TS. KS. Trần Văn Bình
Thứ sáu, ngày 04 tháng mười một năm 2011
Để trả lời câu hỏi:
Nhận định của Tiến sĩ như thế nào về dự án Điện Hạt nhân mà Chính phủ cho phép xây dựng ở tỉnh Ninh Thuận (kinh nghiệm thế giới, thực trạng, cảnh báo,.v..v…)? Chúng ta nên phát triển ngành năng lượng theo hướng như thế nào để đảm bảo thân thiện với môi trường và sức khỏe con người?
Chúng tôi xin cảm ơn cách đặt câu hỏi của nhà báo!!! Với nội dung của câu hỏi chứng tỏ người đặt – và cả Ban Biên tập của tờ báo – cũng có nhiều bức xúc, quan tâm về đề tài nóng bỏng hiện nay như chúng tôi. Trước hết chúng ta nên có một cái nhìn sơ bộ, lướt qua tình hình sử dụng dạng năng lượng này và quan điểm của chính phủ các nước ở Châu Âu nhé:
+ Ý: Trong ngày trưng cầu ý kiến dân, vào thứ Hai, 13.06.2011 vừa qua, Thủ tướng Silvio Berlusconi đã tuyên bố «Tạm biệt hạt nhân, chúng ta phải tập trung vào năng lượng tái tạo», trong khi các phòng bỏ phiếu vẫn còn mở cửa!!! 95% cử tri trả lời «không» đối với việc quay trở lại điện hạt nhân. Thảm họa Fukushima và quyết định của chính phủ CHLB Đức đã kích thích và tác động dư luận phản đối hạt nhân. Nên nhớ rằng ngay từ năm 1987, sau thảm họa Tchernobyl, nước Ý đã nói không với điện hạt nhân, thông qua trưng cầu dân ý. Đây là một bài học quý báu cho Việt Nam chúng ta chăng???
+ Thụy Sỹ: Ngày 25.05.2011, tức hơn hai tháng sau biến cố Fukushima – Daiichi, chính phủ Thụy Sỹ đã thông báo việc từ bỏ dần dần điện hạt nhân từ nay đến hết năm 2034; lò cuối cùng sẽ là lò ở Leibstadt (công suất lò 900 MW, nằm ở vùng Aargau, bên cạnh dòng sông Rhine và không xa biên giới Đức là bao, được đưa vào xử dụng năm 1984).
Chỉ ba ngày sau trận động đất và sóng thần kinh khủng ác liệt ở Nhật, chính phủ đã quyết định ngưng các dự án khôi phục các nhà máy, 5 lò phản ứng của Thụy Sỹ sẽ không được thay thế. Quyết định này, được nước Áo đặc biệt ủng hộ, diễn ra vào thời điểm mà ở Hội nghị Deauville; các quốc gia G8 yêu cầu tăng cường các biện pháp an toàn trong các nhà máy điện hạt nhân. Bộ trưởng Năng lượng Thụy Sỹ, Doris Leuthard, tuyên bố rằng “đó là một ngày lịch sử và đáng mừng vì chúng ta đã lựa chọn điều tốt đẹp cho đất nước“.
+ Pháp: Sau Fukushima và trước cuộc trưng cầu ý kiến ở Ý, tờ báo Journal du Dimanche (Báo ngày Chủ Nhật) ngày
5.6.2011 đã đăng kết quả thăm dò của Ifop, thực hiện từ ngày 1.6.2011 đến ngày 3.6.2011: khoản hai phần ba (2/3) dân Pháp muốn chấm dứt năng lượng hạt nhân (62% đồng ý chấm dứt trong vòng 25 đến 30 năm, 15% đòi chấm dứt nhanh chóng như có thể).
+ CHLB Đức: Sau thảm họa Fukushima – Daiichi vào ngày 30.5.2011 Thủ tướng Angela Merkel đã công bố cho toàn thế giới biết: CHLB Đức chào từ giã vĩnh viễn điện hạt nhân, chính thức đưa ra kế hoạch nước Đức rút khỏi điện hạt nhân kể từ năm 2022. Quyết định này gây chấn động và làm nảy sinh nhiều cuộc tranh luận tại nhiều nước Châu Âu. Là Tiến sĩ Vật lý, bà Angela Merkel biết rất rõ mối nguy hiểm của điện hạt nhân. Bà ta đã lấy một quyết định thật sáng suốt, hết sức khôn ngoan, về mặt chiến lược lẫn kinh tế, kỹ thuật, để tránh cho đất nước một thảm họa như Tchernobyl hay Fukushima.
Chúng tôi cho rằng đó là một quyết định hết sức sáng suốt và dũng cảm của ngài nữ Thủ tướng CHLB Đức. Những ngày tháng vừa qua cả Hạ viện rồi Thượng viện của Đức đã đồng tình và thông qua quyết định của chính phủ: từ bỏ điện hạt nhân! Có cường điệu lắm không, khi có người suy nghĩ rằng: với quyết định tuyệt vời này, bà Angela Merkel đã xứng đáng nhận lãnh Giải thưởng NOBEL Hòa Bình của năm 2011 hoặc 2012 đấy!!!
Quyết định từ bỏ điện hạt nhân của CHLB Đức - một cường quốc có công nghiệp đứng hàng thứ ba trên thế giới - là dấu hiệu của một chuyển biến quan trọng, nếu không muốn nói là có tính quyết định trong lĩnh vực năng lượng thế giới. Nó thể hiện mong muốn và tôn trọng ý kiến của dân chúng Đức sau thảm họa Fukushima.
Đó là một bài học sâu sắc, khôn ngoan, dành cho tất cả những nhà lãnh đạo , chính phủ các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.
Sự từ bỏ điện hạt nhân của Đức có thể xem như là lời cảnh báo nghiêm túc với các nước muốn dấn thân vào lĩnh vực nguy hiểm này, vô cùng tốn kém với hậu quả khủng khiếp (nếu có biến cố xảy ra !!!) đối với những thế hệ mai sau. Thảm họa Fukushima – Daiichi và sự rút lui có trật tự của Đức đã giáng một đòn cay đắng cho những nước mơ ước điện hạt nhân. Thay cho việc hồi sinh của điện hạt nhân, chúng ta đang chứng kiến sự suy tàn không thể nào tránh khỏi. Ngoài ra, phần lớn các lò phản ứng đang hoạt động hiện nay trên thế giới cũng khó có thể nhận được giấy phép để kéo dài thời gian hoạt động nữa.
Vì vậy – theo ý kiến chủ quan của chúng tôi – Việt Nam không nên do dự, nghi ngờ gì nữa: năng lượng gió và năng lượng mặt trời sẽ là nguồn năng lượng của tương lai, bởi vì nó vừa vô hạn, sạch, không gây nguy hiểm và nhất là không gây ô nhiễm môi trường, không tạo chất thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Chỉ riêng năng lượng mặt trời, trái đất đón nhận từ mặt trời khoảng mười ngàn lần năng lượng mà nhân loại tiêu thụ hàng năm! Thay thế năng lượng hạt nhân bằng năng lượng tái tạo, vì thế đẩy mạnh và phát triển nhanh, đưa vào sử dụng đại trà, phổ biến dạng năng lượng tái tạo, trước mắt là điện gió, nhằm:
i) Tạo sức hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn đi vào lĩnh vực xây dựng và phát triển nhanh ngành năng lượng tái tạo
ii) Bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng xanh & sạch là đi đúng xu hướng phát triển của thế giới, của loài người ngày nay!
Bây giờ chúng ta thử sơ lược tìm hiểu những bất lợi gì sẽ đến nếu kịch bản 2 nhà máy điện hạt nhân (NMDHN) được khai triển xây dựng tại bờ biển duyên hải miền Trung Việt Nam; trước mắt thấy rõ:
- Nước ta mất đi một nguồn thu nhập ngoại tệ rất lớn về Du Lịch, nếu không muốn nói là nền công nghiệp không ống khói tại các tỉnh thuộc khu vực duyên hải miền trung sẽ bị xóa sổ!
- Tác hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người sinh sống chung quanh vùng nhà máy điện hạt nhân!
- Làm cách nào để giải bài toán xử lý chất thải phóng xạ độc hại từ 4 lò điện hạt nhân này?
- Và rồi nếu có hiện tượng động đất và sóng thần xảy ra –hoặc do khủng bố – thì địa danh Ninh Thuận Việt Nam sẽ được viết nối tiếp vào danh sách sau Harrisburg, Chernobyl, Fukushima – Daiichi…
Hãy thật bình tĩnh, suy ngẫm về trách nhiệm của chúng ta đối với những thế hệ tương lai:“Không có một lý do gì cho phép chúng ta tặng món quà rác thải phóng xạ độc hại, nguy hiểm cho con cháu chúng ta và cho hàng chục thế hệ sau này”.
Để đi sâu và trình bày đề tài này – tìm hiểu các điểm lợi và hại – chi tiết hơn, chúng tôi xin để dành vào một dịp khác!!!
Thay cho lời kết của BÀI VIẾT này, chúng tôi xin phép lặp lại ý kiến của GS. TS. Nguyễn Khắc Nhẫn, một chuyên gia lâu năm trong ngành, nguyên Cố vấn Nha Kinh tế, dự báo, chiến lược EDF – Paris; GS. Viện Kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble, GS Trường Đại học Bách khoa Grenoble, Giám đốc Trường Cao đẳng Điện học và Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Sài Gòn trước đây:
“Hạt nhân Fukushima – Daiichi hay Hiroshima, Nagasaki cũng là một. Phóng xạ giết người của bom nguyên tử hay của lò điện hạt nhân cũng vẫn là một. Những tâm lò phản ứng điện hạt nhân (Heart of Reactors / Herz des Reaktors) nóng chảy kia đã và đang làm bao trái tim của thường dân và trẻ em vô tội tan nát, nguyên nhân của bao cuộc sống điêu đứng, đau thương, các nhà lãnh đạo, những người trách nhiệm tầm cỡ quốc gia có thấy xót xa và đau lòng trước những hình ảnh đó không??? ”.
T.V.B.
(Việt Kiều CHLB Đức)
(bản gốc từ tác giả)
----------------------------
XEM THÊM :
Xã luận của báo ASAHI
Chính phủ Nhật Bản hãy suy nghĩ lại việc xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân sang Việt Nam
http://nguoilotgach.blogspot.com/2011/11/chinh-phu-nhat-ban-hay-suy-nghi-lai.html
Chính phủ Nhật Bản hãy suy nghĩ lại việc xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân sang Việt Nam
http://nguoilotgach.blogspot.com/2011/11/chinh-phu-nhat-ban-hay-suy-nghi-lai.html
Trang Điện hạt nhân của Trần Hữu Dũng
.
.
.
No comments:
Post a Comment