Trọng Thành - RFI
Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012
« Ngọn gió cải cách tại Miến Điện » là chủ đề trang nhất tờ Công giáo La Croix. Bài xã luận của La Croix nhận xét : Miến Điện đang trải qua một giai đoạn vô cùng hấp dẫn. Từ một đất nước liên tục nằm dưới chế độ độc tài quân sự, kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948 đến nay, Miến Điện rất có thể sẽ bước qua nền dân chủ trong những năm tới đây.
Ngày hôm qua 12/1/2012, chính quyền Miến Điện vừa ký thỏa thuận ngừng bắn với quân nổi dậy thuộc sắc tộc Karen.
La Croix điểm lại một số mốc chuyển biến chính.
Thứ nhất là việc chính quyền bãi bỏ lệnh quản chế đối với lãnh đạo đối lập Aung San Suu Qi, tiếp đó, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ được hợp pháp hóa, kiểm duyệt đối với truyền thông được nới lỏng, các chùa chiền, tu viện cũng ít bị khống chế hơn, nhiều tù nhân đã được trả tự do và đặc biệt mới đây là chính phủ tiến hành các đàm phán với những lực lượng nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số.
Ngày thứ Tư tuần này, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Qi đưa ra một đánh giá thận trọng về các chuyển biến đang diễn ra, với lời khẳng định « Miến Điện đang đến gần một bước chuyển quyết định sang nền dân chủ ». Khả năng bãi bỏ cấm vận của phương Tây đối với chế độ độc tài đã được đưa ra. Thứ Bảy tuần trước, ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng, còn quá sớm để làm việc này, trước khi chính quyền Miến Điện trả tự do cho tất cả các tù chính trị, tổ chức các bầu cử tự do và công bằng, mở cửa cho trợ giúp nhân đạo tại các khu vực khủng hoảng và khuyến khích quá trình hòa giải dân tộc. Cuối tuần này, ngoại trưởng Pháp Alain Juppé sẽ có mặt tại Rangoon để tìm hiểu tình hình tại chỗ.
Theo La Croix, có nhiều lý do để giải thích sự chuyển biến mau lẹ này. Đó là một thế hệ lãnh đạo mới đã nổi lên nắm quyền vào năm ngoái. Thế hệ này có khả năng tạo lập một thể chế đa nguyên chính trị hạn chế, mà không ảnh hưởng đến vai trò hàng đầu của quân đội. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào Trung Quốc gia tăng khiến tầng lớp lãnh đạo lo ngại. Mà để cân bằng với Trung Quốc, Miến Điện cần phải dựa vào Ấn Độ và Phương Tây. Để làm được điều này, Miến Điện cần phải cải thiện việc tôn trọng nhân quyền và hướng đến nền kinh tế thị trường.
Bài « Miến Điện từng bước hướng đến nền dân chủ » trên La Croix nhấn mạnh đến sự táo bạo của tân tổng thống Thein Sein trong các cải cách, đặc biệt với thỏa thuận ngừng bắn vừa được ký với Liên Minh Quốc Gia Karen (KNU), tại thành phố chính của tiểu bang Karen, miền đông nam nước này.
Theo nhiều nhà quan sát, đây là một bước tiến quan trọng của Miến Điện trong việc giải quyết các xung đột lâu dài và phức tạp. Bởi, sắc tộc Karen là một trong các sắc tộc lớn, ở một đất nước mà 153 sắc tộc thiểu số chiếm tới 40% dân cư. Kể từ khi Miến Điện độc lập đến nay, không có chính quyền nào thành công trong việc đoàn kết được tất cả các sắc tộc. Chống lại xu thế giành quyền tự trị của một số sắc tộc, như người Karen, chính là một trong các lý do mà tập đoàn quân sự đưa ra để duy trì quyền lực của họ trong hơn nửa thế kỷ qua.
Bên cạnh việc hòa đàm với người Karen, chính quyền Miến Điện cũng đã tiến hành đàm phán với người Shan, và một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký vào tháng 12/2011. Riêng với người Kachin, dù có lệnh từ phía chính quyền trung ương không cho phép tấn công, nhưng lệnh này không hẳn đã được tôn trọng.
Theo ông Renaud Egreteau, chuyên gia người Pháp về Miến Điện và giảng viên tại Đại học Hồng Kông, các bên xung đột còn phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy đàm phán và nhìn chung không nên quá hào hứng với những diễn biến nhìn chung có vẻ thuận lợi.
----------------
Đức Tâm - RFI
Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012
Hôm nay, 13/01/2012, rất nhiều tù nhân chính trị hàng đầu của Miến Điện đã được chính quyền trả tự do. Ngay lập tức, phe đối lập đã hoan nghênh động thái này của chính quyền.
Theo nhật báo chính thức, ấn bản tiếng Anh, New Light of Myanmar, đợt ân xá này liên quan đến 651 người và có mục đích « hòa giải dân tộc và để cho họ được tham gia vào tiến trình chính trị ».
Theo AFP, nhiều cựu lãnh đạo phong trào nổi dậy của sinh viên Miến Điện năm 1988 được thả. Các đợt trả tự do trước đây đã gây thất vọng cho phe đối lập vì không có ai trong số các tù nhân chính trị hàng đầu.
Cựu thủ tướng Miến Điện, ông Khin Nyunt, cũng được ân xá. Chính ông Khin Nyunt là người đã soạn thảo lộ trình dân chủ đất nước, sau đó bị giới tướng lãnh thanh trừng. Ông đã bị kết án 44 năm quản thúc tại gia với tội danh tham nhũng.
Từ Rangoon, thông tín viên Arnaud Dubus tường trình :
« Bầu không khí sôi động trước cửa nhà tù Insein, ở phía bắc Rangoon. Hàng trăm cựu tù chính trị, các nhà hoạt động, các gia đình, đã giương cao những cành hoa nhài và bó hoa để đón tiếp các đồng chí hoặc những người thân của họ vừa được trả tự do. Cảnh này cũng diễn ra ở nhiều tỉnh khác. Đây là đợt thả tù nhân quan trọng nhất kể từ 12 tháng qua.
Những người được coi là anh hùng thuộc Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ như Mint Ko Naing đã được trả tự do. Min Ko Naing là người sáng lập ra phong trào mang tên « Thế hệ 88 », huy động dân chúng đấu tranh chống lại giới tướng lãnh cầm quyền vào năm 2005. Trong số những người được thả còn có 3 nhà báo thuộc Democratic Voice of Burma, một đài phát thanh bí mật của phe đối lập. Cựu thủ tướng Khin Nyunt, bị quản thúc tại gia từ 2004 sau cuộc thanh trừng nội bộ, cũng được trả tự do.
Chính sách mở cửa hiện nay của chính phủ dựa trên lộ trình dân chủ hóa do chính ông Khin Nyunt soạn thảo, trước khi ông bị bắt. Ngay sau khi được trả tự do, cựu thủ tướng Miến Điện tuyên bố hoan nghênh đường hướng cải cách của tân chính phủ, nhưng đồng thời ông cũng cho biết là không muốn tham gia chính trường nữa ».
Đây là đợt ân xá thứ ba kể từ tháng 10/2011. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã hoan nghênh quyết định của chính quyền Miến Điện và đánh giá « đây là một tín hiệu tích cực ».
Nhà phân tích Aung Naing Oo, thuộc Viện Phát triển Vahu, hiện đang sống lưu vong ở Thái Lan nhận định : « Những gì đã xẩy ra tại Miến Điện từ 6 – 7 tháng qua thật là tuyệt vời », đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, nếu muốn bình thường hóa quan hệ với phương Tây, thì chính quyền Miến Điện bắt buộc phải thả tù chính trị.
---------------------
VOA
Thứ Sáu, 13 tháng 1 2012
Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi quyết định của Miến Điện trả tự do cho hàng trăm tù chính trị là “một bước vững chắc đến cải cách dân chủ.”
Chính phủ Miến Điện và các nhà hoạt động dân chủ nói có 651 tù nhân được trả tự do hôm thứ Sáu trong khuôn khổ một lệnh ân xá lớn, phù hợp với những đòi hỏi được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nêu rõ trong chuyến viếng thăm Miến Điện vào tháng trước.
Để đáp lại, bà Clinton hôm thứ Sáu loan báo Hoa Kỳ bắt đầu tiến trình trao đổi đại sứ với Miến Điện.
Việc thả tù chính trị đáp ứng được một điều kiện của Hoa Kỳ, hàn gắn những liên hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tuy nhiên Tổng thống Barack Obama và bà Clinton nói trong những tuyên bố riêng rẽ là còn nhiều việc cần phải làm tại Miến Điện.
Chính quyền Obama thúc đẩy chính phủ Miến Điện mở đường cho những cuộc bầu cử công bằng trong năm nay và trả tự do cho số tù chính trị còn lại mà không đặt điều kiện nào.
Chính phủ mới tại Miến Điện có hậu thuẫn của quân đội đã mở rộng giao tiếp với phương Tây và mới đây đón tiếp Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague.
Ông Hague hôm thứ Sáu nói ông hoan nghênh việc thả tù chính trị, gọi đây là “một bằng chứng thêm cho thấy cam kết cải cách của chính phủ Miến Điện.”
Truyền thông nhà nước Miến Điện loan báo những tù chính trị được trả tự do theo một lệnh đặc xá của Tổng thống Thein Sein để cổ vũ hoà giải quốc gia.
Chính phủ Miến Điện và các nhà hoạt động dân chủ nói có 651 tù nhân được trả tự do hôm thứ Sáu trong khuôn khổ một lệnh ân xá lớn, phù hợp với những đòi hỏi được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nêu rõ trong chuyến viếng thăm Miến Điện vào tháng trước.
Để đáp lại, bà Clinton hôm thứ Sáu loan báo Hoa Kỳ bắt đầu tiến trình trao đổi đại sứ với Miến Điện.
Việc thả tù chính trị đáp ứng được một điều kiện của Hoa Kỳ, hàn gắn những liên hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tuy nhiên Tổng thống Barack Obama và bà Clinton nói trong những tuyên bố riêng rẽ là còn nhiều việc cần phải làm tại Miến Điện.
Chính quyền Obama thúc đẩy chính phủ Miến Điện mở đường cho những cuộc bầu cử công bằng trong năm nay và trả tự do cho số tù chính trị còn lại mà không đặt điều kiện nào.
Chính phủ mới tại Miến Điện có hậu thuẫn của quân đội đã mở rộng giao tiếp với phương Tây và mới đây đón tiếp Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague.
Ông Hague hôm thứ Sáu nói ông hoan nghênh việc thả tù chính trị, gọi đây là “một bằng chứng thêm cho thấy cam kết cải cách của chính phủ Miến Điện.”
Truyền thông nhà nước Miến Điện loan báo những tù chính trị được trả tự do theo một lệnh đặc xá của Tổng thống Thein Sein để cổ vũ hoà giải quốc gia.
Tin liên hệ
.
.
.
No comments:
Post a Comment