Thursday, November 3, 2011

VÌ SAO TRUNG QUỐC LÀ "GÃ LÁNG GIỀNG XẤU TÍNH" ? (Zhu Feng, First Potst)



Zhu Feng
First Post     -   Ngày 1-11-2011

Đỗ Quyên dịch
Posted by basamnews on 03/11/2011

Bắc Kinh: Chính sách “láng giềng tốt” của Trung Quốc đang chịu áp lực chưa từng có; quả thật, họ đang ở thời điểm đen tối nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh tới nay. Gần đây, họ ngày càng xung đột nhiều hơn với các nước láng giềng, hết lần này tới lần khác.

Từ những tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam và Philippines trên Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam – ND), đến những căng thẳng với Myanmar và Thái Lan, những mối quan hệ đã từng vững chắc, nếu không nói là luôn hữu nghị, giờ đây đã hư hại. Quyết định của Myanmar trong việc xếp lại dự án xây đập Myitsone do Trung Quốc hậu thuẫn đã làm Trung Quốc choáng váng. Tương tự, vụ việc 13 thuyền viên Trung Hoa bị giết trên sông Mekong hồi tháng 10 vừa qua giống như một lời nhắc nhở trần trụi rằng biên giới trên bộ phía nam của Trung Quốc, vốn được mặc định là hòa bình yên ổn, không có vấn đề gì suốt gần 20 năm qua, bây giờ là nơi láng giềng thù địch nhất.

Người dân và chính quyền Trung Quốc đặc biệt mất tinh thần về vụ thảm sát trên sông Mekong – vụ việc này một lần nữa cho thấy chính quyền bất lực trong việc bảo vệ công dân khỏi bị sát hại ở nước ngoài, bất chấp vị thế mà Trung Quốc mới đạt được trên toàn cầu. Hậu quả là nảy sinh hai câu hỏi bắt buộc phải trả lời: Tại sao các láng giềng của Trung Quốc luôn đi theo hướng bỏ qua lợi ích của Trung Quốc? Và tại sao, bất chấp sự trỗi dậy của Trung Quốc, chính quyền các nước dường như vẫn không thể và ngày càng không thể bảo vệ sinh mạng công dân Trung Quốc cũng như lợi ích thương mại của Trung Quốc ở nước ngoài?

Băn khoăn của Trung Quốc về hai câu hỏi này tạo nên bầu không khí định hình chính sách của họ. Với việc chính quyền Muammar Gaddafi sụp đổ ở Lybia, các công ty Trung Quốc mất lượng tiền đầu tư trị giá xấp xỉ 20 tỷ USD, mà chính phủ mới của Lybia đã có hàm ý rằng họ không chắc sẽ trả khoản này. Nhiều người Trung Quốc không yên tâm với quyết định của chính quyền sơ tán công dân Trung Quốc khỏi Lybia – họ muốn thấy một nỗ lực táo bạo hơn nhằm bảo vệ tài sản, lợi ích thương mại của nước mình bên đó.

Tương tự, sự trở mặt sau đó của chính quyền Trung Quốc, một cách khá đột ngột, khi họ công nhận Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp là chính quyền hợp pháp của Lybia, đã làm dấy lên sự coi thường và bỉ báng đáng kể trong nước. Suy cho cùng thì Trung Quốc đã bỏ ra rất nhiều vốn chính trị quý giá để phản đối những cuộc không kích của NATO trong những ngày đầu của cuộc can thiệp, thế mà chỉ để cuối cùng họ quay ra ủng hộ các lực lượng mà NATO đã giúp đưa lên nắm quyền. Chính sách ngoại giao vụ lợi, chạy theo động cơ thương mại của Trung Quốc đã thể hiện rõ nhất sự giả dối của nó.

Đối với nhiều người Trung Hoa, Libya là một nước xa xôi, ngoài tầm với, do Trung Quốc không đủ sức thể hiện quyền lực tận bên đó. Do vậy, việc bảo vệ các lợi ích thương mại của Trung Quốc cũng là chấp nhận được, chấp nhận một cách miễn cưỡng, nếu không nói là hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng Myanmar và các nước thuộc lưu vực sông Mekong khác vốn được coi là “láng giềng tốt”, và hoàn toàn nằm trong tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, thế nên dân chúng Trung Quốc cực kỳ phẫn nộ trước những nguy cơ đe dọa lợi ích của nước họ tại các quốc gia đó.
Những lợi ích ấy bao gồm một đường ống dẫn dầu mới nối từ Myanmar sang Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Trung Quốc cũng đang thực hiện các dự án “kết nối” – tức là một mạng lưới đường sắt và đường quốc lộ – nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác về kinh tế và xã hội giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Vụ việc đập Myitsone và sông Mekong giờ đây đã phủ một bóng đen lên các dự án này, làm tăng nỗi lo sợ về một thứ phản ứng dây chuyền có thể phá hoại nỗ lực hai mươi năm qua của Trung Quốc nhằm hội nhập sâu hơn vào khu vực.

Rõ ràng, chính quyền mới ở Myanmar không muốn làm căng thẳng thêm không khí ở khu vực biên giới vốn dĩ đã bất ổn, nơi các nhóm phiến quân lợi dụng dự án xây đập để huy động thêm người ủng hộ. Nỗ lực của chính quyền mới nhằm chia sẻ quyền lực với các lực lượng chính trị tại các khu vực nhạy cảm của Myanmar, qua đó làm suy yếu các lãnh chúa địa phương, rõ ràng là đã góp phần vào quyết định ngừng xây đập.

Về phần mình, nhà đầu tư của Trung Quốc trong dự án xây đập phụ thuộc quá nhiều vào độ gắn kết trong quan hệ giữa hai nước, và do vậy đã không tính đến những rủi ro về chính trị. Cách ứng xử của họ cũng cho thấy chính quyền (Bắc Kinh) có ý đảm bảo cho sự chính thức áp dụng chủ nghĩa trọng thương, cũng như phản ánh cả tính tự mãn của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc – lực lượng nắm giữ phần lớn đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài. Đinh ninh là chính phủ sẽ hậu thuẫn hoặc bảo lãnh cho mình khi mình thất bại, nên họ có thể tỏ ra rất ung dung.

Vụ thảm sát trên sông Mekong lại là một câu chuyện khác, một câu chuyện khốc liệt. Dòng sông nối kết 5 quốc gia này từ rất lâu vốn nổi tiếng là nơi hoạt động của những băng đảng tội phạm xuyên quốc gia như buôn ma túy, bài bạc, buôn lậu. Nền kinh tế trỗi dậy của Trung Quốc đã tạo ra mối tương tác ngày càng mạnh mẽ giữa Trung Quốc với những nền kinh tế ngầm ở khu vực sông Mekong. Vụ việc 13 thuyền viên Trung Hoa bị sát hại có liên quan tới khuynh hướng đó. Nhưng Trung Quốc có thể tránh những thảm kịch tương tự, không phải là bằng gồng mình vặn cơ bắp, mà tốt nhất là bằng hành động mở rộng quan hệ hợp tác đa phương, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia dọc dòng Mekong.

Câu chuyện Myitsone và Mekong làm nổi bật những mối quan hệ căng thẳng đột ngột giữa Trung Quốc với các láng giềng phía nam của họ. Chính sách láng giềng tốt của Trung Quốc té ra lại đẩy ngoại giao khu vực của Trung Quốc vào những sự vụ chưa từng có tiền lệ (nguyên văn: uncharted waters, tức là những vùng biển chưa có tên trên bản đồ – ND).

Quả thật, các láng giềng của Trung Quốc sẽ không đáng tin cậy, không đối xử tốt với các lợi ích của Trung Quốc trừ phi và chỉ chừng nào Trung Quốc bắt đầu đem đến những hàng hóa công cộng quan trọng – không chỉ là giá trị thương mại, mà còn cả chính sách điều hành, quản lý tốt trong khu vực, trên cơ sở nhà nước pháp quyền, tôn trọng nhân quyền và tăng trưởng kinh tế khu vực. Nếu không, những đổ vỡ như vụ ngừng xây đập Myitsone và thảm sát trên sông Mekong sẽ còn tái diễn, làm nặng nề thêm cảm giác bị cô lập và lo hãi của người Trung Quốc.

Zhu Feng là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Đại học Bắc Kinh.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

-----------------------------------

XEM BẢN DỊCH của BS HỒ HẢI :

.
.
.

No comments: