Sunday, January 8, 2012

MỘT SỐ XU HƯỚNG ĐỊA-CHÍNH TRỊ CỦA THẾ GIỚI NĂM 2012 (Courrier International và The Economist)



THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM  -  Tài liệu tham khảo đặc biệt   -   Thứ sáu, ngày 6/1/2012

TTXVN (Pari 30/12)
Posted by basamnews on 07/01/2012

Theo các phân tích, bình luận trên tờ “Courrier International” và “The Economist” số ra mới đây, năm 2012 được xem là một năm quan trọng với những cuộc đối đầu, tranh luận về các ý tưởng, học thuyết. Trên bình diện tư tưởng, thông qua các cuộc bầu cử Tổng thống ở Nga, Pháp, Mỹ, Vênêxuêla, Mêhicô, Đài Loan, Kênia, có thể cả ở Aicập, với Đại hội Đảng Cộng sản ở Trung Quốc, các cuộc đấu tranh giữa cánh Tả và cánh Hữu, giữa những tư tưởng dân chủ và các chế độ chuyên chế, sẽ diễn ra. Gần đây nhất, cuộc khủng hoảng tài chính trong thế giới phương Tây làm mất đi tính chính đáng của học thuyết chủ nghĩa tư bản tự do, trong khi sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc làm dấy lên ý tưởng về ưu thế vượt trội của hệ thống một đảng lãnh đạo, khác với các tư tưởng đa nguyên, đa đảng của phương Tây.

Năm 2012, hơn bao giờ hết, các hệ tư tưởng, quan điểm sẽ đối đầu nhau. Ở phương Tây, giới chính trị sẽ quay trở lại với chính sách tập trung giảm thâm hụt ngân sách, với những lựa chọn khó khăn bắt buộc phải thực hiện. Các chủ đề chính được nêu ra trong các cuộc bầu cử sắp tới, trong cương lĩnh tranh cử của các ứng cử viên Tổng thống, không những chỉ chia sẻ các thành quả của sự tăng trưởng, mà còn phải nêu lên tính cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ với nhau cả những nỗi đau, mất mát giữa các nước, giữa các cộng đồng khi tất cả đều trong cơn khủng hoảng và tìm cách tháo gỡ khó khăn.

2012 cũng sẽ là thời điểm để đưa ra các lập trường cứng rắn: Phe Cộng hòa Mỹ bác bỏ mọi khoản thuế mới. Cánh Tả phương Tây lên án giới chủ ngân hàng, trong khi cánh Hữu lên tiếng chỉ trích những thành phần quan liêu, máy móc. Cuộc đối đầu về hệ tư tưởng này có thể sẽ buộc các nước phương Tây thực hiện cải cách lĩnh vực công và các lĩnh vực kém hiệu quả. Tự do hóa thị trường lao động, tự do hóa tài sản và dịch vụ ở châu Âu có thể giúp mở đường cho sự tăng trưởng kinh tế trở lại. Mỹ có thể bị buộc phải giảm thâm hụt ngân sách, chấm dứt các thủ đoạn bầu cử và đưa ra các biện pháp quyết liệt trong chính sách tiền tệ. Các cuộc cải cách, đối đầu về tư tưởng trong thế giới phương Tây có thể cũng phải nhận những quả đắng. Các cuộc nổi dậy, đụng độ của người dân với chính quyền ở Luân Đôn, Aten trong năm 2011 chỉ là bước dạo đầu của một giai đoạn căng thẳng về các vấn đề xã hội. Các chính sách siết chặt sự kiểm soát của các nước phương Tây đối với người nhập cư và người nước ngoài cũng được dự báo trước.

Tuy nhiên, các nền dân chủ phương Tây không phải là những nước duy nhất bị tấn công, chịu tác động nặng nề. Các chế độ chuyên chế cũng bị tấn công. “Mùa Xuân Arập” đã xua tan tư tưởng cho rằng một số dân tộc không muốn có nền dân chủ Mức thu nhập trung bĩnh trong một số vùng của Trung Quốc đã đạt tới ngưỡng giống như người dân Hàn Quốc và Đài Loan một thời đòi hỏi quyền tự do, dân chủ hơn nữa, khi điều kiện kinh tế tạm đủ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không những phải chú ý đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn phải quan tâm đến các lĩnh vực dịch vụ chủ yếu như y tế và giáo dục. Hoạt động của một số bộ máy công quyền trở nên bấp bênh và nhiều -vấn đề nảy sinh: khoảng 40% số tiền vào túi các quan chức chính quyền địa phương đến từ việc bán đất. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khóa mới như ông Tập Cận Bình hiểu rất rõ những điểm yếu cốt tử của hệ thống và nhiệm vụ của họ sẽ không hề dễ dàng. Cuộc tranh luận về các hệ tư tưởng đang diễn ra. Các nền dân chủ đang có những lý lẽ tốt nhất, đặc biệt ở những nước mới nổi. Từ Trung Quốc đến Braxin, qua Ấn Độ, những nước đã biết dỡ bỏ các rào cản kinh tế, đã thành công trong việc mang lại sự giàu có hơn cho người dân, song đồng thời khoảng cách giàu nghèo cũng vì thế ngày càng tăng. Chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa bài ngoại hay chủ nghĩa bảo hộ vẫn còn là những sự lựa chọn được yêu thích bất chấp các sức ép chính trị. 2012 có thể là một năm nhiều khó khăn và thách thức đối với nhiều nước và thế giới.

Sự trở lại của xu thế dân tộc chủ nghĩa
Năm 2012, các nhà lãnh đạo của các siêu cường, phần lớn phải tập trung cho chiến dịch tranh cử, sẽ có xu hướng chú trọng đến các vấn đề trong nước, thậm chí theo đuổi khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, và chính vì vậy, sẽ có nhiều bất lợi cho các mối quan hệ quốc tế.

Kịch bản kể trên gây nhiều, lo lắng, bởi năm 2012 sẽ đòi hỏi những nồ lực hợp tác quốc tế rất lớn nhằm đưa thế giới thoát khỏi bầu không khí căng thẳng của khủng hoảng kinh tế. Những nền tảng cơ bản của hệ thống toàn cầu hóa có thể bị đe dọa nghiêm trọng. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn được chú ý và trông đợi nhiều nhất. Chính vì vậy, nước Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2012, hầu như không thể tiến tới ký kết một hiệp ước quốc tế, dù trong lĩnh vực thương mại hay biến đổi khí hậu. Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đối đầu với một ứng cử viên đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ lật lại vấn đề về vai trò truyền thống của nước Mỹ, vốn được xem là nước bảo đảm cho hệ thống thương mại quốc tế.

Với Trung Quốc, năm 2012 cũng là một năm quan trọng với những thay đổi về ban lãnh đạo và chính trị trong nước theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Ở thời điểm tương lai của đồng euro đang là trung tâm của cuộc thảo luận kinh tế toàn cầu, toàn thế giới sẽ phải dõi theo tiến trình chính trị ở châu Âu, cũng như cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Trong cuộc bầu cử sắp tới ở Pháp, Tổng thống đương nhiệm Sarkozy đang ở thế yếu hơn so với ứng cử viên của đảng Xã hội Hollande. Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu có thể sẽ khiến ông Sarkozy chú ý hơn đến vai trò lãnh đạo trong Liên minh châu Âu (EU) của Pháp, song đồng thời cũng phải có nhượng bộ trước những quan điểm dân túy.

Sự trở lại của ông Putin trên cương vị “Tổng thống Nga vào tháng 3/2012, cũng sẽ đánh dấu sự quay lại của xu thế dân tộc chủ nghĩa trong bầu không khí chính trị quốc tế. Nếu như Tổng thống Nga đương nhiệm Medvedev đã chứng tỏ niềm tin của ông trong các mối quan hệ quốc tế và đã biết làm việc với Mỹ nhằm tái khởi động quan hệ Nga-Mỹ, thì với ông Putin rõ ràng là có sự thiếu tin tưởng và dễ mang tính khiêu khích hơn. Xu hướng này sẽ quay lại trong quan hệ giữa Nga và quốc tế trong năm tới.

Trong các nhà lãnh đạo của 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Thủ tướng Anh David Cameron dường như chắc chắn hơn cả sẽ nắm quyền đến cuối năm 2012. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tống thống Pháp Sarkozy sẽ phải tham gia cuộc tranh cử đầy rủi ro, mà cũng có thể họ thất bại. Tại Nga và Trung Quốc, quá trình chuyển giao quyền lực, thông qua bầu cử hay Đại hội Đảng, đã được báo trước. Ngoài các nước lớn, các cuộc bầu cử từ Vênêxuêla đến Đài Loan, các thay đổi từ tầng lớp lãnh đạo cấp cao trong năm 2012, có thể dẫn đến những tác động vượt ra khỏi đường biên giới những nước này.

Quản trị châu Âu
Trong cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), có hai lĩnh vực đối đầu nhau: các thị trường và giới chính trị. Năm 2012, khi các phe nhóm chính trị chia rẽ, thì cuộc khủng hoảng khu vực sẽ thêm phần phức tạp hơn. Điều quan trọng là phải giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn chính trị nhằm tìm ra giải pháp chấm dứt khủng hoảng.

Năm 2012, các kế hoạch khắc khổ và cứu trợ dành cho châu Âu tiếp tục được thực hiện, song hành với việc đổi mới và tăng cường quản lý đồng euro. Vấn đề tạo ra các thể chế mới sẽ được đặt ra. Rất có thể một dạng như Quỹ tiền tệ quốc tế thu nhỏ của châu Âu (EMF) sẽ được thành lập, được cung cấp đủ vốn để cứu trợ các nước gặp khó khăn và dành cho các nước này khoảng thời gian để thích ứng và phục hồi kinh tế. Một cỗ máy điều tiết ngân hàng liên Âu và một quỹ cứu trợ có thể đảm bảo rằng các ngân hàng lớn châu Âu sẽ không quá bị lệ thuộc vào sự suy yếu của các nước đi vay dễ bị tôn thương nhất. Để ngăn cản các thị trường rơi vào tình trạng bấp bênh hơn, EU có thể tổ chức một hệ thống cho vay tập trung, nơi tất cả các nước có thể đáp ứng nhu cầu vay nợ của mỗi chính phủ. Tuy nhiên, để có thể tạo ra chính sách chung đồng nhất trong châu Âu là rất khó, với nhiều mâu thuẫn đan xen. Pháp và Đức có thể từ chối ủng hộ ủy ban châu Âu nếu như họ không thực sự tin tưởng. Các nước nhỏ hơn trong EU và Tòa án Hiến pháp Đức có thể chống lại việc thành lập một ủy ban liên chính phủ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Nhiêu nhà lãnh đạo quốc gia thành viên EU không thích vai trò của Nghị viện châu Âu. Hơn nữa, nhiều chính phủ không thích các nước khác giám sát hay xen vào lĩnh vực ngân sách công của họ. EU đã từng bị bóp chẹt trong 8 năm vì mưu đồ tái cấu trúc liên minh: trước hết là việc soạn thảo Hiến pháp mới (từng bị bác bỏ và bị bỏ rơi), sau đó được làm mới bằng Hiệp ước Lixbon, phải khó khăn lắm mới bắt đầu có hiệu lực vào năm 2009. Trong việc cải cách khu vực đồng tiền chung châu Âu, cũng cần phải phác thảo việc thành lập Quỹ tiền tệ châu Âu (EMF) và một Cơ cấu ngân hàng châu Âu hiệu quả. Sau đó, cần tiến xa hơn nữa trong việc đề ra các chế tài trừng phạt. Một số chế tài có thể được áp dụng ở cấp độ quốc gia. Ví dụ có thể buộc các thành viên khu vực đồng euro đưa vào trong Hiến pháp của họ mức trần thâm hụt ngân sách hay mức trần nợ công được phép, hay buộc họ thành lập các cơ quan thống kê độc lập. Những chế tài mới sẽ cần thiết cho việc xây dựng một hiệp ước mới và điều này cần có thời gian. Giới phân tích cho rằng nếu khu vực đồng euro mắc sai lầm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trong năm 2012, thì chính từ khu vực này, một cuộc khủng hoảng tiền tệ mới sẽ bắt đầu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thế giới.

Xu hướng chung của một số ngành, lĩnh vực trên thế giới trong năm 2012
Triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2012 không mấy sáng sủa. Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 3,3%, so với mức 3,7% năm 2011. Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới (tăng trưởng dưới 3%) vẫn rất cao. Các nền kinh tế phát triển tiếp tục thụt lùi, đặc biệt ở châu Âu. Sự xói mòn lòng tin của người tiêu dùng, các nhà đầu tư và giới kinh doanh, có thể gây bất ổn các thị trường, vấn đề tiêu dùng và việc làm tiếp tục đình trệ ở Mỹ, dù Oasinhtơn đang có kho dự trữ kỷ lục lên đến 2000 tỉ USD. Trung Quốc đang nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng của thế giới và giữ sự năng động của nền kinh tế. Thương mại thế giới có thể tăng 5,2% vào năm 2012, chỉ bằng 1/2 so với mức tăng năm 2010.

Trong lĩnh vực quốc phòng, Mỹ sẽ tiếp tục chi nhiều hơn cho lĩnh vực này, dù ngân sách Lầu Năm Góc sẽ giảm 5%, khoảng gần 700 tỉ USD vào năm 2012. Đây là mức giảm ngân sách hàng năm đầu tiên kể từ những năm 1990. Ngân sách quốc phòng Mỹ giảm có thể do việc rút quân ở Irắc và giảm đáng kể sự hiện diện của quân Mỹ ở Ápganixtan. Các nước châu Âu cũng sẽ giảm ngân sách quốc phòng. Trung Quốc cũng đã thông báo tăng ngân sách quốc phòng, dù con số ngân sách hàng năm, có thể lên tới 150 tỉ USD, vẫn còn là một ẩn số. Nga và Ấn Độ cũng sẽ tăng ngân sách quốc phòng, có thể cho phép Nga đứng thứ ba thế giới về chi tiêu dành cho quổc phòng.
Trong lĩnh vực năng lượng, nhu cầu năng lượng của thế giới sẽ tăng khoảng 3% trong năm 2012. Sự phục hồi sản xuất dầu lửa ở Libi và việc phát triển khai thác dầu tại Irắc giúp làm tăng thêm thị phần dầu lửa của OPEC và cho phép nguồn cung dầu lửa tăng nhanh hơn nguồn cầu. Vì vậy, giá dầu trong năm 2012 sẽ bình ổn, cho dù vẫn còn các yếu tố bay hơi, bấp bênh trong ngắn hạn do đặc trưng của thị trường. Giá dầu Brent sẽ quanh mức 90 USD/thùng, so với mức 110 USĐ/thùng năm 2011./.
.
.
.

No comments: