Saturday, January 7, 2012

PHẠM HỒNG SƠN - VỤ ÁN CÙ HUY HÀ VŨ & NHỮNG NGƯỜI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN VIỆT NAM (Phạm Thị Hoài thực hiện)



Phạm Thị Hoài thực hiện
06.01.2012

Phạm Thị Hoài: Thưa anh, vụ án Cù Huy Hà Vũ là một trong những sự kiện nổi bật năm 2011. Bản thân anh từng nhận một bản án tù chính trị năm 2003. Tám năm giữa hai vụ án, anh thấy có những thay đổi gì trong cách mà chính quyền Việt Nam đối xử với những người bất đồng chính kiến?
Phạm Hồng Sơn: Trước tiên xin được nói rõ lại một chi tiết nhỏ: trên văn bản chính thức thì bản án năm 2003 dành cho tôi (và cả bản án dành cho anh Cù Huy Hà Vũ vừa qua) không được coi là án chính trị, mặc dù trong mọi giao tiếp của quá trình tố tụng và thi hành án thì các nhân viên công quyền đều thừa nhận vụ việc của tôi là vụ án chính trị. Vâng, thế là đã tám năm rồi. Nhưng so sánh một cách tổng quát và cơ bản thì tôi không thấy có sự thay đổi gì trong cách chính quyền đối xử với những người bất đồng chính kiến. Mặc dù hai vụ án khác nhau hoàn toàn, như nguồn gốc xuất thân và cách lên tiếng phê phán chính quyền của anh Cù Huy Hà Vũ và tôi, cách tạo lý cớ, qui chụp, trấn áp của chính quyền, v.v. nhưng tinh thần tôn trọng pháp luật và khả năng dung thứ với chỉ trích, quan điểm khác biệt của chính quyền thì vẫn gần như không thay đổi. Hay nói cách khác, chính quyền vẫn giữ nguyên một cách ứng xử, đã thấy có từ năm 1954 đến nay, là phải dùng mọi cách, kể cả những cách phi pháp và thiếu đạo lý để hạn chế, vô hiệu hóa ảnh hưởng đối với xã hội của những người có quan điểm khác biệt với Đảng.

Phạm Thị Hoài: Nhưng trong những năm qua, Việt Nam đã đầu tư không nhỏ vào việc xây dựng và cải cách hệ thống luật pháp thuộc nhiều lĩnh vực.
Phạm Hồng Sơn: Vâng, trong tám năm đó nhà nước Việt Nam đã thực hiện những „cải cách tư pháp“ do chính ông Chủ tịch nước chỉ đạo và đã có những thay đổi về khung pháp luật hình sự, đó là Luật Tố tụng Hình sự đã được làm mới (vào cuối năm 2003) và Luật Hình sự đã được bổ sung và sửa đổi (vào năm 2009). Nhưng vụ án CHHV đã cho thấy những vấn đề cơ bản nhất để đảm bảo xác định được sự thật, bảo vệ được công lý, như Viện Kiểm sát phải kiểm tra, giám sát để đảm bảo cơ quan điều tra phải thực thi đúng pháp luật, xét xử phải được công khai theo nghĩa mọi người phải được tự do tham dự, việc kết án phải dựa trên sự tranh tụng giữa hai bên (bên cáo buộc và bên bị cáo buộc), báo chí (chính thống) phải tuân thủ tính độc lập, trung thực, công bằng…, vẫn y nguyên như cách đây tám năm, vẫn bị chính các cơ quan tố tụng từ chối thực hiện hoặc xâm phạm. Thậm chí các cơ quan này còn bất chấp, coi thường pháp luật, lý lẽ đến mức có những biểu hiện rất cẩu thả, kỳ cục. Chẳng hạn, trong phiên tòa sơ thẩm cách đây tám năm trong vụ án của tôi, ông thẩm phán chủ tọa Hội đồng xét xử đã chất vấn tôi về một bức thư điện tử có ngày gửi sau khi tôi đã bị đưa vào nhà tù rồi. Khi tôi nhắc chi tiết vô lý đó thì cả Hội đồng xét xử đều im lặng, rồi tôi thấy họ nháy nhau và chuyển luôn qua vấn đề khác. Thế mà tám năm sau lại vẫn xảy ra một việc tương tự trong vụ án CHHV, đó là Hội đồng xét xử của phiên tòa phúc thẩm đã dám khẳng định một cách hết sức cẩu thả rằng Điều 88 Luật Hình sự Việt Nam là sự cụ thể hóa Điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị. Đó là những vấn đề có tính chính danh và cơ bản về luật. Còn về những ứng xử khác có tính chất ngoài tố tụng, trong vụ án CHHV tôi vẫn thấy chính quyền sử dụng nhiều cách như cách đây tám năm, dĩ nhiên với qui mô rộng và mức độ mạnh hơn nhiều, như đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp người nhà, dùng truyền thông để bôi nhọ đối tượng, tung tin thất thiệt nhằm gây hoang mang, ngăn chặn sự ủng hộ đối với người bất đồng chính kiến. Đó là những điều tôi thấy không hề thay đổi, đáng tiếc đó lại là những vấn đề cơ bản nhất cho việc bảo vệ công lý, sự thật.

Phạm Thị Hoài: Về thủ tục tố tụng cụ thể, anh không thấy một tiến bộ đáng kể nào trong vụ án Cù Huy Hà Vũ?
Phạm Hồng Sơn: Những thay đổi theo xu hướng tiến bộ trong vụ án CHHV, rất tiếc lại chủ yếu mang tính hình thức hoặc không cơ bản. Ví dụ, giai đoạn điều tra trong vụ án CHHV đã được kết thúc rất nhanh (trong khoảng 1 tháng). Ở các vụ án tương tự trước đây, giai đoạn điều tra thường kéo dài khoảng 1 năm. Trong vụ án CHHV luật sư được gặp bị cáo nhiều hơn và thông tin được trao đổi cởi mở hơn. Nhưng cũng xin lưu ý rằng gần như đồng thời với vụ án CHHV, ở những vụ án chính trị khác, như anh Nguyễn Văn Hải Điếu Cày và nhiều người khác vẫn không được hưởng những tiến bộ có tính hình thức hay không cơ bản đó. Nhưng chúng ta không nên ngạc nhiên về những điều đó. Theo tôi, chừng nào hệ thống chính trị độc đảng còn tồn tại, chừng nào chưa có báo chí tự do, chừng nào chưa có các cơ quan giám sát độc lập thì những vấn đề về công lý, tố tụng vẫn sẽ tiếp tục như thế, những thay đổi có chăng chỉ là những biến tướng hình thức và có tính đối phó mà thôi.

Phạm Thị Hoài: Còn những thay đổi trong việc xác định tội danh?
Phạm Hồng Sơn: Về điểm này, theo tôi có thể chính quyền đã có một sự thay đổi chiến lược trong tám năm qua. Vào khoảng đầu năm 2000 trở về trước, tội danh “gián điệp” (Điều 80 Luật Hình sự) rất hay được chính quyền sử dụng để qui kết người bất đồng chính kiến. Nhưng nay, tội danh đó gần như đã vắng bóng và thay vào đó phần lớn là Điều 88 (Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam) hoặc Điều 258 (Tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ).

Phạm Thị Hoài: Anh từng bị kết án với tội hoạt động gián điệp. Vì sao khi ấy tội danh đó được ưa chuộng như vậy?
Phạm Hồng Sơn: Theo tôi có hai lý do. Thứ nhất, có thể tư duy của giới lãnh đạo khi đó vẫn còn mang nhiều sự nghi kỵ “ta – địch” của thời chiến, thời cấm vận. Thứ hai, có thể chính quyền muốn đưa ra một sự đe dọa hữu hiệu để đối phó với một diễn tiến mới, tất yếu, khi phải chấp nhận “mở cửa” với thế giới, đó là sự giao lưu, quan hệ, trao đổi giữa người Việt ở trong nước với người Việt ở ngoài nước và với bạn bè quốc tế. Tội danh “gián điệp”, như ta thấy, thường gợi nhiều yếu tố mập mờ, bí hiểm, khó đoán định. Cùng với tâm lý nói chung của xã hội (sau thời chiến) vẫn còn hoang mang, sợ sệt khi quan hệ với người nước ngoài thì “gián điệp” có lẽ là cái mũ hợp lý nhất để chụp cho những người bất đồng chính kiến thời mới mở cửa. Nhưng có lẽ sau này, khi thấy tội danh “gián điệp” cũng không thể ngăn cản được xu thế trao đổi, giao lưu trong ngoài mà còn có thể gây bất lợi trong quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây, gây lúng túng cho Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc đối phó với xu thế ngày càng có nhiều các đảng viên trở thành phản tỉnh, ủng hộ dân chủ. Chả lẽ một đảng “của dân tộc” mà lại có nhiều đảng viên và con cái của đảng viên làm “gián điệp” cho nước ngoài thế sao?! Và có thể khung hình phạt của tội danh “gián điệp” khá cứng, không đủ độ linh hoạt cho sự đối phó của chính quyền, nên việc qui tội cho người bất đồng chính kiến đã được chuyển phổ biến sang Điều 88. Nghĩa là, trong khoảng một thập niên qua, chính quyền đã phải chuyển trọng tâm từ việc ngăn cản giao lưu, trao đổi, quan hệ trong ngoài nước sang việc ngăn cản sự hình thành, truyền bá thông tin độc lập trong xã hội.

Phạm Thị Hoài: Trước tòa, anh Cù Huy Hà Vũ khẳng định mình không chống Đảng Cộng sản Việt Nam, không chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Một số nhà bất đồng chính kiến khác cũng xác định lập trường của mình tương tự như vậy…
Phạm Hồng Sơn: Tôi cũng hoàn toàn đồng ý là căn cứ vào pháp luật hiện hành và những gì anh CHHV đã biểu hiện thì không thể kết tội anh CHHV có hành động chống Đảng Cộng sản Việt Nam hay chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Nhưng xét rộng hơn nữa, ví dụ như dưới góc độ lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, thì ngay cả khi chống lại một nhà nước cũng không thể có tội nếu nhà nước đó đi ngược lại lợi ích dân tộc hoặc không bảo vệ dân tộc, quốc gia trước sự xâm lấn, thôn tính của ngoại bang. Quan điểm riêng của cá nhân tôi và lịch sử phát triển của loài người cũng đã chỉ ra là mọi thứ đều có thể chống và nên chống nếu nó trở thành vật cản cho tiến bộ xã hội. Và loài người đã tìm được ra một cách thức “chống” rất văn minh và hiệu quả, có thể áp dụng cho mọi vấn đề, đó là phản kháng ôn hòa, bất bạo động (non-violent resistance).

Phạm Thị Hoài: Nhưng với đa số người Việt trong nước thì chống Đảng và Nhà nước đồng nghĩa với phản bội quốc gia, dân tộc, chưa kể đồng nghĩa luôn với phản bội nhân dân…
Phạm Hồng Sơn: Chính quyền Việt Nam từ năm 1954 đến nay ở miền Bắc và từ 1975 đến nay ở cả hai miền, đã thành công trong việc ấn định tư duy cho phần lớn dân chúng, trong đó có cả những người có học, có bằng cấp cao. Thay cho tư duy độc lập thì người ta thường tư duy theo những qui định ngầm, những gợi ý có tính khuôn phép, kể cả những quan niệm rất vô lý và kỳ cục như chị vừa nêu, của nhà cầm quyền. Nhiều người vẫn coi đảng cầm quyền và chính quyền, nhà nước thời nay như những thế lực thần thánh, bất khả xâm phạm, không dám đụng chạm đến, trong khi không có pháp luật nào qui định như thế. Chính đó là một trong những nguyên nhân khiến những sai phạm, hư hỏng, mục ruỗng có tính quốc gia tiếp tục được duy trì và ngày càng trở nên trầm trọng, bi ai như những gì chúng ta đang thấy.

Phạm Thị Hoài: Vụ án CHHV kéo theo một dư luận có lẽ là sôi nổi nhất trong các vụ án chính trị từ trước tới nay. Vai trò của dư luận ấy, theo anh, nên đánh giá như thế nào?
Phạm Hồng Sơn: Dư luận trong và ngoài nước đối với vụ án này vẫn chia ra hai luồng chính: một phía không ủng hộ (phản đối, phỉ báng, kết tội) Cù Huy Hà Vũ và một phía ủng hộ (bênh vực, ca ngợi, tôn vinh). Phía không ủng hộ gồm giới cầm quyền và thân chính quyền, những người còn chưa tiếp cận được với các nguồn tin độc lập, đa chiều và những người chưa hiểu được những quyền cơ bản của con người. Ở phía này tuyệt đối không thấy có những tiếng nói quốc tế. Phía ủng hộ có chung một đặc điểm là hoàn toàn không hiện diện trên các phương tiện truyền thông chính thống, nhưng đã trở thành một đối trọng không thể coi thường, đã gây một ảnh hưởng khá quan trọng tới vụ án. Nhiều người, trong đó có cả bản thân tôi, đã rất băn khoăn và lo lắng khi nhận được tin anh Cù Huy Hà Vũ bị bắt trong tình trạng rất nhạy cảm và trớ trêu, bị kèm theo “hai bao cao su đã qua sử dụng”. Nhưng những gì mà báo chí phi nhà nước (blog, website, radio) của người Việt thể hiện đã cho thấy dư luận tiến bộ nói chung, giới làm báo phi nhà nước nói riêng, đã khá thận trọng nhưng vẫn rất tự tin, quyết đoán để ủng hộ người yêu nước, người có chí khí trên cơ sở pháp luật. Điều đó không có nghĩa là đánh giá thấp vai trò của dư luận quốc tế hay xem nhẹ ảnh hưởng từ các mối quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây. Nhưng phải thừa nhận một thực tế là quan hệ giữa Việt Nam với các nước phương Tây năm 2011 không thuận lợi cho những vận động quốc tế về tôn trọng nhân quyền bằng những năm đầu năm 2000 (khi Việt Nam chưa được hưởng quy chế PNTR, chưa được vào WTO).

Phạm Thị Hoài: Bối cảnh xung đột với Trung Quốc tại Biển Đông không phải là cơ hội để quốc tế vận động chính quyền Việt Nam tách khỏi Anh Cả Đỏ phương Bắc và nhích về phía các giá trị nhân quyền hay sao?
Phạm Hồng Sơn: Đáng lẽ ra là phải thế, nhưng thực tế lại cho thấy dường như toàn bộ ban lãnh đạo ĐCSVN hiện nay vẫn nhất quán trong việc ưu tiên duy trì quyền lực độc tôn của Đảng hơn vận mệnh quốc gia, dân tộc. Còn cộng đồng quốc tế thì lại có những cách hợp tác hiệu quả với chính quyền Việt Nam để kìm tỏa sự bành trướng của Trung Quốc và bảo vệ lợi ích của họ mà không cần phải đụng chạm tới vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi, dù bối cảnh quốc tế, khu vực và quan hệ Việt-Trung sẽ diễn biến như thế nào thì việc có được một hệ thống truyền thông phi nhà nước, độc lập và đủ mạnh vẫn là một vấn đề trọng yếu, một vấn đề nền tảng cho các tiến bộ khác. Với kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể nói rằng sau tám năm, dư luận tiến bộ trong nước (với sự hiệp đồng, hỗ trợ của dư luận người Việt ở nước ngoài và các hãng truyền thông quốc tế) đã có một bước trưởng thành đáng kể về qui mô, về khả năng nhận thức và ảnh hưởng đối với xã hội nói chung và với các vụ án qui buộc người bất đồng chính kiến như vụ án CHHV nói riêng.

Phạm Thị Hoài: Nếu xem đoạn phim 16 phút nhan đề “Sự thật về hành vi vi phạm của Cù Huy Hà Vũ” phát sau phiên tòa phúc thẩm trên Đài Truyền hình Việt Nam, phương tiện truyền thông đại chúng hữu hiệu nhất tại Việt Nam hiện nay, người ta có thể có những ấn tượng khác…
Phạm Hồng Sơn: Dĩ nhiên, có nhiều người vẫn hoàn toàn nhìn nhận vụ án CHHV theo những gì mà hệ thống truyền thông nhà nước phản ánh. Tôi từng gặp những người như thế. Phản ứng của tôi là chỉ nhẹ nhàng nói với họ rằng chúng ta nên “nghe hai tai” và phải thận trọng với những gì mà truyền thông nhà nước phổ biến.

Phạm Thị Hoài: Hôm diễn ra phiên tòa xử vụ CHHV, anh cũng bị bắt và tạm giam 9 ngày ở Hỏa Lò. Trở lại với nhà tù, cảm giác của anh thế nào?
Phạm Hồng Sơn: Sau gần mười năm mới trở lại một nhà tù, nhưng tôi vẫn thấy tình trạng quan hệ, giao tiếp kiểu chủ – nô giữa nhân viên trại giam và người tù hình sự, tình trạng cá lớn nuốt cá bé trong cộng đồng tù hình sự, y như tôi đã từng nghe trước đó. Đó cũng là những điều gây cho tôi suy nghĩ nhiều nhất sau chín ngày tù đó. Thân phận nói chung của người Việt Nam đã thật buồn, mỏng manh, nhưng cuộc đời của những người tù hình sự trong Hỏa Lò còn mỏng manh và thương tâm gấp bội. Tôi xin mở ngoặc thêm ở đây là tù hình sự ở Hỏa Lò phần lớn chỉ là những nghi can, những người về mặt pháp luật vẫn phải được coi là hoàn toàn vô tội. Về phần mình, chín ngày tù đó đã cho tôi những trải nghiệm rất quí giá. Thứ nhất, nó cho phép tôi kiểm định một số suy luận về hệ thống chính trị và xã hội hiện thời. Thứ hai, nó cũng giúp tôi xem lại khả năng chịu đựng của bản thân. Về điều thứ nhất, có một điều mừng là ngay trong hệ thống chính trị hiện tại cũng đã có nhiều cá nhân có thay đổi rất tích cực về tư duy chính trị và xã hội, họ đã gần như không còn cho rằng chỉ trích chính phủ hay phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam là điều xấu hay nguy hiểm nữa, ở mức độ nào đó họ còn tỏ ra quan tâm, ủng hộ những người bất đồng chính kiến. Một nhân viên công an ngay trong Hỏa Lò đã nói riêng với tôi là anh ấy thường xuyên đọc những thông tin trên các trang mạng phi nhà nước nói về dân chủ, nhân quyền. Ban đầu tôi nghĩ là anh ấy nói ngoại giao và nhằm mục đích nào đó thôi, nhưng sau khi anh ấy nói về nhiều chi tiết và cả những cảm nghĩ (có cả đồng ý và không đồng ý) về nhiều bài thì tôi phải tin rằng anh ấy đã đọc một cách chủ động. Xin được nhấn mạnh rằng việc đọc như thế của một nhân viên công an trại giam là khác hẳn với việc đọc có tính chất công việc của các nhân viên an ninh. Một điều mừng khác nữa là những nghi can hình sự sống cùng với tôi trong chín ngày đó đã cho tôi hiểu thêm rằng nhiều người thuộc tầng lớp thấp của xã hội lại có những nhận xét về chính trị rất sắc sảo và triệt để.

Phạm Thị Hoài: Xin anh cho một ví dụ.
Phạm Hồng Sơn: Trong một lần trò chuyện, động chạm đến Hồ Chí Minh, một người tù thì cho rằng tình trạng bất công của xã hội hiện nay là do những người lãnh đạo hiện tại không có tài, có đức bằng Bác Hồ, thua xa Bác Hồ. Nhưng rất bất ngờ, một người tù khác, còn khá trẻ, vặc lại “thế ông tưởng thời Bác Hồ còn sống xã hội công bằng lắm à? Vừa đá bóng vừa thổi còi thì làm gì có công bằng mà mơ. Ông có đi xem bóng đá mà trọng tài lại làm tiền đạo không?” (Ở đây tôi đã lược bỏ tối đa những từ đệm của giới giang hồ.) Theo tôi, việc anh tù trẻ đó có một nhận xét chính xác như thế là do hai lý do chính. Thứ nhất, vì anh ta còn trẻ, lại thất học và có cuộc sống tự do giang hồ nên tư duy của anh ta không (hoặc ít) bị thâm nhiễm bởi những giáo dục có tính đầu độc của hệ thống giáo dục hiện tại, vì vậy khả năng nhìn nhận ra chân lý dễ hơn. Kant hay Osho đã cho rằng chính những kiến thức đã nằm trong đầu ta lại có thể cản trở cho việc nhận biết thực tại khách quan. Thứ hai, có thể vì tiếp cận được với những thông tin độc lập trên mạng nên anh ta đã biết được sự thật và hiểu được một nguyên nhân gốc rễ của bất công xã hội hiện nay.

Phạm Thị Hoài: Như vậy xã hội Việt Nam hiện nay thật sự có chỗ, và không phải chỗ quá chật, cho những người bất đồng chính kiến?
Phạm Hồng Sơn: Với trải nghiệm và quan sát riêng của bản thân, tôi có thể nói ngắn gọn rằng trong mười năm qua đã có một sự thay đổi theo chiều hướng tích cực trong nhận thức của xã hội và dư luận đối với những người bị nhà nước kết tội là “phản động”. Tuy nhiên, từ góc độ nghề nghiệp hay tầng lớp xã hội thì các thay đổi tích cực đó không thuần nhất hay tương đồng với sự cao thấp về tri thức hay gần gũi về quan hệ. Có những người đang nắm giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước vẫn gần gũi và ủng hộ tôi, trong khi có những người làm việc ở khu vực không liên quan gì tới nhà nước lại tỏ ra tránh né. Hoặc có những người chưa bao giờ gặp lại quan tâm, chia sẻ hơn cả những người đã từng thân thiết hoặc thậm chí là họ hàng ruột thịt. Hoặc có người là đảng viên cộng sản, ở nông thôn, nhưng lại có suy nghĩ cởi mở về những người bất đồng chính kiến hơn nhiều trí thức ngoài đảng sống ngay ở thành phố. Dĩ nhiên, trong xã hội hiện nay, quan hệ với những người bất đồng chính kiến vẫn là một vấn đề. Ngay cả những người ủng hộ, có cảm tình, có thể vẫn có phần nghi kỵ, e ngại. Nhưng theo tôi, trong một xã hội đang có những hỏng hóc rất lớn về nền tảng thì các quan hệ xã hội tránh sao khỏi trục trặc. Ví dụ, theo những gì tôi quan sát, quan hệ giữa những người làm việc trong các công sở nhà nước đa phần chỉ có tính hình thức và khá lỏng lẻo. Mối quan hệ đó thường chỉ dựa trên những giá trị như ăn uống, du hý, kiếm tiền, ma chay, cưới hỏi, và bao trùm lên các quan hệ đó là các mưu tính, tranh chấp, ganh đua về quyền lực, quyền lợi bằng những cách không đàng hoàng.

Phạm Thị Hoài: Việc anh bày tỏ công khai quan điểm chính trị ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hàng ngày của anh và gia đình?
Phạm Hồng Sơn: Đã từ lâu tôi thống nhất được với gia đình về quan điểm sống là sẵn sàng đón nhận một cách tích cực những gì nằm ngoài khả năng của mình. Ở Việt Nam hiện nay đâu cứ phải công khai quan điểm chính trị thì mới bị “ảnh hưởng”. Các em học sinh cấp I, II, III và tuyệt đại đa phần bố mẹ của các em có phát biểu gì về chính trị đâu, nhưng có ai trong chúng ta dám nói đời sống học sinh của các em là hạnh phúc, là không bị thiệt thòi? Những nông dân bị mất đất, những công chức có lương tâm, những nhà báo yêu sự thật cũng thế, đâu cần phải phát biểu chính trị mới bị “ảnh hưởng”. Những năm tháng tĩnh tâm ở trong tù trước đây đã cho tôi một ý nghĩ là con người không thể định đoạt được tất cả những bất trắc, nguy hiểm đang rình rập từng giờ, từng phút quanh ta, từ thiên nhiên hoặc từ chính con người, nhưng có một điều chúng ta có thể định đoạt được là chủ động chọn lấy một hướng đi. Nếu có những nguy hiểm, bất trắc, rủi ro xảy ra thì đó là những điều đỡ tẻ nhất, đỡ vô nghĩa nhất.

Phạm Thị Hoài: Anh có thấy mình cô đơn không?
Phạm Hồng Sơn: Theo tôi cô đơn là một khái niệm rất tương đối. Cô đơn thường bị gắn với số ít, với sự đơn độc. Nhưng cô đơn cũng còn là cảm giác, là nhận thức của chính bản thân con người. Người ta có thể hoàn toàn cảm thấy cô đơn, lạc lõng, tủi thân ngay giữa một lễ hội náo nhiệt, nhưng lại không thấy cô đơn khi phải sống nhiều năm một mình trong một không gian nhỏ xíu với 4 bức tường bao quanh. Có người chỉ vì thấy cô đơn, không ai ủng hộ, nên đành từ bỏ những ý nghĩ của riêng mình, hoặc tệ hơn lại đồng ý, thỏa hiệp với những người khác, thành ra đánh mất những suy nghĩ độc lập của mình. Hành động của Hữu Loan, cách đây nửa thế kỷ, một mình đi thẳng về quê đập đá, bỏ lại sau lưng ông tất cả mọi thứ ở nơi đô hội, trong đó có cả công trạng, quyền lợi, sự nhàn nhã mà ông đáng được hưởng, theo tôi có ý nghĩa với ông và với đời hơn rất nhiều những náo nhiệt, đông đúc, “đoàn kết” khác. Có lúc có những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam cảm thấy đơn độc hoặc mệt mỏi, thậm chí chán nản, hoặc có thể có những người tự nghĩ mình đang cô đơn, nhưng, theo tôi, về ý nghĩa sâu xa thì bất đồng chính kiến với người cầm quyền, với chính quyền không hề cô đơn vì bất đồng chính kiến đã có một nền tảng chung cho mọi con người, có một triết lý đúng đắn có tính phổ quát đã được thử thách qua hàng ngàn năm của nhân loại. Trong Đại Tượng truyện, một pho sách cổ của Trung Quốc có cách đây hơn hai ngàn năm, đã có quan điểm cho rằng không phải cứ đồng ý kiến, đồng một cách sống mới là tốt, mà dị (tức bất đồng) ý kiến, dị về cách sống cũng tốt và cần thiết, nhất là trong thời loạn, trong thời cái ác thống trị xã hội. Còn nếu nhìn vào các công ước quốc tế của thời nay liên quan tới nhân quyền, tới giá trị Người của con người thì việc có ý kiến khác biệt với bất kỳ ai cũng được coi là chuyện hết sức bình thường và không ai có quyền xâm phạm. Dĩ nhiên, những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam hiện nay vẫn còn là số ít, vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong con mắt của nhiều người và đôi khi trong con mắt của chính họ, họ là những kẻ dị biệt. Nhưng có điều mới nào thuở ban đầu không mang trong nó tính dị và có sự tiến bộ nào ngay khởi đầu đã to lớn, đã là số nhiều?

Phạm Thị Hoài: Phần lớn, ngay cả những người có cảm tình với giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam, cho rằng thể chế chính trị Việt Nam chỉ có thể do chính Đảng Cộng sản thay đổi, không một lực lượng chính trị đối lập nào được coi là đáng kể để thực hiện nhiệm vụ này.
Phạm Hồng Sơn: Vâng, nếu giả thiết rằng quan điểm vừa nêu đã được phát biểu với một sự trung thực tuyệt đối thì quan điểm này cũng mang trong nó các lựa chọn, những quan niệm cần phải xét lại. Xin hỏi lại, thế nào là do “chính Đảng Cộng sản thay đổi”? Sự “thay đổi” do chính bản thân Đảng Cộng sản tự nhận thức hay do Đảng Cộng sản nhận thức thông qua những khuyến cáo, phân tích, đòi hỏi đến từ bên ngoài? Hay sự thay đổi mà Đảng Cộng sản không thể không thực hiện vì sức mạnh đòi hỏi thay đổi của xã hội, của toàn thể giới trí thức, của quảng đại quần chúng? Một cách khác, chúng ta sẽ ngồi chờ để Đảng Cộng sản thay đổi, hay sẽ làm điều gì đó để thúc đẩy Đảng Cộng sản phải thay đổi? Và những người có quan điểm vừa nêu liệu có mong đợi một sự tự thay đổi của Đảng Cộng sản theo chiều hướng chỉ nhằm tạo ra những hình thức mới mà vẫn giữ nguyên bản chất phi dân chủ như hiện nay? Hơn nữa, theo tôi quan niệm “cách mạng”, “thay đổi” hiểu theo nghĩa là những cuộc lật đổ bạo động trong chớp nhoáng và thay đổi hoàn toàn các cấu trúc chính trị, kinh tế, xã hội trong một thời gian ngắn, là những quan niệm đã lỗi thời và có tính chất nguy hiểm. Nhìn lại những thay đổi quan trọng của thế giới trong khoảng ba thập niên qua chúng ta có thể thấy những cuộc cách mạng thành công nhất đều có ba yếu tố tinh thần có tính nền tảng, đó là tinh thần ôn hòa (phi bạo lực), tinh thần chủ động đòi thực thi các nhân quyền cơ bản (các giá trị chung của con người) và tinh thần chấp nhận hy sinh đến cùng của những người theo đuổi những giá trị chung đó. Tôi đồng ý là sức mạnh của một lực lượng chính trị hay lực lượng xã hội có thể biểu hiện qua những yếu tố vật chất, hữu hình, như số người tham gia, phương tiện vật chất…, nhưng nền tảng sâu xa cho sức mạnh và tiềm năng của một lực lượng xã hội hay chính trị lại là các yếu tố phi vật chất như tính tiến bộ và tính phù hợp với khát khao chung của cộng đồng, xã hội hay rộng hơn là nhân loại. Và nếu nhìn kỹ hơn ta sẽ thấy, trước khi có những biểu hiện về sức mạnh vật chất thì đã phải có những chuẩn bị, chia sẻ, thống nhất về tinh thần, tư tưởng. Dĩ nhiên, vấn đề tổ chức, dù hiểu theo cách nào hoặc không muốn nói ra, cũng không thể thiếu để tạo nên sức mạnh thống nhất cho một lực lượng, một phong trào xã hội, nhưng chính vấn đề tổ chức cũng liên quan nhiều đến tư tưởng, tinh thần hơn là vật chất. Như vậy, quan điểm “không một lực lượng chính trị đối lập nào được coi là đáng kể để thực hiện nhiệm vụ (thay đổi chính trị) này” là quan điểm chỉ có thể đúng với góc nhìn rất hẹp và ngắn về thời gian. Còn dưới góc độ đạo đức thì tôi cho rằng đó là quan điểm sai hoàn toàn. Vì sao chúng ta lại vẫn đặt niềm tin, vẫn giao phó sự trông chờ vô điều kiện cho một đảng đã tự chứng minh là đã mắc những sai lầm trầm trọng trong chính sách phát triển và bảo vệ chủ quyền đất nước, đã gây ra nhiều mất mát, thương đau cho dân tộc? Mặc dù tôi không tin những người có quan điểm “phó thác” nói trên còn tin tuyệt đối vào Đảng Cộng sản. Nhưng nếu xuất phát điểm của những người muốn tiến bộ lại là một tinh thần trông chờ, phó thác cho Đảng Cộng sản thì ngay cả trong trường hợp Đảng Cộng sản có muốn thay đổi theo chiều hướng dân chủ thật (hiện nay giả thiết này là một viễn viễn tưởng) thì họ cũng sẽ thôi.

Phạm Thị Hoài: Chủ nghĩa phó thác này có những nguyên cớ của nó…
Phạm Hồng Sơn: Đúng, nhưng theo tôi, nó nguy hiểm. Nó không chỉ khó có thể mua được lòng tin, sự thành ý lắng nghe của nhà cầm quyền độc tài mà còn làm một bộ phận lớn trong xã hội, những người ít có thói quen hay điều kiện để tìm hiểu kỹ về chính trị, vẫn hy vọng, trông ngóng, trông chờ sự tự thay đổi (theo hướng tiến bộ) của Đảng CSVN. Mà một xã hội trong đó người dân không có tinh thần tự lập, không biết chủ động trong các vấn đề xã hội, chính trị thì xã hội ấy vẫn là mảnh đất màu mỡ cho độc tài, mị dân, phi dân chủ. Hơn nữa, tất cả những gì diễn ra từ các cuộc Cách mạng ở Tây Âu và ở Mỹ trong thế kỷ 17, 18 cho đến nay đều cho thấy, những cái đầu luôn bị tù hãm trong những cái vỏ dai cứng của tự đại, tự huyễn của các nhà độc tài chỉ có thể được đột phá, khai mở bằng một ý chí cứng rắn khác.

Phạm Thị Hoài: Vậy vai trò của những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam trong bối cảnh này là gì? Họ có một cơ hội nào để quy tụ thành một phong trào đối lập không?
Phạm Hồng Sơn: Thật là một câu hỏi khó. Tôi cho rằng tất cả những người bất đồng chính kiến đều tin rằng việc làm của họ ít nhất cũng giúp cho việc khẳng định lại rằng Con Người không phải là một loài động vật chỉ cần tồn tại hay chỉ mong muốn cho riêng bản thân họ. Vế sau trong câu hỏi của chị làm tôi nhớ đến hai câu cách ngôn và hai câu chuyện cổ. Hai câu cách ngôn là “Cơ hội không bao giờ tự trên trời rơi xuống” và “Người ta thành công chỉ vì người ta đã tin rằng người ta sẽ thành công”. Hai câu chuyện cổ là “Cô bé quàng khăn đỏ“ và “Bó đũa“.

Phạm Thị Hoài: Các lực lượng đối lập, ở đâu và thời nào cũng vậy, bao giờ cũng gồm nhiều khuynh hướng từ khác nhau đến khác xa nhau. Một trong các khuynh hướng đáng chú ý tại Việt Nam là đối lập trung thành. Anh đánh giá lực lượng này như thế nào?
Phạm Hồng Sơn: Một cách sơ bộ, lực lượng này đang chiếm số đông và có sức thu hút dư luận lớn so với các lực lượng khác và cũng đang lớn mạnh hơn so với chính họ. Trong lực lượng này có những người tài năng và lương thiện và cũng có một vài dấu hiệu cho thấy có người đang trở thành ít “trung thành” hơn. Nhưng đáng tiếc cũng có những người tài năng và cơ hội. Bản thân người phương Đông đã kín đáo, lại phải sống lâu trong một chế độ toàn trị cộng sản thì sự kín đáo sẽ còn lớn hơn nữa. Do đó lực lượng đối lập trung thành ở Việt Nam – những người phê phán Đảng Cộng sản, phản biện các chính sách của nhà nước nhưng vẫn bảo vệ tính nhất thống của Đảng hay chỉ dựa trên các nguyên tắc của Đảng – vẫn là một ẩn số.

Phạm Thị Hoài: Những người bất đồng chính kiến tất nhiên quan tâm đến những sai lầm của nhà cầm quyền. Còn những sai lầm, những căn bệnh của chính họ thì sao?
Phạm Hồng Sơn: Tôi không thể đưa ra những chẩn đoán có tính toàn diện và chi tiết vì muốn vậy tối thiểu cần phải có một cuộc khám nghiệm tổng quát với nhiều phương tiện và nhân lực và, theo ngôn ngữ y tế, có thể cần cả những cuộc “hội chẩn”. Theo tôi những người bất đồng chính kiến Việt Nam, có cả bản thân tôi, dù ít hay nhiều, đều mang trong mình những căn bệnh của thời đại, của môi trường (chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống…) mà họ đang sống. Ở đây tôi chỉ muốn nêu ra vài điểm. Thứ nhất chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ về tiêu dùng vật chất (material consumption) và các phương tiện truyền thông, rất hấp dẫn và mạnh mẽ, dễ làm con người rơi vào những ngộ nhận, lừa gạt, cạm bẫy, chỉ hướng đến hình thức và tính ngắn hạn hơn là nền tảng và dài hạn. Thứ hai, môi trường xã hội của Việt Nam còn rất thiếu tính khoan dung, độ lượng với những sự khác biệt. Đặc điểm này không chỉ là đặc tính của một chính quyền độc đoán, độc tài mà còn là đặc tính của dân chúng (gồm cả những người bất đồng chính kiến) phải sống lâu dưới các chế độ quân chủ chuyên chế, chuyên chính cộng sản hay thần quyền. Thứ ba, truyền thống của tầng lớp sĩ phu và trí thức Việt Nam từ trước đến nay là gần như đều không quan tâm đến chính trị nói chung và khoa học chính trị nói riêng. Ở đây tôi không đề cập đến nguyên nhân, nhưng nếu tầng lớp có học nhất của một quốc gia lại không quan tâm đến chính trị hay coi khinh chính trị là xấu, là công việc của những kẻ đầy thủ đoạn nên tránh xa, không tìm hiểu các qui luật, các kỹ thuật, các điểm hay dở, tốt xấu của các mô hình chính trị cũng như các “thủ đoạn” cầm quyền thì quốc gia sẽ không thể có được một chế độ chính trị đúng đắn, tốt đẹp. Vì giới có học, người tử tế còn không hiểu về chính trị, không muốn can dự vào chính trị thì đại chúng làm sao có thể không bị lôi kéo bởi những lực lượng chính trị hắc ám, những thủ đoạn mỵ dân, lừa gạt của quyền lực độc đoán. Mà một khi chế độ chính trị đã không đúng đắn thì mọi mặt khác của xã hội cũng sẽ không thể đúng đắn và tốt đẹp được. Ngoài ra, theo quan điểm của tôi, những người bất đồng chính kiến hiện nay cũng có thể nhìn lại ngay những người cộng sản Việt Nam tiền bối, trước năm 1945 chính họ cũng là những người bất đồng chính kiến, để tránh một số căn bệnh và học được những phẩm chất tốt đẹp. Và một khi đã có ý thức để tìm hiểu, xác định những căn bệnh, điểm yếu của mình một cách nghiêm túc thì chắc chắn những người bất đồng chính kiến sẽ biết cách để vượt qua được chúng.

Phạm Thị Hoài: Xin anh thử nêu ngắn gọn những sở trường và sở đoản của những người cộng sản Việt Nam tiền bối.
Phạm Hồng Sơn: Một số căn bệnh lớn của những người cộng sản tiền bối tôi cho cần phải chú ý là: thiếu tính hệ thống trong cách nhìn về sự vật hiện tượng; thiếu quan niệm tiến bộ về độc lập, tự do; rất thiếu lòng khoan dung với sự khác biệt chính kiến; coi nhẹ lợi ích xã hội, quốc gia khi quyền lợi của bản thân, phe nhóm gặp thách thức. Những phẩm chất đáng học ở họ là: sự nghiêm túc trong lối sống; tinh thần kỷ luật nghiêm; khả năng chịu đựng, hy sinh cao; sự gắn bó, gần gũi với đại chúng.

Phạm Thị Hoài: Cảm ơn anh Phạm Hồng Sơn.

06.01.2012
© 2012 pro&contra

.
.
.

No comments: