Friday, January 13, 2012

BÀI HỌC VỀ BƯỚC NGOẶT CHUYỂN ĐỔI CỦA MIẾN ĐIỆN CHO VIỆT NAM (Kami)



Kami

Lên mạng internet hầu như không bao giờ tôi (dù chỉ là nghĩ) tìm đọc báo Nhân dân online - Cơ quan trung ương của Đảng CSVN mà họ tự coi là tiếng nói của đảng, nhà nước và nhân dân Việt nam. Nhưng hôm nay một bản tin trên trang BBC đã khiến tôi mất công dò tìm và kết quả là đã tìm thấy một bài viết rất ngắn trong chuyên mục thời sự quốc tế với nhan đề "Hòa giải Dân tộc", bài báo với nội dung ca ngợi những chuyển biến tích cực ở Myanmar và cho rằng tiến trình dân chủ và hòa giải dân tộc ở Myanmar đã có những bước đột phá quan trọng trong năm 2011 và đây là “bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc và xây dựng chính quyền dân sự thực thụ ở Myanmar”.

Động thái khác thường của báo Nhân dân, một tờ báo quan trọng hàng bậc nhất được BBC đánh giá là "Đây là lần đầu tiên trên tờ báo Đảng mang tính chính danh, có ý kiến khen ngợi một cách trực tiếp và công khai quá trình dân chủ, đa đảng ở quốc gia Asean vốn bị cô lập này. Cũng là lần đầu tiên, báo Nhân Dân khen ngợi các động thái của một số quốc gia phương Tây trong quan hệ với Miến Điện, mà bài viết gọi là “để cổ vũ tiến trình” dân chủ ở nước này". Điều này cũng khiến không ít người vẫn còn hoài nghi và nhớ tới trong bài diễn văn khai mạc hội nghị thượng đỉnh Asean lần thứ 16 ngày 08 tháng 4 năm 2010 do Việt nam làm chủ tịch luân phiên, Thủ tướng CSVN Nguyễn tấn Dũng đã từng kêu gọi chính quyền Myanmar cần phải cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền, trả tự do cho các thành phần đối lập trong nước đồng thời ông Dũng kêu gọi Myanmar nên có cuộc tổng tuyển cử tự do dân chủ với sự tham dự của mọi đảng phái tổ chức trong nước.

Vào thời điểm đó ai cũng nghĩ ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dùng vai trò chủ tịch Asean để nói chơi chứ không ai tin đó lại trở thành sự thật, vì sự thay đổi chính trị lớn ở nước này vào thời điểm đó vẫn rất khó xảy ra, bởi Myanmar khi đó đang chịu sự ủng hộ từ các cường quốc trong vùng, đặc biệt là Trung Quốc. Vậy mà tất cả đã đảo lộn 180 độ trong thời gian rất ngắn khoảng hơn một năm. Mà dấu hiệu bắt đầu từ việc chính quyền Myanmar dân sự đầu tiên sau gần 50 năm cầm quyền của quân đội, thông qua cuộc bầu cử ngày 7/11/2010 tuy còn nhiều hạn chế sau hơn 20 năm không có bầu cử. Tiếp đó là ngày 30-9-2011 Tổng thống Thein Sein thông báo trước Quốc hội là Myanmar quyết định đình chỉ dự án xây dựng đập thủy điện Myitsone với chi phí 3.6 tỷ USD do Trung quốc tài trợ với công suất 6,000 Megawatts, với sản lượng điện mỗi năm là 16,635 Gigawatts (1GW=1,000MW), bất chấp sự phản đối của Trung quốc. Quyết định này thật bất ngờ, vì mới tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Zaw Min vừa tuyên bố, việc xây dựng vẫn tiến hành mặc dù có sự phản kháng mạnh mẽ của dân chúng.

Với quyết định này Tổng thống Thein Sein đã cho thế giới biết chính quyền của ông ta không phải là là chính quyền bù nhìn của bất kỳ thế lực nào, đặc biệt là ông Than Shwe người trước đó giữ chức vụ "Chủ tịch Hội đồng Hòa Bình và Phát triển Quốc gia" của chính quyền độc tài quân sự Myanmar. Nhưng điều quan trọng hơn việc quyết định đình chỉ dự án xây dựng đập Myitsone do phía Trung quốc tiến hành của chính quyền dân sự Myanmar cho thấy Myanmar đã cố gắng thoát khỏi Trung quốc sau hơn 20 năm chịu sự kiềm chế của nước láng giềng khổng lồ hơn một tỷ dân với quá nhiều tham vọng ở đất nước này. Đồng thời cũng cho thấy sự cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của Hoa kỳ của chính quyền dân sự ở Myanmar để nâng cao vị thế của họ trên trường quốc tế mà trước mắt là vai trò Chủ tịch Asean năm 2014, trong bối cảnh các quốc gia thành viên còn lưỡng lự, chưa có quyết định cụ thể, đặc biệt là Indonesia. Mặt khác các chuyên gia chính trị đánh giá đây là một lựa chọn thông minh của Myanmar trong việc thoát khỏi sự ảnh hưởng của hai cường quốc khổng lồ ở chấu Á là Trung quốc và Ấn độ (quốc gia ngầm ủng hộ lực lượng đối lập Dân chủ của Myanmar) để không trở thành công cụ của bất kỳ quốc gia nào có thể lợi dụng.

Việc chính quyền dân sự mới ở Myanmar tiến hành tổ chức bầu cử sau 20 năm cầm quyền của tướng lĩnh quân sự, cùng với việc ân xá tù nhân kể cả tù chính trị, và đặc biệt là bà Aung San Suu Kyi được trả tự do và Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND-Ligue Nationale pour la Démocratie) của bà đã chính thức được phép hoạt động trở lại (tháng 5/2010, LND đã bị giải thể ) được phép tham gia chính trường trong cuộc bầu cử bổ xung đầu tháng 4.2012 là thắng lợi của công cuộc đấu trang bền bỉ của các lực lượng đối lập với chính quyền độc tài quân sự Myanmar trên mọi phương diên, bao gồm đấu tranh bất bạo động và tiến hành đấu tranh vũ trang của các nhóm sắc tộc thiểu số. Đặc biệt là phải nhắc tới lực lượng sinh viên trí thức Myanmar đang lưu vong trong các trại tỵ nạn trên đất Thái lan, đa phần trong số họ là những người đã từ chối việc được phép đi định cư ở một nước thứ ba để ở lại tranh đấu.

Cũng cần phải nói thêm giai đoạn dân chủ của đất nước Myanmar từ năm 1947 đã kết thúc năm 1962 sau một cuộc đảo chính quân sự do Tướng Ne Win lãnh đạo và ông này cầm quyền trong 26 năm và theo đuổi chính sách xã hội chủ nghĩa, bằng chứng là năm 1974, Myanma đã lấy quốc hiệu mới là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Myanma. Trước sức ép của các lực lượng đối lập, vào năm 1990, lần đầu tiên chính phủ độc tài quân sự Myanmar buộc phải tổ chức cuộc bầu cử tự do được tổ chức lại sau 30 năm không có bầu cử. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND-Ligue Nationale pour la Démocratie), đảng của bà Aung San Suu Kyi, thắng 392 trong tổng số 485 ghế, nhưng các kết quả của cuộc bầu cử đã bị Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Liên bang (SLORC) đơn phương huỷ bỏ và từ chối giao lại quyền lưc. Đó là khởi điểm tiếp theo của một giai đoạn cai trị độc tài lần thứ 2 của phe các tướng lĩnh quân độicho đến tháng 11/2010.

Tại Myanma cũng giống như ở Việt nam hiện nay, chính quyền độc tài quân sự không chấp nhận các tổ chức chính trị đại diện cho phe đối lập và nhiều đảng đã bị đặt ngoài vòng pháp luật, nhân quyền bị chà đạp, không có tòa án độc lâp. Tự do ngôn luận và tự do báo chí bị hạn chế, việc truy cập Internet tại Myanma bị kiểm duyệt chặt chẽ thông qua các phần mềm lọc các trang web có thể truy cập đối với công dân, hạn chế đa số các trang đối lập chính trị và ủng hộ dân chủ. Mặc dầu như vậy nhưng các tổ chức đối lập của họ cũng đấu tranh bền bỉ và đạt được những kết quả đáng kểđặc biệt là về mặt đối ngoai trên trường quốc tế. Mà lãnh tụ là bà Aung San Suu Kyi người đã được quốc tế công nhận là một nhà hoạt động vì dân chủ tại Myanma, đoạt Giải Nobel Hòa bình năm 1991. Cho dù bà Aung San Suu Kyi đã nhiều lần bị quản thúc tại gia nhưng điều đó đã khiến Hội đồng quân sự Myanmar ngày phải đối mặt với sự cô lập quốc tế. Vào tháng 12 năm 2005, lần đầu tiên tình trạng của Myanma đã được thảo luận không chính thức tại Liên hiệp quốc. Ngay cả Asean cũng đã bày tỏ sự thất vọng của mình với chính phủ Myanma, và tổ chức này đã nhiều lần cảnh báo về sự thiếu dân chủ tại Myanma.

Về đấu tranh vũ trang, các tổ chức đối lập của Myanmar đã liên kết với các nhóm sắc tộc thiểu số như KNU (Karen National Union), KIO (Kachin Independence Organization), NMSP (New Mon State Party) và SSA-N (Shan State Army) để thành lập Hội đồng Liên minh Dân tộc Quốc gia UNFC (Union Nationalities Federal Council) nhằm mục đích tạo sức mạnh tổng hợp chông đối chính quyền hiện tại của Myanmar bằng mọi cách có thể. Những cái đó chính là áp lực đủ mạnh để buộc chính quyền độc tài quân sự Myanmar phải thay đổi.

Tôi có một số bạn bè là trí thức Myanmar, từ trước đến nay qua trao đổi tâm sự họ luôn mong muốn đất nước Myanmar của họ đi theo con đường cải cách như Việt nam, điều đó cho thấy chính quyền Việt nam tỏ ra rất khéo léo khi che đậy sự cai trị độc tài một đảng bằng chính sách độc tài toàn trị, mà ít người nước ngoài có thể hiểu được sự thâm độc của nhà nước Việt nam. Bằng chứng là các quốc gia Asean hầu như làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt nam, lý do này cũng cho thấy sự yếu kém của phong trào đối lập ở Việt nam hiện nay. Chúng ta còn thiếu một người có đủ tầm cỡ như bà Aung San Suu Kyi, chúng ta còn thiếu các tổ chức chính trị đủ mạnh như Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND), chúng ta còn thiếu một tổ chức vũ trang như Hội đồng Liên minh Dân tộc Quốc gia UNFC (Union Nationalities Federal Council) của họ, thay vào đó chúng ta mới chỉ có vài chục ngàn người đấu tranh bằng cách gõ bàn phím computer thì làm sao mà hy vọng có sự thay đổi mang tính bước ngoặt như ở Myanmar?

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã từng nói "Đừng có ảo tưởng rằng những người quan liêu, bảo thủ sẽ tự giác trao cho nhân dân quyền dân chủ, tự giác cụ thể hóa để thực hiện sự nghiệp đổi mới. Vấn đề tùy thuộc rất nhiều vào sự đấu tranh (của nhân dân)". Điều đó cũng có nghĩa phải tranh đấu quyết liệt trên mọi phượng diện có thể để tạo nên một áp lực đủ mạnh từ mọi phía để chính quyền buộc phải thay đổi, mà Myanmar là một bài học cụ thể và thiết thực cho Việt nam. Chỉ đấu tranh bất bạo động có thể là chưa đủ (!?)

Mới đây, qua điện thoại tôi có hỏi một anh bạn cũ người Myanmar rằng "Theo anh, động lực nào dẫn tới việc quyết định tiến trình cho sự thay đổi mang tính bước ngoặt của chính quyền dân sự Myanmar hiện nay?". Moòng Ê, một trong những trí thức Myanmar đang tỵ nạn tại một trại gần biên giới tỉnh Tack phía tây Thái lan cho biết "Một điều rất đơn giản, nếu anh là người Việt nam anh sẽ hiểu hơn ai hết. 4 quốc gia Myanmar, Việt nam, Lào và Campuchia có dân số gấp 2,5 lần Thái lan, tài nguyên thiên nhiên của 4 quốc gia chúng ta cũng nhiều và phong phú hơn Thái lan nhiều lần. Nhưng tổng trị giá GDP (nominal) của 4 quốc gia kể trên chỉ bằng hơn một nửa GDP (nominal) của Thái lan. Tai sao ư, câu trả lời đó chính là sự ưu việt của tự do dân chủ, điều mà chúng tôi đã và đang theo đuổi, điều đó không ai có thể chối cãi và phủ nhận được. Và chúng tôi đã tạo đủ sức mạnh buộc họ (chính quyền) phải thay đổi. Nhưng một điều quan trọng hơn là những người lãnh đạo chính quyền dân sự mới ở đất nước chúng tôi họ đã nghĩ và đặt quyền lợi của quốc gia và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân và phe nhóm của họ".

Theo tôi, đó là một câu trả lời rất đáng để chúng ta suy nghĩ !

Ngày giá rét cuối năm ÂL, 13 tháng 01 năm 2012

---------------------
*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

.
.
.


No comments: