Friday, November 25, 2011

TRUNG - MỸ : CHIẾN TRANH PIN MẶT TRỜI (Trọng Thành, RFI)



Trọng Thành   -   RFI
Thứ năm 24 Tháng Mười Một 2011

Dưới hàng tựa « Trung – Mỹ : Chiến tranh pin mặt trời », Le Monde cho biết, Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất pin mặt trời kết tội nhau bán phá giá, trong bối cảnh hàng Trung Quốc chiếm gần 48% thị trường pin mặt trời thế giới, năm 2010, so với 27% vào năm 2007.

Không chỉ Washington mà nhiều nhà sản xuất pin mặt trời trên thế giới lên án Bắc Kinh trợ giá cho ngành công nghiệp mới phát triển này để tiêu diệt các đối thủ. Vào tháng Tám vừa qua, nhà sản xuất pin mặt trời lớn nhất của Úc Silex tuyên bố đóng cửa các dây chuyền sản xuất vật liệu, để nhập khẩu hàng từ Trung Quốc phục vụ cho việc lắp ráp. Công ty Đức SolarWorld cho biết, họ sẽ kiện lên Ủy ban châu Âu về hành vi cạnh tranh không trung thực của Trung Quốc.

Đứng trước những lên án từ khắp các phía, Trung Quốc đã trả đũa. Ngày 20/11, Liên minh công nghiệp pin mặt trời của Trung Quốc đã yêu cầu Bắc Kinh điều tra về việc nhập khẩu nguyên liệu silicium polycristallin, để sản xuất pin mặt trời, từ Mỹ. Tổ chức này đã cáo buộc Hoa K đưa vào Trung Quốc 47.500 tấn nguyên liệu này trong năm 2010, so với 20.000 tấn năm 2009, nhờ chính sách hỗ trợ giá.

Theo đánh giá của một Phó chủ tịch Viện nghiên cứu Năng lượng của Trung Quốc, các nhà sản xuất pin mặt trời hàng đầu của Trung Quốc, trong những năm gần đây, đã nhận được khoảng 50 tỷ đô la đầu tư, từ tư nhân, đặc biệt thông qua chứng khoán, bên cạnh các trợ giúp trực tiếp của chính phủ. Trong khi đó, theo đánh giá của một nhà quản lý tài chính Hoa K, các ngân hàng Trung Quốc đã cho các nhà sản xuất pin mặt trời vay tới 30 tỷ đô la trong năm 2010, nhiều hơn 20 lần so với Hoa K. Riêng công ty Suntech đã nhận được 7 tỷ đô la.

Để biện minh trước các chỉ trích về cạnh tranh không sòng phẳng, công ty Trung Quốc Yingli, đứng thứ ba trên thế giới trong lĩnh vực này, thì giải thích rằng, lãi suất cho các khoản vay đối với các nhà sản xuất pin mặt trời ở Trung Quốc cũng ngang bằng với ở Hoa K.

Tuy nhiên, chủ tịch của tổ chức Pan Asia Solar, chuyên về tư vấn, hỗ trợ điện mặt trời, thì đưa ra một nhận định như sau : công nghiệp điện mặt trời trên thực tế được trợ giá nhiều tại tất cả các quốc gia. Các công ty Trung Quốc cũng được hưởng các ưu đãi từ nhiều nước phương Tây để phát triển. Tại Pháp, theo Bộ trưởng Môi trường, có đến 90% pin mặt trời được nhập từ Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Photon International, hàng Trung Quốc không phải là tốt nhất, nhưng được coi là rẻ và có chất lượng chấp nhận được.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về năng lượng mặt trời, tương lai của Trung Quốc không hẳn đã được bảo đảm. Hiện nay, sản lượng pin mặt trời trên thế giới gấp từ 2 đến 3 lần so với nhu cầu. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản trong những năm tới.

Hoa Kỳ thúc đẩy thương mại khu vực
Về quan hệ Mỹ - Trung, Le Monde có bài « Hoa Kỳ sao nhãng Tổ chức Thương mại Thế giới, chuyển sang chơi lá bài thương mại song phương và khu vực». Tờ báo bình luận Barack Obama tái khởi động Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là nhằm tự vệ trước chính sách bán phá giá của Trung Quốc.

Le Monde dẫn một nghiên cứu của Trung tâm dự báo và thông tin quốc tế (CEPII) có trụ sở tại Paris, cho rằng Hoa K sẽ không được hưởng lợi nhiều sau khi các vòng đàm phán Doha trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới kết thúc. Theo tính toán trong nghiên cứu này, sau khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, hưởng lợi nhiều nhất là Trung Quốc, với 36,4 tỷ đô la, Liên Hiệp Châu Âu với 30,7 tỷ, Nhật Bản 13 tỷ, ASEAN 12,9 tỷ, trong khi đó, Hoa K chỉ được hơn 9 tỷ. Ngược lại, theo tính toán của Washington, thỏa thuận tự do mậu dịch Mỹ - Hàn sẽ tạo thêm cho Hoa K 70.000 chỗ làm mới, và xuất khẩu hàng năm tăng lên khoảng 10 tỷ đô la .

Cũng theo Le Monde, đối mặt với các khó khăn trong nước, và triển vọng không mấy khả quan của các đàm phán Doha, chính quyền Obama đã thay đổi chính sách ngoại thương, với kế hoạch thành lập khu vực thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương, qua Hiệp định TPP, không có sự tham gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình thương thuyết, Washington đề nghị các đối tác nhiều nhân nhượng, mà không nói rõ Hoa K sẽ đổi lại bằng gì. Nói một cách khác, Hoa K không có một chiến lược thương mại thực sự.
Nhà kinh tế Lionel Fontagné, chuyên gia của Trung tâm dự báo và thông tin quốc tế của Pháp bày tỏ sự lo ngại về sự quay trở lại của chủ trương ưu tiên các quan hệ song phương, cùng lúc với việc Tổ chức Thương mại Thế giới bị giảm uy tín. Theo đánh giá của chuyên gia kể trên, các quan hệ song phương sẽ bất lợi cho các nước đang phát triển. Thiếu một khuôn khổ mang tính đa phương như của Tổ chức Thương mại Thế giới, các xung đột thương mại trực diện sẽ có thể biến thành chiến tranh thương mại. Các tổn hại như vậy sẽ rất lớn.

.
.
.

No comments: