31.01.2012
Trong mấy tuần lễ gần đây, trên báo chí nổi lên một cuộc tranh luận về lời phát biểu của một nhân vật “trí thức” về vấn đề “trí thức”, rằng “giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”!
Tôi vẫn theo dõi cuộc tranh luận ấy, tuy nhiên tôi chưa thấy cần phải góp một ý kiến gì, vì mười hai năm trước đây, tôi đã có viết một bài khá dài, bàn bạc khá kỹ về nhiều khía cạnh của vấn đề “trí thức là gì?”.
Hôm nay, bất ngờ xem được trên Youtube một đoạn video ghi lại những lời nói rất thú vị của Eduardo Galeano về “trí thức”, nên tôi thấy có hứng viết bài này để thuật lại những gì Eduardo Galeano đã nói. Tuy nhiên, trước khi thuật lại lời nói của Eduardo Galeano về “trí thức”, tôi muốn viết đôi điều về hai người trí thức đương đại mà tôi ngưỡng mộ nhất: một là Václav Havel, và hai là Eduardo Galeano.
Václav Havel trong chuyến viếng thăm nước Úc năm 1995
Václav Havel (1936-2011) là ai và đã làm những gì cho đất nước của ông và cho thế giới, thì có lẽ cả nhân loại đều đã biết rõ. Ông được xem là một anh hùng trí thức (intellectual hero). Cuộc sống của ông là một tấm gương trí thức sáng chói bất tận. Tôi chỉ xin trích lại để gửi đến bạn đọc một câu của Václav Havel về vai trò của người trí thức.
Năm 1968, dưới chế độ độc tài của đảng Cộng sản Tiệp-khắc, ông đã viết:
Người trí thức cần phải trăn trở không ngừng, cần phải đứng ra làm chứng cho sự khốn khổ của nhân loại, cần phải đứng ở vị trí độc lập của mình mà gây hấn với các nhà cầm quyền, cần phải nổi dậy chống lại tất cả những sự trấn áp và những trò lừa đảo ngấm ngầm hay công khai, cần phải là người chủ xướng sự hoài nghi đối với các hệ thống, đối với quyền lực và những phù phép của nó, cần phải là một chứng nhân đối với sự dối trá của họ.
[Xem cuốn: Václav Havel, Disturbing the Peace: A Conversation with Karel Hvizdala
(New York: Vintage Books, 1991) 167.]
*
Còn Eduardo Galeano (1940~) thì có lẽ chưa được nhiều người Việt Nam biết đến. Ông là một nhà văn Uruguay từng đoạt giải văn chương Casa de las Américas (1975 và 1978) và American Book Award (1989), là tác giả của gần 50 cuốn sách thuộc nhiều thể loại, là một trong vài cây bút Mỹ La-tinh nổi tiếng nhất trong thế giới văn chương đương đại. Ông cũng là một trong những nhà trí thức Mỹ La-tinh nổi tiếng nhất hiện nay. Là một người không ngừng chống lại mọi sự bất công và áp bức, ông đã từng bị bắt giam, và bị lưu đày khỏi đất nước Uruguay. Sống lưu vong ở Argentina, ông tiếp tục đấu tranh, chống lại chế độ chính trị thối nát ở Argentina, và sau khi đám quân phiệt của Jorge Rafael Videla lên nằm chính quyền, thì Galeano bị kết án tử hình. Ông phải trốn ra khỏi Argentina, bay sang Tây-ban-nha. Sau 12 năm sống lưu vong, ông trở về Uruguay và tiếp tục lên tiếng như một người đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở đất nước của ông và ở những đất nước khác... Năm 1999, ông được trao tặng giải thưởng Cultural Freedom Award (1999, Lannan Foundation).
Giới trí thức Mỹ La-tinh xem Eduardo Galeano là nhà một nhà trí thức kiệt xuất (un distinguido intelectual), nhưng ông lại cảm thấy dị ứng đối với chữ “trí thức”, vì ông thấy trong giới trí thức nói chung, có nhiều kẻ chỉ dùng cái óc não thông minh của mình để tìm mọi cơ hội mưu cầu lợi lộc cho bản thân. Đó là loại “trí thức” ích kỷ, sống bằng cái đầu, nhưng trái tim vô cảm trước những cảnh đàn áp, bất công, đau đớn mà nhân dân quanh mình phải chịu đựng; dửng dưng trước sự tàn tạ của đất nước, và sẵn sàng hợp tác với những chế độ độc tài bạo ngược, miễn là bản thân có lợi lộc. Loại “trí thức” này không bao giờ phản biện đối với những vấn đề trọng yếu liên quan đến bản chất của chế độ chính trị. Thỉnh thoảng, để biểu diễn cho quần chúng xem vai trò “trí thức” của mình, loại “trí thức” ích kỷ này chỉ phát biểu vài lời phê phán — trong mức độ an toàn — về một số hiện tượng tiêu cực trong xã hội và văn hoá. Thực chất của kiểu phê phán này là để giúp củng cố và duy trì sự tồn tại của chế độ chính trị, tức là một cách phát ngôn để lập công với hệ thống quyền lực chứ không phải để chống lại nó. Vì thế, các chế độ độc tài rất thích nuôi nấng loại “trí thức” này.
Suốt mấy mươi năm qua, Eduardo Galeano đã có nhiều lần viết và nói về điều này. Nhưng hôm nay, khi tôi bất ngờ tìm thấy đoạn video quay cảnh ông nói với một phóng viên trên đường phố Tây-ban-nha, thì tôi hết sức thích thú, say mê lắng nghe và nhìn ngắm ông.
Vào buổi tối ngày 24 tháng Năm, 2011, một phóng viên của trang web AcampadaBCN tình cờ gặp Eduardo Galeano đang đi dạo tại Plaza Catalunya, Barcelona. Thế là một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng diễn ra. Trong đó có một đoạn Galeano nói về “trí thức” như sau:
Những kẻ “trí thức” làm bể dái của tôi. Tôi không muốn được gọi là “trí thức”. Khi họ gọi tôi là một người “trí thức kiệt xuất”, tôi nói: Không! Tôi không phải là “trí thức”. Những kẻ “trí thức” là những kẻ tách rời cái đầu khỏi thân thể. Tôi không muốn làm một cái đầu lăn lóc trên nền đất. Tôi là một con người! Tôi là một con người có một cái đầu, một thân thể, một bộ phận sinh dục, một cái bụng, tất cả. Chứ không phải là một kẻ “trí thức”. “Trí thức” có những tính cách rất ghê gớm! Tôi đã nói rồi, hãy cẩn thận với những kẻ chỉ dùng óc não. Hãy cẩn thận! Bạn phải dùng óc não đồng thời với cảm xúc. Và khi óc não bị tách rời ra khỏi con tim, thì hãy coi chừng một điều gì đáng sợ sắp xảy ra, bởi vì những kẻ đó có thể đưa chúng ta đến sự tận diệt của nhân loại trên hành tinh này. Không, tôi không tin vào óc não đơn thuần. Tôi tin vào sự kết hợp tương phản nhưng cần thiết giữa những gì ta cảm nhận và những gì ta suy nghĩ. Khi thấy một kẻ nào đó có vẻ như chỉ biểu lộ cảm xúc, tôi nghĩ “Anh chàng này mềm yếu”, và khi tôi thấy một kẻ nào đó chỉ suy nghĩ mà không có cảm xúc, tôi nghĩ “Khủng khiếp thật!” Đây là một kẻ “trí thức”, một thứ đáng sợ! Một cái đầu lăn lóc! Tôi không muốn làm một cái đầu lăn lóc. […] Cái mà tôi thích là sự kết hợp giữa cái đầu và gân bắp. Kết hợp tất cả con người của mình. Mọi thứ, không thiếu thứ nào cả — không thiếu cái bụng, không thiếu bộ phận sinh dục, không thiếu cái đầu biết suy nghĩ nhưng suy nghĩ với sự cẩn trọng. Cái đầu mà chỉ biết suy nghĩ cho riêng nó thì quá nguy hiểm.
[Bấm vào hình này để xem trọn vẹn cuộc phỏng vấn Eduardo Galeano:]
*
Eduardo Galeano nói thật chí lý: “Cái đầu mà chỉ biết suy nghĩ cho riêng nó thì quá nguy hiểm.”
Khi những kẻ “trí thức” chỉ biết dùng cái đầu của mình để suy nghĩ cho riêng cái sự nghiệp của mình, cái danh lợi của mình, thì quả là nguy hiểm chết người, vì anh ta có thể sẵn sàng thoả hiệp, ủng hộ cho một chế độ độc tài bạo ngược, nếu chế độ ấy làm cho anh ta thoả mãn những nhu cầu bản thân về sự nghiệp và danh lợi.
