Thursday, November 3, 2011

TRUNG QUỐC LO NGẠI VỀ MẠNG TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI (B. Raman, SAAG)



B. Raman
SAAG   -   28-10-2011

Trúc An dịch
Hiệu đính: NT
Posted by basamnews on 04/11/2011

Lo lắng gia tăng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc về những bất ổn tiềm tàng của mạng truyền thông xã hội đã được phản ánh trong cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Bắc Kinh từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 10 năm 2011, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư Đảng.

Cuộc họp đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được triệu tập dưới hình thức bàn thảo và quyết định về nhu cầu cải cách văn hóa và về các biện pháp cần thiết để tăng cường sức mạnh mềm của Trung Quốc sao cho bắt kịp với sức mạnh kinh tế của nước này, cũng đã bàn thảo về những lo lắng của ban lãnh đạo đảng về những khó khăn đang phải trải qua trong việc ngăn chặn tình trạng lạm dụng các microblog để gieo rắc sự bất mãn trong dân chúng về những sai phạm của ủy ban cũng như việc không làm tròn trách nhiệm của ban lãnh đạo.

Trong khi Đảng và Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đối với báo in, họ không thể kiểm soát được sự phổ biến và bàn luận thông tin liên quan đến những sai phạm của ban lãnh đạo trên microblog. Thực tế người dân bàn luận tự do trên các blog đã làm giảm sự liên quan của các cuộc bàn luận bị kiểm soát trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC), tức Quốc hội của nước này.

Đảng và Chính phủ đã giám sát chặt chẽ các thông tin dựa trên các biên bản của NPC và Ban Chấp hành Trung ương Đảng vì những gì báo in loan tải ngày càng đánh mất lòng tin, trong khi những thông tin và bài viết của các cư dân mạng đưa lên blog của họ nhận được tín nhiệm ngày càng lớn.

Gần đây, Đảng và Nhà nước đã thất bại thảm hại trong các nỗ lực nhằm che đậy những yếu kém dẫn tới một vụ tai nạn tàu nghiêm trọng. Sự thật đã được các cư dân mạng phơi bày thông qua các blog. Còn nhiều ví dụ tương tự khác, trong đó Đảng và Chính phủ cố giấu nhẹm những khuyết điểm và yếu kém của họ trong việc hoạch định và thực thi chính sách, đã bị các cư dân mạng và những người sử dụng Twitter phơi bày.

Mức độ của vấn đề mà Đảng và Nhà nước phải đối mặt có thể thấy được từ thực tế là số người Trung Quốc đăng ký sử dụng các microblog trong nước như Sina Weibo và Tencent Weibo lên tới 195 triệu tính đến cuối tháng 6, tăng hơn 3 lần kể từ cuối năm 2010, theo Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc.

Gần 20% dân số Trung Quốc, hầu hết còn trẻ, giờ đây có thể bàn luận với nhau về các vấn đề của Đảng và Nhà nước, những vấn đề về lợi ích chung mà Nhà nước không thể thực hiện bất cứ sự kiểm soát nào về việc họ tiếp cận thông tin và thảo luận về những thông tin được phổ biến thông qua các blog. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, có một sự khác biệt lớn giữa những người sử dụng có đăng ký và những người sử dụng tích cực. Ước tính chỉ khoảng 1/3 số người dùng đăng ký sử dụng một cách tích cực và thường xuyên các microblog. Con số đó thậm chí rất lớn.
Phủ nhận chính thức về những điều mà Chính phủ mô tả là những lời đồn đại, giờ đây không còn được xã hội dân sự với 500 triệu cư dân mạng chấp nhận, trong số đó có khoảng 195 triệu người tạo thành một cộng đồng những người sử dụng Twitter.

Những sự phủ nhận chính thức gần đây trên Twitter cho thấy cư dân mạng không tin vào vụ được cho là tai nạn của một máy bay không quân trong chuyến bay thử nghiệm và về một số đề nghị ngân sách. Họ tiếp tục khẳng định trên Twitter và các bài đăng trên mạng về sự chính xác của thông tin.

Những người sử dụng Twitter ở Trung Quốc đang dùng các microblog như là một vũ khí chính trị để buộc Đảng và Nhà nước chịu trách nhiệm trước những sai phạm do thiếu sót và lơ là trách nhiệm, không có bất kỳ chương trình nào với động cơ nhằm gây bất ổn cho Đảng và Nhà nước, cũng như đặt dấu chấm hết cho chế độ độc đảng. Vì báo chí truyền thống cùng các cơ quan của Đảng và Nhà nước không cho họ cơ hội cơ hội công khai bày tỏ những lời than phiền và chỉ trích, nên họ đành phải dùng diễn đàn mà các microblog tạo ra để làm điều đó, chứ không hề có ý định muốn gây bất ổn cho đất nước.

Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước lo sợ rằng một hiệu ứng chồng chất qua việc sử dụng các blog có thể tạo ra các nhóm tách biệt trong xã hội dân sự và cuối cùng sẽ hợp nhất những người này, chống lại Chính phủ và Nhà nước.
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng chống lại việc phản đối dùng quyền lực mềm của những người sử dụng Twitter ở hai cấp độ. Thứ nhất, bằng cách khuyến khích các chi bộ đảng và các cơ quan chính phủ tuân theo một chính sách chủ động trong việc sử dụng tốt hơn các mạng truyền thông xã hội, đặc biệt là microblog, để phổ biến các thông tin chính xác và chống lại những lời đồn đại và nhận thức sai. Được biết, khoảng 60.000 chi bộ đảng và văn phòng chính phủ đã và đang năng nổ dùng các microblog cho mục đích này.

Thứ hai, bằng cách gây áp lực với các chủ trang mạng truyền thông xã hội nhằm thắt chặt sự kiểm duyệt và kiểm soát công cụ tìm kiếm chủ yếu hiện nay, Baidu, và các microblog sàng lọc và ngăn chặn những gì chính phủ cho là những lời đồn thổi và chỉ trích có tiềm năng gây bất ổn. Những biện pháp như vậy không thực sự thành công hồi tháng 6, khi những lời đồn đại về cái chết của ông Giang Trạch Dân, người tiền nhiệm của ông Hồ Cẩm Đào giữ chức Chủ tịch nước và Tổng bí thư Đảng, lan rộng qua các microblog, bất chấp các biện pháp ngăn chặn do Bộ Công an thực hiện.

Qua nhiều vụ việc và trải nghiệm như vậy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng bàn thảo thêm những biện pháp cần phải được thực hiện để loại bỏ nguy cơ gây bất ổn của mạng truyền thông xã hội. Tin tức cho biết, có tới 15 mạng lưới như vậy ở Trung Quốc, 4 mạng trong số 15 mạng đó là nổi tiếng nhất.

Một thông báo được ban hành vào cuối buổi họp, được loan tải vào ngày 26 tháng 10, tuyên bố sẽ “tăng cường hướng dẫn và quản lý các dịch vụ Internet xã hội và các công cụ liên lạc trực tiếp, và điều chỉnh sự phổ biến thông tin theo đúng trật tự“. Tuyên bố cũng nói rằng, chính phủ cần “áp dụng luật pháp để trừng phạt nghiêm khắc việc tuyên truyền những thông tin gây hại“.

Thông báo yêu cầu báo chí truyền thống ở Trung Quốc (báo in, truyền hình và đài phát thanh) phải định hướng công luận một cách phù hợp, đẩy mạnh tuyên truyền tích cực, và giữ gìn sự đoàn kết và ổn định. Cùng lúc đó, thông báo nhấn mạnh thêm rằng mọi người nên có quyền được biết những gì đang diễn ra, quyền tham gia và giám sát các sự kiện, và quyền được tự mình phát biểu ý kiến.

Văn phòng Thông tin Internet của Nhà nước thông báo hôm 26 tháng 10 rằng, họ đã yêu cầu cảnh sát phải truy tố những người phát tán một thông báo chính sách thuế không có thật và những lời đồn đại rằng một chiến đấu cơ bị rơi khiến phi công thiệt mạng.

Internet là một microphone mà mọi người đều có thể sử dụng, nhưng không phải ai cũng biết sử dụng tốt”, Nhân dân Nhật Báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản kết luận trong một bài xã luận. Hãng thông tấn chính thức Tân Hoa đưa tin, 3 người, trong đó có một biên tập viên trang web, đã bị phạt vì phổ biến tin đồn.

Cộng đồng cư dân mạng ngày càng phát triển và những người sử dụng mạng Twitter đã nhận ra sức mạnh của họ chống lại Đảng và Nhà nước, và hiện chính phủ rất khó tước đi sức mạnh đó khỏi cư dân mạng. Bất cứ một nỗ lực hành động nào như thế, thông qua các biện pháp đàn áp, có thể sẽ tạo đà cho một chuỗi các sự kiện bất ổn mà rốt cuộc sẽ đe dọa quyền lực của Đảng và Nhà nước ở một chế độ độc đảng.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.

No comments: