Saturday, January 7, 2012

ANH SÂM (Nguyễn Hưng Đạt, Quechoa.info)



Nguyễn Hưng Đạt – Quechoa.info


Mấy tuần nay báo chí tốn khá nhiều giấy mực về chuyện ra đi của ông Kim Chính Nhất. Những lời chê ông ta nhiều vô số làm ta khá ngạc nhiên trước cảnh than khóc ghê gớm của dân Bắc Triều tiên. Phải chăng điều này bị ép buộc 100% ? Chắc chắn không phải. Chẳng những giới lãnh đạo đặc quyền no đủ tiếc thương mà nhiều người dân còn sầu bin thực sự buồn thảm. Ông Nhất chết đi để lại một ”di sản” lớn, một ”vị thế” mới cho Bắc triều tiên mà bố ông ta, ông Kim Nhật Thành chưa làm được.

”Di sản” đó là gì ?, ”Vị thế” ấy ra sao ?
Đó là việc thử những quả bom hạt nhân và nguy cơ tỵ nạn. ”Vị thế” đó là việc biến nước nhà, từ một thằng ”nhishi” (ăn xin) sang một kẻ”khuligan”(lưu manh) một tên vymagatel (tống tiền) như mấy ông bạn đồng nghiệp của tôi gọi. Những bạn giáo viên người Nga chính gốc ấy xưa nay chẳng quan tâm đến cái đất nước bé nhỏ suốt ngày xin xỏ hàng xóm ấy bao giờ, nay thật sự ngạc nhiên và lo ngại. Ngạc nhiên vì những cuộc thử hạt nhân lọai nhỏ, lọai 0.5 kilotons rất có thể bị phát hiện bởi các máy đo địa chấn và phóng xạ của Nga và Mỹ chứng tỏ Bắc Triều tiên có bom nguyên tử. Theo tin tình báo, lượng plutoni được làm giàu từ những thanh nhiên liệu cuả Nga có thể lên đến 50 kgs.

Người Nga suy nghĩ về chương trình hạt nhân cuả Triều tiên thế nào ?
Báo chí và dư luận lo ngại không phải việc anh Sâm (như người Việt bên này gọi) đem bom nguyên tử ném ở đâu làm mây phóng xạ tràn vào Nga. Mối lo ở chỗ, nước này mấy năm nay luôn dọa việc làm thất thóat chất phóng xạ là việc có thể xảy ra nếu như không viện trợ để kinh tế quá suy sụp, không có tiền để quản lý việc đó. Nga là nước tuy chỉ có 18km đường biên giới với Triều tiên nhưng lại là nơi đang có chiến tranh với phiến quân Checchen. Nguy cơ khủng bố dùng vũ khí đó không phải là không có được. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu khủng bố ném chất phóng xạ vào hồ chứa nước sinh họat của một thành phố, nối các bình chứa phóng xạ vào vòi nước trong khách sạn hay ném chất đó vào trong những đường hầm tối tăm và ngột ngạt của tàu điện ngầm? Hẳn là thiệt hại vật chất thì không lớn, nhưng khủng bố tinh thần thì thật đáng kể. Người Nga không thể coi thường cảnh khủng bố xảy ra thường xuyên tại nước mình 18 năm nay được. Sự thờ ơ, việc buông thả khi Liên xô sụp đổ dẫn đến việc thất thóat công nghệ và thiết bị làm giàu plutoni từ nhiên liệu nhà máy điện nguyên tử và lò phản ứng hạt nhân của Nga. Bắc Hàn là nước mua lậu chúng từ những xí nghiệp của gần 100 ngàn cơ sở công nghiệp quân sự lớn bị tan rã.Nào ai có ngờ, lão Kim Chính Nhất để cán bộ sứ quán phải đi bắt cá ăn vì thiếu tiền,phải đi rủ cán bộ Việt nam dùng thẻ đỏ ngọai giao buôn lậu đồng hồ rởm từ Áo mà lại tung người đi mua tài liệu và thiết bị của các kỹ sư quốc phòng và chính các thầy giáo như thế . Nói thế để thấy ông Kim Chính Nhất không phải là kẻ tầm thường hoặc là một tên độc tài thuần túy chỉ biết sa đọa và hay bắt con gái đẹp về dùng. Ông ta có dã tâm lớn và thực hiện nổi việc tày trời này.
Vũ khí nguyên tử là điều rất nhiều nước thèm muốn vì nó thay đổi hẳn vị thế, nâng cao tiềm năng và bảo đảm cho sự sống còn trong thời đại vẫn cá lớn nuốt cá bé hiện nay.
Thế nhưng khác với Pakistan là nước nhỏ,nghèo nhưng không đưa bom hạt nhân ra dọa nạt ai, Bắc Triều tiên ngòai miệng luôn nói muốn biến cố đô Seul của người anh em ruột của mình thành biển lửa nhưng bên trong cố cho mọi người muốn hiểu sẽ bán bã nhiên liệu phóng xạ cho khủng bố. Có thể nói, ông Nhất là một tay giang hồ vĩ đại !

Nước Nga chán ngấy dân tỵ nạn ?
Đúng vậy. Thêm vào nguy cơ bị khủng bố mua chất phóng xạ về, nước Nga rất sợ nạn đói ở Triều tiên. Cuối thế kỷ 19, hàng chục vạn người tỵ nạn Triều tiên ồ ạt đổ vào Nga mặc kệ sự bắn giết của lính biên phòng và cảnh sát Nga hòang. Cứ mỗi lượt chiến tranh, đói kém là người Triều tiên làm như thế. Đến nỗi, đến nay đã có gần 2 triệu người Nga gốc Triều tiên rồi!
Nền kinh tế được viện trợ vô cùng hào phóng của Liên xô về máy móc, thiết bị và tài chính bị ông Nhất phá nát sau khi Liên xô sụp đổ bằng chính sách tất cả cho quân sự , đã làm hai triệu người Triều tiên chết đói. Chẳng những xác người tỵ nạn dạt vào Nam Hàn khi được giải phẫu, thấy còn cả rau-cỏ dại mà những người hối lộ cho lính biên phòng Triều tiên vào Nga còn thuật lại về cuộc sống vô cùng đói khổ ngoại trừ Bình Nhưỡng.
Giáo sư Soy, người có anh họ là tướng chỉ huy sư đoàn Nam Hàn tham chiến Việt nam, cũng là người tỵ nạn từ năm 1953 vào Nga thỉnh thoảng về thăm Triều tiên. Ông nói, cuộc sống Nga năm 1990-1991 rất khổ sở, nhưng còn sung sướng hơn cuộc sống Bắc Triều tiên hàng chục lần.Và đói khổ hơn nưã, khi mà Bắc Triều tiên là xứ đồi núi, đất canh tác rất ít, lại cằn cỗi và chỉ có canh tác được một vụ xuân hè.Vì thế, hiện nay ở đó, dân họ rất muốn sang Nga, sang Trung quốc hay sang bất cứ đâu khá hơn. Thế nhưng, vấn nạn di dân đến Nga cũng làm nước này đau đầu. Vậy nên bài trừ nạn tỵ nạn, đổ yếu kém cho tỵ nạn là điều nhiều người hợp nhãn. Đảng chủ nêu cao lá bài dân tộc chủ nghiã cuả Zhirinovsky vưà rồi luôn xoáy mạnh vào điều này và đó cũng là lý do để ông ta lôi kéo rất nhiều người biểu tình chống lại chính đảng có nhiều tham nhũng,độc tài lại nhu nhược cuả hai ông Medvedep và Putin.

Chính phủ Nga đối xử với ông Kim Chính Nhất ra sao ?
Ông Nhất sang Nga lần trước được sự đón tiếp lịch sự , lạnh lùng. Triều tiên ngoài đi xin viên trợ ra chẳng có gì để nói, báo chí nhắc vài dòng. Người Nga không ảo tưởng về chuyện thực hiện được việc xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Bắc Hàn của Gasprom. Chuyện lùm xùm đóng-mở van gas tại Ucraine đã làm Nga quá mệt mỏi, phải xây hẳn một hệ thống cấp khí khác ngầm dưới biển Baltic. Ai biết chuyện gì xảy ra khi núi tiền đổ vào để làm chuyện như thế trong một đất nước bất ổn lại khuligan như vậy. Người Nga cũng quá chán nản về vị trí tiền đồn, về một vùng đệm với Mỹ mà bạn Sâm phải hứng chịu mỗi khi bạn sang xin tiền hàng gần 70 năm nay rồi khi nào cũng nói
Lần này, Triều tiên khác hẳn. Đã thử được vũ khí hạt nhân. Biết như vậy,lần thăm vừa rồi, anh Sâm không đưa ra lá bài tiền đồn đã chơi mòn nước nữa. Ông ta cứ xóay mạnh vào phát triển hạt nhân với tỵ nạn là làm cho hàng xóm phải giật thột.
Chính vì vậy, chuyến viếng thăm của ông Nhất đến Nga tháng 8 vừa rồi được đón tiếp long trọng. Đích thân Tổng thống Medvedep phải bay đến thành phố xa xôi Ulan Ude gần biên giới để gặp mặt ông này. Nhìn ảnh ông Nhất sần sùi nổi đầy mụn nhọt (dấu hiệu của lọai bệnh nặng không phải là chỉ là tim) ngỏanh đi chỗ khác dương dương tự đắc hờ hững nắm lại cái bắt tay ân cần, ánh mắt nhìn tha thiết và miệng cười tươi rói trên khuôn mặt nghiêm nghị của ông Med mà phát tức! Rồi chuyện anh Nhất quá lố bịch với hai chuyến tàu bọc thép sang trọng đi cùng lúc (để không ai biết anh ta ở tàu nào), chở sang Nga gần 20 xe Mercedes hàng khủng và ngày nào cũng phái máy bay chở tôm hùm tươi sống hạ cánh xuống cho ngài dùng món shushi cũng không làm Nga khó chịu.Trái lại, theo kế họach, tổng thống đã gặp anh rồi, thủ tướng Putin cũng phải xếp công việc ngập đầu để bay xa, bay lâu đến nơi phó hội. Chưa hết, để làm quà cho chuyến này, nước Nga còn gửi biếu 50 ngàn tấn bột mì thượng hạng để làm quà cho Triều tiên. Anh bạn cùng khoa chép miệng,” Ôi dào,bột đó có đến dân đâu. Nó lại bán đi để mua xe xịn, ăn tôm hùm sống muà đông , mua phim ảnh và đồ xa xỉ phẩm ấy mà !”.

Trung quốc có lo lắng không ?
Vũ khí hạch tâm chẳng những Nga lo ngại, mà Trung quốc cũng bị dội tới tim đen. Sự thống trị của người Hán lên Tây tạng,Tân cương và nhiều nơi khác luôn gặp sự chống đối. Cũng như Nga, khủng bố bằng phóng xạ là điều họ hết sức lo lắng. Họ cũng có tới 1300 km đường biên giới. Họ có mối lo còn hơn Nga về chuyện tỵ nạn. Lãnh thổ Trung hoa thôn tính được của Triều tiên bây giờ vẫn có trên 3 triệu người gốc Hàn sinh sống. Đó là những người có thể cưu mang, tạo điều kiện cho người đồng chủng đói nghèo của mình. Nếu kinh tế Triều tiên quá khủng hỏang, hàng triệu người Hàn lại vượt sông Áp lục sang ở ngay nhà của người đồng hương, lúc đó Trung quốc chẳng những bị thêm người Hàn mà còn gặp phải nhiều khó khăn khác . Điều mà ông Nhất gây ra chẳng những tác động thì cùng lọai tương tự với Nga mà cường độ thì còn cao hơn rất nhiều với Trung quốc.
Trung quốc cũng chán nản trước cảnh Triều tiên hay lấy vị trí trái độn ra để đòi tiền chẳng ngơi nghỉ, cũng muốn dãn ra cho dễ thở như năm 1990 đã từng làm. Nhưng mấy tháng nay đã khác hẳn, lại phải ngọt ngào bằng mấy khi xưa. Anh Gấu cho bột mỳ, cho tiền, đối đãi con nồng hậu gấp mấy lần bố Kim Nhật Thành trước kia thì cậu Tàu hoan hỷ tiếp rước bạn em Chã Kim Chính Ân còn hơn thế nữa. Bạn Hồ Cẩm Đào và đồng nghiệp gọi vị sinh viên vừa ra trường này là ”Người bạn lớn của nhân dân Trung quốc”.

Tại sao Kim Chính Ân được đối xử, ca tụng như vậy ?
Đó cũng là điểm nối tiếp chiến lược ngọai giao cuả Trung quốc với bố anh ta. Người Trung quốc rất thâm thúy, hiểu rõ rằng tiền mà họ bao cho anh ta, các tướng lĩnh và những cán bộ cấp Thứ trưởng trở lên sống tốt là sự đầu tư thấp nhưng có hiệu quả cao nhất. Trung quốc muốn ghìm sự bao vây cuả Mỹ trên bán đảo này với mình, muốn yên ổn bắt buộc phải làm như vậy. Hơn thế nưã, Kim Chính Ân tuy bề ngoài trông giống Em Chã, nhưng bên trong thâm trầm và tinh quái hơn nhiều lần. Đó là một con người không chỉ hiểu được vị trí và tình thế cuả mình mà chắc chắn rất lạnh lùng và tàn bạo. Những gì mà Thế giới chờ đón ở một nước Bắc Hàn cởi mở,đổi mới vì lãnh tụ cuả họ học ở Thụy sỹ về chỉ là ảo tưởng. Những hành động ban đầu gay gắt và tàn nhẫn như vưà rồi cuả hắn chứng tỏ, Kim Chính Ân cũng giống như Lê nin đi Anh quốc về và càng giống Pol pot học ở Pháp nhưng về xây dựng một chế độ diệt chủng lớn nhất nhân loại thập niên 70 trước. Kim Chính Ân rồi cũng kế thưà và phát huy ”di sản” như thế cuả bố để lại.

Có gì trong di sản cuả ông Nhất liên quan tới Việt nam không?
Thưa rằng có. Chuyện ông ta ủng hộ Polpot thế nào, chống Việt nam ra sao đã được viết nhiều rồi. Chuyện ông Kim Il Nam sang Việt nam xin 300-400 ngàn tấn gạo mà chỉ được có 5 ngàn tấn mỗi lần trong vài năm và ông ta đi thăm nơi từng chôn 14 phi công Triều tiên và nói gì cũng đuợc viết lại. Chỉ còn vài chuyện ông Nhất làm với Việt nam là không được nhắc tới. Đó là vào năm 2004,Việt nam đã cho phép đối tác Hàn quốc đưa 460 người tỵ nạn Bắc Hàn từ TP Hồ Chí Minh bay về Nam Hàn. Ngay lập tức, ông Kim Chính Nhất đã cảnh cáo Việt nam mạnh mẽ và doạ sẽ có hậu quả vô cùng tai hại nếu không chấm dứt chuyện đó. Việt nam chấm dứt và ông Nhất lại cho người sang xin cho gạo hay trao đổi hàng quốc phòng lấy gạo.
Điểm lại một vài việc mà Chủ tịch Kim Chính Nhất đã thực hiện trong suốt 37 năm trong đời, ta thấy ông ta đã đưa Bắc Triều tiên lên thành nước rất được Thế giới để tâm tới và tạo được áp lực nhất định với đời sống toàn cầu.

Nguyễn Hưng Đạt – Quechoa.info
.
.
.

No comments: