Sunday, January 8, 2012

CHUYỂN HƯỚNG CHIẾN LƯỢC TRONG QUAN HỆ GIỮA HOA KỲ VÀ ĐÔNG NAM Á (John J. Brandon Asia Foundation)



John J. Brandon
Asia Foundation   04.01.2012

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Trong hầu hết hai thập niên qua, nhiều quốc gia Đông nam Á đã biểu lộ sự thất vọng rằng Hoa Kỳ đã có chính sách thờ ơ hoặc tảng lờ đến khu vực của họ, và rằng mối quan tâm của Hoa Kỳ chỉ mang tính nhất thời thay vì lâu dài.
Trong năm 2011, chính quyền Obama đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ cần có “một chuyển hướng chiến lược” trong chính sách ngoại giao, trong thập niên tới hướng đi của họ là sẽ giảm sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Trung Đông và Afghanistan, và đầu tư nhiều hơn cũng như quan tâm kỹ hơn đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là vùng Đông nam Á. Trong năm qua, Washington đã tăng cường quan hệ của mình với Đông nam Á trong nhiều phương cách mang tính biểu tượng và quan trọng. Hoa Kỳ đã là quốc gia đầu tiên không thuộc khối ASEAN thiết lập một phái đoàn chuyên trách tại Jakarta, chỉ định và thông qua một đặc phái viên và điều phối viên chính sách đến Miến Điện, mở rộng và thắt chặt quan hệ song phương với hầu hết các quốc gia Đông nam Á, đặc biệt là Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Cambodia. Bên cạnh đó, chính quyền Obama đã tuyên bố rõ rằng họ muốn liên quan đến kiến trúc khu vực, nơi khôi ASEAN đóng vai trò “điểm tựa” - theo lời của Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton. Vì thế, việc Hoa Kỳ tham dự lần đầu tiên như một thành viên chính thức tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng Mười một trước tại Indonesia là rất quan trọng. Bằng cách đối tác song phương hoặc đa phương với các nước ASEAN, Hoa Kỳ đã phá vỡ quan điểm sâu rộng trong khu vực rằng họ không có một cam kết lâu dài đến Đông nam Á cũng tầm quan trọng của họ trong việc giúp giải quyết những vấn đề khu vực và toàn cầu.

Hoa Kỳ đang cố gắng “chuyển hướng chiến lược” trong thời điểm khi họ phải đối diện với những thử thách khổng lồ trong nước - nợ quốc gia đang tăng, tỉ lệ thất nghiệp cao, cơn khủng hoảng nhà đất, cơ sở hạ tầng xuống cấp, và một hệ thống giáo dục tụt hậu ở cấp tiểu học và trung học. Với 2012 là năm bầu cử, những vấn đề này sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân Mỹ hơn là chính sách ngoại giao. Hội nghị Đông Á 2012 sẽ được tổ chức tại Cambodia. Nếu Tổng thống Obama tham dự, ông sẽ là vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm viếng Cambodia. Sự tham gia của ông sẽ đóng vai trò thúc đẩy mạnh mẽ cho quan hệ Hoa Kỳ - Cambodia, vốn đã tiến triển hơn trong vài năm qua. Tuy thế, Tổng thống Obama chắc chắn chỉ sẽ tham dự nếu hội nghị Đông Á sắp tới diễn ra sau ngày cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng Mười một. Câu hỏi lúc ấy sẽ là liệu Tổng thống Obama sẽ đến Cambodia sau khi thắng cử nhiệm kỳ thứ hai hay chỉ là một vị tổng thống vịt què.

Thêm vào đó, quá trình cải cách ở Miến Điện đang trên đà tiến triển - từ việc thiết lập một uỷ ban nhân quyền và nới lỏng việc kiểm duyệt báo chí cho đến việc đón nhận những người lưu vong và việc đình chỉ xây dựng Đập Myistone đầy tranh cãi. Bên cạnh đó, chính quyền của Naypyidaw đã cho phép đảng Liên Minh Quốc Gia cho Dân Chủ, đảng đối lập chủ yếu tại Miến Điện, đăng ký chính thức, điều này cho phép các thành viên của đảng này tranh cử vào các vị trí chính trị, kể cả bà Aung San Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel Hoà bình năm 1991, bà đã trải qua 14 năm quản chế tại gia trong 20 năm qua. Aung San Suu Kyi đã tuyên bố rõ rằng bà muốn ra tranh cử quốc hội qua cuộc bầu cử chắc chắn sẽ được tổ chức vào cuối mùa xuân. Ngoại trừ một nạn gian lận bầu cử rộng khắp, chắc chắn bà sẽ thắng. Tuy nhiên, Quốc hội Hoa Kỳ lại cực kỳ miễn cưỡng trong việc tháo bỏ lệnh cấm vận kinh tế và thương mại vì không có đủ con số tù nhân chính trị được trả tự do, việc giao tranh tiếp diễn giữa quân đội Miến Điện và những nhóm dân tộc thiểu số (đặc biệt là nhóm Kachin); việc sản xuất thuốc phiện và methamphetamine và quan ngại về sự dính líu của quân đội; cũng như một dè dặt thật sự của Quốc hội về việc liệu những đổi mới gần đây có thể hoặc sẽ được dài lâu hay không.

Trong khi Hoa Kỳ đã chứng tỏ một cam kết đầy chủ động đến khu vực trên mặt trận chính trị và an ninh, họ đã hơi thiếu sót trong những vấn đề thương mại và kinh tế. Mặc dù thương mại giữa Hoa Kỳ và ASEAN đã ở mức 182 tỉ Mỹ kim trong năm 2011, thị phần của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục suy giảm trong khi Trung Quốc đang trở thành kẻ khổng lồ trong nền kinh tế của khu vực. Hoa Kỳ vẫn là quốc gia duy nhất không có một hiệp ước thương mại tự do với ASEAN. Một nguyên nhân là việc cấm vận đối với Miến Điện. Nhưng khả năng của Hoa Kỳ trong việc thiết lập các hiệp ước thương mại tự do thường trở nên khó khăn qua việc họ cần đến bốn năm để thông qua một hiệp ước thương mại với Nam Hàn, một đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ. Với nhiều mức độ dị biệt trong việc phát triểN kinh tế và chính trị của ASEAN, bất kỳ một hiệp ước thương mại tự do nào giữa Hoa Kỳ và ASEAN sẽ cần đến vài năm mới thực hiện được. Hiện tại, Hoa Kỳ chỉ muốn chú trọng vào việc hình thành và thương lượng Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, một khởi xướng quản lý bao gồm tám quốc gia, trong đó chỉ có bốn nước thuộc Đông nam Á: Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Về những khó khăn kinh tế của Hoa Kỳ, các quốc gia Đông nam Á đang quan ngại rằng Washington không thể giữ được những cam kết đã tuyên bố đến khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đã nói: “Châu Á rất quan trọng đối với tương lai của Hoa Kỳ và một châu Á được cam kết cũng quan trọng đối với tương lai của châu Á.” Đông nam Á là một yếu tố quan yếu trong tính toán chiến lược của Hoa Kỳ, và người Mỹ cần cam kết và đầu tư một cách tỉnh táo hơn và xây dựng hơn trong khu vực quan trọng này của thế giới.

.
.
.

No comments: