Friday, January 13, 2012

GIẤY PHÉP GIẾT NGƯỜI CẤP CHO CÔNG AN NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM (Lê Diễn Đức)



Lê Diễn Đức

Buổi tối ngày thứ Năm, ngày 12/1/2012.

Nơi tôi đang ở, thành phố đôi Minneapolis/S.Paul thuộc tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ, có múi giờ cách Việt Nam 13 tiếng đồng hồ, bắt đầu buổi tối bên đây thì là buổi sáng ở Hà Nội.
Vì thế, giống như 11 đêm thứ Bảy với 11 cuộc biểu tình yêu nước trong mùa Hè sôi động năm 2011, tôi lại thao thức trọn đêm mong tin mới nhất từ Việt Nam.

Sáng thứ Sáu, ngày 13 tháng 1 năm 2012, vào lúc 8 giờ 30 phút, giờ Việt Nam, bắt đầu một phiên toà quan trọng mà trong một bài viết của mình tôi đã cho rằng, đây là phép thử công lý và đạo lý của nước CHXHCN Việt Nam.

Gia đình Kim Tiến trên đường tới phiên toà, Hà Nội ngày 13/1/2012

Khi phiên toà chưa bắt đầu, từ Hà Nội "Binh Nhì" Nguyễn Tiến Nam và Nguyễn Lân Thắng, những người đồng đội của Kim Tiến, đã cung cấp ngay cho bạn hữu những tấm hình đầu tiên của gia đình Kim Tiến đang trên đường tới toà.
Nhìn tấm hình Kim Tiến và gia đình cùng chít khăn tang trắng, cầm di ảnh người cha quá cố, mắt tôi lại ngấn lệ...

Những "nhà báo nhân dân" đang ngóng tin từ phiên toà và chuyển đến bè bạn

Tôi và Kim Tiến chưa bao giờ gặp nhau nhưng từ ngày gia đình Kim Tiến bị tai hoạ, tôi đã tìm cách liên lạc để hỏi thăm, lấy tư liệu viết bài, và dần dà chúng tôi trở nên thân thiết như trong một nhà. Có lúc tôi không biết cư xử thế nào cho phải lẽ với cô gái trẻ chỉ bằng tuổi con gái mình, nghiêm túc? đùa giỡn tý cho thân thiện, gần gũi, hay là giữ khoảng cách của một người lớn tuổi? Bởi vì Kim Tiến coi tôi vừa như người cha, người anh, nhưng cũng như người bạn. Chúng tôi thường xuyên chia sẻ với nhau buồn, vui hàng ngày.

Tôi động viên Kim Tiến rất nhiều trước khi tới phiên toà, chỉ sợ Kim Tiến quá xúc động không giữ được bình tĩnh trong phiên toà khi thấy có điều khuất tất. Trong trường hợp như thế, Kim Tiến sẽ gặp bất lợi, hoặc có thể bị người ta chộp lấy cơ hội đuổi ra ngoài, như người ta đã làm với luật sư của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong phiên toà "lưu manh và ô nhục", "làm mất thể diện quốc gia" trong tháng 4 năm 2011.

Và nếu như thế xảy ra, những người chứng kiến phiên toà sẽ không có một nhân chứng quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất trước những hành vi độc ác, tàn nhẫn của Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đối với cha mình.
Những quan toà (mà ai cũng nói sẽ tìm cách giảm nhẹ tội phạm cho can phạm hơn là trừng trị nghiêm minh kẻ giết người), sẽ thở phào nhẹ nhõm khi tống khứ được Kim Tiến!

Thế nhưng tôi tin Kim Tiến. Chỉ qua hơn 10 tháng đau thương, gần gũi thân tình với anh chị em trong những cuộc biểu tình yêu nước, cáng đáng công việc của gia đình, Kim Tiến đã chững chạc hẳn, đôi lúc như già trước tuổi.
Từ một cô bé gây thơ, chỉ biết tới trường và vui chơi hồn nhiên, Kim Tiến đã trở thành một cô gái can đảm, có bản lĩnh.

Vào lúc những người được quyền tham dự phiên toà vượt qua cổng toà án để vào bên trong, người quen của Kim Tiến cho hay chỉ những người liên quan đến vụ án, người thân trực tiếp liên quan của ông Trịnh Xuân Tùng mới được vào dự.

Một nhân chứng tên là Hùng, bạn của người lái xe ôm đã chở ông Trịnh Xuân Tùng, trước đó đã bị triệu tập lên Bộ Công an ba ngày liền để làm rõ tình tiết vụ án, sáng nay cũng không được vào làm chứng vì không nhận được thông báo của toà. Ông Hùng là người đã yêu cầu đưa ông Trịnh Xuân Tùng đi cấp cứu khi nhìn thấy ông bị ông an đánh ngã xuống đất.

Ông Hùng (thứ tư từ trái sang) trước Toà án ngày 13/1/2012

Quang cảnh bên ngoài toà án vắng vẻ. Chỉ thấy những thành viên của gia đình Kim Tiến và một ít người thân trong họ hàng và bạn bè. Tôi chạnh lòng nghĩ đến vụ án xử tên cướp của, giết người Lê Văn Luyện ở Bắc Giang mới ngay ngày hôm qua.

Tình trạng bạo lực phổ biến trong ngành công an đã gây ra bao nhiêu chết chóc tang thương, có liên hệ mật thiết tới đời sống an toàn hàng ngày của dân chúng, mà sao con người thủ đô lại có thể thờ ơ như thế trước một vụ án nghiêm trọng?

Bởi vì báo chí nhà nước đã không đưa tin rộng rãi về ngày xử? Hay là sự sợ hãi?

Cho dù vì lý do nào cũng đều đáng trách. Bởi vì nếu mọi người không đứng bên gia đình Kim Tiến biểu thị sự đoàn kết để cùng nhau đòi kỷ cương, phép nước, tôn trọng pháp luật và mạng sống của dân thường - thì thử hỏi bao giờ mới có thể chấm dứt được những bi kịch đau thương? Ai có thể đấu tranh cho quyền lợi của mình nếu không phải là chính mình?

Không đâu xa, ngay giữa thủ đô Hà Nội, trung tâm văn hoá, kinh tế, chính trị của cả nước, nơi có lực lượng an ninh trật tự khổng lồ và chuyên nghiệp, mà trong năm 2011 có đến 284 vụ trọng án, đủ các loại tội phạm từ giết người, cướp của, hiếp dâm, tính ra cứ 4 ngày thì có 3 vụ trọng án. Con số khủng khiếp này chả lẽ không nói lên điều gì? Chả lẽ không đánh động nhân tâm sao?

Trong khi đó, nói về phiên toà xử tên Lê Văn Luyên tại Bắc Giang, bài “Chua xót cảnh đám thanh niên vẫy gọi Lê Văn Luyện” đăng trên tờ Giáo Dục Việt Nam (GDVN) ngày 11/01/2012 cho hay, “rời tòa trong ngày xét xử thứ nhất của phiên sơ thẩm vụ án Lê Văn Luyện giết người, , Luyện được “tôn sùng” làm “đại ca” và được ngưỡng mộ” như “một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng”!
Trong khi gia đình bị hại đang rất đau xót vì sự mất mát, tổn thương quá lớn về người thân trong gia đình họ thì, giữa những giọt nước mắt của người thân người bị hại thì một bộ phận người trẻ lại dửng dưng trước tội ác man rợ, không những thế lại còn bày tỏ công khai sự hâm mộ của mình với kẻ sát nhân chỉ bởi vì hắn “đẹp trai”. Trong giữa đám đông ấy, nhiều nữ sinh gào thét, gọi với “anh Luyện, em sẽ đợi anh 18 năm nữa…”, một số nam thanh niên thì “tôn sùng” Luyện thành “đại ca” và “cung tụng”: “đại ca, đại ca”…. Lê Văn Luyện” – GDVN viết!

Bạn Cao Hùng (ở Hà Nội) viết trên Facebook rằng: "Dân xem đông vụ xử Lê Văn Luyện vì vụ này được báo chí thổi phồng, đưa tin giật gân (thậm chí có báo còn gọi Luyện là "sát thủ Lê Văn Luyện". Trong khi vụ này thì im re. Họ cũng chọn thời điểm xét xử sao cho có lợi, khi mà dư luận đã lắng xuống vì nhiều sự kiện mới nảy sinh, khi mà đây là thời điểm cuối năm mọi người rất bận".

Phiên tòa bắt đầu vào lúc 9 giờ 45 phút.

Nhóm bạn bè chúng tôi nối kết nhau từ Hà Nội vào Sài Gòn, cập nhật tin nhanh nhất, từ bên ngoài và từ bên trong toà.

Khi nhận được tin Nguyễn Văn Ninh sẽ "được" truy tố theo điều 97 của Bộ luật Hình sự (BLHS) "Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ" với khung hình phạt, từ 2 đến 7 năm tù giam, và luật sư của Ninh đề nghị cho hưởng án treo, thì không khí nóng ran và chúng tôi bắt đầu nổi giận, thậm chí không kìm được chửi thề!

Bởi vì, nếu đúng người, đúng tội, tên Ninh phải bị truy tố về tội danh giết người theo điều 93 BLHS, với khung hình phạt từ 10 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Vào lúc 16 giờ ngày 13/01/2012 tên công an Nguyễn Văn Ninh về tội đánh đập, tra tấn nhục hình và giết người ngay giữa chốn công đường đã được Toà án Hà Nội tuyên án 4 năm tù!

Phép thử Công lý và Đạo lý của CHXHCN Việt Nam đã được xử lý bằng nước cống và sau đó xả vào hố thải!
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi kính mến, đúng là nhà cầm quyền thực sự coi dân là những con bò!

Và có vẻ nhân dân đang chấp nhận số phận đó?

Gia đình Kim Tiến đi bộ từ Toà án về nhà, Hà Nội, ngày 13/1/2012

Không cầm được nước mắt, khi được bết bà nội của Kim Tiến và các những người trong gia đình khóc ngất khi nghe đọc tuyên án, trên Facebook Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức Blogger Mẹ Nấm) viết:
"Chỉ có là súc vật mới làm ngơ trước tiếng khóc mất con của bà nội Kim Tiến trong phiên tòa hôm nay!".

Như Quỳnh ơi, nhà văn Thuỳ Linh đã chẳng gọi thời buổi ngày nay là "thời thổ tả" và người ta "táng tận lương tâm đến mức có nhiều kẻ chưa tiến hoá được thành người" đó sao! Nhưng nói như thế là tội nghiệp cho cả súc vật, vì rất nhiều con vật cũng âu sầu, buồn bã khi đồng loại của chúng lìa đời!

Như Quỳnh viết tiếp:
"Không hề hối lỗi! "Đây chỉ là tai nạn nghề nghiệp" - trích lời viên công an đã đánh chết người Nguyễn Văn Ninh. Cú đánh vào gáy bác Trịnh Xuân Tùng có thể xem là tai nạn, còn hành vi giam giữ người trái pháp luật, từ chối mọi đề nghị khẩn thiết được đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời thì sao?"
"Tai nạn nghề nghiệp" ư? Nó như thế này đây:
Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh bố tôi bị còng tay đến tận phòng cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai sau hơn 6 tiếng bị giam giữ trái phép tại đồn Thịnh Liệt, không được ăn, không được uống, tình trạng hết sức nguy kịch, mặc cho những lời van xin của gia đình tôi và ngay cả khi đưa bố tôi đi cấp cứu, tên Nguyễn Văn Ninh vẫn còn nói: “Cấp cứu à, cấp cứu à, tao lại cho thêm vài cái vả nữa” - Trịnh Kim Tiến viết trên trang Facebook của mình trong ngày 2/11/2011.

Vì thế Như Quỳnh đã nhận định:
"Đó không phải là hành vi của con người, mà là hành vi vô lương tâm, phải bị trừng trị nghiêm minh. Nếu hôm nay không xét xử ông Ninh và những người có trách nhiệm liên đới thì lực lượng công an được xem như những tên sát nhân có giấy phép hành nghề. Licence to Kill!"!

Vâng! Đã không có bất kỳ sự nghiêm minh nào!

Ngành Tư pháp CHXHCN Việt Nam đã chính thức đóng dấu vào giấp phép "hành nghề sát nhân" cho lực lượng công an bằng bản án với tên Nguyễn Văn Ninh trong phiên toà tại Hà Nội vào ngày 13 tháng 1 năm 2012! Một ngày ô nhục cho hệ thống pháp lý của CHXHCN Việt Nam!

Vào ngày 17/11/2011, khi biết phiên toà bị hoãn, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ anh Nguyễn Công Nhựt, người cũng bị công an đánh chết tại trụ sở Công an huyện Bến Cát, Bình Dương ngày 25/4/2011 và mẹ chồng là bà Thái Thị Lượm, cùng chít khăn tang đi tới các cơ quan chức trách khiếu nại, với cuộc hành trình mà họ gọi là đi tìm công lý. Lúc ấy tôi đã rơi lệ viết những vần thơ tặng ba người phụ nữ và linh cảm đã ý thức cho tôi về sự vô vọng:
"Anh lại thấy em chít vòng tang trắng
Nỗi đau về cào xé tim em
Em cô đơn rảo bước lặng im
Mang khát vọng đi tìm công lý...
Nhưng công lý nào đây, giữa bầy ma quỷ?
Phận dân đen, đâu phải phận con người!"

Và:
"Có ánh sáng nào không nơi mảnh đất mù sương?
Có công lý nào không giữa thủ đô Hà Nội?
Thương mẹ quá, mẹ ơi, suốt cuộc đời lặn lội
Giữa dòng đời oan trái, đảo điên
Các ác lên ngôi, mọi giá trị đều được tính bằng tiền
Lũ quỷ khoác cờ đỏ sao vàng rêu rao đạo đức!"

Phiên toà tại Hà Nội hôm nay đã phơi bày mọi sự xấu xa, tồi tệ, hủ lậu nhất của cái gọi là "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"!

Cho nên, hiện tượng kỳ quặc, bệnh hoạn và đáng buồn trong phiên toà xử tên giết người, cướp của Lê Văn Luyên không chỉ là “tiếng chuông cảnh tỉnh, đánh thức xã hội về sự suy đồi về mặt đạo đức của một bộ phận không nhỏ giới trẻ” như tờ Giáo dục Việt Nam nhận xét, mà còn phải là tiếng chuông của xã hội giáng mạnh mẽ vào nhà cầm quyền!

Tôi cho rằng, không hẳn những kẻ “hâm mộ” Luyện có vấn đề về đạo đức, mà họ đã cố tình làm, như một cách biểu hiện thái độ phản kháng, chọc tức, nhắm thằng vào nhà cầm quyền trước tình hình trộm cuớp hoành hoành khắp nơi và tình trạng bất công, chà đạp lên công lý và đạo lý của quan chức trong bộ máy công quyền trở thành phổ biến.

Thái độ ấy của giới trẻ là lời thách thức, cảnh cáo đối với chế độ! Là tiếng nổ sẽ công phá thành luỹ của đảng Cộng sản Việt Nam!

Tiếng nổ sẽ tiếp theo tiếng súng của Đoàn Văn Vươn trên đầm Cống Rộc, Tiên Lãng, trong ngày 5/1/2012!●

© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog
Viết trước và sau khi kết thúc phiên toà ngày 13/1/2012

.
.
.

No comments: