợi ích trực tiếp của Bắc Kinh hơn là những thói quen mở cửa với thế giới hoặc những đạo đức vốn giúp xây dựng nền kiến trúc hậu Thế chiến II. Hiện tượng bất thường này đã trở nên rõ rệt trong việc Trung Quốc quan hệ với những quốc gia đang phát triển với tài nguyên thiên nhiên giàu có, nơi Bắc Kinh cho thấy một sự nhạy cảm đặc biệt. Phiên bản ngày 12 tháng Tám của tờ Người đưa tin Quốc tế Hàng đầu (một bộ phận của Tân Hoa Xã) đã cảnh báo:
Hãy cảnh giác trước thái độ khăng khăng của phương Tây về ‘Trách nhiệm của Trung Quốc’. Với sự đi lên và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới, cái gọi là ‘trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc’ đã trở thành một thứ vũ khí mới và phương tiện mới để phương Tây ức hiếp Trung Quốc.
Ta có thể hỏi tại sao các nhà lập kế hoạch của Bắc Kinh đã không có những biện pháp để tránh khỏi yếu điểm này. Câu trả lời bắt rễ trong cái được gọi là chiếc bẫy tăng trưởng của Trung Quốc. Trung Quốc phải tăng trưởng tối thiểu ở mức 8% để bảo đảm ổn định và tạo công việc làm và nhà ở cho làn sóng lao động nhập cư đang ra vào các thành phố duyên hải phía đông (và cho những sinh viên đại học vừa tốt nghiệp). Thất bại trong việc đạt được tỉ lệ tăng trưởng này mang lại mối hiểm nguy của sự hỗn loạn - một cơn ác mộng của một quốc gia với 1,5 tỉ dân.
Để tăng trưởng, Bắc Kinh phải tìm kiếm vào bảo đảm một nguồn cung cấp lâu dài và vững cắc về năng lượng, đồng, sắt, zinc, cobalt và gỗ. Là một người đến sau những thị trường này và bị kích thích bởi nhu cầu lớn chưa từng thấy, Trung Quốc phải đưa ra những đề xuất tốt hơn so với những đối thủ kỳ cựu, và nó đã thực hiện với nhiều phương cách. Bắc Kinh dùng 3 tỉ tiền mặt trong quỹ dự trữ để cung cấp các món nợ dài hạn không lãi hoặc với mức lãi thấp cho các chính phủ các quốc gia có tài nguyên giàu có. Nó thường cam kết xây dựng đường bộ, đường sắt để di chuyển tài nguyên đến bến cảng; đôi khi nó cũng đồng ý xây dựng trường học và bệnh viện, và chi trả riêng những khoản tiền lớn cho những người đứng đầu chính phủ để bảo đảm mọi việc diễn ra êm thắm. Điều quan trọng nhất là, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết không can thiệp vào các công việc nội bộ. Họ không quan tâm đến đạo đức và truyền thống như phương Tây, hoặc những vấn đề quản lý chính phủ tốt, nền pháp trị, tính minh bạch, những vấn đề về môi trường hoặc điều kiện lao động. Họ chỉ quan tâm một điều duy nhất: khai thác nguồn tài nguyên cần có để phát triển và ổn định với một phương pháp hữu hiệu và nhanh chóng. Và vì việc bảo đảm phát triển và ổn định là điều kiện sống còn của đảng, ngược lại với tiên đoán của Zoellick, Trung Quốc sẽ không trở thành một thành viên trong khuôn khổ và đạo đức của cộng đồng thế giới - ngoại trừ khi nào nó đem lại lợi nhuận cho họ.
