Đào Tuấn
Đăng ngày: 22:04 30-01-2012
Mùa xuân tháng 2 năm Mậu Dần (1038), vua Lý Thái Tông cày Tịch điền ở cửa Bố Hải. Bấy giờ, các quan tả hữu có người can rằng. “Đó là việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?”. Vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo?” Nói xong vua đẩy cày...Đây là đoạn được chép trong Việt sử ký về chuyện các vị vua trong lịch sử phong kiến Việt Nam mặc áo nông dân cày tịch điền đầu năm. Một lần vua cày quả là hơn ngàn chiếu dụ.Mùng 7 tết Nhâm Thìn, chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng sắn quần cởi áo đi đường cày đầu tiên trong lễ Tịch điền ở Đọi Sơn, Nam Hà và tái khẳng định: “Dù bất cứ hoàn cảnh nào, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là cơ sở vững chắc, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước”.
Nhưng, thậm chí từ ngày mùng 6 Tết, ở một nơi nào đó, không cần trống rong cờ mở,không cần cờ phướn, lễ hội, thậm chí không cả trâu bò, những người nông dân đang kéo cày thay trâu, như lời bài hát truyền thống của ngành nông nghiệp về một thời“đôi vai xưa kéo cày thay trâu”, tưởng đã mãi là dĩ vãng.
Hình :
nguồn : báo Tiền Phong
Báo Tiền Phong mô tả cha con nông dân 47 tuổi Phạm Văn Kháng bừa khoảng ruộng nhỏ bằng cách buộc thừng vòng qua… bụng và dùng tay trần để kéo bừa. “Nhà tôi không có trâu. Mà trong làng cũng chẳng còn ai nuôi trâu, bò để mượn. Khoảnh ruộng thì nhỏ, thuê máy bừa vừa tốn tiền, vừa hỏng bờ, nên hai bố con làm cho tiện”- người nông dân này nói.
Những chàng trai không có máy cày và những cô con gái cũng đang ra sức kéo chiếc bừa trên ruộng cạn- có lẽ là hình ảnh manh mún điển hình của nền nông nghiệp. Và sự khốn khổ của người nông dân.
Vậy mà chính những bàn tay trần nông dân đó đã làm nên một năm mà người đứng đầu Chính phủ đã thốt lên “Nông nghiệp đã đại thắng”. Sản lượng lúa cả năm ước đạt 42 triệu tấn quy thóc. Trong khi nền kinh tế nhập siêu thì nông nghiệp tạo nguồn ngoại tệ nhờ xuất siêu. Xuất khẩu gạo năm 2011 đạt tới 7,3 triệu tấn với kim ngạch hơn 3,5 tỷ USD. Nông nghiệp, năm thứ 4 liên tiếp là điểm tựa cho cả nền kinh tế,hoặc nói không hề ngoa như TS Lê Đăng Doanh “Nông dân đã cứu đất nước 1 lần nữa”.
Báo Nông nghiệp, dẫn các nguồn Đại học Haward, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và Viện Chính sách và Chiến lược PTNT nhận định, với 1.000 đồng kích cầu nông nghiệp sẽ kích thích sản xuất 1.622 đồng và 1% GDP = 1 triệu việc làm mới- những con số cao nhất so với việc kích cầu vào những lĩnh vực khác. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho toàn xã hội mà còn góp phần hạn chế đà lạm phát, nhập siêu.
Nhưng hình ảnh những người nông dân kéo cày thay trâu, lặp đi lặp lại suốt hàng chục năm và hoàn toàn không phải là cá biệt, cũng là hình ảnh tiêu biểu cho thấy“chiến thắng của nông nghiệp” là quá nhọc nhằn khi mồ hôi của nông dân đang phải bán quá rẻ.
Tỉ trọng đầu tư cho nông nghiệp trong tổng vốn đầu tư xã hội những năm qua vừa ít vừa đang ngày càng thấp đi. Nếu như 10 năm trước, năm 2000, đầu tư cho nông nghiệp là 13,85% , thì đến năm 2005 tỷ trọng này là 7,50%, năm 2008 hạ xuống còn 6,45% và 2009, đầu tư cho nông nghiệp chỉ còn 6,26% tổng đầu tư cho xã hội. Trong năm 2011, tổng vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn thê thảm hơn. Trong 10 năm qua,đầu tư FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,3% FDI cả nước.
Riêng đối với nông dân, từ 1-1 năm nay, phần diện tích vượt hạn điền bắt đầu chịu mức thuế suất mới.
Nông dân cần những vị vua mặc áo nâu cày tịch điền đầu năm. Nhưng nông dân cũng cần những chính sách mang tính chất cởi trói và nông nghiệp cần những con số thực tế, để chí ít, số lãi 30% không phải là lãi ảo, hoặc đơn giản hơn, để những chàng trai, cô gái không phải cày thay trâu.
Một lần vua cầm cày hơn ngàn lần khuyến dụ. Nhưng chỉ cầm cày để quay camera thôi thì chưa đủ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment