Friday, January 27, 2012

CÂU CHUYỆN ĐẦU XUÂN NHÂM THÌN : DĨ THÂN NHI GIÁO (Đoàn Thanh Liêm)



Đoàn Thanh Liêm

Trong gia đình của tôi ở miền nông thôn thuộc vùng đồng bằng sông Hồng ngòai Bắc, thì có rất đông anh chị em, tất cả đến 11 người. Trên tôi thì có một người anh và năm người chị, và dưới tôi thì lại có đến bốn người em nữa. Vì thế mà cha mẹ chúng tôi thường hay nhắc nhở mấy anh chị lớn là phải làm gương lành, gương tốt để cho các em noi theo. Mẹ tôi lại còn hay cảnh giác rằng : “ Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”, tức là lớp đàn em thường đi theo sát với cái nền nếp, cái vết chân của lớp đàn anh đàn chị để lại. Do đó mà cái trách nhiệm của mấy anh chị lớn trong việc hướng dẫn mấy em nhỏ lại càng nặng nề, không thể xem nhẹ được. Và quả thật, chúng tôi thật may mắn, vì mặc dầu cha mẹ mất sớm, thì những đứa em nhỏ như tôi vẫn lại tiếp tục được các anh chị lớn chăm sóc chu đáo và hướng dẫn tận tình cho - để tất cả đã trở thành những con người lương thiện và hữu dụng trong xã hội ngày nay.

* Lớn khôn hơn, thì tôi lại được nghe nói đến lời khuyên dậy của cha ông ta ngày trước – mà được tóm gọn trong 4 chữ như sau : “Dĩ thân nhi giáo “, tức là cần phải lấy cái nhân cách của bản thân mình ra mà làm tấm gương cho người khác noi theo – hơn là chỉ dùng lời nói hay chữ viết mà khuyên bảo người khác phải làm như thế này, thế nọ. Trong tiếng Anh, người ta cũng hay dùng mấy từ ngữ như : “living example”, “examplary life”..., thì cũng đều có ý nghĩa tương tự như câu “Dĩ thân nhi giáo” như ta đang thảo luận ở đây vậy. Điều này, mấy người bạn từng dậy học nhiều năm ở Việt Nam như Đỗ Quý Toàn hiện ở California, Nguyễn Thành Lộc ở Minnesota, thì cũng đều tâm đắc với cái chủ trương mà các anh thu gọn lại trong có hai chữ, đó là “Thân Giáo”. Vào năm 2002, trong một cuộc hội thảo tại một trường đại học ở Virginia, tôi cũng đã đề cập đến ý nghĩa của chủ trương “Thân Giáo” này. Cử tọa gồm các nhân vật đến từ nhiều quốc gia – đã rất chú ý đến sự trình bày của tôi, và có một vị giáo sư còn đòi tôi viết hai chữ Thân Giáo này bằng tiếng Trung Hoa nữa. Tôi phải thú thực là tôi không còn nhớ rõ hai chữ này viết bằng chữ Hán ra sao, và nghĩ bụng thật là hổ thẹn cho mình vốn là một đứa cháu của một cụ đồ xưa kia đã từng dậy chữ Nho!

* Áp dụng lời chỉ dẫn này trong gia đình riêng của mình, tôi đã cố gắng hướng dẫn cho lũ con của tôi theo đuổi việc học hành nghiêm túc và sống một cuộc đời lương hảo – bằng cách chính bản thân mình nêu cái gương nghiên cứu làm việc cần mẫn, miệt mài để hòan thành mọi nhiệm vụ được trao phó - chứ không tự mình buông thả trong nếp sống bon chen, đua đòi ích kỷ chỉ biết vui chơi thỏa thích cho riêng cá nhân, mà sao lãng cái phần trách nhiệm đối với gia đình, với dòng tộc nhà mình và với cộng đồng xã hội.

Lại nữa, mỗi khi các cháu gặp bà con trong thân tộc, thì hay được bà con khuyến khích nhắc nhở là : “ phải noi gương bố để mà học hành tiến bộ cho nên người, hầu góp phần làm rạng danh cho gia đình và dòng họ”. Đó là điều càng làm cho các cháu có thêm sự tự tin và quyết tâm theo đuổi nếp sống lương hảo của dòng tộc nhà mình. Và may mắn làm sao – đến nay các cháu đều đã trưởng thành chững chạc, có nghề nghiệp sinh sống đàng hòang, và có một vài cháu lại còn tự nguyện tham gia với công việc từ thiện văn hóa xã hội nữa.

* Trên đây là cái kinh nghiệm bản thân trong phạm vi nhỏ bé của gia đình, còn ra ngòai xã hội, thì tôi cũng tiếp thu được một số kiến thức thật bổ ích đại lọai như sau. Vào hồi cuối thập niên 1960, lúc đang ở vào cái tuổi “tam thập nhi lập”, mà lại hăng say dấn thân với công tác xã hội tại vùng ngọai ô thành phố Saigon, thì tôi thường có dịp gặp gỡ và hợp tác sát cánh với những vị tu sĩ thuộc Phật giáo, Công giáo và Tin Lành. Tất cả các vị tu sĩ này đều kêu gọi vận động tín đồ tham gia tích cực vào việc cứu trợ các nạn nhân chiến cuộc, đặc biệt là giúp đỡ trong công cuộc tái thiết nhà cửa bị tàn phá nặng nề do những cuộc giao tranh dữ dội hồi Tết Mậu Thân 1968 gây ra. Tôi nhận thấy tiếng nói của các vị tu sĩ này được quần chúng tín đồ răm rắp nghe theo, nhờ vậy mà công cuộc tái thiết tại vùng ngọai ô Saigon hồi đó đã được tiến hành hết sức mau lẹ khả quan, góp phần quan trọng vào việc phục hồi sự an cư lạc nghiệp của khối đông đảo bà con nạn nhân ở địa phương 3 quận 6,7 và 8 là khu vực bị tàn phá tệ hại nhất trong thành phố.

Tôi thật nhớ câu nói của Thầy Tâm Quang là một tu sĩ trẻ thuộc Giáo Hội Phật giáo Việt nam Thống nhất, Thầy tâm sự với tôi như sau : Người tu sĩ có nhiệm vụ phải “ tự giác để giác tha”, “tự độ để độ tha”- tức là bản thân người tu sĩ phải tự rèn luyện mình trước đã, rồi mới có thể giúp cho tha nhân giác ngộ và sinh sống hạnh phúc thanh thản được. Về phía bên đạo Công giáo cũng như Tin Lành, thì đều có lời khuyên bảo tương tự, cụ thể là mỗi người tín hữu phải đích thực là một “chứng nhân sống động của Chúa Kitô” (living christian witness) trong cuộc sống giữa lòng xã hội – tức là phải có hành động cụ thể thiết thực nhằm bày tỏ lòng yêu thương quý trọng đối với hết thảy mọi người anh em đồng lọai, đặc biệt giữa lúc họ gặp khó khăn - vì tất cả họ cũng như mình thì đều là con cái của một người cha chung là Thiên chúa ở trên trời.

* Nhưng tiếc thay, trong hàng ngũ của giới tu sĩ được gọi là lãnh đạo tinh thần này, thì vẫn có một số người lại có một đời sống trái ngược hẳn với lý tưởng tu hành đạo đức truyền thống của tôn giáo mà mình theo đuổi – để mà bị dân gian chê bai rằng đó là những “kẻ buôn thần bán thánh”, “con chó sói đội lốt thầy tu”… Điển hình như các vụ tu sĩ bị truy tố về tội “xâm phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên” mà gần đây đã bị tòa án ở Mỹ đem ra xét xử, khiến cho Giáo hội công giáo phải gánh chịu trách nhiệm bồi thường rất là nặng nề.

Vì có cái chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” như thế, mà ảnh hưởng của tôn giáo ngày nay đang có nguy cơ bị sa sút yếu kém đi rất nhiều, khiến cho cả đến xã hội cũng bị thiệt thòi vì bị mất đi cái sức mạnh đạo đức tinh thần truyền thống vốn là rường cột thiết yếu của quốc gia từ ngàn xưa. Sự xuống cấp suy đồi đáng buồn về mặt đạo đức luân lý này là biểu hiện của một tình trạng thường được gọi là “thời kỳ mạt pháp” theo ngôn ngữ của Phật giáo vậy.
Như người viết đã có nhiều dịp trình bày, Tôn giáo là một thành phần tối ư quan trọng của khu vực Xã hội Dân sự. Điển hình như tại nước Mỹ, thì có đến 60% trong số hàng triệu các tổ chức phi chính phủ và bất vụ lợi (non-governmental, non-profit organisations) là bắt nguồn từ một niềm tin tôn giáo – mà được gọi là “faith-based social action organisations”. Vì thế, mà trong bài viết này, tôi đặc biệt muốn lưu ý quý bạn đọc về cái mối nguy cơ phát xuất từ sự sa sút về phương diện đạo đức tâm linh trong các tổ chức tôn giáo – mà giới tu sĩ phải chịu trách nhiệm chính yếu, bởi lẽ chính bản thân của nhiều vị trong số này đã sao lãng việc rèn luyện tu thân tích đức - để mà có thể thực sự áp dụng cái lối “dĩ thân nhi giáo” đối với các tín đồ dưới sự hướng dẫn tinh thần của mình. Rõ rệt là các bài thuyết giảng, thuyết pháp - cho dù có được quý vị tu sĩ soạn thảo công phu hấp dẫn đến mấy đi nữa – thì cũng chẳng thể có một tác động tốt đẹp sâu xa bền vững nào đối với đông đảo khối quần chúng tín đồ - nếu mà chính quý vị lại không có được cái điều mà nhân gian thường nói, đó là “Đạo cao Đức trọng của một vị Chân Tu”. Dứt khóat là mỗi quý vị phải thực sự có được cái ngọn lửa nồng cháy trong sâu thẳm tâm hồn của bản thân mình - thì mới có thể truyền được sự ấm áp của lòng nhân ái, của sự thiện hảo đến cho từng cá nhân mỗi tín đồ được – như người ta thường nói : “Dĩ tâm truyền tâm” (from heart to heart).

*Câu chuyện Đầu Xuân đến đây kể đã dài rồi, tôi chỉ xin ghi lại ngắn gọn trong ít chữ nữa, đó là các bậc huynh trưởng, bậc làm cha làm mẹ, các nhà giáo dục và đặc biệt là các vị tu sĩ được gọi là giới lãnh đạo tinh thần trong các tôn giáo, thì tất cả đều phải nêu được tấm gương tốt đẹp về lòng nhân ái, về tính lương thiện và nhất là về tinh thần đạo hạnh khiêm nhu - để mà khả dĩ có sức thuyết phục lôi cuốn mọi người cùng noi theo – trong ý hướng kiến tạo được một xã hội chan hòa tình yêu thương và tình liên đới gắn bó mật thiết với nhau. Đó thiết nghĩ là điều mong ước thiết tha nhất của những ai từng có sự quan tâm đến niềm hạnh phúc đích thực của tòan thể nhân quần xã hội vậy.

California, Đầu năm Nhâm Thìn 2012
Đoàn Thanh Liêm

.
.
.

No comments: