Monday, January 23, 2012

LỜI CHÚC CHO QUÊ HƯƠNG NHÂN DỊP TẾT NHÂM THÌN 2012 (Hoài Hương, VOA)



Hoài Hương – VOA
Thứ Hai, 23 tháng 1 2012

Cứ mỗi độ Xuân về, cộng đồng người Việt xa xứ lại hướng nhìn về quê hương với nhiều hoài niệm, bởi lẽ bất kể xa quê đã bao lâu, vài năm hay vài thập niên, dường như không ai hoàn toàn quên hẳn đi những háo hức của những cái Tết thời thơ ấu, hay những mùa Xuân thuở mới lớn, khi “lòng còn tràn đầy xao xuyến”. Nhìn về quê hương ngày hôm nay trong bối cảnh tình hình toàn cầu và những gì xảy ra trong nước trong năm sắp kết thúc, họ có những suy nghĩ gì và ước nguyện gì cho quê hương? Liệu những ước mơ của người Việt xa xứ có đồng điệu với nguyện vọng của người dân trong nước?

Câu Chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách tuần này xin được dành để gửi đến quý vị những ưu tư của một số người Việt ở trong và ngoài nước trước thềm Năm Nhâm Thìn 2012. Tiến sĩ Lê Đình Thông, giáo sư giảng dạy môn Quan hệ Quốc tế tại đại học Paris-Nanterre bên Pháp, và cô Genie Nguyễn Ngọc Giao, Sáng lập viên và Chủ tịch Hội Tiếng Nói Người Mỹ gốc Việt tại Washington chia sẻ những cảm nghĩ cuối năm với thính giả và độc giả đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.

Những người trẻ tuổi trong nước quan tâm tới những sự kiện nào trong năm qua? Theo một số bạn trẻ lên tiếng trên Tạp chí Thanh niên-VOA hồi gần đây, trước tiên phải kể đến những hành động khiêu khích của Trung Quốc trong Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông. Bên cạnh đó là trào lưu dân chủ đang lan rộng trên thế giới, với các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở khắp nơi, khởi sự từ Tunisia lan sang Trung Đông, sang tới Châu Âu và Châu Á.

Ba bạn trẻ trong nước nhắc tới một số sự kiện mà các anh cho là quan trọng trong năm qua:

“Sự qua đời của cố Tổng Thống Tiệp Khắc Vaclav Havel. Ở trong nước thì có 11 cuộc biểu tình ở Hà Nội và 2 cuộc biểu tình ở Sàigòn để phản đối hành động xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà cầm quyền Việt Nam liên tục đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ, những tiếng nói yêu nước phản biện đàn áp tôn giáo như vụ dân giáo xứ Thái Hà.”

“Các chế độ độc tài thay phiên nhau sụp đổ, giống như lời tiên tri của người Maya thì vào năm 2012, thế giới sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn mới của văn minh loài người. Đó là giai đoạn của tình yêu, của hòa bình và của ánh sáng.”

“Những người biểu tình không có một tấc sắt trong tay. Họ chỉ biểu tình bất bạo động, đòi hỏi những quyền tự do, đòi công bằng lẽ phải cho mình thôi, vấn đề tôi quan tâm là họ đã vượt được sự sợ hãi, cùng nhau lên tiếng, cùng nhau đoàn kết chống lại những bất công, độc tài. Đó là điều rất đáng quan tâm.”


Hướng nhìn về quê hương, nhiều người Việt hải ngoại cũng có những quan tâm của riêng họ. Đây là ý kiến của cô Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Hội Tiếng Nói Người Mỹ gốc Việt ở vùng thủ đô Washington.

Ngọc Giao
: “Bất cứ ai, nếu là người Việt, đều mong muốn đất nước mình có một Năm Nhâm Thìn tốt đẹp hơn, nhất là dân đỡ khổ, những người dân không có nhà cửa, hay có nhà mà phải mất nhà, có đất phải mất đất, những người phụ nữ đẹp mà phải đi bán thân, những trẻ em không có tương lai, thì chúng ta mong rằng những điều này sẽ thay đổi, và chúng ta, những người có may mắn hơn sẽ có thể đóng góp trực tiếp bằng cách này hay cách khác để thúc đẩy sự thay đổi này cho nó nhanh hơn. Một điều nữa là hiện thời ở chung quanh Việt Nam, nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Nam Hàn, đang vượt qua Việt Nam rất nhanh, đây là một nước thuộc loại cường quốc trong vùng Đông Nam Á. Nam Hàn có dân chủ, có tự do, có tiến bộ và đương cạnh tranh rất mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại với vùng Đông Nam Á Châu. Trong khi đó thì Việt Nam năm 1975 ngang hàng hay hơn Nam Hàn nữa mà bây giờ lại thụt lùi. Chúng ta bây giờ còn thụt lùi còn sau cả Thái Lan. Và mới đây, Miến Ðiện cũng vừa chứng kiến những thay đổi rất phấn khởi, tiến trình dân chủ hóa của họ rất nhanh. Bà Aung San Suu Kyi sẽ ra tranh cử và hy vọng bà sẽ thúc đẩy đến một tiến trình dân chủ, đưa Miến Ðiện sang một trang sử mới. Đài Loan ngày 14 tháng Giêng vừa có một cuộc bầu cử mà cả thế giới phải thán phục. Đài Loan cũng là nước đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam. Đây là điều mà chúng ta phải thắc mắc. Tại sao đất nước mình chưa được như họ?”

VOA: Thế Ngọc Giao có lời chúc nào cho Việt Nam trong những ngày cận Tết?

Ngọc Giao: “Vâng, Ngọc Giao chúc đất nước chúng ta năm Nhâm Thìn sẽ lật sang một trang sử mới, và sẽ có cơ hội đồng đều mới đến với mọi người dân. Sẽ có cơ hội phát triển cho tất cả mọi người tài giỏi có khả năng, có thể đóng góp vào cố gắng thay đổi đất nước, trong khi chúng ta có thể cạnh tranh với tất cả các quốc gia bạn mà không bị thua thiệt họ.”

Thưa quý vị đó là lời chúc cuối năm của cô Ngọc Giao Nguyễn, Chủ tịch Hội Tiếng Nói Người Mỹ gốc Việt, trong Câu Chuyện Việt Nam cuối năm với Hoài Hương.

Từ Paris, Tiến sĩ Lê Đình Thông, Giáo sư giảng dạy môn Quan hệ Quốc tế tại Đại học Paris- Nanterre, chuyên nghiên cứu các vấn đề Việt Nam và quốc tế, chia sẻ những trăn trở của riêng ông cho quê hương, trong cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ Đài VOA sau đây.

VOA: Thưa Giáo sư, sắp đến Tết Nhâm Thìn, sống ở hải ngoại vào những dịp như thế này chúng ta cũng có những suy nghĩ về quê hương đất nước, xin Giáo sư chia sẻ với thính giả của Đài VOA những trăn trở của Giáo sư về tình hình đất nước hiện nay?

Tiến sĩ Lê Đình Thông: “Trăn trở của tôi nó là một hoài niệm thì đúng hơn, tứ là tôi nhớ lại trước đây, các chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ ở Saigòn đó, thì mỗi độ xuân về, ai cũng chứng kiến một cái chợ hoa có rất nhiều loại hoa, gọi là trăm hoa đua nở như là phong trào trăm hoa đua nở của miền Bắc sau năm 54. Thế bây giờ tôi giả thử nếu chợ hoa chỉ bán một loại hoa, thí dụ như là cúc vạn thọ chẳng hạn, thì chắc hẳn sẽ rất là vắng người. Và chợ hoa này chúng ta thấy rất là đa dạng bởi vì ngoài các loại hoa của mùa xuân như lan, huệ, cúc, thược dược, hồng đào vv…thủy tiên nữa, thì còn có đào Sóc Sơn của miền Bắc và mai vàng, nếu nói theo Ngũ hành thì là thuộc cung thổ của miền Nam, thì tất cả gặp gỡ trong một cái chợ hoa, bởi vậy cho nên hình ảnh của một chợ hoa đơn điệu, chỉ có một loại hoa thì không ai có thể tưởng tượng được. Thì chính sự hoài niệm đó cho phép tôi nói lên một cái trăn trở về tình hình đất nước. Tức cảnh thì sinh tình, bởi vậy cho nên tôi thấy nỗi hoài niệm đó cho phép tôi có một cái suy nghĩ, và chúng ta cũng đồng ý với nhau là ngày đầu năm là ngày của ước mơ, như là năm 1963 thì Martin Luther King có một cái niềm mơ ước mà tôi xin chuyển ngữ đoạn kết của bài diễn văn của ông Martin Luther King như sau:

Lũng sâu lấp lại cho đầy,
Núi cao trùng điệp chân mây san bằng.
Lối mòn khúc khuỷu chắn ngang,
Gập ghềnh chốn cũ quan san thẳng đường.

Mấy vần lục bát dẫn chúng ta trở về với quê hương đất nước và mùa Xuân này.

Thì cái lũng sâu trong câu thơ vừa kể đó, thì ta thấy ở quê hương chúng ta cũng còn cái hố sâu ngăn cách giữa giàu và nghèo, và cái hố này tất cả chúng ta đều thấy, nó rất là nghiêm trọng. Ngoài ra, nếu nói tới núi cao trùng điệp trong câu thơ lục bát mà tôi vừa đọc thì ở đất nước chúng ta, còn cái núi cao của điều 4 Hiến pháp đang ngăn cản dân sinh. Bởi vậy cho nên tôi cũng có một cái ước mơ, và ước mơ trong mùa Xuân này không khác gì hơn là cái sự ‘‘gập ghềnh chốn cũ quan san thẳng đường’’, bởi vì cả đất nước sẽ là một phố hoa muôn màu, và nói một cách cụ thể, gần gũi với cái tâm tư của chúng ta hơn, đó là đa nguyên dân chủ.”

VOA: Xin cám ơn Giáo sư về những ý tưởng đẹp và bài thơ rất có ý nghĩa đó. Thưa Giáo sư, Câu chuyện Việt Nam tuần này đến với quý thính giả, độc giả của VOA vào ngày 28 Tết, vậy Hoài Hương xin Giáo sư gửi lời chúc đầu năm đến quý thính giả/độc giả của đài.

Tiến sĩ Lê Đình Thông:
“Tôi có một đôi lời để mà chúc quý vị thính giả thì lời cầu chúc của tôi cũng là một câu thơ, bởi vì tôi nghĩ là không có gì đẹp hơn và chân tình hơn là những câu thơ phát xuất từ chính tấm lòng của người đang trao đổi với các quý vị thính giả ngày hôm nay trong ngày 28 Tết này. Thì lời cầu chúc đầu tiên của tôi là tôi cầu chúc cho nhà nhà được cơm no áo ấm, rồi tất cả các trẻ em đều có cơ hội để học hành đồng đều, và từ nay không còn cảnh cá lớn nuốt cá bé, cũng không còn tham quan ô lại. Đó là những lời cầu chúc chân tình của tôi. Nói tổng quát hơn, tôi xin mượn lời của cụ Nguyễn Trãi để mà cầu chúc: ‘‘Giang san từ đây mở mặt, xã tắc từ đây vững nền. Nhật nguyệt hối mà lại minh; kiền khôn bỉ mà lại thái.’’ Thì tất cả các ý tưởng mà tôi vừa nói, tôi xin được tóm gọn bằng một bài thơ Đường sau đây:

Rượu mứt dưa hành câu đối đỏ,
Bài thơ chúc Tết xin bày tỏ.
Rồng mây gặp hội lắm cơ may,
Cá chép thành rồng thôi khốn khó.
Sức khỏe đầu năm sẽ khá hơn,
Tiền tiêu cuối tháng còn đầy giỏ.
Năm Thìn kính chúc quý ông bà:
Phúc lộc bình yên tăng tuổi thọ.
Paris, ngày 19/01/2012
Lê Đình Thông

Thưa quý vị, Hoài Hương xin mượn bài thơ của Giáo sư Tiến sĩ Lê Đình Thông thuộc Đại học Paris- Nanterre để chúc Tết quý vị, thay cho lời kết chuyên mục Câu Chuyện Việt Nam cuối năm. Hoài Hương xin hẹn gặp lại quý vị trên làn sóng này sang năm, trong tuần tới.

-----------------------------------


.
.
.

No comments: