THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM - Tài liệu tham khảo đặc biệt - Thứ bảy, ngày 7/1/2012
TTXVN (Angiê 2/1)
Ai là ai?
Bộ máy chính quyền ở Bắc Triều Tiên từ trước đến nay vẫn là điều bí hiểm đối với thế giới. Ngay cả các chuyên gia về nước này đôi khi cũng lầm về thứ bậc thực sự của các nhà lãnh đạo cấp cao hay quyền lực thực của họ. Sau khi tấm ảnh chính thức về lễ tang nhà lãnh đạo Kim Châng In được hãng thông tấn chính chức KCNA công bố, ông Jean-Vincent Brisset, nhà nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IFRI), đưa ra trên tạp chí “Statafrik” một số nhận định về chức năng, nhiệm vụ và vai trò của các nhân vật lãnh đạo đứng quanh và đi theo linh cữu Kim Châng In, và qua đó phần nào giải mã hoạt động phức tạp của Chính phủ Bắc Triều Tiên.
Kim Yong-nam: Chủ tịch Chủ tịch đoàn Quốc hội nhân dân tối cao. về lý thuyết, Chủ tịch đoàn Quốc hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Bắc Triều Tiên và gần như là một chính phủ riêng của Quốc hội Bắc Triều Tiên. Chủ tịch Chủ tịch đoàn Quốc hội là nhân vật quan trọng nhất nếu tính về thứ bậc. Nhưng trên thực tế, Chủ tịch Chủ tịch đoàn Quốc hội chỉ là một vị nguyên thủ Nhà nước giống như Nữ hoàng ở Anh hay tổng thống ở Đức, với quyền lực chỉ về danh nghĩa, không giống như tổng thống ở Pháp.
Kim Châng Un: Trong bài phát biểu ngày 29/12/2011, Chủ tịch Chủ tịch đoàn Quốc hội, Kim Yong-nam, gọi ông Kim Châng Un là “nhà lãnh đạo tối cao” của Đảng và quân đội Bắc Triều Tiên. Trước khi lên kế nhiệm cha ở cương vị người đứng đầu đất nước, ông Kim Châng Un đã là Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên, tức là cơ quan của Đảng kiểm soát quân đội.
Ri Yong-ho: Với tư cách là Tổng tham mưu trưởng quân đội, ông Ri Yong-ho từ nay trở đi nhận lệnh trực tiếp từ ông Kim Châng Un, Chủ tịch nước và Tổng tư lệnh quân đội. Ông Ri Yong-ho đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng trung ương của Đảng do ông Kim Châng Un đứng đầu. Ông còn là người đỡ đầu về quân sự cho Chủ tịch Kim Châng Un, đồng thời nằm trong số “nhóm 7 người” đi ngay sau xe chở linh cữu Kim Châng In.
Kim Yong-chun: Phó Chủ tịch ủy ban quốc phòng trung ương. Từ năm 2009, ông Kim Yong-chun còn là Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang nhân dân tức là chức vụ tương đương với Bộ trưởng Quốc phòng (về thứ bậc đứng dưới Tổng tham mưu trưởng quân đội).
Đứng cạnh ông Kim Yong-chun là một nhân vật đã có tuổi, măc quân phục trong lễ tang Kim Châng In. Không ai biết ông này là ai, nhưng theo chuyên gia Jean-Vincent Brisset, có khả năng ông là một trong những nhân vật vẫn tại vị sau khi Kim Châng In qua đời, có quyền lực khi còn trẻ, nhưng nay không còn nhiều quyền lực như trước nữa. Theo Jeari-Vincent Brisset các nhà lãnh đạo này được trả lương rất thấp, song họ được hưởng rất nhiều quyền lợi vật chật, do đó có xu hướng cố bám giữ quyền lực. Nói một cách rõ ràng hơn là Bắc Triều Tiên giữ lại những người có tuổi để làm cảnh, còn những người chủ thực thụ lại trẻ hơn nhiều.
Jang Song-teak: Người chú của Chủ tịch Kim Châng Un được đánh giá còn hơn là một thành viên trong gia đình Kim. Người ta nói ông là “bộ óc” hay “người của Đảng”. Trong một thời gian dài, ông thuộc Ban tổ chức và hướng dẫn của Đảng, đóng vai trò như Chính ủy của ban này. Ông hiện còn là Trưởng Ban hành chính của Đảng, nói cách khác là “người điều khiển” mọi hoạt động của Đảng. Từ năm 2010, ông đảm đương thêm trọng trách Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng trung ương.
Kim Jong-gak: Ông là một vị chính ủy đang lên, đồng thời là Bí thư đảng ủy Tổng cục chính trị của quân đội. Tất cả những gì liên quan đến tinh thần và cuộc sống hàng ngày của quân đội đều thuộc thẩm quyền của ông. Mặt khác, ông Kim Jong-gak cũng có trách nhiệm bảo đảm làm sao không để xảy ra các vấn đề về chính trị trong binh lính và kiểm soát việc thăng tiến của các sĩ quan. Ông là người có vai trò quan trọng nhất để giúp Chủ tịch Kim Châng Un kiểm soát được quân đội.
Choe Tae-bok: ông là Chủ tịch Quốc hội nhân dân tối cao và là một nhân vật quan trọng của Đảng. Ông nằm trong số “nhóm 7 người” đi theo linh cữu của Kim Châng In.
Chưa có lời giải
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Châng In, qua đời năm 69 tuổi. Con trai ông là Kim Châng Un, 28 tuổi, trở thành người kế nhiệm ông. Nhà phân tích Fred Kaplan cho rằng phương Tây hầu như không biết gì về nhà lãnh đạo mới này của Bắc Triều Tiên. Ông nhận xét trên tạp chí “Statafrik” chỉ điều đó thôi cũng đã khiến phương Tây cảm thấy lạnh gáy.
Các phân tích trên báo chí trong thời gian qua cho thấy chàng trai trẻ này là một nhân vật không quyết đoán và ngây thơ, hay trái lại là một đối tác khéo léo và nói được nhiều thứ tiếng, đã liên minh với các tướng lĩnh chủ chốt. Ông có thể tiến hành cải cách theo hướng kinh tế thị trường, nhưng cũng có thể giữ nguyên trạng. Ông sẽ chìa tay cho phương Tây hay sẽ gia tăng xung đột. Hay cũng có thể không như vậy.
Kim Jong Un vẫn còn là một ẩn số trong cuộc chơi địa chính trị. Chuyên gia Fred Kaplan cho rằng phải thừa nhận điều hiển nhiên là phương Tây chưa biết gì nhiều về nhân vật này. Cách đây vài năm, khi ông Kim cha bị tai biến và khi những tin đồn về một cuộc khủng hoảng kế nhiệm gia tăng, tác giả bài viết này đã hỏi một nhà lãnh đạo Mỹ tương đối cao cấp xem các cơ quan tình báo có ý kiến gì hay về guồng máy chính trị ở Bắc Triều Tiên không. Ông này trả lời ngắn gọn là không. Nói cho cùng, có thể không phải không có lý khi nước này trước đây được mệnh danh là “Vương quốc ẩn dật”. Các nhà phân tích tình báo nghiên cứu rất kỹ các bài báo và ảnh do hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên công bố. Họ cũng tiến hành thu thập chứng cứ từ những người chạy khởi nước này đề hiểu được vị trí của mỗi nhà lãnh đạo và xem họ quan trọng đến đâu. Nhưng cũng không giải quyết được gì vì vẫn không ai biết hay gần như không biết về ý đồ thực của các nhà lãnh đạo đó hay chính sách do họ đưa ra.
Có một điều người ta biết chắc. Đó là người em rể của Kim Châng In, Jang Song-thaek, là một nhân vật có ảnh hưởng đối với quân đội Bắc Triều Tiên. Nhiều người ngờ ông sẽ đóng vai trò nhiếp chính đối với người cháu, người mà ông sẽ phải huấn luyện và bảo đảm đi đúng đường. Trái lại, không ai biết liệu Jang có phải là một quân nhân cực đoan hay một người ủng hộ cải cách kinh tế không.
Ông Daniel Sneider, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Shorenstein về châu Á-Thái Bình Dương thuộc trường Đại học Stanford, bảo đảm rằng chính sách của chế độ Bình Nhưỡng giống với chính sách của Liên Xô thời Xtalin, nhưng với một sự khác biệt lớn: ở Bắc Triều Tiên có yếu tố triều chính trong đó đảng cầm quyền được sử dụng để tạo tính chính đáng cho triều đình đó.
Kim Nhật Thành, cha của Kim Châng In, là người đầu tiên lãnh đạo Bắc Triều Tiên vào năm 1945, sau khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai nước, ở miền Bắc là Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên được Liên Xô ủng hộ, và ở miền Nam là Đại Hàn Dân quốc được Mỹ ủng hộ. Ông trước là một du kích quân đã từng đánh nhau với Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Sau đó ông nâng tầm cuộc chiến của mình lên thành huyền thoại về một “Nhà lãnh đạo vĩ đại” (biệt danh này ngày nay vẫn được sử dụng để nói về ông) với những chiến công giúp Bắc Triều Tiên giành được độc lập. Từ đó, Đảng Lao động Triều Tiên, gia đình họ Kim và một hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa do Kim Nhật Thành tạo ra tồn tại trong một thời gian dài với tư cách là những thành tố không thể tách rời của cải “vốn” chính trị độc nhất vô nhị và không đổi. Cái vốn đó đã bảo đảm cho Kim Châng In lên kế nhiệm cha mình sau khi Kim Nhật Thành chết vào năm 1994, đồng thời ít nhất cũng tạo ra con đường chính trị rộng mở cho Kim Châng Un.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa hai người kế nhiệm. Kim Châng In lúc lên thay cha đã 52 tuổi. Trước đó, ông đã được chuẩn bị để tiếp quản vị trí lãnh đạo cao nhất và trong 25 năm trươc đó, ông đã giữ một số vị trí chủ chốt trong đảng cầm quyền và Nhà nước Bắc Triều Tiên, Còn Kim Châng Un là một người hoàn toàn vô danh cho đến tận tháng 1/2009, khi cha ông bất ngờ chỉ định ông làm người thừa kế. (Kim Châng In có hai người con trai lớn tuổi hơn Kim Châng Un, nhưng đánh giá họ là không thích hợp để ngồi vào vị trí này. Một trong hai người đó thậm chí đã gây ra một vụ bê bối khi vào lãnh thổ Nhật Bản bằng hộ chiếu giả để đi thăm khu Tokyo Disneyland ở Chiba).
Mùa Xuân năm sau đó, Kim Châng Un, tuy không có chút kinh nghiệm quân sự nào, được đưa vảo Ủy ban quốc phòng trung ương Bắc Triều Tiên. Tháng 10/2010, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch ủy ban này và được thăng hàm tướng bốn sao.
Khi Kim Châng In được đưa lên vị trí lãnh đạo, ông tiếp tục đi theo con đường mà cha ông đã vạch ra về phương diện chính trị và tỏ ra là người cũng nhạy bén như cha ông trong cách nhìn nhận quyền lực. Kim Nhật Thành coi Bắc Triều Tiên như một “Nhà nước du kích” có thể hành động (như Scott Snyder giải thích trong “Negotiating on the Edge”, một cuốn sách tuyệt vời về phong cách ngoại giao của những thành viên gia đình Kim) như “một du kích quân không có gì để mất nhưng lại có thể đối mặt với nguy cơ có thể mất tất cả”. Kim Nhật Thành cũng coi Bắc Triều Tiên – và điều này cũng đúng – như “một con châu chấu bị bầy voi bao vây” và, theo nhãn quan này, ông khuếch trương tối đa khả năng xoay xở của mình bằng cách đẩy con voi này đánh con voi khác (nói cách khác, đây là các nước lớn, thường thù địch, bao vây Bắc Triều Tiên). Một trong những cách để thực hiện điều đó là tạo ra một bầu không khí “thảm họa và bi kịch” thường xuyên. Từ đó, ông có thể tối ưu hóa chính sách đàn áp ở trong nước.
Kim Châng In là một chiến lược gia tài giỏi. Tuy trong tay chỉ có những con bài không lấy gì làm tốt lắm, song ông đã tỏ ra khéo léo về phương diện chiến lược như cha mình, tung ra những mối đe dọa chiến tranh, chế tạo và sử dụng vũ khí hạt nhân, nói tóm lại uy hiếp tinh thần dưới mọi hình thức. Ông cũng biết cách bắt bí các nước đối thoại để có được viện trợ kinh tế mà ông rất cần – dưới dạng lương thực, nhà máy điện và thậm chí cả ngoại tệ mạnh (thông qua các chương trình ngân hàng khác nhau mà không hề bị kiểm soát trong nhiều năm).
Gia đình họ Kim đặc biệt tỏ ra khéo léo đối với người láng giềng lớn (hiện nay là đồng minh tốt nhất) là Trung Quốc. Trong những năm gần đây, các tổng thống Mỹ Clinton, Bush và Obama đều muốn thuyết phục Bắc Kinh hợp sức với Mỹ để gây ảp lực đối với Bình Nhưỡng (thông qua trừng phạt và các biện pháp khác) và buộc Bình Nhưỡng phải ngừng chương trình vũ khí hạt nhân, cần biết rằng tuyệt đại đa số trao đổi thương mại của Bắc Triều Tiên được thực hiện với Trung Quốc. Nếu có nhà lãnh đạo nào có ảnh hưởng nhất định đối với Bắc Triều Tiên thì đó chính là giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Nhưng ở một mức độ nào đó, Trung Quốc lại là người khó thuyết phục. Đúng là sẽ là điềm không tốt cho Bắc Kinh nếu Bắc Triều Tiên chế tạo được một kho vũ khí hạt nhân. Nhưng đồng thời, Bắc Kinh cũng không hề muốn Bình Nhưỡng sụp đổ vì biên giới của Trung Quốc ngay lập tức sẽ bị hàng triệu người Băc Triều Tiên chạy trốn khỏi nước họ tràn sang. Đó có thể là một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà Bắc Kinh không muốn, cũng không có khả năng kiêm soát.
Trung Quốc cũng không được gì nếu làm dịu tình hình trong vùng. Chừng nào Bình Nhưỡng còn bị coi là một mối đe dọa thì Mỹ còn phải duy trì một phần lực lượng quân đội ở Đông, Bắc Á để bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản. Xuống chút nữa về phía Nam, Mỹ cũng phải duy trì một lực lượng tươmg tự để bảo vệ Đài Loan và biển Nam Trung Hoa (Biển Đông-TTXVN) và cân bằng lực lượng với Trung Quốc.
Liệu Mỹ có ngại bom của Bắc Triều Tiên không? về nhương diện kiểm soát vũ khí hạt nhân, không rõ liệu cái chết của Kim Châng In sẽ dẫn đến điều gì. Đầu tháng 12/2011, có tin đồn về cuộc thương lượng theo đó Mỹ sẽ gửi 250.000 tấn ngũ cốc cho Bắc Triều Tiên để đổi lấy việc Bình Nhưỡng ngừng chương trình làm giàu urani. Điều gì sẽ xảy ra? Liệu nhà lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên có khả năng hành động vì cuộc thương lượng này trong một tương lai gần không?
Ít ngày sau khi Kim Châng In Lên nắm quyền, Chính quyền Clinton đã thương lượng với ông Hiệp định khung theo đó có thể Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình sản xuất plutonium và cho phép các Thanh sát viên phương Tây vào các nhà máy tái xử lý. Nhưng chính Kim Nhật Thành là người lúc đầu chấp nhận tiến hành thương lượng. Các Bộ khác cũng đồng tình với quyết định này, đến mức Kim Châng In chỉ còn biết tiếp tục làm theo.
Trong những tuần lễ cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình, Clinton cử Ngoại trưởng Madeleine Albright đển Bình Nhưỡng để thảo luận vấn đề ngừng thử tên lửa. Bà Madeleine Albright và cộng sự đã thương lượng trong 12 giờ với Kim Châng In và đoàn của ông. Một số cố vấn của bà Madeleine Albright – trong đó có Wendy Sherman và Robert Einhorn, hiện đang làm việc cùng bà Hillary Clinton – sau này cho biết Kim Châng In dường như là người rất nhanh nhẹn và có tài. ông nắm rất rõ vấn đề và đưa ra quyết định mà không bao giờ hỏi ý kiến các trợ lý của mình.
Một thời gian ngắn sau khi George W. Bush vào Nhà Trắng, Ngoại trưởng của ông, Colin Powell, trong một cuộc họp báo cho biết ông sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận về vấn đề tên lửa sau khi Tổng thống Clinton mãn nhiệm. Nhưng Bush công khai phản đối đến mức Powell sau đó phải lùi bước.
Điều mà George W. Bush và Dick Cheney muốn không phải là đạt được thỏa thuận với cái xấu, mà là chiến thắng cái xâu. Chính quyền Bush không những chấm dứt cuộc thương lượng mà còn hủy bỏ Hiệp định khung. Bắc Triều Tiên liền lại bắt tay vào sản xuất plutonium. Đôi khi Bình Nhưỡng thông qua trung gian chuyển thông điệp nói rằng họ sẵn sàng ký thỏa thuận. Nhưng Bush lại một lần nữa làm ngơ.
Cuối cùng, vào tháng 10/2006, Bình Nhưỡng tiến hành vụ nổ hạt nhân đầu tiên. Việc đó ngay lập tức đẩy Bush đến chỗ muốn thương lượng, nhưng đã quá muộn. Một thỏa thuận sau đó cũng được ký, song có hàng loạt kẽ hở và không có bất kỳ một hiệu lực nào.
Tổng thống Obama đang phải lựa chọn. Sau khi nhậm chức, ngay từ đầu ông đã sẵn sàng nối lại thương lượng nghiêm túc với Bắc Triều Tiên. Nhưng Kim Châng In lúc đó lại tỏ ra nghi ngại. Đương nhiên Mỹ nhanh chóng nhận thấy rằng ý định thảo luận với Bắc Triều Tiên sẽ không dẫn đến đâu và thái độ tốt nhất là không quan tâm đến trò hề của Bình Nhưỡng. Rât đơn giản là chấm dứt chơi trò chơi của họ.
Nhưng vấn đề là Bắc Triêu Tiên sở hữu bom hạt nhân. Có thể chưa đến một tá (cho dù họ mới chỉ thử hai quả với lượng chất nố nhỏ). Bình Nhưỡng có ý định chế tạo tên lửa (cho dù 3 trong số các vụ thử tên lửa tầm xa đã thất bại). Không thể làm ngơ quá lâu trước một nước bất ổn định, song lại có loại vũ khí này. Cũng không thể đưa ra quyết định cực đoan là ném bom nước này. Như các Tham mưu trưởng đã giải thích rõ cho Bush khi họ có ý định đó, họ không biết tất cả các cơ sở đó nằm ở đâu trong khi Bình Nhưỡng có vài chục khẩu pháo tên lửa đặt gần biên giới Hàn Quốc và có thể bắn vào Xơun để trả thù, từ đó có thể làm ít nhất một triệu dân thường thiệt mạng.
Như vậy, ở vào một thời điểm nào đó, cuộc chơi sẽ lại tiếp tục. Cái được mất và chiến thuật hiện vẫn là ẩn số và sự việc sẽ tiếp diễn như thế nào phần lớn còn phụ thuộc vào một người kế nhiệm chưa đến 30 tuổi và cũng còn biết ít về nhân cách, phong cách, thái độ, trí tuệ… của con người này. Chính điều đó dẫn đến những mối lo ngại.
Nếu là người xảo quyệt, nhà lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên sẽ khai thác, điểm không rõ ràng này. Vào một số thời điểm quyết định nào đó, ông sẽ giả như người ngớ ngẩn. Điều đó đặt ra thêm hai câu hỏi : liệu sự điên rồ đó mang tính chiến lược hay có thực không? Và khả năng nào trong hai khả năng trên là nguy hiểm nhất?./.
.
.
.
No comments:
Post a Comment