Trần Tiến Dũng/Người Việt (thực hiện)
Sunday, January 29, 2012 6:02:43 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?z=1&a=143770&utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+NguoiVietOnline+%28NG%C6%AF%E1%BB%9CI+VI%E1%BB%86T+Online+%28www.nguoi-viet.com%29%29
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?z=1&a=143770&utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+NguoiVietOnline+%28NG%C6%AF%E1%BB%9CI+VI%E1%BB%86T+Online+%28www.nguoi-viet.com%29%29
LTS: Nhạc sĩ Tuấn Khanh, một trong số những văn nghệ sĩ và trí thức ở Việt Nam được nhiều người biết đến, đặc biệt là qua các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bá quyền ở Sài Gòn từ năm 2007 đến nay. Cuối năm Tân Mão và đầu năm Nhâm Thìn, ông đã dành cho nhà báo Trần Tiến Dũng, cộng tác viên của báo Người Việt, một cuộc trò chuyện về người Việt từ trong nước đến hải ngoại.
------------------------------------
- Trần Tiến Dũng: Theo nhạc sĩ thì sự kiện nào trong nước và của cộng đồng kiều bào hải ngoại đáng quan tâm nhất năm qua?
- Nhạc sĩ Tuấn Khanh: Năm Tân Mão vừa qua có thể thấy rõ là một hành trình đầy biến động của người dân Việt ở mọi nơi. Có quá nhiều thứ để nhìn lại, nhưng theo tôi nghĩ, đầu tiên, cái được, thứ nhất, là sự liên kết không gian ý thức Việt của dân tộc, dù sống ở nơi đâu, dù suy nghĩ gì... tất cả đã cùng đứng chung với nhau trước những biến cố lớn.
Ðể nói đến một sự kiện cụ thể, ở trong nước, tôi gọi ngay, đó là chuyện chưa bao giờ chấn động như vậy vào cuối năm qua, khi ông Ðoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, quyết chống lại cái ác, đem đời mình thành một ví dụ để đánh động, cứu rỗi bao nhiêu con người khác cùng hoàn cảnh.
Và dù là số phận ông Vươn có ra sao, tôi tin rằng cả người Việt trong nước và hải ngoại đều bị rung động trước khái niệm mà hành động của ông Vươn mang lại, đó là những đường dây thế lực tội ác trong hệ thống chính quyền đã bị vạch mặt với mọi chứng cứ của máu và sự uất hận.
Sự kiện với đồng bào hải ngoại, ảnh hưởng lớn đến tinh thần dân Việt trong nước, tôi tin đó chính là khi Trung Cộng điên cuồng tàn phá tài sản và sinh mạng của dân Việt trên biển Ðông, đã bất ngờ làm dậy lên một mối liên kết huynh đệ đồng bào, cảm động đến rơi nước mắt. Những cuộc tuần hành ở Hà Nội hay Saigon luôn được tiếp sức ở Cali, Paris, Tokyo... Bất luận trên tay họ là lá cờ - biểu trưng một xung đột tư duy chính trị chỉ còn tạm thời - thì trái tim và nỗi đau của người Việt là một.
Ra đi không có nghĩa là từ bỏ, ra đi chỉ là nối lại hành trình máu đỏ da vàng ở một góc nhìn khác. Những cộng đồng Việt Nam hải ngoại luôn thức, lắng nghe và góp sức mỗi khi trong nước có lời kêu gọi.
Những vụ án oan sai, khuất tất, những vụ giam giữ người thiếu minh bạch... cũng có sự chung sức phản ứng của người Việt khắp nơi.
Những cuộc giành giật lẽ phải của các nhóm nhỏ trí thức hải ngoại trong việc chứng minh với thế giới rằng đường lưỡi bò trên biển Ðông là phi lý, đã thành công và làm cho hàng trăm học giả ăn lương tuyên truyền của Trung Cộng phải xám mặt vì tức giận.
Không chỉ vậy, thiên tai, lũ lụt, giáo dục suy đồi, lạm thu... trong nước cũng được người Việt ở mọi nơi chia sẻ.
“Người Việt không đòi xương máu, người Việt kêu gọi yêu thương...”, chưa bao giờ lời bài hát Việt Nam-Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy lại đầy ý nghĩa như lúc này.
-Trần Tiến Dũng: Chúng ta đều biết trong năm 2011 thực trạng đất nước và dân tộc ngày càng chồng chất biến động và bức xúc, thế nhưng ít khi các nghệ sĩ nổi tiếng ở trong nước dám phát ngôn thẳng thắn chính kiến của mình. Theo nhạc sĩ thì tại sao?
-Nhạc sĩ Tuấn Khanh: Nghệ sĩ Việt Nam trong nước, sau năm 1975, phần lớn sống trong một môi trường tạm gọi là nuôi-thả. Tương tự như một người chủ vùng đầm hồ, nuôi bầy vịt trong đó là chỉ cho phép chúng sống, kiếm ăn, và loanh quanh trong đó để làm đẹp cho tài sản của mình, và dĩ nhiên, không thể để để bầy vịt đi xa hơn lằn ranh.
Nhiều năm dài như vậy, với sự yểm trợ đắc lực của chế độ kiểm duyệt ngày càng tệ hại, người nghệ sĩ buộc phải chịu an phận để có thể sống, sáng tác và mưu sinh trong sự e dè vì bất kỳ lúc nào họ có thể bị cướp đi quyền tối thiểu được loanh quanh của họ.
Ðể chọn việc nói ra điều mình nghĩ, không chấp nhận tư thế sống mà Giáo Sư Ngô Bảo Châu nói là “bầy cừu” hay Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi gọi là “đàn bò,” quả là một thách thức vì sau tuyên bố đó, sự mong manh của tồn tại của mỗi số phận là điều có thể thấy trước, biết trước.
Bất kỳ ai, dù dốt nát đến đâu, cũng có thể nhìn thấy chơi với Trung Cộng, được hướng dẫn bởi các sách lược của Trung Cộng thì chuyện ở Việt Nam hay Bắc Hàn, Cuba... trí thức bị xô ngã như trường hợp của Ngải Vị Vị là một điều không thể tránh khỏi.
Người ta gọi trí thức như vậy là hèn, nhưng một chế độ mà âm mưu biến trí thức thành hèn, thì đó cũng là một chế độ tệ hại.
Nhưng Việt Nam hôm nay, nghênh tiếp Xuân Nhân Thìn, là một Việt Nam đã nhiều đổi khác, trí thức đã mạnh dạn nói những điều mình cần nói, và tôi cũng tin rằng không ít quan chức cấp cao cũng đã lắng nghe và nhìn thấy, hành động theo phản ứng của nhân dân.
-Trần Tiến Dũng: Thời tiết Sài Gòn và Việt Nam những ngày cuối năm này rất bất thường. Liệu sự bất thường của thời tiết và của những biến động chính trị, xã hội văn hóa... của dân tộc trong năm qua sẽ dẫn đến điều gì trong năm tới. Nhạc sĩ có dự đoán gì cho năm con rồng 2012?
-Nhạc sĩ Tuấn Khanh: Cuộc sống và thái độ của người dân Việt Nam luôn mềm dẻo. Chính sự linh hoạt này mà người Việt đã có thể dung nạp, trường kỳ và vận động cho mọi đổi thay tốt đẹp hơn cho mình và đất nước mình.
Con rồng trong trí tưởng của người Việt là quyền lực, sự uyển chuyển và mô tả về một thời khắc đặc biệt của những điều kỳ lạ có thật. Hình tượng này cũng gần lắm với ước mơ của người Việt trong suốt vài thập niên nay muốn vươn mình trở thành một quốc gia tự do hùng cường. Sức mạnh tiềm ẩn của người Việt, từng được chứng minh rõ trong lịch sử, là luôn gắn liền và bộc phát với các giá trị tâm linh và có lẽ vì vậy, 2012 được coi là đích của mọi thích ứng nối kết tư tưởng và đời thật.
Người ta có thể nói dối với nhiều người, thậm chí nói dối với người thân của mình, nhưng không thể nói dối với chính mình. Tôi tin là không chỉ riêng tôi mà tất cả người dân Việt, ai cũng mong ước đất nước mình đổi thay trong hòa bình và công lý, tốt đẹp hơn cho hôm nay và cho đời sau. Trò chuyện với rất nhiều người, tôi luôn nhìn thấy cảm niệm này ở mọi câu nói, mọi ánh mắt và mọi thứ dường như đang có sự dịch chuyển chung, thành một dự đoán cho năm 2012.
-Trần Tiến Dũng: Hãy nói qua đôi chút về những sinh hoạt vỉa hè Sài Gòn mà nhạc sĩ trải qua. Theo nhạc sĩ thì liệu tình yêu và ý thức của giới văn nghệ vỉa hè Sài Gòn trong năm mới sẽ thăng hoa hay bị vùi dập?
-Nhạc sĩ Tuấn Khanh: Tôi tin là văn nghệ vẫn là một sức mạnh tuyệt đối, dù bị vùi dập như thế nào, vẫn là một thế giới bất khả xâm phạm của tư duy tự do, đặc biệt càng bị vùi dập càng ngát hương theo thời gian. Trần Dần, Lê Ðạt, Nguyễn Bính... trong Nhân Văn Giai Phẩm, dù có bị vùi dập bao nhiêu thì hôm nay, người ta vẫn bùi ngùi kính trọng cho những nhân cách và sĩ khí Việt, còn những kẻ vùi dập mãi mãi trơ trẽn như những tên hề lạnh lẽo.
Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác... qua đời một cách khó tả trong sử sách chính quy của sách vở, và đã từng có những giai đoạn bị coi là nhạy cảm khi bàn đến công khai. Nhưng hôm nay thì người ta đang nói đến, tìm hiểu, nghiên cứu và chạm đến các cánh cửa ngỏ của sự minh bạch.
Sự thật vẫn là sức mạnh của con người Việt, lịch sử Việt và các đời chính quyền đã qua trên đất nước. Và văn nghệ vỉa hè, có thể nhìn thấy đó là một góc độc đáo của sự thật.
Saigon là nơi duy nhất trong nước sản sinh ra dòng văn nghệ vỉa hè. Tức dòng văn nghệ tự do trong tư duy, bất hợp tác với mọi chế độ kiểm duyệt và gìn giữ một trào lưu sáng tác cảm khái, ngẫu hứng nhất của di sản văn hóa miền Nam đã từng và đang có. Dù muốn dù không, văn nghệ vỉa hè đã vào tự điển của lịch sử văn nghệ Việt Nam, với đầy đủ những cái tên, những khuynh hướng, những trào lưu, và đặc biệt hơn là nó vẫn tồn tại, dù nhà nước thích kiểm duyệt có muốn hay không.
Văn nghệ vỉa hè trước đây chỉ có thơ văn, nay thì đã đầy đủ từ hội họa cho đến âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật xếp đặt... sức sống của dòng vỉa hè và tự do thật đáng ngưỡng mộ.
Trước khi có Internet, người ta nhìn về văn nghệ vỉa hè bằng con mắt cảm mến nhưng thương hại, nhưng sau Internet, người ta nhìn thấy văn nghệ vỉa hè, đặc biệt ở Saigon, như một niềm tin về ý chí Việt, đôi khi có thể khuất, nhưng mãi mãi không bao giờ tắt, của sự tự do sáng tạo.
-Trần Tiến Dũng: Xin cám ơn nhạc sĩ Tuấn Khanh và chúc nhạc sĩ một năm mới an mạnh!
.
.
.
No comments:
Post a Comment