Cách đây hai năm, tôi có đọc một bài viết rất hay của Thomas Sowell, “Intellectuals and Society” [Trí thức và Xã hội]. (Tôi đã dịch được nửa bài ấy, rồi bận bịu quá nên tạm ngưng, rồi quên bẵng đi, hôm nay mới chợt nhớ lại và vừa tìm lại được. Chắc là tôi sẽ ráng tiếp tục dịch cho xong.) Trong bài viết của Thomas Sowell có đoạn:
Hiếm khi một tên độc tài chuyên giết người hàng loạt của thế kỷ 20 mà không có những kẻ ủng hộ cho hắn, những kẻ ngưỡng mộ hắn, hay những kẻ bào chữa cho hắn trong đám trí thức hàng đầu. (Scarcely a mass-murdering dictator of the 20th century was without his supporters, admirers, or apologists among the leading intellectuals.)
Sydney, 31.01.2012
————————————
Mời độc giả đọc thêm:
— “Dân chủ và quyền lực” (bài nói chuyện của Václav Havel tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia, Canberra, ngày 29 tháng Ba năm 1995, nhân lần đầu tiên ông viếng thăm nước Úc), và hai bài thơ “Trào phúng xây dựng” và “Sùng bái cá nhân” của Václav Havel.
— Những tác phẩm của Eduardo Galeano đã đăng trên Tiền Vệ.
------------------
Bài liên quan:
29.01.2012
[TRÍ THỨC] ... Ngày nay, để củng cố chế độ độc tài Đảng trị, những “ông chủ” của bầy cừu, một mặt ra sức “đúc” thêm những loại “bánh vẽ” mới..., mặt khác, tìm cách “cấy gien” tạo ra một “giống cừu” mới: “giống cừu cao cấp”!... (...)
[TRÍ THỨC] ... Nếu một người “văn võ song toàn” như Vân Tiên mà “kiến nghĩa bất vi” thì dù sau này anh ta có đỗ trạng nguyên cũng chỉ là một phường giá áo túi cơm mà thôi. Nếu như lúc ấy Vân Tiên thấy Nguyệt Nga “lâm nguy” mà anh ta lại “bất cứu” thì sau này gặp lại Nguyệt Nga cũng bị nàng nhổ vào mặt cho dù Vân Tiên có đỗ tiến sĩ và làm quan lớn... (...)
27.01.2012
[TRÍ THỨC] ... Nhưng, trên hết, người ta xem bà là một nhà trí thức, do một phẩm chất rất quan trọng: uy vũ bất năng khuất! Không có cường lực bạo ác nào có thể khuất phục nổi một một người nữ trí thức trông dáng vẻ bề ngoài mảnh mai yếu ớt. Chính là bà Aung San Suu Kyi... (...)
26.01.2012
... Phải nói thẳng một cách sòng phẳng như thế này. Trong lịch sử nhân loại chưa có một chế độ độc tài nào lại tôn trọng trí thức. Độc tài và trí thức không khác gì lửa và nước. Tần Thủy Hoàng từng ra lệnh đốt Kinh Thi và Kinh Thư, chôn sống hơn 460 Nho sĩ. Sa Hoàng Nikolai Đệ Nhị từng căm ghét trí thức đến nỗi muốn loại bỏ từ “trí thức” khỏi từ vựng của tiếng Nga: “Trí thức là một từ ghê tởm,” ông ta nói. Nhà độc tài kế tiếp ông, lãnh tụ cộng sản Lenin còn tiến một bước xa hơn khi đã không ngần ngại sử dụng một trong những từ thiếu sạch sẽ nhất để gán cho trí thức: Lenin gọi trí thức là cứt ... (...)
23.01.2012
... Ông Chu Hảo là mẫu mực của một người đối lập trung thành... Nhưng ông Chu Hảo là người lạc quan. Lạc quan vô tận. Tạp chí Xây dựng Đảng Xuân Nhâm Thìn này có bài “Tết đến rồi…!” của ông. Cứ từ từ, “tất cả mọi sự tốt đẹp bao giờ cũng ở phía trước”, như ông tuyên bố... (...)
14.02.2000
... Chúng ta hay ưu tư về chính trị. Điều này rất cần thiết. Nhưng nếu đa số chúng ta không tự xây dựng bản thân thành những người trí thức đúng nghĩa -- một lực lượng vững mạnh của những người thực sự nỗ lực phê phán và cải tạo văn hoá -- thì sự thay đổi chính trị, nếu có xảy ra, cũng chỉ xảy ra ngoài vỏ, mà trong đó óc phong kiến chuyên chế vẫn còn nguyên vẹn, và tinh thần nô bộc vẫn còn nguyên vẹn. (...)
.
.
.
No comments:
Post a Comment