Wednesday, January 11, 2012

ĐÁ BÓNG CŨNG THỐI NÁT ! (Ngô Nhân Dụng)



Ngô Nhân Dụng

Tuần trước mục này đã viết về “Sức Mạnh Mềm” (Soft Power) của Trung Quốc, nhắc đến ý kiến của một giáo sư ở Bắc Kinh. Ông Bàng Trung Anh, Đại học Nhân Dân, nói rằng nước ông bây giờ chẳng có Sức Mạnh Mềm nào cả. Trung Quốc không có cái gì với sức hấp dẫn đủ mạnh mẽ khiến người nước khác muốn bắt chước theo. Hệ thống chính trị, không. Mô hình kinh tế, không. Hệ thống tư pháp, Hệ thống giáo dục, đều không nốt. Ca nhạc, hội họa, thể thao, điện ảnh, thời trang, cũng còn lâu mới thu hút được người ngoài.

Đến thức ăn Tầu nổi tiếng, bây giờ cũng xuống giốc, vì ai cũng sợ mỡ, sợ đường, sợ bột ngọt, nhất là những người có tiền. Cứ đến một thành phố lớn ở Âu châu, Mỹ châu, Úc, Tân Lây Lan, sẽ thấy tiệm cơm Tầu bây giờ chỉ dành cho thực khách bình dân. Người ăn sang muốn nếm hương vị phương Đông sẽ đi tìm tiệm Nhật, tiệm Thái, tiệm Hàn Quốc, và cả tiệm Việt Nam nữa. Chả giò với phở đều đã thành các món ăn bình dân quốc tế rồi; bỏ công nhiều mà mức lời thấp. Sẽ đến ngày người mình dùng khoa tiếp thị biến mấy chục “món gỏi” hay “món cuốn” của mình thành những món ăn quốc tế vừa sang, vừa đẹp, vừa lành mạnh, lại vừa đắt giá!

Trở lại câu chuyện Soft Power, Sức Mạnh Mềm, của Trung Quốc. Phải nhắc ông Bàng Trung Anh đã quên, không nói đến một thức Sức Mạnh rất Mềm của nước ông. Nó đã được đem ra thi triển ở nhiều quốc gia trên thế giới và gây được ảnh hưởng rất đáng kể, nhiều người phát ghen, muốn làm theo mà không làm được. Đó là món Hối Lộ!

Cứ nhìn các công ty Trung Quốc đang đi khai thác tài nguyên quặng mỏ, rừng, biển, từ Phi châu tới Nam Mỹ và các nước Trung Á, Đông Nam Á Châu thì biết họ đã biết sử dụng sức hấp dẫn của đồng tiền hối lộ một cách có hiệu quả! Làm sao chuyên chở về Tầu được đủ những thứ như đồng và nhôm ở Congo, dầu lửa từ Sudan, Nigeria, gỗ và ngọc thạch từ Miến Điện, sắp tới bô xít từ Việt Nam? Thế mới biết Trung Quốc cũng có một thứ Sức Mạnh Mềm rất hiệu quả.

Tại sao Giáo sư Bàng Trung Anh lại bỏ qua không nói đến thứ sức mạnh mềm này? Chắc vì ông biết, cái đó là một chất độc. Dùng nó đầu độc người khác thì chính mình cũng bị nhiễm độc! Các nước Âu Châu, Nhật Bản, Úc và Mỹ châu đã làm luật cấm các xí nghiệp của họ không được hối lộ quan chức các nước khác, chính vì lý do đó.

Sở dĩ người Trung Hoa đến nay vẫn dùng món độc dược này vì nó đã nằm sâu trong cơ thể của nước họ, một thứ văn hóa hối mại quyền thế “thâm căn cố đế” chưa biết cách nào tẩy rửa được! Gốc rễ của căn bệnh này nằm trong hệ thống chính trị độc quyền, độc đảng. Báo Economist, số cuối năm viết một bài về Túc Cầu tại Trung Quốc, dẫn lời một viên chức giấu tên trong ngành Công An: “Các bạn biết tất cả các vấn đề xã hội mà người ta đổ lỗi cho hệ thống chính trị chưa? Muốn biết hãy nhìn vào tình trạng môn túc cầu!”

Môn đá banh được người Tầu hâm mộ từ khi tiếp xúc với người Anh. Hội Túc Cầu toàn quốc (gọi là CFA) được thành lập từ năm 1924, thời Quốc Dân Đảng. Năm 1931 họ được gia nhập FIFA, tổng hội đá banh thế giới. Người Trung Hoa vẫn hãnh diện khoe rằng môn đá banh phát xuất từ nước Tề, vùng Sơn Đông bây giờ, vào đời Chiến Quốc (500 đến 200 năm trước Công nguyên), trong môn chơi gọi là Xúc Cúc (Cuju, 蹴鞠), nghĩa là quả banh da, đẩy bằng chân. FIFA công nhận sự kiện này, và còn cho thấy một bức tranh cổ vẽ cảnh vua Tuyên Tôn nhà Minh (1426-1435) ngồi coi đá banh (hay đánh Golf?).

Nhưng hiện nay đội đá banh quốc gia của Trung Quốc đứng hàng thứ 77 trên thế giới, và tháng trước mới thua một trận trước đội Iraq, sẽ bị loại không được dự giải Đá Bóng Thế giới World Cup năm 2014! Trận thua Iraq này thật là nhục nhã, cả nước muốn khóc. Một nhà báo thể thao viết: “Ví thử chúng ta thua Nhật Bản hay Hàn Quốc thì đáng thua, vì họ đá giỏi thật. Thua Saudi hay Qatar cũng được đi, vì họ bỏ rất nhiều tiền nuôi cầu thủ. Còn thua Iraq? Nước họ vẫn còn chưa hết nội chiến, sân banh trong nước họ còn chưa dùng để đá banh được! Thế mà Iraq vẫn đánh bại Trung Quốc 1 – 0! Đội banh Trung Quốc chỉ được vào đấu Giải Thế Giới (World Cup) một lần, năm 2002. Và trong ba trận năm đó thua cả ba, các cầu thủ Trung Quốc không làm được một bàn nào cả!

Có phải người Trung Quốc thể lực yếu, hay không thích thể thao? Không phải. Họ chiếm nhiều huy chương nhất trong Thế Vận Hội 2008 ở Bắc Kinh! Khán giả các đài ti vi đều theo dõi những trận đá banh, không khác gì dân Mỹ coi bóng bầu dục. Vậy tại sao ngành bóng đá ở Trung Quốc thảm hại như vậy?

Lý do chính là vì chế độ độc tài, tập trung quyền hành, không có gì minh bạch, công khai; những người nắm quyền không chịu trách nhiệm trước công chúng, không ai được bàn chuyện các quan chức làm ăn. Ai hé miệng sẽ bị trừng trị!

Tổ chức đá bóng ở Trung Quốc đầy tham nhũng, nói chung là cái gì cũng mua được, có tiền là đổi trắng thay đen. Mà nạn tham nhũng sinh sôi nẩy nở là vì các quan chức trông coi ngành đá bóng đều phải do Đảng chỉ định. Họ không chịu trách nhiệm với các đội banh, không lo báo chí, không lo dân ghiền đá banh soi mói. Từ nguồn gốc đó, tất cả các cầu thủ, trọng tài, cho đến chủ nhân các đội banh (trên nguyên tắc đều là của chính quyền) đều có thể đi mua và bị người khác mua chuộc. Ai mua? Những người đánh cá độ. Một trọng tài ra tòa vì tội ăn tiền đã thú nhận rằng chỉ có một lần ông từ chối không nhận tiền để làm cho một đội thắng trận đá, vì đã có quan trên trong Hội Túc Cầu bảo ông hãy thiên vị đội bên kia! Các quan trên Trung Quốc không bao giờ nói thẳng ra như vậy. Nhưng các ám hiệu họ đưa ra đều hiểu được: Khi quan trên điện thoại nói: “Nhớ công bằng nhé;” câu đó nghĩa là phải cho đội chủ nhà thua đội khách!

Nghề trọng tài hái ra tiền, vì công “xếp đặt ai thua ai thắng,” tiếng Anh là “fix.” Một trọng tài họ Dương khai đã kiếm được 12 triệu nguyên (1.90 triệu mỹ kim) kể từ khi được bổ nhiệm năm 1995. Một ông họ Lữ kể rằng ông được hối lộ tới 800,000 đô la cho một trận quốc tế. Ông họ Dương kể trước một trận đấu, đội cầu Thượng Hải đã đem bao thư 700,000 nguyên đến tận văn phòng ông. Ông chia cho ông Lữ một nửa! Trọng tài là Trương Kiến Cường (Zhang Jianqiang ) đã khai trước ti vi là ông kiếm được 2 triệu 6 đồng nhân dân tệ, tương đương với 410,000 đô la Mỹ.

Tất nhiên các cầu thủ cũng được mua, giám đốc các đội banh cũng biết bán độ! Một cầu thủ muốn được đưa vào hàng ngũ “đội quốc gia” cũng phải hối lộ khoảng 110,000 đồng nguyên (tương đương 15,500 đô la). Cùng trong nền văn hóa tham nhũng đó, chủ nhân đội cầu của Thành Đô đã đút tiền cho chủ nhân một đội khác để họ đá thua, nhờ thế Thành Đô được xếp vào “Trung Quốc Túc cầu Hiệp hội Siêu cấp Liên trại” thường gọi tên là Trung Siêu Liên Trại (中超联赛). Hiện hai đội Quảng Châu và Thành Đô đã bị đưa ra tòa và bị đuổi ra khỏi Trung Siêu!

Có cách nào để ngành đá banh Trung Quốc thoát khỏi nạn tham nhũng, hối lộ hay không? Lần đầu tiên họ bị điều tra là năm 2007, do cảnh sát Singapore yêu cầu công an Trung Quốc, vì khám phá “bán độ” trong một trận cầu ở Singapore! Đến lượt báo chí bên Anh loan tin các trận đấu “giao hữu” giữa đội banh Thẩm Quyến với Manchester United năm 2007 (Thẩm Quyến thua 6-0) và trận Thượng Hải với Sydney (Thượng Hải thắng) năm 2003 đều bị bán độ. Mãi tới năm 2011 mới có những vụ bắt bớ, rồi đến cuối năm thì xét xử. Năm 2010 các cuộc điều tra từ từ bắt đầu.

Đứng đầu ngành đá bóng Trung Quốc là Hiệp hội Túc cầu, gọi tắt là CFA. Hai ông cựu chủ tịch Nam Dũng (Nan Yong, ) và phó chủ tịch và Dương Ích Dân (Yang Yimin, 益民) đã bị bắt vào tháng Ba năm rồi, cùng với ông Tạ Á Long (Xie Yalong, 谢亚龙), một phó chủ tịch khác mới bị bắt vào tháng Mười. Ông này đã mất chức sau khi đội banh Trung Quốc bị loại trong Thế Vận Hội 2008. Vụ xét xử các ông tai to mặt lớn, các trọng tài và cầu thủ diễn ra từ ngày 18 tháng 12 năm 2011. Nhưng họ lại xử kín! Giống như xử lý nội bộ vậy! Họ không dám cho công chúng và báo chí tham dự, vì sợ các bị cáo sẽ lôi ra các quan chức cao cấp hơn trong đảng!

Với tình trạng tham nhũng như trên, người Trung Hoa hết hy vọng vào tương lai nền túc cầu nước họ. Cha mẹ không muốn cho con đá banh. Từ năm 1990 đến 2000, nước Tầu có khoảng 600,000 trẻ tham dự các đội banh chính thức. Trong 5 năm tiếp theo, con số xuống chỉ còn 180,000 thanh thiếu niên. Và hiện giờ các quan chức CFA ước tính còn độ 100,000.

Một tác giả về thể thao, Declan Hill mới xuất bản cuốn sách về nạn bán độ, tên là The Fix. Ông có đưa ra Mười Điều Răn để tránh khỏi nạn này. Thí dụ: Phải bảo đảm lương bổng cho các cầu thủ, cùng với an toàn trong việc làm, không sợ bị đuổi. Phải bảo vệ những người tố cáo nạn bán độ. Phải có những biện pháp khích lệ cho các cầu thủ sống ngay thẳng, lương thiện.

Chỉ cần đọc ba điều đó thôi cũng thấy là khó. Vì nếu người ta thực hiện được ba điều đó trong Túc Cầu Siêu Cấp thì họ đã đem áp dụng cho cả guồng máy cai trị nước Trung Hoa rồi! Sở dĩ túc cầu Trung Quốc thối nát là vì đảng Cộng sản nuôi một guồng máy thống trị thối nát!

Tình trạng túc cầu cho chúng ta hình dung được những ngành sinh hoạt khác ở Trung Quốc như thế nào. Liệu một quốc gia sống trong không khí thối nát như vậy có tương lai hay không? Họ có thể dùng hối lộ đi mua chính quyền các nước chậm tiến để khai thác rừng, biển, quặng mỏ của người ta. Nhưng họ làm sao trở thành một quốc gia mẫu mực cho các nước khác noi theo; để tính chuyện dùng Sức Mạnh Mềm gây ảnh hưởng trên thế giới?

.
.
.

No comments: