Hà Tường Cát/Người Việt
Monday, January 09, 2012 8:21:52 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/default.aspx?a=142811&z=247
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/default.aspx?a=142811&z=247
Sau khi chiến tranh Iraq đã kết thúc và chiến tranh Afghanistan gần tới lúc chấm dứt, hôm 5 tháng 1 xuất hiện trong một cuộc họp báo ít thấy tại Ngũ Giác Ðài, Tổng Thống Obama đã nói về chiến lược quân sự trong tương lai của Hoa Kỳ.
Theo lời ông, “làn sóng chiến tranh đang giảm”, Hoa Kỳ cần phải cải quân đội cho gọn nhẹ hơn nhưng linh động hơn để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, bảo đảm an ninh quốc gia và vẫn tiếp tục là lực lượng giữ vị trí ưu việt. Việc triển khai và phối trí quân lực Hoa Kỳ trên thế giới cũng sẽ được cải tổ cho thích hợp với tình hình và những ưu tiên trong thời đại mới.
Tuy nhiên một nguyên nhân quan trọng để phải có sự sửa đổi chiến lược là việc tiết giảm ngân sách Hoa Kỳ. Ngân sách quốc phòng cho đến tài khóa vừa qua khoảng $700 tỷ hay 19% ngân sách Hoa Kỳ và khoảng 28% tiền thuế thu nhập. Ngân sách 2013 đã được Quốc Hội chấp thuận là $662 tỷ.
Dân Biểu Barney Frank, Dân Chủ Massachusetts, sẽ không tái ứng cử năm nay, từ 2009 đã kêu gọi giảm ngân sách quốc phòng khoảng 25%, nếu không sẽ thiếu tiền cho các chương trình quốc nội. Nhưng lúc đó theo sử gia Cộng Hòa Robert Kagan thì chưa phải lúc vì sẽ ảnh hưởng đến việc làm và sự hỗ trợ cho các nước đồng minh. Ông cho là loan báo giảm ngân sách quốc phòng sẽ khiến thế giới thấy Hoa Kỳ bắt đầu từ bỏ các cam kết quốc tế. Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates chủ trương quốc phòng Hoa Kỳ nên điều chỉnh lại chi tiêu và các ưu tiên thích ứng với tình hình mới của thế giới. Theo Quốc Hội Hoa Kỳ, trong khi tỷ lệ đối với GDP của ngân sách giảm đi thì chi tiêu quốc phòng vẫn không có thay đổi tương xứng.
Chi tiêu về quốc phòng của Hoa Kỳ chiếm 43% chi phí quốc phòng của toàn thế giới. Trung Quốc đứng hàng thứ nhì 7.3%; Anh, Pháp, Nga gần ngang nhau với 3.7%; Nhật Bản 3.3%; Ðức, Saudi Arabia 2.8%; Ấn Ðộ 2.5%; Ý 2.3% và toàn thể các nước còn lại 25%. Năm ngoái Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc đã đồng ý cắt giảm ít nhất $487 tỷ và có thể thêm $500 tỷ nữa trong vòng 10 năm. Nhiều chính trị gia đảng Cộng Hòa chỉ trích là điều này có thể phương hại đến khả năng phòng thủ và nền an ninh của Hoa Kỳ.
Các phụ tá ở Tòa Bạch Ốc lập luận là chiến lược quân sự mới, phù hợp với điều kiện ngân sách, đã được nghiên cứu và duyệt xét qua 8 tháng, phản ánh lợi ích của Hoa Kỳ một thập niên sau vụ 9/11 và không phải là sự cắt giảm tùy tiện.
Lục quân Hoa Kỳ sẽ giảm khoảng 80,000 xuống dưới mức 490,000 binh sĩ, trong đó Thủy quân Lục chiến giảm 20,000 còn 182,000. Về vũ khí một số các chương trình phát triển tốn kém như máy bay chiến đấu F-35 cũng sẽ được bớt đi, dự trù mỗi năm chỉ mua thêm một số giới hạn là 32 chiếc. Không quân Hoa Kỳ hiện nay đã có khoảng 7,000 máy bay không người lái đủ kiểu lớn nhỏ. Việc sử dụng loại máy bay này sẽ phát triển mạnh nhờ tiến bộ kỹ thuật, khả năng do thám cũng như tấn công trong nhiều trường hợp thay thế được máy bay thông thường, ít tốn kém hơn về nhân sự và bảo trì.
Sau Chiến Tranh Lạnh, Hải quân Hoa Kỳ đã giảm nhiều nhưng vẫn còn vượt xa các nước khác với 286 chiến hạm đủ loại và hơn 3,700 máy bay. Về tải trọng, hạm đội Hoa Kỳ lớn hơn hải quân 13 nước cộng lại, trong số đó 11 nước là đồng minh. Hải quân Hoa Kỳ duy nhất có 11 hàng không mẫu hạm nguyên tử hiện dịch, 1 đang được đóng và 2 trong dự án. Là chủ lực của Hoa Kỳ trong sự hiện diện ở tất cả mọi nơi trên thế giới, hải quân sẽ được duy trì ở vai trò ấy và tuy không có những kế hoạch phát triển lớn và tốn kém nhưng sẽ được tân tiến hóa hợp với chiến tranh ở thời đại mới.
Tài liệu công bố dày 8 trang về chiến lược mới không xác định những loại cũng như chương trình phát triển vũ khí nào sẽ bị cắt giảm và bao giờ cắt giảm. Tài liệu cũng đề cập tới một lãnh vực chiến tranh mới là “chiến tranh trên không gian ảo” (cyberwarfare) tuy nhiên không cho biết kế hoạch cụ thể.
Tổng Thống Obama giải thích: “Ngân sách quốc phòng trên căn bản sẽ vẫn gia tăng nhưng chậm lại chứ không phải với mức độ như một thập niên vừa qua khi chúng ta phải đối phó với hai cuộc chiến tranh. Chúng ta không phạm trở lại lỗi lầm - sau Thế Chiến II hay sau chiến tranh Việt Nam - khi để quân lực của chúng ta trong tình trạng kém chuẩn bị cho tương lai”.
Tuy vậy lý thuyết “quân lực Hoa Kỳ sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng hai cuộc chiến tranh cùng lúc”, đề ra từ thời Chiến Tranh Lạnh và duy trì cho đến giai đoạn chính quyền của Tổng Thống Bush, sẽ không còn là nguyên tắc chiến lược tương lai. Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta nói thêm là bộ binh và thủy quân lục chiến sẽ không được triển khai cho những chiến dịch lâu dài với quy mô lớn làm giảm khả năng linh hoạt của quân đội Hoa Kỳ như kinh nghiệm từ thập niên đầu thế kỷ 21.
Quân lực Hoa Kỳ cũng sẽ giảm sự bố trí trải rộng trên khắp thế giới ở những căn cứ quân sự thường trực tại hải ngoại. Ðiều ấy có nghĩa là quân đội Hoa Kỳ đồn trú tại một số nơi như Âu Châu, khoảng gần 70,000, sẽ được rút bớt, nhưng ngược lại sẽ có sự tăng cường ở những khu vực được coi là ưu tiên phải đối phó. Bản tài liệu do Tổng Thống Obama và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ công bố không che giấu sự quan tâm đến những vùng được coi là có tầm quan trọng chiến lược, bao gồm Á Châu và Trung Ðông. Hiện nay Hoa Kỳ có 28,000 quân đóng tại Nam Hàn và 40,000 quân tại Nhật Bản.
Trung Quốc và Iran vẫn đang phát triển khả năng quân sự đe dọa đến hoạt động của Hải quân và Không quân Hoa Kỳ và Hoa Kỳ phải chú trọng đến những khu vực đó trong mục tiêu bảo vệ quyền lợi của mình.
Một số nhà lập pháp Cộng Hòa ngay tức khắc chỉ trích chiến lược của Tổng Thống Obama. Dân Biểu Duncan Hunter tiểu bang California, chủ tịch ủy ban quân lực Hạ Viện cho rằng sự thay đổi chiến lược chỉ vì lý do ngân sách là không thích đáng vào lúc này trước nhiều nguy cơ hãy còn tồn tại bao gồm khủng bố, sự bành trướng quân sự của Trung Quốc cũng như tình hình bất ổn ở Bắc Hàn và Iran.
.
.
.
No comments:
Post a Comment