Mô hình Trung Quốc
Cái gọi là tác động của Trung Quốc được thấy qua vài khía cạnh; nó đang thầm lặng tái thiết lại bối cảnh của cộng đồng quốc tế và nền chính trị thế giới, và nó làm thế với phương cách nhằm giới hạnh mạnh mẽ việc lan tràn ảnh hưởng của phương Tây bên ngoài khối NATO. Quá trình này được thấy rõ nhất ở Thế giới thứ Ba, nhưng những quốc gia của Thế giới thứ Hai như Syria, Indonesia, và Iran cũng có ảnh hưởng khu vực (tôi gọi chúng là những cường quốc chuyển hướng), và cũng đang thừa nhận những yếu tố của mô hình Trung Quốc. Thời gian qua, một ảnh hưởng của việc Trung Quốc mở rộng vòng tay với các nước Thế giới thứ Ba là để giới hạn những nguyên tắc vốn tạo nên quá trình quản lý chính phủ phương Tây. Điều này được thấy qua việc Trung Quốc cần mẫn hậu thuẫn những chính quyền độc tài trong khắp khu vực Hạ Sahara ở châu Phi (Zimbabwe, Sudan, Angola, v.v...) và sự hậu thun của nó đến các nhà lãnh đạo độc tài như Gadaffi và Assad của Syria, phản đối phong trào cách mạng mùa xuân Á Rập. Trung Quốc xuất khẩu khí tài quân sự và kỹ thuật giải mã do các trung tâm cảnh sát và quân đội chế tạo vốn được dùng để nhận diện và định vị 420 triệu người sử dụng Internet ở Trung Quốc. Chính quyền trên khắp khu vực Trung Đông đã dùng những kỹ thuật này để phá tin nhắn, twitter, Facebook và email - những hình thức truyền thông xã hội được cho là quan yếu trong việc vận động thách thức đối với những chính phủ độc tài.
Về khía cạnh con người, ảnh hưởng của Trung Quốc mang ý nghĩa là đối với những ai đang bị cai trị bởi những chính quyền đang ngưỡng mộ và tìm cách bắt chước mô hình chuyên chế thị trường của Trung Quốc, tương lai của một xã hội dân sự dân chủ thì xa vời, thậm chí không tồn tại. Phản ánh những tiêu chuẩn trong nước của Trung Quốc, quyền lợi của người lao động và các tiêu chuẩn an toàn và môi trường đại đa số đều bị các công ty hoạt động ở châu Phi tảng lờ, khiến cho nhiều người châu Phi tự hỏi rằng liệu người Trung Quốc đang nấu ăn cho họ hay là đang ăn bữa ăn của họ. Do đó, Trung Quốc là vị tư lệnh xúc tác của một quá trình ảnh hưởng sâu đậm. Trong khi toàn cầu hoá đang thu nhỏ thế giới, Trung Quốc đang thu nhỏ phương Tây - những giá trị, nguyên tắc và tiêu chuẩn của họ - một điểm được nhấn mạnh khi nó đã thành công trong việc thuyết phục 19 quốc gia không tham dự lễ trao giải Nobel Hoà bình cho Lưu Hiểu Ba năm 2010.
Những tiến triển này đã đặt Trung Quốc vào vị trí trọng tâm của xu hướng toàn cầu: chấp nhận một hình thái của chủ nghĩa tư bản để đem lại thịnh vượng nhưng không kèm theo dân chủ. Đơn giản mà nói, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới bên ngoài phương Tây đang thay thế mô hình thị trường tự do dân chủ. Họ thay vào đó với một mô hình chuyên chế thị trường, mở cửa kinh tế để đầu tư và phát triển thị trường và cho phép đảng đương quyền kiểm soát chính phủ, toà án, quân đội và thông tin. Những thay đổi này - những trung tâm kinh tế tự trị mới bên ngoài phương Tây và sự hấp dẫn ngày càng tăng của chủ nghĩa tư bản không tự do - là động cơ kép cho việc giảm thiểu quyền lực từ phương Tây. Khi cộng thêm với việc lũng đoạn giá trị đồng tiền của Bắc Kinh, chúng là sức mạnh chủ chốt ở cấp số nhân trong việc đi lên của Trung Quốc trên thế giới.
(Đọc tiếp phần 2)
.
.
.
No comments:
Post a Comment