Thursday, November 24, 2011

THÔNG ĐIỆP của ĐỨC ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG GHPGVNTN THÍCH QUẢNG ĐỘ



Thích Quảng Độ  
2011-11-19  

THÔNG ĐIỆP
của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ

gửi Lễ Cầu nguyện cho Hòa bình thế giới, An ninh Đông Nam Á,
và Vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam


NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính bạch chư tôn Trưởng lão,
Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni
Kính thưa quý vị Nhân sĩ quốc tế,
quý vị Thiện tri thức, Cư sĩ, đồng bào các giới trong và ngoài nước,

Xin hãy cùng nhau thành tâm nguyện cầu cho Hòa bình thế giới, An ninh Đông Nam Á, vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam để mở ra tiến trình dân chủ hóa Việt Nam sau những thập kỷ dài chiến tranh và tranh chấp ý thức hệ khiến nhân dân không được no ấm, hạnh phúc.

Thế giới ngày nay như ngôi nhà lửa vì nạn cuồng tín, bạo động và khủng bố có tính quốc tế. Làm sao dập tắt lửa ? Không thể nào trông cậy vào kẻ đốt nhà đi chữa lửa. Chỉ có Con Người Ý thức mới làm được việc này, những người đã dập tắt ngọn lửa tham, sân, si trong lòng mình mới đem lại an lạc cho kẻ khác và thế giới. Cách đây gần ba nghìn năm, Đức Phật đã trao tặng nhân loại nguyên lý sống khoan dung và trí tuệ, để con người có thể thoát ly mọi hoàn cảnh khổ đau, vô minh và bất bình đẳng xã hội, bước lên chân trời Giải thoát, Giác ngộ.

Đây chính là hành trình thể hiện nguyên lý ấy của người theo đạo Phật Việt Nam suốt trên Hai Nghìn Năm qua. Hành trình ấy ghi đậm vào lịch sử Việt Nam. Một lịch sử Phật giáo đồng hành cùng chúng sinh để cứu khổ và giác ngộ. Một lịch sử Phật giáo đồng hành cùng dân tộc để bảo vệ chủ quyền và hoàn mãn văn hiến. Đấy là thể thống nhất của Đạo Phật Việt trong tinh thần Bất Nhị và tính Tương duyên Tương sinh.

Người Phật tử Việt Nam đã biết thánh hóa cái chết bằng sự hóa thân vào Sự Sống để tôn trọng và bảo vệ Con Người, thăng hoa Con Người lên chân trời Trí Tuệ.

Dưới thời ngoại thuộc, Phật giáo đã hoàn tất công cuộc Chấn hưng khởi từ những năm 20 thế kỷ trước, bằng cuộc Xuống Đường không tiền khoáng hậu năm 1963, thế kỷ XX, để chấm dứt thời kỳ ngoại thuộc biến một tôn giáo dân tộc thành hội đoàn tư hữu, biến đạo lý truyền thống thành ý lực ngoại bang. Từ Tăng Ni đến Phật tử, không riêng ai, mà người người lớp lớp đã đem hết tâm lực, ý chí, máu xương với tinh thần bất bạo động và vô úy để bảo vệ tự do tín ngưỡng là quyền tối thượng của mọi người, đồng thời xóa bỏ nạn kỳ thị tôn giáo và bất bình đẳng xã hội.

Tiếc thay một chế độ ngoại thuộc khác lại đến vào năm 1975, làm cho sự phát huy Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị ngưng trệ cho đến hôm nay. Chế độ này cản ngăn Giáo hội và chư Tăng Ni, Phật tử tham dự tái thiết Việt Nam sau ngày chiến tranh chấm dứt trên các lĩnh vực tâm linh, văn hóa, giáo dục, y tế, từ thiện xã hội, nhân quyền. Cùng với chính sách độc tài toàn trị của Đảng Cộng sản, hậu quả của sự ngăn cản này làm cho toàn thể nhân dân Việt Nam phải sống trong đói nghèo, mất tự do và không sao phát triển. Việc thấy rõ qua bản Báo cáo năm nay của LHQ về sự Phát triển con người trong thế giới : sau 36 năm chấm dứt chiến tranh, Việt Nam vẫn còn đứng hàng thứ 128 trên 187 quốc gia !

Một việc khác không thể không nói là hiểm họa xâm lấn của Trung quốc trên đất và biển, đảo, đang làm xao động nhân tâm và lo lắng cho toàn thể nhân dân nước Việt mấy năm qua.

Hơn ai hết, người Phật tử Việt Nam đã có kinh nghiệm và đóng góp trong việc bảo vệ chủ quyền, mà tấm gương của Vua Trần Nhân Tông còn soi mãi nơi đáy lòng người Phật tử. Ngài cũng chính là Đại-Thánh Trần-Triều Trúc-Lâm Đầu- Đà Tịnh-Huệ Giác-Hoàng Điều-Ngự Tổ Phật của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, với sinh thức Sống Đạo giữa Đời (Cư trần lạc đạo). Yên xong việc nước Ngài vào núi Yên Tử đi tu. Việc xuất gia của Ngài đã được Hải Lượng Đại thiền sư ở thế kỷ XVIII đánh giá rằng :

“Đức Ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công, trong nước vô sự, nhưng ở phía bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ chưa được an tâm. Cái ấy không tiện nói rõ, sợ người ta dao động. Cho nên nhắm được ngọn núi Yên Tử là núi cao nhất, phía đông nhìn về Yên Quảng, phía bắc liếc sang hai tỉnh Lạng, dựng lên ngôi chùa, thường thường dạo chơi xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm, thật là một vị vô lượng Đại Thế Chí Bồ Tát”.

Tấm lòng người xưa lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ, là như thế. Ngày nay chúng ta phải làm gì để không hổ với tiền nhân, không đi ngược với nền Giáo lý Cứu khổ và Giác ngộ ? Đây là sự vấn tâm cho mỗi người con Phật và đồng bào Việt Nam.

Với quý vị nhân sĩ quốc tế hiện diện trong lễ Cầu nguyện hôm nay, chúng tôi mong mỏi quý vị góp lời cầu nguyện với chúng tôi để nhân loại được chung sống trong hòa bình, Đông Nam Á thoát ly các ảnh hưởng tranh giành làm mất an ninh, và Việt Nam mau chóng bước lên con đường dân chủ sánh cùng các nước văn minh trên thế giới. Lời cầu nguyện của quý vị là năng lượng từ bi giúp cho người dân Việt chúng tôi mau chóng thoát khỏi ách độc tài như nhân dân các nước Trung Đông vừa thực hiện.

NAM MÔ KIM CANG BẤT HOẠI PHẬT
Thanh Minh Thiền viện, ngày 19.11.2011
Đệ Ngũ Tăng Thống
GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ

.
.
.

No comments: