Nguyễn Ngọc Già
Chủ Nhật, 29/01/2012
Một thực tế khó chối cãi, Việt Nam có được một mức sống được coi là tàm tạm, chủ yếu từ việc:
- Mỹ bỏ cấm vận & sau đó bình thường hóa quan hệ với Việt Nam cách đây 18 năm.
- Được thế giới kết nạp làm thành viên thứ 150 trong tổ chức WTO.
Người Việt Nam hân hoan và đầy lạc quan khi lệnh cấm vận được chính phủ Hoa Kỳ tháo bỏ. Ông Lê Công Phụng cho rằng, "sự kiện Mỹ bỏ cấm vận cho Việt Nam vào năm 1994 ngoài việc Mỹ nhìn nhận và đánh giá đúng về Việt Nam, điều đó còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc đổi mới tại Việt Nam" (1), ông Hoàng Tô (bạn ông Ngô Bảo Châu) cũng chung nhận xét: "khi đó Mỹ mới bỏ cấm vận Việt Nam, trong nước bạn bè ai cũng hân hoan và mắt đều ánh lên những niềm tin thật đẹp vào tương lai"(2).
Tầm kinh tế vĩ mô, tầm quản lý đất nước cứ thế mà trồi sụt theo từng sự kiện trong suốt những năm sau cấm vận. Hàng hóa có nhiều hơn, có rẻ hơn, cuộc sống có dễ thở hơn, và người dân thì mừng vui khấp khởi... Nhiều bạn bè tôi đã nói về những dự định làm ăn to lớn, những hoài bão khát khao cho cá nhân và góp chút gì đó cho đất nước. Để bây giờ nhìn lại những hướng đi mới, những dự án táo bạo hầu hết là tiêu điều trong một đất nước vẫn... bế tắc! Những ngày xuân vừa qua, gặp lại vài người bạn, càng thấy họ (với tư cách là những doanh nghiệp nhỏ và vừa) đón chào năm mới với tâm thức... bế tắc!
Đất nước cứ ì ạch... lê bước! Kết thúc 2011, nhìn vào nền kinh tế, không thấy có tín hiệu gì sáng láng hơn cho 2012.
Mới đó đã mười tám năm! Thời gian quả là nhanh như thoi đưa! Dù ai cũng biết câu thành ngữ "Thời giờ là vàng bạc" nhưng giới cầm quyền Việt Nam vẫn đang phung phí thời gian! Việt Nam đã không biến được hai sự kiện trên trở thành cơ hội lớn để bứt phá, mặc dù giới cầm quyền nói rất hay (!)
Còn 8 năm nữa thì... đến 2020, tuy nhiên "Đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp với tỷ trọng trong GDP của nông nghiệp chiếm 16-17%, công nghiệp khoảng 40-41%, dịch vụ chiếm 42-43%, tỷ trọng lao động trong tổng lao động xã hội, lao động công nghiệp và dịch vụ là 50%, nông nghiệp là 50%"(3) đến giờ đã có thể tiên đoán: PHÁ SẢN!
Mục tiêu nói trên, toát lên đầu óc bảo thủ, duy ý chí bởi không tính đến những nội lực, ngoại lực, sở trường, sở đoản,v.v... kể cả văn hóa Việt Nam đến nay vẫn là nền văn hóa nông nghiệp.
Các nhà kinh tế vĩ mô, cho đến các nhà quản lý, doanh nhân đều đang chới với, nhấp nhô trước một năm không có gì là sáng sủa!
Hình ảnh ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tiếp tục nối gót ông Nguyễn Minh Triết) dắt trâu đi cày đầu năm (4) mong mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ yên vui, làm tôi chạnh lòng khi nghĩ về gia đình ông Vươn và mới đây là ông Nguyễn Văn Hùng bị đánh đến chết cũng vì đi đòi đất!(5). Phong tục Tiền Nhân để lại, được giới cầm quyền khơi lại trong những ngày xuân trở nên mai mỉa và chua xót cho người nông dân hiện nay.
Hình ảnh dắt trâu đi cày vui thì có vui, nên thơ thì có nên thơ, vẫn phản ánh nếp nghĩ thuần nông cổ lỗ và lạc hậu! Sao không nghĩ đến một ông Chủ tịch nước vận bộ đồ lao động, ngồi trên máy cày hiện đại và điều khiển như một người nông dân lành nghề được đào tạo kỹ lưỡng? Có phải hình ảnh như thế sẽ cho người dân thấy một sự đổi mới (ít nhất từ hình thức) cần thiết trong tư duy của giới cầm quyền?!
Tôi đồng ý với ông Alan Phan trong hai bài viết: "Cơ hội đột phá của kinh tế Việt Nam" (6) và "Để ngày mai tươi sáng" (7), khi ông Phan đặt vấn đề, Việt Nam phải trở lại từ đầu - một nền nông nghiệp, nhưng là nền nông nghiệp hiện đại và hiệu quả bên cạnh lãnh vực công nghệ thông tin. Đó là hướng duy nhất đúng và thiết thực cho một Việt Nam trong trung hạn, dài hạn.
Giới cầm quyền phải xác định thế mạnh và con đường cho Việt Nam vẫn phải là NÔNG NGHIỆP (nhưng hiện đại). Đó, theo tôi là điểm mấu chốt vô cùng quan trọng cho Việt Nam. Đừng đua đòi, đừng hào nhoáng chạy theo những mục tiêu vời vợi và bất khả, khi hơn 75% người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam hiện nay là nông dân (8).
Mục tiêu Việt Nam trở thành "nước công nghiệp" là sản phẩm ảo tưởng trong tư duy đưa đất nước cất cánh. Việt Nam đã từng trả giá thật cay đắng với Lê Duẩn: "Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triền nông nghiệp và công nghiệp nhẹ".
Mục tiêu "Việt Nam trở thành nước công nghiệp" cũng đang gây ra quá nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trong đó nổi lên là việc nông dân mất đất ngày càng nhiều và càng nghiêm trọng. Bởi, đất không dành cho nông nghiệp lại chuyển mục đích cho các khu công nghiệp, dịch vụ, sân golf, nhà máy... với một cơ cấu nền kinh tế quá lệch vai, chủ yếu chỉ hướng về tầng lớp không phải là nông dân. Quá trình thu hồi đất bộc lộ hết các khuyết tật bởi luật đất đai sai cơ bản về tư duy sở hữu và tạo cơ hội quá đẹp cho nạn tham nhũng ngày càng lộng hành trắng trợn bọc kỹ dưới lớp vỏ vì mục tiêu Việt Nam tiến lên là nước công nghiệp!
Trong khi việc đào tạo lại kèm với chuyển đổi đất nông nghiệp đã bộc lộ rõ xu thế "ăn xổi ở thì" và đẩy người nông dân vào thế cầm tiền đền bù không thỏa đáng để ăn, xài và xã hội càng dễ dàng nảy sinh tội phạm xã hội: trộm cướp, lừa đảo... hay tệ nạn: đua đòi, chạy theo lối sống hiện sinh, vô đạo đức...
Người nông dân vẫn không được đào tạo tay nghề theo đúng mong muốn, vừa phù hợp cơ cấu kinh tế - xã hội, cũng bởi quản lý kinh tế vĩ mô, quản lý và phát triển nguồn nhân lực tầm quốc gia không hiệu quả, do tình trạng cát cứ, mạnh địa phương nào nấy làm, không xét đến và không tuân thủ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng...
Nạn bè phái, "trên bảo dưới không nghe" cộng với khả năng quản lý quá kém và tham lam của giới cầm quyền cao cấp và trung cấp đã đẩy nông dân vào "bước đường cùng" trong "công cuộc" giành lại "từng tấc đất"! Ngay cả ngân hàng, cán cân tín dụng cũng không hướng về phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân cùng các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ cho nó, mà đổ vào chứng khoán, bất động sản, đầu cơ khác... quá nhiều.
Bất ổn xã hội đang ngày càng phức tạp và bức bối hiện nay, đã chứng minh cho ý tưởng "ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ LÀ TIỀN ĐỀ ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ" hoàn toàn ấu trĩ và lừa mị!
Giới cầm quyền đã sai lầm từ gốc và xa rời với tôn chỉ mà họ cho rằng họ vẫn đang đeo đuổi. Họ không những đã bỏ mặc nông dân tự xoay xở mà họ đang phản bội lại nông dân.
Một Hiến pháp mới cùng với việc thay đổi Luật đất đai chấp nhận quyền tư hữu là phương pháp khả dĩ cho chính thể này để họ tồn tại, bằng ngược lại những Đoàn Văn Vươn sẽ tiếp nối xuất hiện, bởi người nông dân không còn con đường nào khác.
Nguyễn Ngọc Già
________________
________________
http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_nghi%E1%BB%87p_h%C3%B3a_(Vi%E1%BB%87t_Nam) (3)
.
.
.
No comments:
Post a Comment