14.02.2000
I. Định nghĩa về người trí thức
Ai là người trí thức?
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường xuyên gặp những người tự nhận là "trí thức" hay được nhiều người xem là "trí thức". Phần lớn những người được xem là "trí thức" là những người nằm trong giới "lao động trí óc". Những người này thường được xã hội nể phục vì tầm hiểu biết sâu hoặc rộng, hoặc vừa sâu vừa rộng của họ. Thực vậy, điều hiển nhiên nhất để một người được xem là "trí thức" là sự hiểu biết của y. Ở châu Âu, các chữ "intellectual", "intellectuel", "intelectual", "intellettuale", "Intellektuelle", v.v..., đều xuất phát từ chữ "intellectualis" (tiếng La Tinh), và chữ này sinh ra từ chữ "intellectus" nghĩa là sự hiểu biết. Chữ "intellectualis" cũng thường được hiểu như có ý nghĩa tương đương với chữ "litterati" nghĩa là người giỏi chữ nghĩa, có học thuật. Trong Hán tự, chữ "trí" gồm chữ "nhật" (mặt trời, ban ngày)[1] chỉ nghĩa, cộng với chữ "tri" (biết) chỉ cả nghĩa và âm đọc. Trong chữ "tri" (biết) có chữ "khẩu" (cái miệng). Trong chữ "thức" (biết) lại có chữ "ngôn" (lời nói). Như thế, xét về ngữ nghĩa, người "trí thức" dường như là kẻ biết nhiều, biết rõ, thu nhận và truyền đạt sự hiểu biết qua phương tiện ngôn từ. Tuy nhiên, khi nói như vậy, chúng ta phải đương đầu với những câu hỏi: Phải chăng người "trí thức" chỉ là người chuyên học hỏi để biết rất sâu rộng những gì sẵn có, và ghi chép lại hay phát ngôn về những điều đó để những người khác được học hỏi? Hay y còn là người liên tục tạo ra những kiến thức mới? Và nếu thế, những kiến thức mới được tạo ra bằng cách nào?
Mới đây, trong bài diễn văn tại đại hội John Carroll Scholars, ở Georgetown University, Washington, D.C., ngày 19 tháng Giêng năm 1999, nhà trí thức Hoa Kỳ đương đại, Giáo Sư James V. Schall, nhận định:
Kiến thức đơn thuần sẽ không thể cứu được chúng ta, dù chúng ta cũng cần nó. Điều trọng yếu là "khuynh hướng muốn biết", đó là một điều không thể mua được hay vay mượn được.[2]
Như thế, người trí thức không chỉ là người chuyên học hỏi để biết rất sâu và rộng những gì "sẵn có", vì dù rằng sự hiểu biết đó cũng cần cho cuộc sống, nhưng sự hiểu biết đó khó có thể giúp con người đương đầu với những biến cố mới lạ đang và sẽ không ngừng xảy ra, hay giúp con người tiếp tục cải thiện cuộc sống. Học vấn sâu và rộng về những kiến thức "sẵn có" là điều kiện cần thiết, nhưng chưa đủ để làm nên một người trí thức. Người trí thức phải là kẻ có "khuynh hướng muốn biết", tức là khuynh hướng muốn nghiên cứu và giải thích những gì chưa từng biết, muốn tiếp tục đào xới những gì tưởng chừng đã kết thúc, muốn liên tục đặt câu hỏi về những gì tưởng chừng đã rốt ráo. Người trí thức phải là người luôn luôn sống với những dấu hỏi, những sự thắc mắc, những sự hoài nghi. Y luôn luôn có thái độ thách thức trước những giá trị tưởng chừng đã ổn định. Y luôn luôn đi tìm một giả thuyết khác cho những vấn đề trong cuộc sống. R. Hofstadter nhận xét rằng trí thức (intellect) là
[p]hần mang tính phê bình, tính sáng tạo, và tính tư duy của trí óc ... trí thức khảo sát, chiêm nghiệm, tự hỏi, đặt giả thuyết, phê bình, tưởng tượng ... Trí thức đánh giá lại những sự đánh giá, và tìm kiếm những ý nghĩa của những trạng huống riêng lẻ như những thành phần của một tổng thể.[3]
Tất cả những phẩm tính này đều xuất phát từ tinh thần của người có "khuynh hướng muốn biết".
Nếu không có những người có "khuynh hướng muốn biết", có lẽ cuộc sống nhân loại đã không như ngày hôm nay. Ở thời tiền sử, khi con người còn sống trong hang, họ đã có những "chuyên gia" nắm rất thuần thục những kiến thức sẵn có về cách đào hang, những "học giả" thủ đắc rất sâu rộng những kiến thức sẵn có về đời sống ở hang. (Tất nhiên, những kiến thức này đã được những người có "khuynh hướng muốn biết" tạo ra trước đó.) Nhưng nếu trong số các "chuyên gia" và "học giả" này chỉ toàn là những người chuyên ôn đi ôn lại những kiến thức sẵn có, mà không có thêm một số người có "khuynh hướng muốn biết" -- cái khuynh hướng "không thể mua được hay vay mượn được" -- thì toàn thể cộng đồng người tiền sử vẫn phải chịu tiếp tục ở trong hang. Chúng ta có thể hình dung rằng, một hôm, người có "khuynh hướng muốn biết" (người này có thể là một người trong hàng ngũ "chuyên gia" đào hang hay "học giả" về hang) chợt nêu lên câu hỏi: "Nếu chúng ta muốn ra ở giữa đồng cỏ có nhiều thú, hay ở bên cạnh dòng sông có nhiều cá, mà những nơi đó không có chỗ thuận lợi để đào hang, thì chúng ta phải làm gì để ở?" Chúng ta cũng có thể hình dung rằng nhiều người thời ấy, nghe thế, liền phàn nàn rằng: "Tại sao anh cứ thắc mắc lảm nhảm như thế? Tại sao anh không an tâm sống ở trong hang?" Thế nhưng, người có "khuynh hướng muốn biết" lại không thể an tâm với cái "văn hoá ở hang" như thế. Y muốn biết làm cách nào để đưa con người ra khỏi cuộc sống ở hang, và đến sống giữa đồng cỏ có nhiều thú, hay ở bên cạnh dòng sông có nhiều cá. Y muốn biết như thế, vì y không tin rằng cuộc sống ở hang là hoàn hảo và vĩnh cửu. Y không tin như thế, vì y nhìn thấy những hạn chế của cuộc sống ở hang (trong khi đa số người khác lại đinh ninh rằng sẽ không có gì tốt hơn cuộc sống ở hang.) Để mọi người nhìn thấy những hạn chế của cuộc sống ở hang, y phải phát biểu. Như thế, y bắt đầu phê phán. Đồng thời, y thử đưa ra những giả thuyết về một cách sống khác. Tất nhiên, thái độ hoài nghi của y trước những giá trị sẵn có, và lời lẽ phê phán của y đối với cái "văn hoá ở hang", nhất định đã làm nhiều người giận dữ. Nhưng nếu không có một hay nhiều người như y -- những kẻ dám phê phán cái "văn hoá ở hang", và đưa ra những giả thuyết về cách dựng một cái nhà trên mặt đất -- thì nhân loại vẫn chưa có cái nhà.
"Khuynh hướng muốn biết" là xuất phát điểm của trí thức. Đó là khuynh hướng không ngừng tra vấn và giải thích các sự việc trong cuộc sống theo những cách thế mới. Arthur M. Schlesinger, Jr., chuyên gia về lịch sử trí thức (intellectual history) của Hoa Kỳ, nhận xét rằng người trí thức là người của những ý tưởng (the man of ideas), chứ không phải là người của ý thức hệ (the ideologist). Trong khi ý tưởng luôn luôn mang tính cách mở ngỏ, thì ý thức hệ là những hệ thống khép kín, cứng đờ. Arthur M. Schlesinger, Jr. viết:
Ý tưởng thì mang tính tương đối, còn ý thức hệ thì mang tính tuyệt đối.[4]
Và:
Thực vậy, khi chúng ta nói về những ý tưởng, chúng ta thường muốn nói đến những ý tưởng mới; khi chúng đã có mặt lâu đủ, thì người ta không còn nghĩ đến chúng như những ý tưởng nữa và bắt đầu xem chúng như những sự thật vĩnh cửu. Và, thực hiển nhiên, những ý tưởng mới gây nên sự bực mình. Emerson viết, khi tường thuật về thái độ chính thống của thời ấy, rằng: "Những ý tưởng làm đảo lộn trật tự và sự an tâm của xã hội, và cuối cùng chúng biến kẻ làm chủ xã hội thành một tên đần độn".[5]
Arthur M. Schlesinger, Jr. viết thêm:
Vai trò của người trí thức như một nhân tố của sự cách tân là nguyên nhân của sự ngưỡng mộ lạ thường mà y nhận được từ những tập thể nào đó và của sự thù ghét lạ thường mà y gây nên ở những những tập thể khác. Dĩ nhiên, không phải tất cả những người trí thức đều là những người cách tân. Vài người là những kẻ cương quyết bảo vệ cái status quo. Nhưng tuyệt đại đa số những người trí thức Hoa Kỳ đều đã phát biểu sự bất mãn và đã tranh luận cho sự thay đổi. Emerson viết, "Toà lâu đài mà chủ nghĩa bảo thủ rắp tâm bảo vệ là hiện trạng của mọi sự, trong đó có cả tốt lẫn xấu." Những kẻ muốn giữ mọi sự y nguyên như thế là những kẻ không cần ý tưởng; họ có thể dựa vào thói quen và quán tính. Chỉ có nhóm cải cách mới phải có những ý tưởng và nhân lực để vận dụng chúng. Điều này, dĩ nhiên, giúp chúng ta giải thích được ô danh của những người trí thức, đặc biệt những kẻ bảo thủ vì nhận được lợi lộc từ cơ chế hiện hành của xã hội.[6]
Như thế, người trí thức xứng đáng có phương danh là người luôn luôn đặt vấn đề đối với hiện trạng của xã hội, phê phán nó, và theo đuổi những ý tưởng mới nhằm thay đổi nó. Khi Karl Marx cho rằng nhiệm vụ của triết lý không phải chỉ là diễn dịch thế giới mà còn là cải tạo thế giới, ông đã phát biểu trong phương danh của một người trí thức. Lý thuyết cách mạng xã hội của ông, dù có nhiều khuyết điểm (lý thuyết nào tránh khỏi khuyết điểm?), là một biểu hiện tuyệt mỹ của thái độ trí thức. Những người tiếp tục khai triển, diễn dịch, tu chỉnh và phê phán lý thuyết của ông tất nhiên cũng là những người trí thức xứng đáng có phương danh. Trái lại, vô số kẻ mụ mẫm hay giả dối tự xưng là môn đồ của Marx -- những kẻ ráo riết nhai đi nhai lại khiến những ý tưởng của ông biến thành một ý thức hệ xơ cứng, rồi tuyệt đối tin (một cách thành thực hay đóng kịch) rằng nó là chân lý tối hảo, bảo vệ nó, vĩnh cửu hoá nó như một ý thức hệ vô địch muôn năm, và say sưa hưởng thụ những lợi lộc và quyền lực từ nó -- là những kẻ hành động trong ô danh của trí thức. Nói đúng hơn, đó là những kẻ phản trí thức một cách nguy hiểm.
Trong số những người theo Marx, tôi đặc biệt nể phục Antonio Gramsci (1891-1937) như một người trí thức đúng nghĩa. Ông là thành viên của ủy ban trung ương đảng Cộng Sản Ý Đại Lợi và bị chế độ fascist của Mussolini cầm tù từ năm 1926 cho đến chết. Trong suốt 11 năm ở tù, Gramsci vẫn luôn luôn là người Cộng Sản trung kiên, nhưng vẫn luôn luôn giữ được một khoảng cách giữa tư duy cá nhân và lý thuyết của Marx. Nhờ đó, ông nhận ra rằng lý thuyết của Marx sẽ thất bại về phương diện kinh tế, nhưng sẽ tạo ảnh hưởng dài lâu trong lĩnh vực văn hoá. Trong tù, ông lén lút viết được 33 cuốn sách về lý thuyết xã hội và phê bình nhân văn, và bí mật chuyển được chúng qua xuất bản ở Mạc Tư Khoa. Gramsci đến với lý thuyết của Marx như đến với những ý tưởng để chiêm nghiệm và vận dụng chúng vào cuộc cải cách xã hội, chứ không phải đến với một ý thức hệ. Ông đến bằng lý trí tỉnh táo chứ không phải bằng niềm tin mù quáng. Với lý trí tỉnh táo, ông luôn luôn giữ được một khoảng cách cần thiết giữa những ý tưởng của mình và những ý tưởng của Marx, giữa bản thân và đảng Cộng Sản Ý Đại Lợi.[7] (Trong khi đó, chua chát thay, đa số "đồng chí" quanh ông, cũng như vô số đảng viên Cộng Sản trên thế giới, chưa bao giờ đọc qua cuốn Tư Bản Luận, thậm chí Tuyên Ngôn Cộng Sản Đảng, mà lại hoàn toàn nhiệt thành tin tưởng vào "thắng lợi cuối cùng" của chủ nghĩa Cộng Sản.)
Thực vậy, để có thể đặt vấn đề đối với hiện trạng của xã hội hay đối với những ý tưởng đương thời, phê phán chúng, và theo đuổi những ý tưởng mới nhằm thay đổi chúng, người trí thức đích thực cần phải giữ một khoảng cách giữa bản thân y và những hệ thống quyền lực hay lợi nhuận, nếu không, những ý tưởng của y có thể sẽ chẳng có gì mới, và có thể sẽ chỉ là một cách hành ngôn bảo thủ nhằm phục vụ cho thế lực đang nuôi dưỡng y. Trong một giai đoạn lịch sử nào đó, sự khan hiếm những khuôn mặt trí thức đích thực như thế sẽ tạo nên "cuộc khủng hoảng trí thức". Trong cuốn La crise des intellectuelles arabes: traditionalisme ou historicisme?, Abdallah Laroui nhận xét rằng sự khan hiếm trí thức ở Trung Đông từ giữa thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20 là hậu quả của chủ nghĩa truyền thống Ả Rập và tinh thần bảo thủ Hồi giáo -- những sức mạnh ngăn cản người trí thức Ả Rập thực hiện một khoảng cách thiết yếu trong tư duy.[8]
Bởi thế, để trả lời một cách tương đối đầy đủ hơn cho câu hỏi "Ai là người trí thức?", có lẽ chúng ta nên sử dụng định nghĩa về người trí thức của Christopher Lasch (1932-1994), một khuôn mặt quan trọng đặc biệt trong lĩnh vực lịch sử trí thức của Hoa Kỳ đương đại:
Người trí thức có thể được định nghĩa, một cách tổng quát, là một người mà đối với y việc tư duy có thể hoàn tất cùng một lúc chức năng của lao động và tiêu khiển; một cách thấu đáo hơn, y là một người mà mối quan hệ giữa bản thân y và xã hội được xác định, trong nhãn quan của chính y và nhãn quan của xã hội, chủ yếu bởi khả năng của y được giả định là có thể đưa ra những phán xét về xã hội với sự độc lập lớn hơn là những người bị trực tiếp vướng vào công việc thực tế về sản phẩm vật chất hay quyền lực. Bởi vì chức nghiệp của y là một nhà phê bình xã hội, nói theo cách tổng quát nhất, và bởi vì giá trị của những lời phê bình của y được giả thiết là xuất phát từ một mức độ tách biệt khỏi cảm thức đương thời , mối quan hệ của người trí thức đối với toàn khối còn lại của xã hội không bao giờ được hoàn toàn thoải mái.[9]
Trong tiểu luận "Secular Criticism", Edward Said (có lẽ là người trí thức đang được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực phê phán văn hoá Hoa Kỳ đương đại) cũng cho rằng đặc điểm trung tâm của người trí thức là thái độ đứng ra bên ngoài và thách đố "cái sức nặng tập thể của quốc gia và văn hoá dân tộc."[10] Ông cho rằng người trí thức phải hành động như "một ý thức cá nhân riêng lẻ", và ý thức này cho thấy nó "không phải chỉ là một đứa con đẻ của văn hoá một cách tự nhiên và dễ dàng", mà là một người hành động mang sử tính và xã hội tính trong đó.[11]
Trong tiểu luận "Intellectual Exile: Expatriates and Marginals", Edward Said nhấn mạnh rằng người trí thức phải tự đặt chính mình vào một trạng huống "lưu vong" -- một trạng huống tinh thần, trong đó, người trí thức "không ngưng nghỉ, năng động, liên tục bất ổn định, và làm những người khác bất ổn định."[12] Như thế, người trí thức chẳng những cần phải giữ một khoảng cách giữa bản thân y và những hệ thống quyền lực và lợi nhuận, mà y cũng cần phải giữ một khoảng cách giữa bản thân y và chính những ý tưởng của y, nếu không, y không thể tự quan sát và tự phê phán những ý tưởng của mình. Trạng huống "lưu vong" (trạng huống liên tục sống với những khoảng cách cần thiết trong tư duy), do đó, là điều kiện thiết yếu để người trí thức không ngừng đặt vấn đề, không thể quay ngược lại với vị thế bảo thủ, và cũng không thể xây thành trên những nhận thức mới. Ông viết:
Bạn không thể quay ngược trở lại điều kiện an trú nào đó trước kia và có lẽ ổn định hơn; và, than ôi, bạn cũng không thể nào hoàn toàn tìm đến an trú trong ngôi nhà mới hay hoàn cảnh mới của bạn.[13]
Như thế, người trí thức là người luôn luôn "lưu vong", và trạng huống này cho phép y có cái khoảng cách thiết yếu trong tư duy để y có thể quan sát và đối chiếu những ý tưởng và kinh nghiệm cũ và mới, và từ đó đưa ra những giả thuyết mang những khả thể tích cực hơn cho các phương diện của cuộc sống. Là kẻ "lưu vong" trong tư duy, người trí thức là người đứng bên lề của tất cả những hệ quy chiếu và không ngừng thách đố chúng. Y có thể liên tục đi xuyên qua những biên giới của các giá trị và tiêu chuẩn, tái diễn dịch chúng, tái định nghĩa chúng; và hành ngôn của y không ngừng làm phong phú thêm vốn tri thức của nhân loại.
II. Úy kị lý thuyết: hành động phản trí thức của các hệ thống quyền lực
Quan niệm rằng vai trò của người trí thức là luôn luôn đứng ở một vị thế độc lập để đặt vấn đề đối với hiện trạng của xã hội, phê phán nó, và theo đuổi những ý tưởng mới nhằm thay đổi nó là quan niệm mới dần dần nổi rõ lên trong chừng hai trăm năm trở lại đây ở Tây phương.
Vào năm 1615, chữ "intellectual" trong Anh ngữ chỉ có nghĩa là người hiểu nhiều, biết rộng. Đến năm 1652, nó chỉ có nghĩa là người có năng lực tư duy khác thường.[14] Đến cuối thế kỷ 18, triết gia Samuel Taylor Coleridge (1772-1834) vẫn còn cho rằng vai trò của người trí thức là "giám thị của những giá trị văn hoá và xã hội".[15]
Tất nhiên, vào thời ấy, các triết gia cấp tiến, như Edmund Burke (1729-97) chẳng hạn, đã nhận thấy "một định nghĩa mới" về người trí thức đã bắt đầu nổi lên.[16] Đến tiền bán thế kỷ 19, hình ảnh mới về người trí thức mới trở nên rõ ràng. Thomas Carlyle nhận định vào năm 1840 rằng người trí thức như một "Người Anh Hùng của Văn Hoá" hoàn toàn là một sản phẩm của thời đại mới. Ông viết:
Người ấy mới, tôi khẳng định; người ấy mới xuất hiện trên thế giới chừng hơn một thế kỷ nay mà thôi. [...] Người Anh Hùng của Văn Hoá này phải được xem như con người hiện đại quan trọng nhất của chúng ta. Người ấy, theo như khả năng người ấy có thể có, là linh hồn của tất cả. Những điều người ấy chỉ ra, cả thế giới sẽ thực hiện và ứng dụng. Thái độ thế giới đối xử với người ấy là yếu tố quan trọng nhất của vị thế tổng quát của thế giới.[17]
Tuy nhiên, sự thật lịch sử cho thấy rằng, từ thời cổ đại, dù thế giới chưa có quan niệm về vai trò của người trí thức như trong thời hiện đại, đã có những người không chấp nhận vai trò của kẻ canh giữ những giá trị văn hoá và xã hội, mà chọn vai trò phê phán những giá trị ấy, như trường hợp Socrates, chẳng hạn.
Suốt thời trung đại và cận đại, thỉnh thoảng lại có những tiếng nói trí thức đặt vấn đề ở những mức độ, tầm cỡ và lĩnh vực khác nhau đối với những giá trị tinh thần của vương quyền và giáo quyền hay đối với niềm tin phổ quát của quần chúng. Không ai có thể quên được những tên tuổi kỳ vĩ như Nicolaus Copernicus, như Galileo Galilei, chẳng hạn.
Nói rằng những hành động của Nicolaus Copernicus và Galileo Galilei là những hành động mang tính trí thức cũng có nghĩa là nói rằng những hành động của Giáo Hội Thiên Chúa La Mã thời ấy là những hành động phản trí thức: họ đã đặt luận văn De Revolutionibus orbium coelestium (1543) của Copernicus ra khỏi vòng pháp luật, và họ quản thúc Galilei suốt tám năm cuối cùng của đời ông, sau khi ông công bố luận văn Dialogo sopra i due massimi sistemi del mondo, tolemaico e copernicano (1623). Các lý thuyết của Copernicus và Galilei là những công trình trí thức thực sự vì chúng vừa là những lời phê phán đối với niềm tin mù loà của con người đương thời về hình ảnh của vũ trụ, đồng thời chúng tạo nên những tiền đề thiết yếu cho nền Tân Khoa Học.
Động lực thúc đẩy một lý thuyết mới ra đời bao giờ cũng xuất phát từ sự hoài nghi về những giá trị sẵn có. Một lý thuyết mới, bao giờ cũng làm bật lên trong tư duy con người những câu hỏi mới -- những câu hỏi mang tính phê phán về những giá trị sẵn có, hay về cách diễn dịch những giá trị sẵn có. Gốc rễ của lý thuyết là những ý tưởng mới. Khi một người phóng chiếu những ý tưởng độc lập vào một đối tượng của tư duy và muốn giải thích đối tượng đó theo cách riêng, y làm nẩy sinh ra một giả thuyết nào đó. Giả thuyết là một chuỗi những ý tưởng mới phát triển theo một hệ thống lý luận nhất quán, tập trung vào một đối tượng quan sát và được giả định là có khả năng giải thích đối tượng ấy. Một giả thuyết trở thành một lý thuyết sau khi nó được ứng dụng vào thực tiễn và thu hoạch được một khối lượng những bằng chứng có giá trị khách quan về khả năng giải thích đối tượng quan sát của nó. Sự thành công của một lý thuyết được công nhận khi đường lối giải thích của nó chứng tỏ có sức thuyết phục cao hơn những những đường lối giải thích sẵn có. Sức thuyết phục nằm ở chỗ nó tạo điều kiện cho người quan sát được nhìn thấy những góc cạnh và những ý nghĩa của đối tượng quan sát mà những lý thuyết sẵn có chưa từng chiếu rọi đến.
Do đó, những hệ thống quyền lực dựa trên niềm tin bao giờ cũng úy kị những lý thuyết mới, vì nếu những lý thuyết này không lột trần được bản chất của chúng, thì cũng cung cấp những lăng kính mới để qua đó con người có thể quan sát những góc cạnh khác của chúng và, do đó, diễn dịch chúng theo những cách khác với sự mong đợi của chúng. Ngay trong thời đại hôm nay, điều này vẫn còn phổ biến trên thế giới. Tôi xin miễn bàn về những cuộc tiêu diệt trí thức xảy ra suốt lịch sử nhân loại (ở trên, tôi có nhắc đến vài ví dụ), và cũng xin miễn bàn về những cuộc tiêu diệt trí thức xảy ra ngay trên đất nước chúng ta trong suốt hậu bán thế kỷ 20 này. Những điều ấy đã quá rõ, dù những lực lượng tôn giáo và chính trị mị dân vẫn còn cố gắng che đậy hay diễn giải một cách vụng về về ý nghĩa của chúng. Tôi chỉ xin nêu lên vài ví dụ xảy ra ngay trên những đất nước tiền tiến hàng đầu của thế giới, và xảy ra ngay trong lúc này.
Ví dụ thứ nhất: cho đến hôm nay, tại Hoa Kỳ, còn đến 15 phần trăm tổng số các trường học không chấp nhận giảng dạy về thuyết tiến hoá của Darwin.[18] Lý do: giới lãnh đạo của những trường này là tín đồ của ý thức hệ Thiên Chúa Giáo; họ sợ thanh thiếu niên hoài nghi các giá trị truyền thống của tôn giáo của họ.
Ví dụ thứ hai (tôi sẽ đào sâu vào ví dụ này hơn, vì nó chứa đựng nhiều điều cho người Việt Nam chúng ta suy gẫm): trên tập san Positions: East Asia Cultures Critique (bộ 7, cuốn 2, năm 1999), Naoki Sakai (giáo sư Á Châu học và văn học đối chiếu của Cornell University) và Harry Harootunian (giáo sư sử học và giám đốc trung tâm Đông Á học của New York University) nhận định rằng lĩnh vực Nhật Bản học đã và đang gặp phải một trở ngại nặng nề trong công tác nghiên cứu, đó là: giới cầm quyền chủ trương ngăn chặn việc ứng dụng các lý thuyết mới vào công tác nghiên cứu. Naoki Sakai phát biểu:
Rõ ràng nhất, thái độ bảo thủ này được biểu lộ qua hình thức chối bỏ lý thuyết ... sự úy kị đối với lý thuyết đã căng thẳng đến độ dường như một vài nhân vật đã không ngần ngại sử dụng những phương tiện bạo lực của chính quyền để ngăn chặn sự ảnh hưởng của lý thuyết vào lãnh thổ của họ.[19]
Ông nhận xét rằng những phương tiện bạo lực (ví dụ: cắt ngân sách tài trợ nghiên cứu, kiểm duyệt nội dung công trình, v.v...) có tác dụng hữu hiệu, vì
[n]hững nhà hàn lâm không đủ sức đương đầu với sự thách đố của lý thuyết một cách lý thuyết, trong khi những vấn đề thuộc về chính trị, tài chánh, nghề nghiệp, vị thế xã hội, v.v... bị đe doạ bởi chính những cuộc truy tầm mang tính lý thuyết ấy.[20]
Ở đây, chúng ta lại được thấy một ví dụ cụ thể của trường hợp những người "trí thức" không dám đứng ở thế "lưu vong" đối với quyền lực và lợi nhuận.
Mặc dù giới cầm quyền Nhật Bản nồng nhiệt vận dụng lý thuyết mới vào kinh tế, kỹ thuật và khoa học tự nhiên, họ cố tình đóng cửa ngành Nhật Bản học trước lý thuyết mới. Vì vẫn muốn tiếp tục duy trì niềm tin của quần chúng vào các giá trị truyền thống của thời đại phong kiến (những giá trị hiện nay còn được thể hiện qua sự tồn tại của hoàng gia Nhật Bản), họ cương quyết biểu lộ thái độ bảo thủ trong lĩnh vực Nhật Bản học qua những hành động như sau: 1/ các cơ quan như Japan Foundation và Bộ Khoa Học Xã Hội chỉ tài trợ cho những công trình nghiên cứu mang nội dung ca ngợi và tuyên truyền giá trị văn hoá Nhật Bản, và mạnh mẽ từ chối những công trình nghiên cứu vận dụng các lý thuyết mới; 2/ các tập san nghiên cứu chính quy về Nhật Bản học như Monumenta Nipponica / Nihon bunka shiso (có từ năm 1938, đặt cơ sở tại Đại Học Sophia, Tokyo), và Journal of Japanese Studies (có từ năm 1974, do Society for Japanese Studies xuất bản tại Seattle, Hoa Kỳ), thẳng thừng gạt bỏ những luận văn vận dụng các lý thuyết mới.
Harry Harootunian nhận xét:
Những tập san này chưa bao giờ đưa ra chính sách mở rộng những trang sách để đón nhận một sự bàn luận thành thực của những ý tưởng khác. Trong trường hợp của tờ Journal of Japanese Studies -- và tờ Monumenta Nipponica cũng chẳng khác gì mấy -- những tập san này bị trói buộc quá mật thiết với những cơ quan chính quyền nhất định nên thực khó tưởng tượng rằng chúng có thể bao giờ là đại biểu của một lĩnh vực nghiên cứu, ngay cả mặc dù chúng tìm cách bày tỏ những quan tâm đối với việc mở rộng lĩnh vực, mặc dù chúng muốn đóng vai đại diện cho những sự phát triển, mặc dù chúng muốn hướng dẫn cho lĩnh vực này theo những đường lối học thuật và nghiên cứu "đúng" và "chính quy". Tận đáy vấn đề, không có gì khác hơn là sự kiểm duyệt, vì các tập san này xử sự như những tên công an tư tưởng.[21]
Và:
Những tập san này có nhiệm vụ tổng quát là làm những con chó canh cửa hay chó bảo vệ cho một quan niệm nhất định về Nhật Bản, cho một đường lối nhất định trong việc nghiên cứu về Nhật Bản.[22]
Để giải thích rõ về bản chất của thái độ úy kị lý thuyết trong văn hóa học ở Nhật Bản, Naoki Sakai nói:
Lý thuyết có thể biến đổi những quan hệ mang tính xã hội nhất định mà trên đó, nói riêng, những ngành nghiên cứu hàn lâm như ngành Nhật Bản học được thiết lập. Nó làm những quan hệ này lộ rõ ra, bởi vì nó thực sự làm thay đổi những quan hệ mang tính xã hội mà tôi tạm dùng nhóm chữ "missionary positionality" (quan hệ theo kiểu người trên kẻ dưới như các giáo sĩ) để diễn tả, và căn cứ vào cái vị thế này mà những đối tượng nghiên cứu như "văn hoá Nhật Bản" được xác lập. Đây là lý do tại sao một số người trong những ngành này rất sợ lý thuyết. Tất nhiên qua điều này, như tôi đã lập lại nhiều lần, tôi muốn nói rằng các học giả Nhật Bản cũng tích cực tham dự vào việc xác lập những đối tượng nghiên cứu ấy, cho đến chừng nào họ còn cần được có chỗ đứng trong những mối quan hệ đó.[23]
Harry Harootunian bổ sung:
Lý thuyết còn dạy chúng ta đặt câu hỏi đối với đối tượng nghiên cứu, cái đối tượng của chính cuộc nghiên cứu của chúng ta. Điều được khai lộ ra ... là chính cái đối tượng nghiên cứu lại là một sự hư cấu, rằng có một cuộc truy tầm tri thức mà đối tượng của nó không hiện hữu.[24]
Thực vậy, các hệ thống quyền lực muốn tiếp tục duy trì niềm tin của quần chúng vào các giá trị truyền thống luôn luôn sợ rằng qua nhãn quan của những lý thuyết mới các giá trị ấy không còn nữa, nên họ luôn luôn muốn các nhà nghiên cứu phải vững tin trước rằng các giá trị ấy đã thực sự hiện hữu chứ không phải là hư huyễn. Họ muốn rằng vấn đề của cuộc nghiên cứu chỉ là "làm sao để xiển dương đúng mức những giá trị sẵn có của đối tượng nghiên cứu?", chứ không phải là "làm sao để đánh giá đúng đắn về đối tượng nghiên cứu?", hay "phải chăng đối tượng nghiên cứu là có thực?".
Thái độ sợ hãi lý thuyết như thế, dẫu sao, là thái độ của những nhà mị dân có đầu óc sâu sắc. Thái độ của những kẻ nông cạn hơn chỉ nằm ở tâm lý dị ứng trước sự phức tạp của lý thuyết. Với hy vọng dẹp bỏ lý thuyết ngay lập tức, một số những nhà bảo thủ Nhật Bản rêu rao rằng lý thuyết là cái mang đặc tính Âu châu, rằng người Á Châu không chuộng lý thuyết và không cần lý thuyết, vì lý thuyết tạo nên cái nhìn qua con mắt Âu châu, "theory is Eurocentric".[25] Chụp mũ "ngoại lai" bao giờ cũng là một ngón đòn hiệu nghiệm ở những nước Á Châu hậu phong kiến, hậu thuộc địa. Nhưng Naoki Sakai nhận xét rằng thái độ này là thái độ dại dột, vì nó vô tình làm hài lòng những người Âu châu có khuynh hướng kỳ thị chủng tộc thường tự nhận rằng lý thuyết là "tài sản trí thức của châu Âu", là "đặc thù Âu châu".[26]
Những người không dại dột như thế thì lại có cách nói khác. Để ngăn cản các sách lý thuyết mới về khoa học xã hội du nhập vào Nhật Bản, có người cho rằng trong loại sách ấy "có cuốn không thể dịch ra tiếng Nhật được, vì nó chứa nhiều lý thuyết quá và có sự diễn đạt không trong sáng đủ."[27] Ngón đòn này cũng hiệu nghiệm ít nhiều, vì số người dị ứng trước sự phức tạp của sách vở hàn lâm không phải là ít. Tuy nhiên, ngón đòn này cũng có cái dại dột của nó: nó vô tình tự tố cáo rằng những đất nước không có truyền thống lý thuyết thì không thể có đủ thuật ngữ để dịch những tác phẩm quốc tế về lý thuyết. Cái dại dột này, thực ra, lại cũng đồng nghĩa với cái dại dột trên kia!
.
.
.
No comments:
Post a Comment