January 22, 2012
Các sự kiện năm 2011
Chính phủ Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa. Các nhà văn, blogger và các nhà vận động nhân quyền độc lập – những người lên tiếng chất vấn chính sách nhà nước, phát hiện quan chức tham nhũng hoặc kêu gọi thay đổi chế độ độc đảng bằng các giải pháp dân chủ thường xuyên bị công an sách nhiễu, theo dõi gắt gao, bị giam giữ biệt lập trong thời gian dài đồng thời không được tiếp cận với các nguồn trợ giúp pháp lý, và bị xử với các mức án ngày càng nặng hơn với các tội danh mơ hồ về xâm phạm an ninh quốc gia.
Công an thường tra tấn can phạm để ép nhận tội và, trong một số vụ việc, đã sử dụng vũ lực quá mức khi đối phó với những cuộc biểu tình đông người phản đối việc cưỡng chiếm nơi ở, thu hồi đất đai hay bạo hành của công an. Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2011 bị công an giải tán, những người tham gia biểu tình bị đe dọa, sách nhiễu, và một số trường hợp bị tạm giam trong một vài ngày.
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 tổ chức vào tháng Giêng năm 2011 và cuộc bầu cử Quốc Hội do nhà nước dàn dựng vào tháng Năm đã xác lập các vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chính phủ trong năm năm tiếp theo. Qua cả hai sự kiện nói trên, không hề thấy có dấu hiệu của bất kỳ một sự cam kết nghiêm túc nào nhằm cải thiện thành tích nhân quyền kém cỏi của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình vào tháng Bảy, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Công an và những nhân tố bảo thủ khác.
Đàn áp bất đồng chính kiến
Năm 2011 chứng kiến một chuỗi liên tục các vụ bắt giữ và xét xử mang tính chính trị, có lẽ phần nào xuất phát từ những quan ngại của chính quyền Việt Nam về khả năng phong trào dân chủ Mùa Xuân Ả-rập có thể lan tới châu Á.
Trong mười tháng đầu năm 2011, có ít nhất 24 nhà vận động nhân quyền bị đưa vào trại giam. Chỉ trừ một người, tất cả trong số đó đều bị truy tố về các tội “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88 bộ luật hình sự), “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” (điều 87), hoặc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” (điều 79). Ba điều luật mơ hồ này đã được vận dụng để bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động ôn hòa trong suốt một thập niên qua. Thêm vào đó, công an còn bắt giữ ít nhất 27 nhà vận động tôn giáo và chính trị trong năm 2011. Blogger Nguyễn Văn Hải, được biết với bút danh Điếu Cày, đang bị giam giữ không có tin tức từ tháng Mười năm 2010. Hai cây viết trên mạng ủng hộ dân chủ, Nguyễn Bá Đăng và Phan Thanh Hải, vẫn bị giam giữ không xét xử từ năm 2010.
Trong một phiên tòa lớn vào tháng Tư năm 2011, nhà hoạt động pháp lý nổi tiếng Cù Huy Hà Vũ bị tuyên án bảy năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước. Trong phiên phúc thẩm, mức án này vẫn được giữ nguyên.
Vào tháng Năm, Tòa án Nhân dân Tỉnh Bến Tre xử bảy nhà vận động ôn hòa cho quyền sở hữu đất đai, trong đó có Mục sư Dương Kim Khải và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Trần Thị Thúy về tội chống chính quyền và kết án họ nhiều năm tù.
Chính quyền tiếp tục sách nhiễu, tra hỏi và trong một số trường hợp, đã bắt giữ và bỏ tù những người lên tiếng phê phán trên mạng. Vào tháng Giêng năm 2011, công an bắt blogger viết về nhân quyền Hồ Thị Bích Khương. Vào tháng Năm, nhà vận động dân chủ Nguyễn Kim Nhàn bị bắt với lý do tuyên truyền chống chính phủ, chỉ năm tháng sau khi ông mãn án tù cũ với cùng tội danh nói trên. Vào tháng Tám, blogger Lư Văn Bảy bị kết án bốn năm tù vì đã viết các bài vận động dân chủ trên mạng Internet. Cũng trong tháng Tám, blogger Phạm Minh Hoàng bị kết án ba năm tù về tội chống chính quyền.
Các nhà hoạt động là người dân tộc thiểu số cũng bị bắt bớ và bỏ tù. Vào tháng Giêng, tòa án tỉnh Lạng Sơn kết án blogger Vi Đức Hồi, người dân tộc Tày, tám năm tù với tội danh tuyên truyền chống chính phủ, sau đó giảm án xuống còn năm năm trong phiên phúc thẩm vào tháng Tư. Trong tháng Ba, nhà vận động quyền lợi đất đai Chau Hêng, một thành viên của nhóm thiểu số Khmer Krom tại An Giang bị kết án hai năm tù về tội danh “phá hoại tài sản” và “gây rối trật tự công cộng.” Trong tháng Tư, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai kết án tám tín đồ Tin Lành người Thượng từ tám tới mười hai năm tù theo điều 87 bộ luật hình sự, với nội dung tội danh “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc.”
Quyền tự do Ngôn luận, Nhóm họp và Thông tin
Chính quyền không cho phép báo chí độc lập hoặc của tư nhân hoạt động trong nước, và kiểm soát chặt chẽ báo chí và mạng internet. Có các chế tài hình sự dành cho các tác giả, nhà xuất bản, trang web và người sử dụng internet có hành vi phát tán các tài liệu bị cho là chống chính quyền, đe dọa nền an ninh quốc gia, làm lộ bí mật nhà nước hay truyền bá các ý tưởng “phản động.” Chính quyền chặn đường truy cập tới các trang web chính trị nhạy cảm, đặt ra quy định buộc các chủ quán cà-phê internet giám sát và lưu giữ thông tin về các hoạt động của người sử dụng mạng, gây sức ép và sách nhiễu các blogger độc lập và những người chỉ trích trên mạng.
Trong tháng Tám, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc bị giải tán bằng vũ lực. Những người tham gia biểu tình bị đe dọa, sách nhiễu và bắt giữ chỉ vì đã tuần hành ôn hòa gần Đại sứ quán Trung Quốc và quanh hồ Hoàn Kiếm. Báo chí của chính phủ, bao gồm các tờ báo in và đài truyền hình, liên tục đưa các hình ảnh tiêu cực về người tham gia biểu tình và dán cho họ cái nhãn “phản động.”
Tự do Tôn giáo
Chính quyền khống chế hoạt động tôn giáo bằng các quy định pháp luật, yêu cầu đăng ký, kèm theo các đối sách là sách nhiễu và theo dõi. Các tổ chức tôn giáo bị bắt buộc phải đăng ký với chính quyền và hoạt động dưới các ban tôn giáo do chính quyền điều hành. Mặc dù đã cho phép nhiều cơ sở tôn giáo có kết nối với chính quyền được cử hành các giáo lễ, chính quyền vẫn nghiêm cấm mọi hoạt động tôn giáo mà họ tùy tiện cho là đi ngược với “lợi ích quốc gia,” ảnh hưởng tới khối đoàn kết dân tộc, gây rối trật tự công cộng hay “gieo mầm chia rẽ.”
Công an địa phương tiếp tục ngăn chặn các nhóm Phật giáo Hòa Hảo chưa được chính quyền công nhận tiến hành tổ chức ngày giỗ Giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ. Trong các ngày lễ Phật giáo vào tháng Năm và tháng Tám, công an Đà Nẵng chặn đường vào hai chùa Giác Minh và An Cư và đe dọa các Phật tử. Cả hai chùa đều có liên hệ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được chính quyền công nhận.
Vào tháng Giêng, mục sư Tin lành Nguyễn Trung Tôn bị bắt không rõ lý do. Ba nhà vận động cho dòng đạo Công giáo Hà Mòn người Thượng – Blei, Phơi và Đinh Pset – bị bắt vào tháng Ba. Hai nhà vận động Hòa Hảo, Nguyễn Văn Lía và Trần Hoài Ân, bị bắt vào tháng Tư và tháng Bảy. Cũng trong tháng Tư, mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính bị bắt và truy tố về tội “phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc.” Ít nhất 15 tín đồ Công giáo có liên hệ với Dòng Chúa cứu thế ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có hai blogger Lê Văn Sơn và Tạ Phong Tần bị bắt trong vòng tháng Bảy, tháng Tám và tháng Chín.
Vào tháng Bảy, nhà vận động tôn giáo và dân chủ nổi tiếng, Linh mục Nguyễn Văn Lý, bị buộc trở lại nhà tù sau gần 16 tháng chữa bệnh/quản chế tại gia. Cha Lý bị bại liệt một phần thân thể do di chứng của các cơn đột quỵ cũ trong trại giam, và tình trạng này tiếp tục gây quan ngại nghiêm trọng về sức khỏe của ông.
Hệ thống Tư pháp
Tin tức về nạn bạo hành của công an, bao gồm cả việc tra tấn và đánh đập đến chết, tiếp tục xuất hiện ở khắp các vùng miền. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2011, ít nhất đã có 13 người chết trong khi bị công an giam giữ.
Những can phạm chính trị và tôn giáo, hay thuộc các vụ án bị coi là nhạy cảm thường bị tra tấn trong khi thẩm vấn, bị biệt giam trước khi xử án và không được gặp người thân hay cố vấn pháp lý. Các tòa án ở Việt Nam vẫn bị đặt dưới sự khống chế chặt chẽ của chính phủ và đảng Cộng sản Việt Nam, thiếu tính độc lập và vô tư. Các nhà bất đồng chính kiến về chính trị và tôn giáo thường bị xử mà không được trợ giúp pháp lý trong các phiên toà không đảm bảo tính công bằng theo tiêu chuẩn quốc tế. Các luật sư nhận bào chữa cho các vụ án chính trị nhạy cảm bị đe dọa, sách nhiễu, khai trừ (khỏi Luật sư đoàn) và bị bỏ tù.
Pháp luật Việt Nam tiếp tục trao quyền “quản chế hành chính” tùy tiện không cần qua xét xử. Theo Pháp lệnh số 44 (năm 2002) và Nghị định số 76 (2003), các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa và những người bị coi là phần tử có khả năng gây tổn hại tới nền an ninh quốc gia hay trật tự công cộng có thể bị cưỡng ép đưa vào các cơ sở chữa bệnh tâm thần, quản chế tại gia hoặc quản chế trong các trung tâm “chữa bệnh” và “giáo dục” do chính quyền điều hành.
Những người nghiện ma túy có thể bị đưa vào các trung tâm cai nghiện tập trung của chính quyền, nơi họ bị cưỡng ép tham gia “lao động trị liệu,” đơn thuốc chính của phương pháp cai nghiện ma túy ở Việt Nam. Tính đến đầu năm 2011, trên toàn quốc có 123 trung tâm đang quản chế khoảng 40,000 người, trong đó có những trẻ vị thành niên mới 12 tuổi. Việc quản chế những người này không phải qua một trình tự pháp lý thích hợp hay chịu sự giám sát pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào, và thường kéo dài đến bốn năm. Nếu vi phạm các nội quy của trung tâm – trong đó có quy định về lao động – học viên sẽ bị đánh bằng dùi cui, chích điện bằng dùi cui điện, và bị giam trong các phòng kỷ luật với khẩu phần ăn uống bị cắt giảm. Các cựu học viên cai nghiện cho biết họ từng bị ép buộc làm việc trong dây chuyền chế biến hạt điều và các việc nông nghiệp khác, trong đó có trồng khoai tây và cà-phê; các việc về xây dựng; may mặc và các ngành nghề chế biến khác như gia công mây tre đan. Theo luật Việt Nam, các công ty khai thác sản phẩm từ các trung tâm này được miễn thuế. Một số sản phẩm là kết quả của quá trình lao động cưỡng ép nói trên đã tìm được đường vào dây chuyền cung tiêu của các công ty xuất khẩu cung cấp hàng ra các thị trường ngoài nước, trong đó có Hoa Kỳ và châu Âu.
Các Đối tác Quốc tế Chủ chốt
Mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam. Về đối nội, ngày càng có nhiều lời phê phán trên tinh thần dân tộc từ phía các nhà vận động và một số sĩ quan quân đội đã hưu trí về phản ứng yếu ớt của chính quyền trước những hành vi mà đông đảo người dân Việt Nam cho là biểu hiện hung hăng của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang trong vòng tranh chấp. Trong năm 2011, chính quyền đã phải nỗ lực dập tắt tiếng nói đồng thanh phản đối Trung Quốc đang ngày càng trở nên công khai và rõ ràng này.
Về đối ngoại, chính quyền đã cố gắng tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước ASEAN láng giềng để tạo đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.
Dù Nhật Bản có vị thế thuận lợi trong vai trò nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam, quốc gia này vẫn tiếp tục không đưa ra những nhận xét công khai về thành tích nhân quyền đang xuống dốc của Việt Nam.
Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục phát triển theo hướng xích lại gần nhau hơn. Vào tháng Chín, Việt Nam đã khai trương phòng lãnh sự mới ở New York, và phòng lãnh sự Hoa Kỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh được mở rộng với việc khai trương một Trung tâm Hoa Kỳ được khai trương. Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán để cùng với một số quốc gia khác gia nhập Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại tự do đa phương.
Vào tháng Giêng và tháng Năm, các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc tới Việt Nam trong năm 2010 đã công bố các nhận định của mình. Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và tình trạng đói nghèo đưa ra một bản báo cáo nhìn chung là tích cực, nhưng khuyến nghị chính phủ Việt Nam cần thông qua và thực hiện các hiệp ước quan trọng về nhân quyền, trong đó có Hiệp ước chống Tra tấn và các Hành vi Đối xử Độc ác, Vô nhân tính hay Nhục hình. Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc về các vấn đề dân tộc thiểu số công bố một bản báo cáo có tính phê phán cao hơn, ghi nhận một số tiến bộ, nhưng nêu rõ những quan ngại về nguy cơ xâm phạm quyền tự do tôn giáo và “các vi phạm nghiêm trọng về quyền công dân.” Đặc sứ cũng nhận xét thẳng thắn rằng những có những cản trở trong chuyến công tác của bà gây “hạn chế khả năng tiếp cận những góc nhìn khác ngoài những người đồng tình với quan điểm chính thống của Chính phủ.”
Bản pdf : World Report Chapter: Việt Nam 2012
Bản tiếng Anh :
Events of 2011
Bản pdf : World Report Chapter: Vietnam 2012 (PDF)
-----------------------------------
TIN LIÊN QUAN :
.
.
.
No comments:
Post a Comment