Friday, January 13, 2012

CƠN SỐT MYANMAR (Trần Vinh Dự)



Trần Vinh Dự
Thứ Năm, 12 tháng 1 2012

Myanmar đang trải qua một cơn sốt kể từ sau chuyến đi của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Hilary Clinton, hồi cuối tháng 11 năm 2011. Trong khi bà Clinton được người dân nước này chào đón như sự viếng thăm của một nữ thần thì chuyến viếng thăm cao cấp nhất của Mỹ tới đất nước này kể từ 50 năm trở lại đây đã làm bừng tình giới đầu tư quốc tế.

Lượng khách quốc tế đến Myanmar đột ngột tăng vọt. Vé máy bay tới Myanmar ngày càng khó mua. Các khách sạn lớn ở thủ đô cũ Yangon lúc nào cũng gần như kín chỗ và giá phòng bị đẩy lên nhiều lần so với trước. Ở Strand Hotel, một khách sạn hạng sang ở thành phố này, giá phỏng rẻ mạt nhất cũng đã lên tới 660 USD/đêm – mức giá rất cao tính theo bất cứ tiêu chuẩn nào.

Chuyến đi của bà Clinton cũng khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản ở Yangon vui mừng. Reuters đưa tin ngày 7 tháng 12, 2011 rằng “chỉ vài giờ sau khi bà Clinton rời Myanmar, thị trường bất động sản ở đây đã cất cánh. Kể từ thời điểm đó tới nay, chưa đầy 1 tháng rưỡi nhưng bất động sản ở nhiều nơi ở Yangon đã tăng tới 30%.

Myanmar là một quốc gia đông dân với 62 triệu người và có một lực lượng lao động có khả năng nói tiếng Anh, đặc biệt là lao động trí tuệ. Quốc gia này cũng đặc biệt giàu có về tài nguyên, nhất là dầu mỏ, khí đốt, gỗ, và các loại ngọc quý.

Từng là một trong vài nước giàu có nhất trong khu vực hồi nửa thế kỷ trước, sự cai trị hà khắc của chế độ độc tài quân sự ở Myanamar trong suốt 49 năm qua đã đẩy đất nước này vào chỗ thụt lùi và cô lập. Hiện nay Myanmar được coi là một trong vài nước nghèo nhất khu vực và là nền kinh tế lớn cuối cùng của Châu Á chưa được mở cửa cho giới đầu tư phương Tây

Tính tới cuối năm 2011, đầu tư nước ngoài vào Myanmar vẫn rất hạn chế với tổng số khoảng 25 tỷ USD, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, và Thái Lan. Theo thống kê chính thức của Myanmar, hơn 86% tổng lượng đầu tư nước ngoài đổ vào nước này nhắm vào ngành điện, khai mỏ, và dầu khí.

Sự cởi mở gần đây về chính trị đã khơi dậy hi vọng rằng lệnh cấm vận của Phương Tây sẽ sớm bị dỡ bỏ. Điều này đã khiến nhiều người coi đây là cơ hội cần phải nắm lấy. Gavin Parry, giám đốc điều hành của Parry International Trading Ltd. tại Hong Kong cho rằng “rõ ràng là có cảm giác rất thật là Myanmar là điểm đến kế tiếp cho các cơ hội phát triển trong khu vực”.

Bloomberg trích lời Jim Rogers, chủ tịch của tập đoàn Rogers Holdings tại Singapore cho rằng “nếu bạn có thể tìm được đường để đầu tư vào Myanmar vào lúc này bạn sẽ trở nên rất, rất giàu vào 20, 30, 40 năm nữa”. Chanitr Charnchainarong, phó chủ tịch điều hành của Stock Exchange of Thailand, người đã đến Myanmar nhiều lần, thì cho rằng “có rất nhiều cơ hội to lớn ở Myanmar” và rằng “tất cả các công ty Phương Tây đang than vãn về các lệnh cấm vận thì vẫn đang ngấm ngầm tìm hiểu cơ hội”.

Floyd Bennit, một doanh nhân người Đức, đã tới Myanmar 4 lần trong vòng 3 tháng vừa qua để chứng kiến sự thay đổi của nền chính trị nước này và các cơ hội kinh doanh đang mở ra sau việc chính quyền quân sự nhường lại quyền lực cho một Quốc hội dân sự kể từ cuộc bầu cử hồi tháng 3 năm trước. Ông cho rằng “không khí đổi mới ở đây rất tốt và có vẻ như nó sẽ không thể đảo ngược được”.

Còn nhiều việc phải làm trước khi Myanmar thực sự trở thành một điểm đến của đầu tư quốc tế. Trước hết, nước này cần phải được dỡ bỏ cấm vận. Việc này lại phụ thuộc vào việc liệu cuộc cải cách dân chủ do chính quyền quân sự Myanmar khởi xướng có thực sự đến nơi đến chốn hay không. Tiếp theo, nước này cần chỉnh đốn lại hệ thống luật pháp, đặc biệt là các luật về kinh doanh và đầu tư, thay đổi chế độ tỷ giá mà họ đang vận dụng, và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng. Tất cả những việc này đều cần thời gian.

Andrew Pullar, giám đốc đầu tư của Sentient Group, một quỹ đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết quản lý hơn 2,5 tỷ USD và chuyên tập trung đầu tư vào lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, rất vui vẻ chờ đợi diễn tiến này. Ông cho rằng “hai mươi năm nữa nơi này sẽ có một ngành công nghiệp khai mỏ phát triển rực rỡ. Tại thời điểm này thì tôi không muốn tham gia đầu tư ngay. Có quá nhiều việc cần phải làm trước. Tuy nhiên, [câu chuyện đầu tư] không phải là câu chuyện của một chuyến đi. Nó là câu chuyện của 5 hay 10 lần quay lại trước khi chúng tôi thực sự làm cái gì đó ở đây.

Câu chuyện Myanmar ngày hôm nay ít nhiều giống với câu chuyện Việt Nam hồi 17 năm trước khi cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam được dỡ bỏ. Sức hút của các nền kinh tế mới được mở cửa như Việt Nam hồi trước và Myanmar hiện nay đặc biệt mạnh mẽ ở chỗ nó tạo cho giới đầu tư quốc tế một cơ hội để đầu cơ theo đó kẻ nào đến trước sẽ có lợi (first mover advantage). Bất kể là nền kinh tế mới mở cửa đó có tiềm năng thực sự đến đâu, động thái mở cửa cũng vẫn tạo nên cảm hứng mới và những kỳ vọng đầu tư siêu lợi nhuận giống như ý kiến của Jim Rogers, chủ tịch của tập đoàn Rogers Holdings, ở trên.

Sự xuất hiện của những cơ hội đầu tư mới ở Myanmar sẽ hút dòng vốn quốc tế khỏi các thị trường đã mở cửa từ lâu như Việt Nam, nơi các cảm hứng và kỳ vọng ban đầu đã bị thực tế khủng hoảng làm phai nhạt. Đây sẽ là một hiện thực không mấy vui vẻ mà Việt Nam phải đối mặt trong những năm tới.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

.
.
.

No comments: