Saturday, January 21, 2012

MỘT ĐÓA HỒNG CHO OSKAR SCHINDLER (Ca Dao)




Oskar Schindler

Đài truyền hình số 3 của Pháp chiếu lại phim về cuộc đời của Oskar Schindler, một kỹ nghệ gia người Đức, sinh tại Moravia, – thuộc Cộng Hòa Séc ngày nay – Người đã dùng hãng sản xuất đạn được và làm đồ tráng men sứ của mình để cứu mạng hàng ngàn người Do Thái dưới thời Đức quốc xã.

Cuộn phim do đạo diễn Steven Stielberg thực hiện, được sản xuất năm 1993 – nhưng dưới hình thức trắng đen, có lẽ để thể hiện cái thực của câu chuyện trong thập niên 40 – để kỷ niệm 6 triệu người Do Thái bị tàn sát trong thời Holocaust bởi phát xít Đức trong thế chiến thứ hai. Phim đã được 7 giải Oscar. Spielberg không nhận tiền lương của bộ phim, vì ông cho rằng đó là tiền của máu.

Sinh ngày 28 -4-1908 trong một gia đình người Đức ở cộng hòa Sec. Oskar Schindler là một doanh nhân theo đúng nghĩa của nó, ông chỉ nghĩ đến việc làm giàu, chạy theo lợi nhuận, không tin theo một tôn giáo nào mặc dù xuất thân từ một gia đình công giáo. Cái tên Oskar Schindler có lẽ sẽ không ở lại với hậu thế nếu ông không sống trong thời phát xít Đức, nếu ông không chứng kiến cảnh phát xít Đức dồn người Do Thái lên một chuyến xe lửa để chở tới trại tập trung Auschwitz.

Dưới họng súng của Đức quốc xã, những đứa bé bị dứt ra khỏi cánh tay của những người mẹ của chúng ở ghetto Kraków (Balan) những gương mặt hãi hùng của những bà mẹ, những cặp mắt thảng thốt của những đứa trẻ, họ níu chặt lấy nhau, chấp nhận thà là cùng nhau đi về cõi chết hơn là chia tay nhau. Lúc đó, Oskar Schindler với tư cách là một doanh gia, ông có tiếng nói khá mạnh trong quân đội SS. Khi những đứa trẻ bị tách ra khỏi cha mẹ của chúng nó và bị lùa về một khoảng sân rộng trong tiếng kêu gào tuyệt vọng của cha mẹ chúng, Oskar Schindler nắm lấy bàn tay của một đứa bé kéo mạnh về phía trước, dí bàn tay bé nhỏ đó vào mặt một tên lính Đức quốc xã đang cầm súng, và nói “ Này, anh có thấy bàn tay này không ? đây là bàn tay không có tay nghề, nhưng nó sẽ làm ra những viên đạn cho chúng ta “ Với cách nói tự tin, thuyết phục và vị thế của một doanh nhân trong thời chiến và cũng là một đảng viên của Đức quốc xã ông đã đem những đứa trẻ ấy trở lại trong vòng tay của những bà mẹ và cứu khoảng 1200 người Do Thái ra khỏi lằn ranh sống chết mà cho tới bây giờ người ta còn nhắc đến qua “bảng danh sách của Oskar Schindler “ Hầu hết những người nằm trong danh sách của ông đã được cứu sống và được ông đem về làm việc trong nhà máy sản xuất đạn dược của ông ở Zwittau- Brinnlitz (Cộng hòa Sec).

Oskar Schindler và những công nhân trong nhà máy

Khơi trào những dòng nước mắt có lẽ là đoạn cuối cuốn phim: Thế chiến thứ hai kết thúc, trong nhà máy của Oskar Schindler, người ta không nghe những tiếng reo hò, mừng rỡ của những công nhân Do Thái. Oskar Schindler, trên bục cao, nhìn xuống đám đông im lìm bên dưới, ông nói: “Tôi sẽ phải đi như một kẻ tội phạm, và người mà quý vị phải biết ơn là Itzhak Stren (người kế toán viên Do Thái của ông) chứ không phải là tôi “Và rồi ông sắp xếp valise cùng vợ rời khỏi nhà máy. Bên ngoài, công nhân xếp hàng hai bên đường tiễn ổng đi, kế toán viên Itzhak Stern đưa cho ông một lá thư chứng minh những giúp đỡ của ông cho dân Do Thái, Stern nói “tất cả công nhân nhà máy đã đồng ký tên trong lá thư này”. Và, sau cùng, một công nhân tiến lên đưa cho Oskar một chiếc nhẫn vàng mà đêm trước đó, họ đã nhổ mấy chiếc răng vàng của một cụ già cũng là công nhân trong hãng để đúc thành chiếc nhẫn. Mắt Oskar trố ra nhìn chiếc nhẫn, từ ngạc nhiên đến xúc động, mặt ông nhăn lại vì cảm xúc và ông quỵ xuống đường, bật khóc nức nở. Một công nhân đến ôm lấy ông, một công nhân khác đến ôm chồng lên , và một công nhân khác nữa…. họ tạo thành một hàng rào người ôm chồng chất lên người chủ củ. Cạnh đó, một công nhân nữ lặng lẽ tháo bộ y phục tù cho vợ chồng Oskar Schindler khoác lên người và nhờ vậy họ đã chạy thoát sang vùng kiểm soát của Mỹ ở Áo. Ông mất vì bệnh tim ngày 9 -10-1974 tại thành phố Hilderheim, bang Neidersachen, thành phố Hannover, Tây Đức.

Mộ Oskar Schindler

Ở đoạn kết, phim từ trắng đen chuyển sang màu: cảnh ngôi mộ của Schindler nằm ở sườn núi bên dưới cổng Zion và tường thành cổ Jeruzalem. Bên trên ngôi mộ ông là một đóa hoa hồng, nằm trang trọng giữa những viên đá do những người Do Thái đến viếng mộ ông đặt lên như lòng biết ơn. Đằng sau nơi yên nghĩ của ông, xuyên giữa các ngôi mộ khác, một hàng dài người xếp hàng để đặt tiếp vào đó những viên đá, có những thiếu phụ, có những người cha nắm chặt tay con, những cụ già trong chiếc xe lăn, họ lặng lẽ xếp hàng, trang trọng, nghĩa tình…. Họ đều là những người Do Thái!

Oskar Schindler không có nguồn gốc Do Thái, cũng không chịu bất cứ sự áp bức nào từ chế độ phát xít Đức, ông chỉ là một doanh gia thuần lợi nhuận, dùng chính trị như một đòn bẩy để làm giàu. Nói chung cuộc đời của ông và những người Do Thái lúc đó là hai mặt hoàn toàn trái biệt. Nhưng cái gì đã khiến ông phải đem chính bản thân mình, chính tài sản mình để bảo vệ cho những người không cùng một chủng tộc đó trong một giai đoạn kinh hoàng của lich sử? Có lẽ chỉ có một câu trả lời duy nhất là ở mỗi con người đều có một trái tim, một tấm lòng, một tình người. Trái tim nằm yên đó, chỉ đợi một cái khẽ để đánh thức tình người, lòng yêu thương đồng loại. Trong nhiều trường hợp nó cũng cần có một lòng can đảm để biến tình yêu thương thành hành động. Oskar Schindler đã có cái can đảm ấy. Ông đã vượt ra khỏi chiếc nôi an toàn của mình để bảo vệ cho những thân phận yếu đuối dưới sự tàn sát của phát xít Đức.

Mặc dù không ai biết rõ lý do nào đã thúc đẩy hành động cứu vớt người Do Thái của Schindler, nhưng theo nhà văn Herbert Steinhouse – người đã phỏng vấn Schindler năm 1948 – nói: “Kỳ công đặc biệt của Oskar Schindler phát sinh chính từ ý thức căn bản về tính đúng đắn và nhân bản mà thời đại giả tạo chúng ta ít khi thành thật tin tưởng vào. Một kẻ cơ hội ăn năn hối hận nhìn thấy ánh sáng và nổi dậy chống việc tàn ác cùng việc phạm trọng tội vô cùng ghê tởm chung quanh mình“ Vâng, dù sao chúng ta cũng phải tin để còn nuôi hy vọng.

Ở nửa vòng trái đất bên này, Việt Nam, một vùng đất mà người ta vẫn thường ca tụng là có tình người, coi trọng nhân bản. Những đại gia của chúng ta – những ông hoàng không ngai ấy – có ai dám hy sinh chiếc nôi yên ấm đó để bênh vực cho hàng ngàn dân oan mất đất ? hàng vạn công nhân bị áp bức bởi những chủ nhân ông không cùng chủng tộc? Người ta nói nhiều đến những đại gia tranh nhau mua chiếc xe đắt tiền, những ngôi nhà hoành tráng, những món quà quý giá tặng nhau chỉ để thể hiện cái túi lắm bạc. Cho đến bây giờ; Chưa , (nói “ chưa “ để còn có một hy vọng …) chưa có một đại gia nào dám dùng vị thế của mình để đứng lên bênh vực cho những dân oan đang bị cướp đất trắng trợn hay những ngư dân đang bị đe dọa ngoài biển đông. Tiền của họ chỉ để chi vào những tô phở bò Kobé đắt tiền, những món quà Tết xa xỉ; Không phải để mua một ổ bánh mì cho những đứa trẻ đang tìm thức ăn trong thùng rác và càng không phải để xây nhà máy cho chính công nhân của mình để họ khỏi phải đi tha phương cầu thực nước ngoài. Tất cả đều chọn thái độ mủ ni che tay. Im lặng để hưởng thụ và an toàn trong chiếc nôi êm ấm của mình.

Thời Holoacasut của Đức quốc xã đã có một Oskar Schindler nhận ra được sự bản chất độc ác của sự tàn sát con người, đã đứng lên bảo vệ cho những người không cùng chủng tộc . Thời của chúng ta đã không có được một Oskar Schindler Việt Nam để bảo vệ cho chính những người cùng chủng tộc với mình. Chúng ta đã, đang và vẫn chưa có một Oskar Schindler Việt Nam để lên tiếng cho những cái chết oan khiên thời cải cách ruộng đất, những đối xử nghiệt ngã trong tù cải tạo, để san bằng những bất công của xã hội hôm nay….

Bao giờ thì thế kỷ của chúng ta mới có được một ý thức chân chính về tính nhân bản của con người? nhất là có can đảm để đứng lên trên mọi bất công? Bao giờ thì quê hương Việt Nam mới có một đại gia với tấm lòng của Oskar Schindler để dang rộng vòng tay cho hàng ngàn dân oan mất đất, hàng vạn công nhân đang kêu gào công bằng, nhân ái , để bảo vệ những tấm lòng yêu nước đang bị giam cầm sau những chấn song?

Tháng 1-2012
© Ca Dao
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: