Monday, January 30, 2012

SẼ CÓ NHIỀU ĐOÀN VĂN VƯƠN (Lê Hiền Đức, BBC)



Lê Hiền Đức   (BBC)
Cập nhật: 14:44 GMT - chủ nhật, 29 tháng 1, 2012

Công dân chống tham nhũng được giải thưởng quốc tế của Việt Nam nói với BBC những vụ chống lại các hành động mà bà gọi là 'cướp đất' như vụ Đoàn Văn Vươn sẽ còn nhiều nếu người dân hiểu biết và có học thức hơn.

Bà Lê Hiền Đức, năm nay 81 tuổi, nói bà nhận được 'rất nhiều' đơn khiếu nại về đất đai, cũng như hình ảnh, video về các vụ cưỡng chế đất đai gây đổ máu.
Bà nói với BBC hôm 29/1/2012: "[Những vụ mất đất] giống như Đoàn Văn Vươn rất nhiều, nhưng Vươn là một kỹ sư, có trình độ cho nên anh ấy đi theo con đường như vậy.
"Còn những người nông dân quá khổ, uất ức lắm, mất đất, mất nhà, mất ruộng... người ta sống bằng gì nữa đây?"
"Vì bây giờ người ta chưa có trình độ, chứ nếu người ta có trình độ như ông Vươn thì sẽ còn nhiều Đoàn Văn Vươn nữa chưa không phải là một Đoàn Văn Vươn đâu.

Công dân chống tham nhũng nói bà ủng hộ hành động của ông Vươn và so với những người dân có ý định tự thiêu để phản đối thu hồi đất thì việc làm của ông Vươn là 'tích cực'.
"Đây không phải là anh ấy chống đối mà là anh ấy tự vệ.
"Bởi vì nếu lực lượng đến đập phá mà là bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân thì tôi mới gọi đấy là thi hành công vụ, anh Vươn chống lại là anh Vươn sai.
"Nhưng đây không phải bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tập thể, cho nhân dân mà bảo vệ quyền lợi...tôi dùng cái từ là 'cướp đất' chứ không phải là bảo vệ."

Bà Đức nói việc giải quyết chậm trễ các khiếu nại về đất đai đang đẩy người dân tới bước đường cùng:
"...Rét mướt như thế này mà lang thang ngoài vườn hoa bãi cỏ. Sống ở chỗ này, thuê được cái nhà độ khoảng 15 m2, bẩy tám con người chui vào đấy nằm.
"Thế thì người ta sống bằng gì để kiên trì ra xin đề nghị với thanh tra chính phủ giải quyết.
"Nhưng... nó đá lên rồi nó lại đá xuống, nó đẩy chỗ nọ, đẩy chỗ kia.
"Tôi gọi Thanh tra Chính phủ [họ] bảo 'Việc này đã giao về tỉnh'
"Nhưng tôi nói rằng chính 'thằng' tỉnh là 'thằng' cướp đất, chính 'thằng' tỉnh là 'thằng' ăn đất của dân.
"Người nông dân bây giờ trắng tay... vì người ta không có trình độ chứ còn nếu có trình độ thì người ta sẽ vùng lên."

'Căm thù'

Người được giải thưởng về chống tham nhũng của tổ chức Minh bạch Quốc Tế - Transparency International - nói:
"Sáu mươi ba tỉnh thành phố ở Việt Nam thì có lẽ trong tay tôi phải đến từ 50 đến 52 tỉnh thành phố có dân bị mất đất.
"Ngay ở Bắc Ninh, cách Hà Nội 20 km, mà dân sợ mất đồng ruộng. Người ta sống bằng gì? Sống bằng cây lúa mà bây giờ nó cướp lúa của người ta, cướp ruộng đất của người ta.
"Có một cán bộ chính quyền trả lời người dân rằng 'Bây giờ mua hai cái phích, đun nước sôi bỏ vào đấy rồi đi bán rong...Hoặc là mua một cái xe máy để chạy xe ôm.'
"Người dân là sống bằng đồng ruộng, không thể chịu mất đất được và tôi nói đùa là người ta sống bằng cây lúa bây giờ người ta mất đất thì người ta trồng lúa vào gầm giường à?"

Bà Đức cũng nói bà đã đưa lên vụ cưỡng chế mồ mả đất đai ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, cách Hà Nội 15 km.
"Tôi thì mất ăn mất ngủ khi tôi nhìn thấy những cánh đồng lúa xanh mơn mởn mà nó cho xe ủi đi. Rồi những bãi tha ma biết bao nhiêu mồ mả ông cha của người dân ở đấy, nói về tâm linh đó là sự đau xót lắm. Nó cày xới lung tung cả lên, thậm chí hàng trăm công an bộ đội đứng trên bờ, đứng khoanh tay nhìn."

Bà Lê Hiền Đức nói với BBC bà có rất nhiều bức ảnh cho thấy người dân bị "đánh chảy máu đầu, máu tai" khi giữ đất.
"Nông dân mất đất phải nói là người ta rất căm thù, phải dùng từ căm thù mới đúng," bà nói.
"Thậm chí có người dân An Giang mà trong tay tôi còn rất nhiều đơn từ đây, người ta đến nhà tôi người ta bảo nếu không được giải quyết chuyến này chúng con tự thiêu ngay bờ Hồ Hoàn Kiếm bởi vì về bây giờ cũng con không còn gì mà sống nên sẵn sàng tự thiêu.
"Buộc lòng tôi phải gọi điện cho ông Bộ trưởng Công An 'Anh ơi, đây anh nghe dân đi, dân sẽ tự thiêu ở Hà Nội thì còn gì nữa là đất nước."

'Vô cảm'

Công dân chống tham nhũng 81 tuổi nói trong số các đơn từ mà bà có số được giải quyết cho tới nay chưa tới 10% trong khi có người phải khiếu nại qua các đời chủ tịch tỉnh khác nhau và số lượng đơn thư khiếu nại của một người có thể lên tới hàng ngàn.

Bà cũng nói bà đã chứng kiến có nơi đất giải tỏa để hoang tới hai năm trong khi người dân không có đất cấy lúa và chính bà đã thúc giục người dân cứ ra cấy ở những mảnh đất trước đây của họ.

Người dân Việt Nam, bà Đức nói, sẵn sàng hiến đất cho các công trình xây nghĩa trang, trường học hay đường sá nhưng nhiều trường hợp thu đất gần đây "không phải phục vụ mục đích dân sinh" mà "để chia nhau".

Bà kể với BBC: "Chính tôi đã vào tận tỉnh An Giang mà còn bị Thanh tra Chính phủ hỏi 'Bà có liên quan gì tới quyền lợi ở An Giang không?'
"Thế thì tôi nói vui đùa, 'Có, có liên quan, tôi vào tôi xin 2m, à 1,8m thôi vì người tôi cao 1,5m thì tôi chỉ xin 1,8m là đủ chôn tôi rồi.
"Trong khi cả gia đình họ hàng tôi tám đời ở Hà Nội. Thế nhưng mà tôi nói thế để chúng nó biết rằng 'Cứ phải có quyền lợi liên quan thì mới lên tiếng, thì mới vào à?'
"Cuối cùng tôi nói rằng 'Tôi không vô cảm như các anh đâu'.
"Sau đó cái tay Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền đấy bây giờ nói một danh từ vui vui là bật bãi rồi"

Bà Đức nói cách đây 60 năm bà tham gia vào phong trào phá kho thóc Nhật và chia lương thực, ruộng đất cho người dân và đặt câu hỏi đối với những hành động "thu ruộng đất của nông dân" hiện nay.
Người chống tham nhũng có tiếng ở Việt Nam cũng cáo buộc các nhà lãnh đạo Việt Nam không hiểu suy nghĩ của người dân.
"Các ông cấp cao ngồi ở trong văn phòng, trong cơ quan kín cổng cao tường [có] lính gác, đi xe hơi, về xe hơi, biết đâu rằng ngoài chợ người ta chửi công an như thế nào.
"Người ta bảo công an là 'cướp ngày' là 'cướp cạn'.

Trong các diễn biến mới nhất liên quan tới tranh chấp đất đai, một người dân ở Bắc Giang được cho là đã tử vong sau khi có va chạm với công an địa phương liên quan tới thu hồi đất.

.
.
.

No comments: