Saturday, January 28, 2012

NGÀY NÀY THÁNG NÁY NĂM 1973, HIỆP ĐỊNH HÒA BÌNH PARIS ĐƯỢC KÝ (Finding Dulcinea Staff)



28-01-2012

Ngày 27 tháng Một năm 1973, đại biểu của Hoa Kỳ, Nam Việt Nam, Bắc Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời của Việt Cộng đã ký một Thỏa hiệp Chấm dứt Chiến tranh và Phục hồi Hoà bình cho Việt Nam, đã đưa đến việc ngừng bắn và kêu gọi quân đội Hoa Kỳ rút ra khỏi Việt Nam.

Hiệp định Hoà bình Paris

Những cuộc thảo luận cho hòa bình đầu tiên giữa Hoa Kỳ, đồng minh của mình là Nam Việt Nam và kẻ thù của họ là Bắc Việt bắt đầu năm 1968 dưới thời tổng thống Lyndon Johnson. Cuộc thảo luận này không đi đến đâu và bị khựng lại ở cuộc tranh cải vô bổ về hình dáng của bàn thương thảo (DCVOnline: bàn dài, bàn tròn hay bầu dục..).

Thương thảo tiếp tục sau năm 1969 lúc Richard Nixon đang vận động tranh cử, có hứa đến “một nền hoà bình trong danh dự,” thay thế ông Johnson. Mặc dù những cuộc thảo luận chính bao gồm phái đoàn Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời, là một chính phủ do Cộng sản miền Bắc dựng lên ở miền Nam, tuy nhiên cuộc thương thảo để đưa đến hiệp ước hoà bình đã xảy ra một cách bí mật giữa Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Henry Kissinger và nhà lãnh đạo miền Bắc Việt Nam Lê Đức Thọ.

Cuộc thương thảo hoà bình này không gặt hái nhiều kết qủa cho đến năm 1972. Nixon, đối diện với bầu cử, nên cho việc rút quân ra khỏi Việt Nam là một ưu tiên hàng đầu. Bắc Việt cũng rất muốn ngưng bắn khi thấy hai đồng minh cộng sản lớn của mình, Trung Quốc và Liên bang Xô-Viết, đang cải thiện mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ.

Hai ông Kissinger và Thọ đã đạt được một sự đồng thuận có ý nghĩa vào tháng Mười năm 1972. Cả hai đều có một sự nhượng bộ có ý nghĩa: Kissinger đồng ý cho phép quân đội Bắc Việt nằm lại ở miền Nam Việt Nam, trong lúc Thọ đồng ý để cho Tổng thống Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu vẫn nắm chính quyền ở miền Nam.

Thiệu biết là cho phép khoảng 150.000 bộ đội miền Bắc nằm ở miền Nam trong lúc một nữa triệu lính Hoa Kỳ rời miền Nam có nghĩa là một sự sụp đổ hầu như chắc chắn cho miền Nam, ông đã phản đối quyết liệt, làm cho cuộc hội đàm ngưng lại. Nixon hứa với Thiệu là sẽ gia tăng viện trợ quân sự nhiều hơn và nói với Thiệu là Hoa Kỳ sẽ trở lại Việt Nam nếu cộng sản Bắc Việt lại tấn công miền Nam. Nixon cũng hăm dọa là sẽ rút hết tất cả yểm trợ nếu Thiệu từ chối lời đề nghị của ông, điều này đã bắt buộc Thiệu dịu lại.

Cuộc thương thảo hòa bình được tiếp tục lại vào ngày 8 tháng Một năm 1973, không lâu sau ngày Hoa Kỳ thả bom miền Bắc liên tục trong 12 ngày đêm trong mùa Giáng Sinh năm đó với mục đích muốn cho Bắc Việt thấy sự trung kiên của Hoa Kỳ đối với miền Nam và cũng để ép miền Bắc Việt tiếp tục cho tới cùng việc thỏa hiệp hòa bình. Ngày 23 tháng Một, Kissinger và Thọ đồng ý với nhau một cuộc mặc cả được chính thức ký bốn ngày sau đó.

Cuộc mặc cả, được gọi là Thỏa thuận Chấm dứt Chiến tranh và Phục hồi Hòa bình cho Việt Nam, kêu gọi một cuộc ngừng bắn nhằm cho phép Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Việt Nam trong vìng 60 ngày. Tất cả tù nhân chiến tranh Hoa Kỳ sẽ được Bắc Việt thả. Sự thỏa thuận này cũng kêu gọi những cuộc thảo luận tiếp nối trong tương lai giữa chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam để đưa đến một cuộc tổng tuyển cử dân chủ và tự do ở miền Nam.

Vào cuối năm 1973, Kissinger và Lê Đức Thọ được trao giảo Nobel Hòa bình; Thọ từ chối vì ông tin là hòa bình chưa đạt được.

Sự tái diễn và Chấm dứt Chiến tranh

Hiệp định Hoà bình Ba-Lê (Paris) chấm dứt việc liên quan trực tiếp của Hoa Kỳ vào Cuộc chiến Việt Nam, nhưng hiệp định này đã không đóng góp gì để chấm dứt sự xung đột giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam, vốn tiếp tục đánh nhau ngay sau đó trong cùng năm. Tổng thống Thiệu tuyên bố hiệp định này không còn có giá trị vào tháng Một năm 1974.

Quân đội miền Bắc dồn vào và tấn công miền Nam và vào mùa xuân năm 1975 đã tiến vào gần tới thủ đô Sài Gòn của miền Nam. Thiệu yêu cầu người kế vị Nixon thêm viện trợ, nhưng bị từ chối. Ngày 21 tháng Tư năm 1975, ông từ chức và trong bài diễn văn cuối cùng ông lên án Hoa Kỳ phản bội miền Nam Việt Nam và lên án ông Kissinger đã buộc ông ký hiệp định Paris và chính đó là điều đưa đến sự thất bại của ông. Quân đội miền Bắc chiếm Sài Gòn vào ngày 30 tháng Tư năm 1975, bắt miền Nam đầu hàng và chấm dứt cuộc chiến tranh từ đó.

© DCVOnline

Nguồn:
(1) On This Day: Paris Peace Accords Signed, Ending American Involvement in Vietnam War. By Finding Dulcinea Staff, 27 January 2012

.
.
.

No comments: