Friday, January 27, 2012

VẤN ĐỀ TRÍ THỨC & PHẢN TRÍ THỨC - Phần 2/3 (Hoàng Ngọc Tuấn)



14.02.2000

III. Thái độ phản hàn lâm và luận chiến phản lý thuyết

Như chúng ta đã thấy, tính cách trí thức nhất thiết phải gắn liền với những ý tưởng mới. Những ý tưởng mới là động lực tiên khởi cho những lý thuyết mới. Để những lý thuyết mới tương đối đứng vững, bao giờ nhà lý thuyết cũng xây dựng chúng trên những công trình nghiên cứu mang tính hàn lâm. Trong thời đại hôm nay, trước khối lượng cực kỳ phong phú của những tri thức liên ngành (inter-disciplinary), những công trình nghiên cứu mang tính hàn lâm càng ngày càng trở nên phức tạp và vi tế, và đòi hỏi người nghiên cứu phải có một đầu óc lý luận được rèn luyện đúng mức. Sách vở mang tính hàn lâm đương đại, do đó, không phải dễ đọc và lĩnh hội. Và bởi vì thế, chúng rất dễ gây nên sự thù ghét nơi những người đọc có bản chất phản trí thức.

Trên khắp thế giới, ở quốc gia nào, dù tiên tiến nhất, cũng có loại người dị ứng trước sự phức tạp của sách vở hàn lâm. Họ không đủ kiên nhẫn vượt qua những luận văn dày đặc những luận chứng đối chiếu với vô số trích dẫn, vô số thuật ngữ chuyên ngành, và mang cấu trúc lý luận phức tạp. Họ đòi hỏi một cách ngớ ngẩn rằng những luận văn hàn lâm phải có sự thoáng gọn của những cuốn cẩm nang phổ thông, với ngôn ngữ thường đàm, và mang cấu trúc lý luận đơn giản. Họ yêu thích loại sách "khoa học phổ thông", và thù ghét loại sách khoa học hàn lâm. Họ yêu thích những bài điểm sách đơn giản, và thù ghét những luận văn phê bình mang tính hàn lâm.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhà phát hành Seminary Co-op sau khi cho ra đời cuốn The Last Dinosaur Book: The Life and Times of A Cultural Icon (Chicago: University of Chicago Press, 1998), giáo sư W.J.T. Mitchell phát biểu (đoạn này rất thú vị, tôi xin trích hơi dài):

Tôi chỉ có thể phỏng đoán rằng thái độ thù hằn đối với việc nghiên cứu hàn lâm về văn hoá, đối với chính cái ý tưởng muốn diễn dịch những biểu tượng văn hoá đại chúng, có gốc rễ sâu xa hơn là tôi đã tưởng tượng [...] Bạn sẽ thấy thoải mái hơn nếu bạn đến với một trí óc mở rộng về tri thức hàn lâm... [...] Chắc chắn chúng ta sẽ làm được gì đó khá hơn là thái độ mị dân mang tính phản hàn lâm và phản trí thức đang trở thành lối ăn nói phổ cập trong công chúng hôm nay. Cụ thể là cái trò thời thượng của việc đánh phá các giáo sư nhân văn, đặc biệt là những học giả về văn chương, là "khó hiểu" và "xài nhiều thuật ngữ chuyên ngành", đã đến hồi quá trớn. Mặc dù tôi cố gắng viết theo một cung cách để người không chuyên có thể tiếp cận được, tôi nhận ra rằng không phải cách viết đó lúc nào cũng áp dụng được, lúc nào cũng thích hợp, hay lúc nào cũng cần thiết. Một vài ý tưởng -- đặc biệt là những ý tưởng mới -- chỉ có thể được diễn đạt bằng những từ ngữ khó khăn và mang tính kỹ thuật mà người ta phải mất nhiều thì giờ mới lĩnh hội được [...] Những nhà nhân văn học cũng có quyền tương đương với những nhà khoa học tự nhiên trong việc diễn tả những vấn đề khó hiểu -- đó là lúc sự khó hiểu là điều thiết yếu, thích hợp, và không thể tránh được. Cái giá phải trả cho sự khó hiểu là tác giả sẽ chỉ được đọc bởi các độc giả chuyên ngành, những người có khả năng phân biệt được cái khó hiểu nhảm nhí và cái khó hiểu thích đáng. Sự khó hiểu này không lẽ lại tệ hại hơn là thái độ mửa ra thứ ngôn từ nhảm nhí đầy thù hằn kiểu thời thượng để làm thoả mãn một cách hèn hạ những thành kiến phản hàn lâm và phản trí thức của người đọc phổ thông?[28]

Còn một điểm nữa, nhưng có lẽ nó quá hiển nhiên nên W.J.T. Mitchell không bàn đến. Dẫu sao, tôi nghĩ chúng ta cũng nên nhắc lại ở đây. Đó là: không những chỉ biểu lộ thái độ thù hằn trước sự "khó hiểu" và "xài nhiều thuật ngữ chuyên ngành" của những luận văn hàn lâm, nhiều độc giả (và thậm chí, nhiều người cầm bút) còn tỏ vẻ thù hằn cả đối với những tiểu luận sử dụng nhiều trích dẫn, và ngay cả đối với việc chú giải thực rõ ràng và chi tiết đối với các trích dẫn. Họ thường cho rằng những tiểu luận như thế là "phô trương kiến thức". Họ muốn rằng tác giả nên "tiêu hoá" hết những kiến thức đã đọc được, và khi viết chỉ cần trình bày thẳng những ý nghĩ của mình ra. Tuy nhiên, trong sinh hoạt trí thức, đó lại là điều không nên làm, vì những lẽ sau đây:

Thứ nhất, sự lương thiện trí thức đòi hỏi người viết phải thành thực công bố về xuất xứ của những nguồn ý tưởng mình đã thu hoạch, do đó, việc chú giải là điều bắt buộc. Việc trình bày những kiến thức đã được "tiêu hoá" mà không cần chú giải quá chi tiết về xuất xứ chỉ có thể áp dụng được trong trường hợp những kiến thức đó đã trở thành quá phổ thông; nhưng ngay cả trong trường hợp này, người viết cũng phải nhắc đến tên của tác giả của ý tưởng mà mình vay mượn.

Thứ hai, đối với những bài viết đòi hỏi sự so sánh, đối chiếu và tổng hợp nhiều luận điểm, việc trích dẫn là điều cần thiết. Ngoài yêu cầu lương thiện trí thức, việc chú giải hết sức rõ ràng vừa giúp cho độc giả biết được nguồn tra cứu để tiếp tục tra vấn, vừa giúp độc giả có điều kiện kiểm soát lại sự chính xác của xuất xứ các tài liệu.

Thứ ba, môi trường nghiên cứu hàn lâm là môi trường sinh hoạt về kiến thức, do đó, việc trình bày và diễn dịch các luận điểm phức tạp là điều bình thường. Nhóm chữ "phô trương kiến thức" chỉ nên được dùng cho những bài viết mang nhiều trích dẫn vô dụng và được đem ra theo kiểu bày hàng thiếu hệ thống.

Thứ tư, những người có "khuynh hướng muốn biết" sẽ thích thú khi đọc một bài viết giàu có về kiến thức; chỉ những người không có "khuynh hướng muốn biết" mới cảm thấy sợ hãi hay khó chịu về điều đó.

Trên kia, chúng ta đã thấy nguyên nhân khiến những nhà lãnh đạo các hệ thống quyền lực bảo thủ luôn luôn úy kị những lý thuyết mới: họ sợ bị phê phán và mất giá trị. Ở đây, chúng ta lại thấy thêm rằng tại sao nhiều người trong quần chúng cũng biểu lộ sự thù ghét đối với những lý thuyết mới: họ bị dị ứng trước sự phức tạp mang tính hàn lâm. Điều buồn cười là những người này thường tưởng rằng thái độ thù ghét lý thuyết -- một thái độ mang tính phản hàn lâm và phản trí thức -- của họ là đồng nghĩa với thái độ luận chiến phản lý thuyết (antitheoretical polemic) của những chuyên gia về lý thuyết. Thực ra, hai thái độ này hoàn toàn khác nhau về bản chất.

Thái độ luận chiến phản lý thuyết là một thái độ mang tính biện chứng trong phạm vi hành ngôn lý thuyết (theoretical discourse) nhằm thách đố những giới hạn của lý thuyết. Trong phần giới thiệu tuyển tập luận văn The Limits of Theory (1989), Thomas M. Kavanagh viết:

Chữ "giới hạn" được dùng ở đây trong ý nghĩa toán học của nó. Nó vạch một ranh giới mà qua khỏi đó thì một sự thay đổi xảy ra, một đường biên mà qua khỏi đó thì một điều này trở thành một điều khác. Nói cách khác, nhan đề Những Giới Hạn của Lý Thuyết nhất thiết không được đọc như là sự chiếm giữ một vị trí chống lý thuyết, hoặc như là sự dẹp bỏ tức khắc vai trò của lý thuyết. Đối với một số nhà phê bình nào đó, sự lựa chọn này có vẻ hấp dẫn, nhưng nó là một ảo ảnh của kẻ thích tranh cãi. Thực ra, không sự phán đoán nào về văn học hay về bất cứ một sự kiện văn hoá nào khác lại có thể ngự trị bên ngoài một lý thuyết tiềm ẩn tối thiểu mà lý thuyết này vừa duy trì vừa định hình cho sự hành ngôn mang tính phê bình của nó. Murray Krieger đã đặt sự bất khả của hiện hữu của chúng ta, một cách thật nghiêm trọng, đối nghịch với lý thuyết rất khéo léo: "Sự chọn lựa của chúng ta không phải là giữa việc có một lý thuyết hay không có một lý thuyết; bởi vì chúng ta phải có một lý thuyết (hay hai hay ba hay nhiều lý thuyết bất thích nghi khác). Sự chọn lựa của chúng ta tốt hơn nên là giữa việc có một nhận thức về những vấn đề mang tính lý thuyết mà sự phê bình của chúng ta không thể tránh khỏi phải nêu lên hay việc gạt bỏ một nhận thức như vậy." Cùng một cách lý luận như vậy, W.J.T. Mitchell chỉ ra rằng ủng hộ một vị trí chống lý thuyết là thực hiện một cử chỉ không thể thiếu được trong hành ngôn của lý thuyết: "Luận chiến phản lý thuyết là một trong những thể loại mang tính đặc trưng của hành ngôn lý thuyết ... một động thái (moment) mang tính biện chứng không thể tránh khỏi xảy ra trong phạm vi hành ngôn lý thuyết, một động thái khi xu hướng mang tính xây dựng, tích cực của lý thuyết làm phát ra sự phủ nhận của chính nó.[29]

Chúng ta có thể thấy, trong đoạn văn trên, Thomas M. Kavanagh trích nhận định của W.J.T. Mitchell để nhấn mạnh rằng lý thuyết là cái có một "discourse", còn phản lý thuyết chỉ là một thái độ "polemic", và chỉ là một trong những thể loại mang tính đặc trưng của "theoretical discourse". (Một cách hết sức tóm tắt, thô thiển, và tất nhiên rất thiếu sót, chúng ta có thể hiểu rằng "discourse" là một phạm vi hành ngôn đặc thù mang tính lịch sử và tính chức năng của một hoạt động chuyên biệt mà hoạt động này hiện hữu trong môi trường ngôn ngữ. Ví dụ: hành ngôn thi ca, hành ngôn tiểu thuyết, hành ngôn lý thuyết, v.v...). Chúng ta cũng thấy W.J.T. Mitchell nhấn mạnh xu hướng mang tính xây dựng và tính tích cực của lý thuyết, và vạch rõ rằng chính xu hướng này, trong một động thái mang tính biện chứng, đã làm phát ra thái độ luận chiến phản lý thuyết -- một thái độ tự nó mang tính lý thuyết. Ở đây, tôi cũng muốn nói thêm về ý nghĩa của nhóm chữ "một động thái (moment) mang tính biện chứng không thể tránh khỏi" ("an inevitable dialectical moment"). Dùng nhóm chữ này, W.J.T. Mitchell muốn khẳng định rằng, trong phạm vi "theoretical discourse", một lý thuyết là chính đề (thesis), và ở khoảnh khắc mà lý thuyết ấy đã đi đến "giới hạn" của nó, thì cái "antitheoretical polemic" nẩy sinh ra từ chính nó như một phản đề (antithesis), đối lập với chính đề, nhằm dẫn đến một hợp đề (synthesis), và hợp đề này vẫn nằm trong phạm vi "theoretical discourse" dưới dạng một lý thuyết mới. Chính vì thế, Thomas M. Kavanagh nhận định rằng con người không thể thoát khỏi lý thuyết, và rằng sự chiếm giữ một vị trí chống lý thuyết, hay ý muốn dẹp bỏ tức khắc vai trò của lý thuyết, chỉ là một ảo ảnh của kẻ thích tranh cãi. Thực vậy, bất cứ một ý tưởng nào được phát biểu rành mạch cũng chứa đựng trong nó mầm mống của một lý thuyết mới hay là bản sao của một lý thuyết sẵn có.

Nguyên gốc câu văn trên của W.J.T. Mitchell nằm trong lời giới thiệu của cuốn Against Theory (1985), một tuyển tập luận văn nổi tiếng về hành ngôn lý thuyết và luận chiến phản lý thuyết. Ngay từ những câu đầu tiên của lời giới thiệu, W.J.T. Mitchell đã viết:

Tuyển tập luận văn này có thể được đặt nhan đề A Defense of Theory (Một sự bảo vệ cho lý thuyết) hoặc nhan đề Against Theory (Chống lại lý thuyết) cũng thế. Hầu hết những người góp bài đều bảo vệ cho một dạng thức nào đó của lý thuyết văn học, hoặc như là một mô thức thực hành phê bình, hoặc như là một khối ý tưởng đứng bên ngoài việc thực hành phê bình và cung ứng cho nó những nguyên tắc căn bản, những phương pháp căn bản, và những vấn đề căn bản mang tính truy tầm. Lý do của nhan đề khả dĩ gây hiểu lầm này là rằng tất cả những tiểu luận ở đây đều được viết để đáp ứng với tiểu luận "Against Theory" của Steven Knapp và Walter Benn Michael, xuất bản lần đầu trên tập san Critical Inquiry vào mùa hè 1982.[30]

Như thế, nói cho cùng, luận chiến phản lý thuyết làm hành ngôn lý thuyết trở nên phong phú và sâu sắc, và là một trong những động lực thúc đẩy ý thức phê bình đối với lý thuyết. Luận chiến phản lý thuyết có tác dụng tạo nên những khoảng cách mang tính hoài nghi và tra vấn cần thiết trong tư duy của người trí thức. Trái lại, thái độ thù ghét lý thuyết vì dị ứng trước sự phức tạp mang tính hàn lâm là thái độ phản hàn lâm và phản trí thức.

IV. Trí thức / phản trí thức: những đặc tính tương phản chủ yếu

Bàn về những đặc tính của khái niệm người trí thức, nhất thiết chúng ta liên tưởng đến vế đối lập của khái niệm này. Tuy nhiên, trước khi nói đến vế đối lập, chúng ta cần tóm lược những đặc tính chủ yếu của người trí thức.
Người trí thức hiển nhiên cần có vốn tri thức sâu và/hoặc rộng chừng nào tốt chừng ấy, vì vốn ấy cho y điều kiện căn bản để hoạt động. Vốn tri thức này có thể một phần nào được thu hoạch từ học đường, nhưng đa phần được thu hoạch từ công tác truy tầm liên tục những nguồn tri kiến của nhân loại. Tuy nhiên, vốn tri thức này chỉ là điều kiện cần thiết, nhưng chưa đủ để tạo nên người trí thức. Y phải là một con người của ý tưởng, luôn luôn chiến đấu với những ý tưởng sẵn có, và tạo ra ý tưởng mới. Y phải là một người biết giữ một khoảng cách cần thiết giữa bản thân y và những hệ thống quyền lực và lợi nhuận, đồng thời y cũng cần phải giữ một khoảng cách giữa bản thân y và chính những ý tưởng của y. Khoảng cách ấy khiến y không hoàn toàn bị kẹt dính vào một ý thức hệ nào, mà trái lại, có cơ hội đứng trên lằn ranh và đi xuyên qua các ý thức hệ tương phản nhau. Trong điều kiện này, y không tin tưởng rằng có một chân lý nào mang tính tuyệt đối và vĩnh cửu, mà chỉ có những sự thật tương đối và tạm thời. Y luôn luôn giữ một khoảng cách trong tư duy, vì y là con người của những ý tưởng độc lập. Là con người của những ý tưởng độc lập, y yêu chuộng sự tự do. Để chiêm nghiệm những ý tưởng cũ và xây dựng những ý tưởng mới, y thường sử dụng các chức năng của lý tính. Y sống với lý luận, ham thích lý luận, và nhạy bén đối với các ưu và khuyết điểm của những cơ sở lý luận. Y hăng hái đương đầu với những ý niệm phức tạp và trừu tượng. Bởi có "khuynh hướng muốn biết", y thích sự phân tích, thích đào xới những gì khuất lấp, thích tra vấn vào những khía cạnh tế vi của những gì nhìn chung có vẻ rất hiển nhiên. Là người theo đuổi những ý tưởng mới, y yêu thích sự sáng tạo, đồng thời, y yêu thích sự phê bình và chấp nhận sự phê bình. Vì giữ được khoảng cách trong tư duy, y độc lập trước những truyền thống, và thừa nhận hay phủ định các giá trị của chúng một cách khách quan. Y không dừng lại ở những giá trị sẵn có, mà tra vấn về chúng, phê phán chúng, và nỗ lực phát kiến những giả thuyết mới nhằm tạo điều kiện làm nẩy sinh những giá trị mới, hay nhằm xây dựng một cách thế quan sát mới để tái xét những giá trị sẵn có. Như thế, y không chuộng sự an vị, an tâm, mà chuộng một tư thế năng động thích hợp với sự chuyển động không ngừng của thế giới.

Mẫu người ngược lại là mẫu người có thể có hoặc không có một vốn tri thức. Nếu không có, y không phải thao thức với hạn chế của bản thân. Nếu có, y thường lấy làm tự thoả mãn, vì xem việc thủ đắc vốn tri thức sẵn có từ học đường hay sách vở là mục đích tối hậu. Y hãnh diện làm một cuốn "tự điển sống", và không cần lưu tâm đến tác dụng của cuốn "tự điển sống" ấy. Tuy nhiên, vốn tri thức của mẫu người này thường chỉ là những mảnh ý tưởng rời rạc, thiếu hệ thống, và nông cạn. Đó không phải là vốn tri thức của con người truy tầm, mà là của con người góp nhặt. Y không cần hoặc không muốn giữ một khoảng cách cần thiết giữa bản thân y và những hệ thống quyền lực và lợi nhuận, đồng thời y cũng không cần hoặc không muốn giữ một khoảng cách giữa bản thân y và chính những ý tưởng của y. Do đó, y vô tình hay cố ý để bản thân kẹt dính vào một ý thức hệ nào đó. Bị hay được kẹt dính như thế, y sẵn sàng tin tưởng vào một chân lý mang tính tuyệt đối và vĩnh cửu. Trong thế kẹt dính đó, một cách tự động, y xem con người của những ý thức hệ đối lập là kẻ thù cần bị tiêu diệt. Y không cần hoặc không có những ý tưởng độc lập. Vì không cần hoặc không có những ý tưởng độc lập, y hoang mang hay sợ hãi trước sự tự do, và thích được hoạt động trong một phạm vi có giới hạn và có vẻ an toàn. Vì không có khuynh hướng chiêm nghiệm những ý tưởng cũ và xây dựng những ý tưởng mới, y thường sử dụng các chức năng của cảm tính. Y không thích lý luận, không quan tâm và không nhạy bén đối với các ưu và khuyết điểm của những cơ sở lý luận. Trái lại, y thích các giáo điều, các "kinh điển". Dù là tín đồ của một ý thức hệ, y không thấy có nhu cầu phải nghiên cứu tường tận về cơ sở lý thuyết và bản chất của ý thức hệ ấy. Y thích sự tin tưởng hơn sự nhận thức. Y thích ban mệnh lệnh và nghe mệnh lệnh. Y thích các khẩu hiệu đơn giản, và tin rằng chúng có những giá trị mang tính chân lý, mặc dù chính y cũng có thể đã nhìn thấy những khẩu hiệu ấy luôn thay đổi nhanh chóng theo những chính sách tạm bợ của một hệ thống quyền lực nhất định nào đó; hoặc nếu y là một thành viên của hệ thống quyền lực ấy, y đứng ra thay đổi các khẩu hiệu ấy, và luôn luôn thấy chúng hợp lý và nhất quán với ý thức hệ cơ sở. Y tin rằng các vấn đề của cuộc sống có thể được giải quyết bằng những mệnh lệnh, khẩu hiệu và giáo điều xuất phát từ một hệ thống quyền lực nhất định, và vì thế, y luôn luôn bày tỏ hoặc muốn nhìn thấy quần chúng bày tỏ sự hoan hỉ hưởng ứng và nhiệt tình thi hành theo những mệnh lệnh, khẩu hiệu và giáo điều. Y không thích đương đầu với những ý niệm phức tạp và trừu tượng, mà chuộng sự đơn giản và cụ thể. Bởi không có "khuynh hướng muốn biết", y không thích sự phân tích, không thích đào xới những gì khuất lấp, và dễ chấp nhận những gì có vẻ rất hiển nhiên. Không phải là người theo đuổi những ý tưởng mới, y không yêu thích sự sáng tạo, và dị ứng trước những gì mới. Y sợ hay thù ghét sự phê bình và không chấp nhận bị phê bình. Trái lại, y thích chìu chuộng và thích được chìu chuộng. Vì không có khoảng cách trong tư duy, y bám chặt vào những truyn thng, và hoàn toàn tha nhn các giá tr ca chúng mt cách th động. Y ch dng li nhng giá tr sn có, không thích hoc không dám tra vn v chúng. Y không thích hay không dám đưa ra những giả thuyết, và không đủ kiên nhẫn hoặc không thích mất thì giờ với những lý thuyết. Y yêu chuộng sự thực hành theo những hướng dẫn đơn giản và cụ thể trong các cẩm nang, các sách kim chỉ nam. Như thế, y chuộng sự an vị, an tâm, và lo sợ trước sự chuyển động không ngừng của thế giới.

Tất nhiên, sự phân biệt này chỉ nhằm mô tả một cách rạch ròi một mẫu người rất trí thức và một mẫu người rất phản trí thức. Trong đời sống thực tế hàng ngày, ở những mức độ khác nhau, con người có thể thiên về mẫu thứ nhất, hay thiên về mẫu thứ hai. Những nhân vật có khả năng tạo nên những cuộc chuyển mình to lớn và tốt đẹp trong các phương diện hoạt động của nhân loại là những người thiên về mẫu thứ nhất ở mức độ tuyệt cao.

Một điều cần nhấn mạnh là: trí thức hay phản trí thức không phải là những đặc tính cố định của một con người. Một kẻ từng là người trí thức có thể dễ dàng biến thành người phản trí thức, nếu y không còn giữ được cái khoảng cách cần thiết trong tư duy. Ngược lại, tuy là khó khăn, một người vốn là kẻ phản trí thức có thể trở thành một người trí thức nếu y nỗ lực nâng cao bản thân, vượt qua những hạn chế trong ý thức, mở rộng và đào sâu vốn hiểu biết, và thiết lập được một khoảng cách cần thiết trong tư duy.

Một điều khác cũng cần được nhấn mạnh là: người trí thức không nhất thiết lúc nào cũng giữ vai trò đối lập với quyền lực. Y cũng có thể là người nắm quyền lực, nhưng điều đặc biệt là ở chỗ y luôn luôn tỉnh táo và giữ được một khoảng cách cần thiết giữa tư duy và hành động. Khoảng cách này mang tính tự phê phán; và đến chừng nào tính tự phê phán còn vận động, chừng đó y vẫn còn là một người trí thức. Thomas Jefferson (1743-1826), vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, là một người trí thức đúng nghĩa. Ông là người trí thức đúng nghĩa không chỉ vì ông biết chơi vĩ cầm, biết nói và viết sáu ngoại ngữ, cải tiến chiếc cày và các phương pháp canh tác, thiết kế kiến trúc Viện Đại Học Virginia, cải soạn Tân Ước theo ý mình, bảo trợ các công trình khoa học, thực hiện những cuộc thám du khảo cổ học chính quy đầu tiên của Hoa Kỳ, truy tầm nhân chủng học về người da đen và da đỏ, nghiên cứu thời tiết học, không ngừng tiếp xúc với giới khoa học gia ngay cả khi đã là Tổng Thống, và là tác giả chính yếu của bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Ông là người trí thức đúng nghĩa vì, trên tất cả những điều đó, ông đã không bao giờ để bản thân chìm đắm vào quyền lực, và luôn luôn nhìn thấy những giới hạn của những giá trị. Là một triết gia cấp tiến trong một tổng thống, ông nói:

Một thế hệ này không thể bắt buộc một thế hệ khác tiếp nối nhãn quan của nó về những vấn đề nhân bản.[31]

Vacláv Havel (1936-), tổng thống Tiệp Khắc hiện nay, cũng là một nhà trí thức đúng nghĩa. Ông là người trí thức đúng nghĩa không chỉ vì ông là kịch tác gia lừng danh nhất Tiệp Khắc, cũng không chỉ vì suốt đời ông chống đối chế độ độc tài và bị bỏ tù liên tục. Ông là người trí thức đúng nghĩa vì, cho đến hôm nay, ở cương vị một Tổng Thống ông vẫn tiếp tục tư duy như một nhà phê bình văn hoá, một người giữ được cái khoảng cách cần thiết giữa tư duy cá nhân và truyền thống dân tộc. Ông nhận thấy lòng tự hào dân tộc là một lực kềm hãm sự tiến bộ của đất nước và ngăn cản tiến trình hoà bình của nhân loại; và ông can đảm nói lên điều đó:

Tôi là một người Tiệp Khắc. Đây không phải là sự chọn lựa của tôi, mà là số phận. ... Đây là tiếng nói của tôi, đây là nhà của tôi. Tôi sống ở đây như mọi người. Tôi không cảm thấy mình là một người ái quốc, bởi vì tôi không cảm thấy rằng làm người Tiệp Khắc là điều gì đó hơn là làm người Pháp, hay Anh, hay Âu châu, hay là người của bất cứ dân tộc nào khác. ... Tôi cố gắng làm một điều gì đó cho đất nước của tôi vì tôi sống ở đây.[32]

Trong giới cầm nắm quyền lực, những khuôn mặt trí thức như thế vô cùng hiếm hoi, ngược lại, loại người phản trí thức vô cùng phổ biến. Do đó, những khuôn mặt trí thức thường xuất hiện bên ngoài các hệ thống quyền lực và lợi nhuận.

Người trí thức (dù là một nhà khoa học, một nghệ sĩ, hay một triết gia) là người mà tác phẩm của y biểu lộ những ý tưởng mới mang đầy tính sáng tạo. Một tác phẩm đầy tính sáng tạo bao giờ cũng đồng thời mang đầy tính phê phán. Những ý tưởng mới mang đầy tính sáng tạo ra đời bao giờ cũng mang ngụ ý rằng những ý tưởng sẵn có đã mất một phần hay tất cả giá trị. Do đó, chúng là những sự thách thức đối với cảm thức mang quán tính của con người đương thời. Trái lại, những tác phẩm thiếu tính sáng tạo là những tác phẩm mang đầy tính thoả hiệp và nhượng bộ. Chúng là sự tái khẳng định, là bản sao của những giá trị sẵn có. Do đó, chúng thường được con người đương thời yêu mến, và được các hệ thống quyền lực và lợi nhuận ban thưởng. Nói ngắn gọn, chúng là tác phẩm của những người phản trí thức. Loại người này, dù họ có đóng vai những nhà phê bình, họ vẫn được yêu mến và ban thưởng, vì họ không phê phán những giá trị đã rã mục, mà ngược lại, họ đứng trên những giá trị ấy để phê phán và chống lại những giá trị mới. Thực ra, họ không phải là những nhà phê bình, mà là những giám thị văn hoá, hay tệ hơn, họ là "những con chó canh cửa hay chó bảo vệ" (theo chữ dùng của Harry Harootunian) cho những huyền thoại đã kiệt quệ.

Ngược lại, những nhà phê bình đúng nghĩa -- những kẻ sống với thiên chức của người trí thức và trực tiếp biểu hiện thiên chức ấy qua ngôn ngữ phê phán -- và không chỉ những nhà phê bình đúng nghĩa, mà bất cứ con người sáng tạo đích thực nào, cũng phải gánh chịu phản ứng bất mãn của đa số người đương thời. Sự sáng tạo lớn chừng nào, phản ứng bất mãn lớn chừng ấy.

Đó là cái giá mà người trí thức phải trả để thế giới được chuyển động không ngừng nghỉ. Để tạo được chuyển động ấy -- những chuyển động từ chiếc hang thời tiền sử đến đường bay liên hành tinh hôm nay -- cái giá ấy quá rẻ. Vâng, quá rẻ, nhưng trong những giai đoạn lịch sử nào đó, có những dân tộc đã lâm vào tình trạng khan hiếm cùng cực những con người dám trả cái giá ấy.

.
.
.

No comments: