Thursday, November 24, 2011

TỔNG THỐNG OBAMA CHỊU TRÁCH NHIỆM (Ngô Nhân Dụng)



KINH TẾ MỸ :
Ngô Nhân Dụng,  Nguoiviet
Tuesday, November 22, 2011 6:24:51 PM

Thị trường chứng khoán là một thước đo tâm lý. Ngày Thứ Hai, sau khi “Ủy ban 12 người” gồm 6 dân biểu và 6 nghị sĩ thuộc hai đảng công nhận họ thất bại không thể thỏa hiệp một cách nào giảm bớt khiếm hụt ngân sách, chỉ số Dow Jones của thị trường New York đã tụt ngay 2%.

Các nhà đầu tư không những lo ngại về tình trạng chính phủ thiếu tiền tiêu trong các năm tới; họ còn lo sắp diễn ra một tình trạng bế tắc chính trị ở Quốc Hội Mỹ, giống như đã xảy ra vào Mùa Hè vừa qua. Khi các nhà chính trị không thể nhân nhượng với nhau trên một vấn đề then chốt, thì nhiều vấn đề khác sẽ không được bàn mà giải quyết. Mà ai cũng thấy nước Mỹ đang có nhiều vấn đề, khi thất nghiệp vẫn trên 9%, kinh tế tiếp tục chậm lụt, và cuộc khủng hoảng về nợ ở Âu Châu đang đe dọa cả thế giới!

Chắc quý vị còn nhớ, Mùa Hè năm 2011 Quốc Hội Mỹ đã bế tắc trong quyết định nâng mức nợ của quốc gia để chính phủ có thể đi vay thêm. Quyết định đơn giản và bình thường đó đã gây cảnh tê liệt khi các đại biểu Cộng Hòa yêu cầu phải cắt bớt chi tiêu, tiến tới ngân sách cân bằng trước khi cho phép chính phủ vay thêm nợ. Họ đáp ứng các đòi hỏi của cử tri do phong trào Nhóm Tiệc Trà (Tea Party) thúc đẩy, mặc dù cân bằng ngân sách là một vấn đề lâu dài. Chính phủ Mỹ đã bị khiếm hụt trong mấy chục năm nay, trừ hai năm cuối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng Thống Clinton. Ràng buộc quyết định tăng mức trần vay nợ với các biện pháp ngân sách lâu dài là một cách “bắt bí” bằng mối đe dọa chính phủ Mỹ vỡ nợ nếu không được vay thêm tiền!

Sau mấy tháng tranh cãi không đi tới đâu, người ta tạm hoãn cuộc thảo luận bằng một thỏa hiệp trao cho một “Ủy ban 12 Người” lo bàn luận và đưa ra một thỏa hiệp về ngân sách nhằm giữ cho mức trần nợ 15,000 tỷ Mỹ kim không tăng lên nhanh quá. Ðể cho 12 vị trong ủy ban thấy vấn đề cấp bách, đạo luật còn ấn định nếu ngày 23 tháng 11 vẫn không có biện pháp nào thì số chi tiêu của chính phủ Mỹ sẽ tự động bị cắt giảm toàn diện để trong 10 năm sẽ giảm bớt 1,200 tỷ đô la trong số chi tiêu của nhà nước. Việc cắt giảm sẽ bắt đầu từ năm 2013, và những món chi tiêu của Bộ Quốc Phòng, Bộ An ninh Nội địa cũng bị cắt, đây là một điều mà đại đa số các đại biểu Quốc Hội không muốn xảy ra.

Nay ủy ban 12 người chịu thua, luật “Cắt Tự Ðộng” sẽ được thi hành. Và các đại biểu của hai đảng hiện đang lo đổ lỗi cho nhau; Tòa Bạch Ốc đổ lỗi cho đảng Cộng Hòa, và giới lãnh đạo Cộng Hòa đổ lỗi cho Tổng Thống Barack Obama. Tất cả mọi người đều hướng về cuộc vận động tranh cử năm 2012, để các cử tri quyết định.

Một điều cần nhớ là giảm bớt 1,200 tỷ đô la trong số khiếm hụt trong 10 năm tới không có nghĩa sẽ chấm dứt cảnh khiếm hụt ngân sách chính phủ Mỹ, mà chỉ là thắng bớt tốc độ gia tăng của con số khiếm hụt. Nếu ủy ban 12 người thành công thì trong 10 năm tới số khiếm hụt của chính phủ Mỹ sẽ chỉ tăng thêm 3,500 tỷ đô la; còn khi ủy ban chịu thua thì số khiếm hụt sẽ tăng thêm 4,700 tỷ; con số 1,200 tỷ là sự cách biệt giữa hai dự phóng đó. Nghĩa là dù ủy ban trên có hoàn tất nhiệm vụ thì căn bệnh khiếm hụt ngân sách vẫn còn, chỉ thuyên giảm trong khi chờ phương thuốc mạnh hơn mà thôi. Người ta cũng hy vọng khi kinh tế phục hoạt thì số thuế mà chính phủ thâu vào cũng tăng lên, số khiếm hụt tự nhiên bớt đi; giống như thời cựu Tổng Thống Clinton đã thực hiện được. Trong khi chờ đợi, chính phủ và Quốc Hội Mỹ phải giảm bớt chi tiêu hoặc tăng số thu, hay làm cả hai việc cùng một lúc, chỉ để cho cảnh khiếm hụt bớt trầm trọng, cho kinh tế Mỹ vững hơn.

Như vậy thì tại sao sau cùng 6 nghị sĩ và 6 dân biểu thuộc hai đảng không đạt được thỏa hiệp? Vì mỗi đảng có những lập trường căn bản mà họ không muốn, hoặc không thể hy sinh. Nghị Sĩ Pat Toomey, Cộng Hòa, tiểu bang Pennsylvania, trước đây từng “thề không bao giờ tăng thuế” cho đúng lập trường; nay ông đã chịu thỏa hiệp với đề nghị bãi bỏ một số “lỗ hổng” trong luật, tức là những khoản miễn thuế mà thường chỉ có những người lợi tức cao mới được hưởng. Ðây là một thỏa hiệp, tăng thu được 250 tỷ, mà chính các đối thủ thuộc đảng Dân Chủ cũng công nhận. Nhưng khi bàn đến việc chấm dứt việc giảm thuế cho những người lợi tức cao nhất mà các đạo luật thời Tổng thống Gorges W. Bush đã cắt bớt, thì các đại biểu Cộng Hòa không thể đồng ý được. Cũng vậy, khi các đại biểu Cộng Hòa đề nghị cắt bớt các phúc lợi y tế cho người về hưu (Medicare), lập lại các điều trong dự luật mà Hạ Viện đã thông qua trong Mùa Hè, thì phía Dân Chủ nhất quyết từ chối.

Bên Dân Chủ cố “bảo vệ lập trường,” họ chú trọng đến tăng thu hơn là giảm chi; không chịu cắt bớt những phúc lợi trong Hưu bổng Xã hội (Social Security), cùng các chương trình Y tế cho người về hưu (Medicare), cho người nghèo (Medicaid, còn gọi MediCal)… Bên Cộng Hòa cũng cố bảo vệ lập trường, chỉ muốn giảm chi tiêu mà không chịu tăng suất thuế những người có lợi tức cao nhất nước, trở lại thời trước thời các luật cắt thuế của Tổng Thống Gorges W. Bush.

Hai đảng đều đổ tội cho nhau là “ngoan cố” giữ “lập trường” của đảng mình, đưa tới thất bại. Người Mỹ nào cũng có thể thấy: Lời buộc tội của bên nào cũng đúng, dù đúng một phần. Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên! Vấn đề chính là kềm hãm không cho số khiếm hụt ngân sách tăng nhanh quá. Mà ngân sách chỉ là một con toán cộng trừ đơn giản! Từ một bà nội trợ cho đến các chuyên gia phân tích chính trị đều biết rằng muốn ngân sách bớt khiếm hụt thì có hai đường: Hoặc phải giảm chi, hoặc phải tăng thu, hoặc cả hai mỗi thứ một tý. Trước con mắt người dân Mỹ bình thường thì 12 đại biểu thuộc hai đảng có thể thỏa hiệp được. Mỗi bên có thể nhường nhịn bên kia một chút; bên Dân Chủ đồng ý cắt bớt chi phí y tế cho người nghèo và giảm phúc lợi của người về hưu; bên Cộng Hòa chịu để người giàu đóng thêm thuế. Nhưng họ đã chấp nhận thất bại, không bên nào chịu tiến tới thêm một bước nữa để có thể gặp nhau, vì sợ “mất lập trường!” Họ muốn “để dành” cuộc thảo luận về hai vấn đề lớn này, cắt bớt chi tiêu về y tế, hưu bổng và tăng thuế người giầu, cho tới kỳ bầu cử năm tới dân Mỹ sẽ quyết định bằng lá phiếu.

Trong suốt thời gian ủy ban 12 người họp bàn với nhau, Tổng Thống Barack Obama đã né tránh không tham dự với ý kiến của hành pháp; sau khi đã đưa ra một đề nghị tổng quát nhằm cắt bớt 3 ngàn tỷ khiếm hụt. Ðảng Cộng Hòa đã công kích Tổng Thống Obama là trốn tránh trách nhiệm. Tòa Bạch Ốc giải thích rằng ông Obama không muốn can thiệp vào công việc của ủy ban 12 người vì sợ bất cứ ý kiến nào của ông cũng có thể gây phản ứng chống đối từ phía giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa, do đó sẽ khiến ủy ban 12 người không thể làm việc một cách độc lập được.
Nhưng sau khi ủy ban trên đã chịu thua thì ông Obama không còn lý do để đứng ngoài cuộc thảo luận lớn về chính sách quốc gia này nữa. Ông có trách nhiệm nêu ra trước dân Mỹ những vấn đề căn bản và cho biết ông muốn chọn giải pháp cụ thể nào. Thí dụ, gần đây một nhà báo hỏi ông tổng thống nghĩ sao về việc cắt bớt tiền hưu bổng xã hội (social security) ông Obama đã lấy thí dụ chính mình (50 tuổi) mà nói rằng khi ông về hưu chắc chắn phải lãnh hưu bổng xã hội thấp hơn những người đang về hưu bây giờ. Nhưng khi ký giả hỏi tiếp ông có đồng ý nâng số tuổi về hưu lên cao hơn hiện nay hay không, thì ông tổng thống từ chối không nói ý kiến cụ thể. Bây giờ là lúc các cử tri Mỹ muốn ông Obama phải đề nghị những ý kiến cụ thể, trên nhiều vấn đề, cho dân Mỹ chọn lựa giữa ý kiến của ông và của các ứng cử viên tổng thống khác trong năm tới.

Ðằng sau những bất đồng ý kiến về ngân sách, là lập trường của hai đảng trong đường lối cai trị nước Mỹ. Một vấn đề là chính phủ liên bang lớn hay nhỏ, đo lường bằng tổng số chi tiêu của nhà nước cao hay thấp. Một vấn đề khác là những phúc lợi xã hội mà nhà nước có bổn phận cung cấp cho các người về hưu, người yếu kém về lợi tức, và những người bị bệnh kinh niên hay tàn tật. Chính Tổng Thống Obama đã nói rằng bảo hiểm y tế xã hội (Medicare) và Y tế cho người nghèo (Medicaid) là hai món chi chính yếu khiến ngân sách sẽ càng ngày càng khiếm hụt. Người Mỹ trông đợi ông Obama đưa ra đề nghị cụ thể sẽ cắt giảm các món chi tiêu đó như thế nào.

Tổng thống một nước là người đóng vai trò “lãnh đạo” trong lúc khó khăn. Người lãnh đạo ở nước Mỹ bây giờ cần giải thích cho dân chúng hiểu tại sao phải cắt giảm những phúc lợi mà nhiều người đang hưởng; cũng như phải tăng thêm việc đóng góp mà nhiều người sẽ phải chịu. Sau khi tìm cách giải thích và thuyết phục rồi, vị tổng thống phải can đảm đưa ra ý kiến của chính mình để thỏa hiệp các nhóm có quyền lợi xung khắc. Ông Barack Obama có thể đứng ra làm công việc đó, với tư cách một tổng thống. Nhưng ông chưa sử dụng vai trò “lãnh đạo quốc gia” này mà vẫn rụt rè lo bảo vệ sự ủng hộ của đảng mình. Có lẽ ông không muốn bị chính người trong đảng mình chống lại trước cuộc bỏ phiếu sang năm?

Nhưng chính các đại biểu Quốc Hội Mỹ cũng đã lẩn tránh trách nhiệm. Khi lập ra cái ủy ban 12 người này là một cách Quốc Hội trì hoãn những quyết định khó khăn, cũng vì sợ phản ứng của các cử tri gốc đã bầu cho họ!

Các đại biểu Quốc Hội có thể tiếp tục giữ tình trạng bất đồng ý kiến, không chịu quyết định nào cả, cho tới sau cuộc bầu cử sang năm. Ðiều họ lo ngại là nếu thỏa hiệp bây giờ thì sẽ gây ra phản ứng chống đối ngay trong số cử tri “nòng cốt” trong đảng của họ. Nếu các cử tri hoạt động nhất đứng ra chống thì khó được đảng đưa ra tranh cử.

Nhưng Tổng Thống Obama thì không thể đóng vai “án binh bất động” như vậy được. Ông sẽ mất hết uy tín của một người lãnh đạo, và những cử tri độc lập, không nhất thiết ngả về đảng nào, sẽ thất vọng và bỏ rơi ông trong năm tới. Dù người ta biết trước các đề nghị ông Obama đưa ra chắc sẽ bị đảng Cộng Hòa phản bác, nhưng ông không thể lẩn tránh không đưa ra các giải pháp có thể bị nhiều người chống đối.

Quốc Hội Mỹ có thể “án binh bất động,” trong 12 tháng nữa, không quyết định các vấn đề thiết yếu tăng thu và giảm chỉ, chờ ngày dân bỏ phiếu lựa chọn. Hậu quả sẽ không trầm trọng như có thể lo ngại. Chúng ta biết là theo đạo luật được hai đảng thỏa thuận hồi Mùa Hè vừa qua, nếu ủy ban 12 người không đạt được một thỏa hiệp nào thì ngân sách chi tiêu sẽ tự động bị cắt giảm hàng loạt, trong đó cả các món chi tiêu về vũ khí và quân sự cũng bị cắt. Nhưng cũng theo luật trên, việc cắt giảm chỉ bắt đầu áp dụng từ ngân sách năm 2013; tức là sau cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống và Quốc Hội. Nếu muốn, Quốc Hội và vị tổng thống mới được bầu vẫn có thể làm một luật mới vào đầu năm 2013 để thay đổi luật cũ.

Ông Obama có thể được lợi trong cảnh Quốc Hội dùng dằng không quyết định. Nếu đảng Cộng Hòa chịu nhượng bộ để thỏa hiệp về vấn đề ngân sách trong năm nay thì sang năm cuộc tranh cử có thể chỉ dành cho các đề tài về kinh tế suy yếu thôi, họ sẽ chĩa các họng súng vào Tòa Bạch Ốc, tấn công một nhược điểm mà chính quyền Obama khó lảng tránh! Ngược lại, nếu trong cuộc tranh cử sang năm mọi người chỉ tranh luận những vấn đề lớn và lâu dài, như tăng thuế người giầu và cắt trợ cấp người nghèo, thì dân chúng sẽ ít được nghe về những khó khăn kinh tế đang diễn ra!

.
.
.

No comments: