Friday, January 13, 2012

QUỐC TẾ GIẢI MÃ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC QUỐC PHÒNG MỚI CỦA HOA KỲ (Nghiên Cứu Biển Đông)



Nghiên Cứu Biển Đông
Thùy Anh(gt)
Thứ năm, 12 Tháng 1 2012 00:00 Nguyen Tien Thinh


Định hướng Chiến lược Quốc phòng (DSG) mới của Mỹ công bố tuần trước điều chỉnh các ưu tiên chiến lược trong bối cảnh cắt giảm ngân sách. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Anh (IISS) ngày 9/1 có đăng bài  bình luận về Định hướng Chiến luợc Quốc phòng Mỹ, cho rằng DSG cung cấp một cái nhìn sâu sắc về bối cảnh chiến lược mà theo đó các quyết định sẽ được thực hiện.  

Với việc Lầu Năm Góc lên kế hoạch cắt giảm 450 tỷ USD trong 10 năm tới thì việc đánh giá lại các ưu tiên quốc phòng sẽ phản ánh "một thời điểm chuyển đổi" đối với quân đội Mỹ. Ngoài sự cần thiết phải đáp ứng các yêu cầu tiết kiệm như đã đề ra trong Đạo luật Kiểm soát Ngân sách, việc kết thúc sự hiện diện quân sự tại Irắc, giảm quân tại Ápganixtan, cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden và các chiến dịch tiếp diễn chống lại al-Qaeda cùng các chi nhánh của chúng đã và đang là những động lực chính cho việc đánh giá lại các ưu tiên chiến lược của Mỹ.
Những thách thức toàn cầu vẫn là nỗi ám ảnh của Mỹ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, những thách thức này bao gồm "mối đe dọa tiếp tục của chủ nghĩa cực đoan bạo lực, việc phổ biến các nguyên vật liệu và vũ khí giết người, các hành vi gây bất ổn của Iran và Bắc Triều Tiên, sự nổi lên của các cường quốc mới tại châu Á, những thay đổi mạnh mẽ ở Trung Đông". Thực tế là, theo DSG mới, Mỹ cảm thấy cần thiết phải tái cân bằng hướng tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đối với các khu vực khác, việc duy trì các khối liên minh và phát triển mạng lưới đối tác được coi là sống còn.

Trong khi việc rút quân khỏi Irắc chỉ được đề cập theo tính chất bối cảnh, Trung Đông vẫn sẽ là lợi ích chủ chốt đối với Oasinhtơn. Đối với châu Âu, Mỹ tuyên bố rằng vị thế quân sự của Mỹ tại khu vực này sẽ tiếp tục thay đổi dựa theo nhu cầu an ninh của châu lục và trên cơ sở đánh giá những ưu tiên chiến lược đang nổi lên tại những nơi khác. Đối với các quốc gia châu Âu đã và đang phải thắt chặt ngân sách thì đây là một dấu hiệu cho thấy họ không thể tiếp tục kỳ vọng Mỹ trở lại vai trò trung tâm trước đây trong các hoạt động phòng thủ của châu Âu. Chiến dịch tại Libi có thể được coi là sự trải nghiệm trước những gì sắp xảy ra.

Cũng nhận định về DSG mới của Mỹ, tờ “Bưu điện Băng Cốc” (Thái Lan) cho rằng chiến lược này sẽ tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp tới Thái Lan và các nước khác tại Đông Á. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nêu rõ các lực lượng vũ trang của Mỹ sẽ cắt giảm quân số và chuyển trọng tâm từ châu Âu và Trung Đông sang châu Á. Ngay lập tức, Trung Quốc cảnh báo và phản đối Oasinhtơn về vấn đề “thể hiện sức mạnh” trong khu vực. 

Chiến lược mới có thể khiến Lầu Năm Góc phải chấp nhận một lực lượng quân đội "nhỏ hơn". Quân số của lực lượng lục quân, thủy quân lục chiến và số tàu của hải quân sẽ giảm. Tuy nhiên, tại châu Á sẽ có thêm nhiều hơn bao giờ hết các liên minh và thỏa thuận với các nước đồng minh của Mỹ, với phần đầu tiên trong chiến lược này là lực lượng thủy quân lục chiến của Mỹ sẽ đồn trú ở miền Bắc Ôxtrâylia. Xinhgapo sẽ là một cảng của Hải quân Mỹ. 

Báo “Bưu điện Băng Cốc” nhận xét trong kỷ nguyên mới, Mỹ có nhiều thứ để chào mời châu Á, kể cả Trung Quốc. Mỹ có lực lượng cứu hộ siêu việt và là một siêu cường của thế giới, nước này có thể mang đến những cơ hội thương mại rất lớn cho các nước khu vực. Có thể Trung Quốc cố chỉ trích chính sách của Mỹ vì mục tiêu tuyên truyền, nhưng Bắc Kinh hiểu và cần đánh giá cao sự hiện diện lặng lẽ của Oasinhtơn tại một khu vực vốn vẫn còn tồn tại tranh chấp giữa Trung Quốc, Philíppin, Việt Nam và Đài Loan.

Thùy Anh(gt)

No comments: