Friday, January 13, 2012

ĐẦU NĂM - VUI ÍT, BUỒN NHIỀU (Song Chi)



Song Chi

Mở đầu năm 2012, chỉ riêng trong tháng 1 đã có quá nhiều tin tức, câu chuyện không vui xảy ra trên đất nước VN. Chỉ xin điểm qua một số sự kiện gây xôn xao dư luận, đồng thời qua đó, đã bộc lộ tất cả những mâu thuẫn căn bản, những “khuyết tật” nặng nề nhất của chế độ.

Đó là việc nhà báo Hoàng Khương (báo Tuổi Trẻ), một cây bút chuyên viết bài về nạn tham nhũng, mãi lộ của giới công an giao thông, bị công an bắt về tội “đưa hối lộ”.

Vụ nổ súng vào công an chống lệnh cưỡng chế thu hồi đất của gia đình anh Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng- một cựu quân nhân, kỹ sư, đã từng được báo chí nhà nước ca ngợi như một “người hùng” có công khai hoang lấn biển, đắp kè ngăn bão cho dân trong vùng.

Vụ án ông Trịnh Xuân Tùng bị tay trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh gẫy cổ dẫn đến tử vong vào ngày 28.2.2011 sắp đưa ra xét xử vào ngày Thứ Sáu 13.1 sau một thời gian dài chờ đợi.

Vụ chị Bùi Thị Minh Hằng , một trong những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội bị bắt đưa vào cơ sở giáo dục cải tạo hồi cuối tháng 11.2011 và nay con trai của chị, Bùi Trung Nhân đang lên tiếng kêu cứu vì điều kiện giam giữ, cải tạo vô nhân đạo và tình trạng sức khỏe của chị.

Thứ nhất, cả 4 vụ này, không hề có liên quan gì đến nhau, nhưng đều cho thấy cách hành xử tàn ác, không có chút lòng nhân đạo nào của nhà nước VN đối với người dân, đã trở thành bản chất của chế độ.

Chẳng hạn như việc bắt giam nhà báo Hoàng Khương khi anh là trụ cột chính của gia đình, vợ đang có mang sắp đến ngày sinh, đứa con đầu 5 tuổi bị bệnh bẩm sinh, bà mẹ già đau nặng nằm một chỗ ở quê…Đã có người đặt câu hỏi có cần thiết phải bắt giam Hoàng Khương hay trong trường hợp này, hoàn toàn có thể cho phép anh tại ngoại để điều tra, như thế sẽ được lòng dân hơn nhiều?

Việc cưỡng chế giao đầm thủy sản ngay những ngày trước Tết đã là thất nhân tâm, đến khi vụ nổ súng xảy ra, kẻ bị thương, người sa vào vòng tù tội, những người khác trong gia đình thì không còn lòng dạ nào mà đón Tết. Càng lúc qua báo chí mới càng thấy lộ ra nhiều điều sai trái từ phía chính quyền huyện Tiên Lãng, thậm chí có khả năng…cưỡng chế “nhầm” và ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Quý, em trai ông Vươn, đang sở hữu mà tổ công tác đã tiến hành đập bỏ nằm trên diện tích khu đất đầm 21 ha chưa có quyết định cưỡng chế!

Việc giam một người phụ nữ, chị Bùi Thị Minh Hằng, không phải là tội phạm chung với những người bị nhiễm HIV là tàn ác, khi chị Hằng tuyệt thực dài ngày sau đó xin được ăn cháo thì vẫn bắt ăn cơm, lại thêm điều kiện giam giữ tệ hại ảnh hưởng đến tinh thần lẫn sức khỏe v.v….

Còn vụ ông Trịnh Xuân Tùng bị công an đánh chết, thái độ tàn ác, coi thường sinh mạng con người của đám công an phường Thịnh Liệt, Hà Nội ra sao khi nạn nhân bị đánh kêu đau, gia đình van xin vẫn không đưa đi cấp cứu ngay, khi nạn nhân đói, khát, người nhà xin được đút cho ăn, uống cũng không cho, vô tới bệnh viện vẫn còng tay như thể một tội phạm nguy hiểm … đều đã được con gái của nạn nhân kể rõ từng chi tiết trong những lần trả lời phỏng vấn của báo chí.

Thứ hai, những câu chuyện trên đã bộc lộ những mâu thuẫn căn bản và trầm trọng nhất, những vấn đề bất cập, phi lý nhất vẫn ngang nhiên tồn tại từ lâu nay trong xã hội VN.

Trong vụ anh Đoàn Văn Vươn, đó là vấn đề về quyền sở hữu đất đai. Một trong những mâu thuẫn xã hội nặng nề, là nguyên nhân dẫn đến bao nhiêu vụ khiếu kiện, biểu tình, thậm chí xung đột, đổ máu! Hai chữ “dân oan” cũng từ đó mà ra. Rõ ràng số phận của người nông dân từ thời phong kiến, thuộc Pháp đến nay vẫn không có gì khá hơn, chưa kể, nhiều khi anh Vươn chưa chắc đã may mắn có được phiên toà xử đàng hoàng như thời Pháp qua vụ án đồng Nọc Nạn nổi tiếng năm xưa.

Vụ nhà báo Hoàng Khương là thân phận của người làm báo chống tham nhũng, tiêu cực trong một xã hội độc tài mà tham nhũng đã tràn lan khắp nơi như căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Và sự sợ hãi, hèn nhát cũng ngự trị khắp nơi. Trong cái xã hội đó, những người đứng đầu tờ báo đã bỏ mặc phóng viên của mình khi gặp “tai nạn nghề nghiệp”, còn trong vô số đồng nghiệp cũng có thể có những người cảm thông, uất ức dùm cho anh vả cho phận cầm bút nói chung, nhưng cũng đành câm lặng!

Cái chết của ông Trịnh Xuân Tùng nhắc người ta nhớ lại trong thời gian qua, ngày càng nhiều người dân bị chết oan dưới tay công an mà nhiều khi chỉ vì những lý do hết sức nhỏ nhặt. Chỉ cần vào google search mấy chữ “công an đánh chết người” là sẽ cho ra 51,400,000 results trong 0.29 giây! Giữa hàng trăm vụ đó chỉ có một, hai vụ được đưa ra xét xử, còn lại là “chìm xuồng”. Sự lộng hành của tầng lớp công an đã đến mức báo động. Đối với giới lãnh đạo, công an là tầng lớp con cưng của chế độ cần phải được hưởng mọi sự ưu đãi, khi vi phạm pháp luật kể cả giết người cũng được dung túng, bao che, còn đối với người dân, công an đã thực sự trở thành những hung thần. Liệu vụ án của ông Trịnh Xuân Tùng có được xét xử đúng người đúng tội hay chỉ "giơ cao đánh khẽ"?

Vụ chị Bùi Thị Minh Hằng: thêm một ví dụ điển hình cho tình trạng nhân quyền không được tôn trọng tại xứ sở này. Đồng thời cũng là trường hợp đầu tiên của một “biện pháp” mới do nhà nước VN sáng tạo ra: thay vì tống vào tù như đối với một số người đi biểu tình chống Trung Quốc hoặc viết blog về thực trạng xã hội VN, thì…đưa vào trại cải tạo!

Cả 4 vụ việc một lần nữa chứng minh ở VN chỉ có luật rừng, muốn bắt người lúc nào, với tội danh gì, đối xử ra sao, muốn đánh chết ai thì đánh, muốn thu hồi đất lúc nào thì thu, không bồi thường một chút gì cho công sức của người dân đã bỏ ra v.v…Những cuộc đấu tranh luôn luôn không cân sức giữa người dân đơn độc, dù là nông dân hay trí thức, với một đám quan tham, cường hào ác bá, được sự hỗ trợ của công an hoặc chính là giới công an, với súng ống dùi cui, với truyền thông và tòa án trong tay.

May mà còn có internet với các diễn đàn độc lập, các trang blog cá nhân khiến người đọc hiểu được sự thật phía sau những sự kiện này, từ đó có cái nhìn khách quan hơn. Cũng chính báo mạng-là dư luận từ phía người dân- đã ảnh hưởng đến báo chí chính thống của nhà nước, khiến họ thận trọng hơn trước khi cầm bút viết bài, hoặc tự điều chỉnh mình. Có thể thấy rõ điều này trong vụ án ở Tiên Lãng, Hải Phòng, dư luận xã hộí và giới blogger đã tác động đến báo chí nhà nước và hàng loạt bài báo đã lên tiếng, đứng về phía “tội phạm” Đoàn Văn Vươn. Còn trong vụ nhà báo Hoàng Khương, trừ báo…Công An, các báo còn lại dù không dám dũng cảm bênh vực đồng nghiệp thì chí ít, cũng không xúm vào đánh hôi, giậu đổ bìm leo.

Chỉ hy vọng những vụ việc như thế này và rất nhiều vụ khác nữa, sẽ giúp cho những ai đến giờ phút này còn tin vào những lý do mà nhà nước VN thường đưa ra để biện minh cho chế độ độc đảng hay còn tin vào khả năng tự sửa sai, tự chỉnh đốn của đảng cộng sản, thực sự hiểu ra rằng: Chỉ có trong một xã hội đa đảng khi đảng lãnh đạo luôn luôn được giám sát bởi các đảng đối lập, một xã hội dân chủ pháp trị, tam quyền phân lập, với tòa án có vai trò độc lập, báo chí có quyền tự do ngôn luận, có sức mạnh riêng, thì những vụ như vậy hoặc không thể xảy ra, hoặc nếu có, sẽ được công khai trước công luận, công lý sẽ được thực thi, và những cuộc đời oan ức, những cái chết oan uổng sẽ bớt đi.


.
.
.

No comments: