Thursday, November 17, 2011

Ý CHÍ & TÌNH CẢM CÒN LẠI CỦA DÂN TỘC (Nguyễn Gia Kiểng)



Nguyễn Gia Kiểng
Thứ ba, 15 Tháng 11 2011 12:56

Chủ đề của cuộc họp mặt giữa các chí hữu và thân hữu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ngày 30/10 vừa qua tại Bruxelles là để trao đổi về Việt Nam trước làn sóng dân chủ mới. Tuy nhiên, vì hầu như tất cả những người tham dự đều đã theo dõi cuộc Cách Mạng Ả Rập và cũng đã biết những ý kiến của tôi về những biến động đang diễn ra trên thế giới nên trọng tâm của cuộc họp mặt nhanh chóng chuyển qua hiện tình Việt Nam.

Nhịp cầu của sự chuyển dịch này là câu hỏi mà anh Bảo nêu ra: Liệu cuộc Cách Mạng Ả Rập sau cùng có đưa đến kết quả là thiết lập các chính quyền Hồi Giáo toàn nguyên không? Câu hỏi quan trọng bởi vì nó đang khiến nhiều người lo lắng, và nếu quả như thế thì cuộc Cách Mạng Ả Rập không còn là một cuộc cách mạng dân chủ nữa, nó sẽ dừng lại ở đấy và cũng sẽ chẳng có tác dụng đáng mong muốn nào cho Việt Nam.

Tuần trước tôi cũng vừa có mặt tại một trong những nước này với cùng một câu hỏi trong đầu. Cuộc tham quan đã khiến tôi rất yên tâm. Tôi đã gặp nhiều người Ả Rập, những trí thức cũng như những người dân quê nghèo khổ tin kinh Coran một cách mãnh liệt, và cả một số imam (giáo sĩ). Họ xác nhận hoàn toàn niềm tin của tôi là không có nguy cơ những chế độ Hồi Giáo quá khích. Những người sắp được bầu lên có lý do gì để thành lập những chính quyền Hồi Giáo cực đoan? Vì đại bộ phận quần chúng còn giáo điều một cách cuồng tín? Không gì sai hơn. Quần chúng Hồi Giáo đã thay đổi từ rất lâu rồi. Tại Indonesia, Bangladesh, Pakistan, Turkey, Sri Lanka và nhiều nước Hồi Giáo khác những người đàn bà đã được bầu lên làm tổng thống hoặc thủ tướng, trái ngược hẳn với vai trò của người phụ nữ được qui định trong kinh Coran. Ảnh hưởng của Hồi Giáo trong cuộc sống hàng ngày đã sút giảm rất nhiều từ hơn một thế kỷ nay và càng sút giảm nhanh chóng trong những năm gần đây ngay tại những nước Ả Rập, như người ta có thể thấy ngoài đường phố. Những phụ nữ trùm khăn chỉ còn là một thiểu số rất nhỏ trong giới trẻ, các mosquée vắng vẻ, không còn ai dừng lại cầu kinh ngoài đường, kể cả vị imam đi với tôi. Các bạo chúa Ả Rập trong nhiều năm đã bắt chẹt các nước dân chủ phương Tây trong chọn lựa giữa họ và những chính quyền Hồi Giáo cực đoan. Sự bịp bợm này ngày nay đã bị lật tẩy. Các chính quyền Ả Rập mới sẽ là những chính quyền có màu sắc Hồi Giáo, nhưng sẽ không phải là những chính quyền Hồi Giáo quá khích mà là những chính quyền dân chủ, và chất Hồi Giáo sẽ phai lạt với thời gian. Các dân tộc Ả Rập đã vùng lên đòi tự do và dân chủ chứ không phải để đòi thiết lập những chế độ thần quyền.

Anh Hưng đặt lại câu hỏi day dứt: "Gần đến ngày 9-11 rồi. Chúng ta sắp kỷ niệm 22 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ. Tại sao chế độ Cộng sản Việt Nam vẫn còn trụ được?”. Không khí thân mật của buổi họp mặt này cho phép trao đổi một cách thẳng thắn trong tình anh em. Một chính quyền không thể bị đào thải nếu trước mặt nó không có một lực lượng nào cả. Ngay cả nếu nó có ngã gục thì cũng vẫn cần một lực lượng để kéo thi thể của nó đi chỗ khác. Nhưng lực lượng này chúng ta không có. Trong phần thuyết trình, khi phân tích làn sóng dân chủ thứ tư, tôi đã nhấn mạnh rằng thực tế cho thấy trong mọi cuộc chuyển hóa về dân chủ các tác động bên trong bao giờ cũng quan trọng gấp nhiều lần các tác động từ bên ngoài. Chúng ta đã không có lực lượng dân chủ để tác động từ bên trong, sự tồn tại của chính quyền cộng sản là điều hiển nhiên. Các tác động bên ngoài cũng đã tan biến nhanh chóng không lâu sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Năm 1992 Bill Clinton đắc cử tổng thống Mỹ với khẩu hiệu “Economy, stupid!” (Chỉ làm kinh tế) và làn sóng dân chủ thứ ba đã bắt đầu khựng lại. Trong gần hai mươi năm qua, chủ yếu do ảnh hưởng của Hoa Kỳ, các nước dân chủ đã đi theo chủ nghĩa thực tiễn, chỉ làm kinh tế, đặt quyền lợi lên trên hết và trước hết, bình thường hóa các chế độ độc tài bạo ngược. Đỗ Mười – Lê Đức Anh đã chọn giảng hòa với Trung Quốc để dựa vào Trung Quốc mà tồn tại. Đối với họ sự duy trì chính quyền luôn luôn là ưu tư duy nhất, và trong chọn lựa tồi tệ này họ cũng đã được một bối cảnh quốc tế thuận lợi nhờ chủ nghĩa thực tiễn mà Hoa Kỳ và Châu Âu theo đuổi. Nhưng chế độ cộng sản vẫn còn chủ yếu bởi vì không có gì để thay thế nó. Hãy thử tưởng tượng một giả thuyết hoàn toàn hoang đường là chính quyền cộng sản tự nhiên biến mất cùng với bức tường Berlin. Trong trường hợp đó nó sẽ chỉ nhường chỗ cho một khoảng trống chính trị, và rối loạn, thậm chí bạo loạn.

Anh Trực phân vân không biết chúng ta có thể làm được gì trong sự xuống cấp bi đát của đạo đức và lòng yêu nước hiện nay. Anh là một trí thức sinh ra và lớn lên dưới chế độ cộng sản và mới về thăm Việt Nam cách đây chưa lâu. Anh rất lo âu. Tham nhũng có phe đảng và đã thành qui luật. Người Việt Nam, kể cả tuổi trẻ, thanh niên sinh viên, không phẫn nộ trước những bất công xã hội mà chỉ tìm cách khai thác tối đa tình trạng đó. Họ không thương mà còn đạp lên những người cùng khổ để tiến lên. Thanh niên lao mình vào lối sống vội vàng sa đọa, không hiểu biết gì về chính trị và hiện tình bi đát của đất nước nhưng cũng không cần biết; nhiều khi họ còn nạt nộ một cách xấc xược người đặt vấn đề đất nước ra với họ, không phải vì sợ mà vì không muốn quan tâm. Nhưng những sự kiện này có quả thực đáng để ta ngạc nhiên không? "Hạ đạp" là tiếp nối tự nhiên của "thượng đội", sự hống hách xấc xược với những người không có quyền lực là sản phẩm của sự chịu đựng bất lực những kẻ có quyền lực. Sự suy sụp của những giá trị cộng đồng và đạo đức là phản xạ đáng buồn nhưng tự nhiên của một chế độ toàn trị vô đạo. Cũng thế, tham nhũng là phản xạ tự vệ của chính thành phần được ưu đãi đối với một chế độ toàn trị mà chính họ là những con cưng. Khi mọi quyền lực đã tập trung vào một vài người đứng đầu nhà nước thì phương thức giản dị nhất để giành lấy một chút quyền lực là cố gắng bằng mọi phương tiện để có thực nhiều tiền vì dù sao tiền tự nó cũng là một nguồn quyền lực. Chế độ cộng sản Việt Nam liên tục kêu gọi chống tham nhũng, lời kêu gọi này có thể thành thực nhưng họ sẽ không chống được tham nhũng bởi vì tham nhũng là sản phẩm tự nhiên và bắt buộc của một chế độ toàn trị.

Theo anh Luyến thì sau cùng tương lai đất nước vẫn là tuổi trẻ, nhưng sự thực phũ phàng phải nhìn nhận là tuổi trẻ Việt Nam thấp bé quá, vậy thì Việt Nam sẽ có tương lai nào? Thanh niên Việt Nam, kể cả những người tốt nghiệp đại học và cao đẳng, hầu như không có một dự án nào cho đất nước. Đó là một điều đáng buồn nhưng điều còn đáng buồn hơn là họ cũng chỉ có những dự án tương lai rất nhỏ bé cho chính mình, như được làm tay chân cho một người có quyền và có tiền, được một công việc làm với lương vài trăm đô la mỗi tháng, đủ cho phép đi nhậu bia lâu lâu một lần, được có một chiếc xe máy v.v. Nhưng thành thực mà nói thanh niên Việt Nam có quyền mơ ước những gì? Khó có thể là những thành tựu khoa học kỹ thuật bởi vì họ không có những phương tiện và những giáo sư tương đương với sinh viên Hàn Quốc cũng không thể là những công trình văn hóa tư tưởng vì họ không có quyền tự do suy nghĩ và phát biểu trong khi ý kiến và sáng tạo là những yếu tố chỉ nẩy sinh và phát triển nơi những con người tự do, trong những xã hội dân chủ. Ngay cả giấc mơ bình thường và nhỏ bé là có được một căn nhà nhỏ ở thành phố cũng hoàn toàn ngoài tầm tay tuyệt đại đa số. Thử thách có thể khiến con người lớn lên nhưng trong đa số trường hợp nó cũng có thể bẻ gẫy, và làm cho con người nhỏ lại và thấp xuống. Cuộc chiến đấu của chúng ta cũng chính là để trả lại cho tuổi trẻ quyền được mơ ước.

Giải pháp nào cho sự băng hoại của đạo đức, ý chí và niềm tin? Giải pháp này không thể do thảo luận mà có. Các ý niệm đạo đức - thiện và ác, xấu và tốt, sự thực thà luơng thiện, tình bạn, tình yêu, lòng yêu nước, ý chí cải tiến xã hội và giúp đồng loại v.v.- không thể thảo luận, vì khi thảo luận chúng ta bắt buộc phải sử dụng ngôn ngữ phân tích và mô tả bình thường, nghĩa là ngôn ngữ không thuộc phạm trù đạo đức, và do đó bỏ mất nội dung đạo đức của chúng. Đó là những giá trị mà người ta có hoặc không có và chỉ có thể chuyên chở và chuyển giao chứ không thể chứng minh. Nhưng còn bao nhiêu người chuyên chở và truyền bá những giá trị đó?

Tôi thường có một cảm giác gần gũi thân quen trong những buổi hội thảo chính trị gần đây, ngay cả với những người mà mình chưa gặp bao giờ và cũng không biết họ nghĩ gì về anh em THDCĐN chúng tôi. Đó là vì chúng ta, dù thuộc thành phần nào và có lập trường nào cũng đều thuộc một chủng loại ít ỏi đang đứng trước đe dọa diệt chủng, chủng loại những người yêu nước hoặc còn quan tâm tới đất nước. Sự thực đáng buồn là sự thất vọng kéo dài quá lâu với một chính quyền tồi dở và thô bạo đã dần dần biến thành sự thất vọng đối với chính đất nước và đại đa số đã chọn lựa bỏ cuộc về mặt chính trị, để mỗi người lo giải quyết những vấn đề cá nhân bằng những giải pháp cá nhân. Dù nhận định thế nào về nhau chúng ta cũng vẫn là đồng loại và đều phải chia sẻ một khắc khoải chung là làm thế nào để gia tăng số người như chúng ta, làm thế nào để giữ cho ngọn lửa tình cảm đối với đất nước còn tiếp tục cháy. Chúng ta là ý chí và tình cảm còn lại của dân tộc. Trong cuộc phấn đấu này chúng ta đều là chí hữu và anh em. Điều trước hết chúng ta phải làm là xây dựng đội ngũ dân chủ để tạo niềm tin và để cống hiến cho những giá trị đạo đức một sự hiện hữu cụ thể bằng xương bằng thịt làm điểm hẹn cho những con người còn ý chí hoặc còn có thể đánh thức và động viên. Lý do căn bản của tâm lý lãnh cảm và bỏ cuộc là cảm giác bất lực trước một tình trạng đất nước rất đáng phẫn nộ nhưng mình không thể làm gì để thay đổi. Một đảng cầm quyền lãnh đạo bởi những người thiếu cả tầm vóc, đạo đức lẫn sự hiểu biết, đã thất bại trên mọi phương diện và trong mọi địa hạt nhưng vẫn xấc xược tự cho mình quyền thống trị đất nước một cách không phân chia trong một thời gian vô hạn định; vậy mà trước mặt nó gần 40 năm đã trôi qua vẫn chưa có một tổ chức dân chủ nào có tầm vóc. Phải xây dựng cho bằng được một tổ chức như thế để phục hồi lại niềm tin và những giá trị tình cảm và đạo đức, những giá trị chỉ có thể phục hồi bằng sự hiện hữu của một lực lượng những người chuyên chở chúng chứ không thể bằng thảo luận và lý luận.

Nhưng tại sao tuổi trẻ và quần chúng lại thụ động trong tâm lý rã hàng và bỏ cuộc? Đó là vì chúng ta thiếu một tầng lớp trí thức chính trị để soi sáng, động viên và lãnh đạo họ. Xã hội văn minh và tiến bộ nào cũng phải do trí thức lãnh đạo, cuộc cách mạng đúng nghĩa nào cũng phải do trí thức chủ xướng. Thảm kịch của chúng ta là sự thiếu vắng một tầng lớp trí thức chính trị, tầng lớp của những người có kiến thức chính trị, hiểu biết kỹ thuật đấu tranh chính trị và quyết tâm tranh đấu để đất nước được quản lý một cách đúng đắn. Di sản Khổng Giáo đã chỉ để lại cho chúng ta những trí thức khoa bảng đinh ninh rằng một khi đã có bất cứ một bằng cấp đại học nào là mình đương nhiên có thể làm chính trị, những trí thức coi làm chính trị là làm quan và sẵn sàng làm công cụ cho bất cứ một chính quyền nào. Một bằng cớ rằng chúng ta không có tầng lớp trí thức chính trị là chúng ta hầu như không có tư tưởng chính trị và tuyệt đại bộ phận trí thức Việt Nam, kể cả những được coi là dấn thân chính trị, vẫn chưa hiểu rằng một tổ chức dân chủ mạnh là điều kiện không có không được. Xây dựng một tổ chức dân chủ mạnh cũng là xây dựng một đội ngũ trí thức chính trị, điều kiện bắt buộc để đưa đất nước vào kỷ nguyên dân chủ nhưng chúng ta vẫn chưa có.

Kết hợp những người dân chủ trên tinh thần nào? Anh Long cho rằng cho rằng dân chủ đa nguyên là lý tưởng đúng, hòa giải và hoà hợp dân tộc cũng là một tinh thần rất đúng, nhưng hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng là một chính sách mà chỉ có người cầm quyền mới thực hiện được và chính quyền cộng sản đã chứng tỏ là họ không muốn hòa giải.

Phải chăng chúng ta bế tắc? Mọi cuộc đấu tranh xứng đáng đều nhắm thực hiện những chính sách đúng nhưng chưa được thực hiện và tôn vinh những giá trị đúng nhưng chưa được tôn vinh. Sức mạnh của một cuộc đấu tranh cách mạng là một lý tưởng đẹp và đúng. Hòa giải và hòa hợp dân tộc là một giá trị và một sức mạnh. Trước khi trở thành một chính sách, khi cuộc cách mạng dân chủ đã thành công.

Nguyễn Gia Kiểng (11/2011)

.
.
.

No comments: