07:57:am 12/11/11
Sẽ có nhiều người Ba Lan, sau nhiều năm nữa, vẫn nhớ tới ngày “lục nhất”, 11/11/11, không phải như một ngày với những con số đẹp nhất thế kỷ mà là một ngày ô nhục. Cái từ nặng nề này được một số nhà bình luận thốt lên đầy phẫn uất, sau những biến cố mịt mù khói lửa diễn ra ở trung tâm thủ đô Ba Lan, trong buổi tuần hành đáng ra là để vinh danh một ngày lễ lớn nhất của dân tộc.
Quang cảnh tan hoang không khác gì cuộc bạo động máu lửa ở London mấy tháng trước. Cùng với sự ngổn ngang ở khu quảng trường trung tâm, dường như có điều gì đó đang đổ vỡ trong những con người từng mang niền tin mãnh liệt vào sự yên bình của đất nước Chopin.
Tả – hữu choảng nhau và côn đồ đánh hôi
Không rõ vì con số “lục nhất” hay vì thời tiết đẹp, có thể vì cả hai nguyên nhân, mà trong nhiều năm nay, cuộc diễu hành của dân chúng nhân ngày Độc lập chưa bao giờ lại diễn ra đông đảo và mang nhiều mầu sắc như vậy. Trên 10 ngàn người với các khuynh hướng chính trị khác nhau đã tham gia trong một cuộc tuần hành ‘hòa bình” được chính thành phố Warsaw cấp phép. Nhưng trong những “mầu sắc” hết sức đa dạng đó, cuối cùng, đã nhuốm sắc máu.
Cuộc tuần hành, lúc còn trong vòng kiểm soát
Khi khói lửa bắt đầu bốc lên. Ảnh Jerzy Dudek Źródło: Fotorzepa
Cần thêm thời gian nữa để người ta nghiên cứu kỹ lưỡng những cuốn băng ghi hình, thẩm vấn những nhân chứng hay mổ xẻ dưới góc độ tâm lý học về nguyên nhân bùng phát của cuộc đụng độ ngày hôm qua, nhưng bước đầu, có thể kết luận rằng, xung đột khởi phát từ những bất đồng giữa 2 nhóm tả và hữu.
Đám đông trước khi trở nên cực kỳ hỗn độn và mất kiểm soát đã được chia ra nhiều khu vực riêng rẽ, theo từng nhóm tổ chức khác nhau, với các quan điểm chính trị, xã hội khác nhau. Có nhiều nhóm tuần hành, nhưng có thể chia thành 2 “phe” chính.
“Marsz Niepodległości” được cho là lực lượng đại diện cho cánh hữu, trong khi đó, vài ngàn người khác tập trung dưới ngọn cờ của “Kolorowa Niepodległa” được liệt vào những người tả khuynh.
Và cuộc “tả xung hữu đột” giữa 2 bên nhanh chóng chuyển thành cuộc ẩu đả với “kẻ thù chung” là lực lượng cảnh sát -khoảng 3000 nhân sự được điều động từ nhiều tỉnh thành lân cận – tới hỗ trợ Warsaw giữ trật tự trong cuộc tuần hành nhân lễ Độc Lập.
Những kẻ côn đồ vốn có nhiều hiềm khích với cảnh sát, hoặc đơn giản chỉ vì ngứa chân, ngứa tay, khoái chuyện đấm đá đã nhân cơ hội kích động và xông vào “đánh hôi”.
Ở Ba Lan, trong nhiều năm qua, luôn tồn tại những nhóm côn đồ (Hooligan) thường khiêu khích cảnh sát và lợi dụng sự hỗn độn của đám đông để biến thành “cuộc chiến” chống lại cảnh sát. Đa số họ là những người trẻ tuổi. Và các nhà tội phạm học đã điếng người khi phát hiện ra, trong số đó, góp mặt cả trí thức, như bác sỹ, giáo viên, luật sư. Những côn đồ này, có mặt gần như ở mọi sự kiện, họ tới sân vận động không phải để xem bóng đá mà dường như để rình cơ hội phá phách như một cách xả stress.
Một ví dụ rất nhỏ, như việc giải tỏa khu chợ KDT dưới chân Cung Văn Hóa 2 năm trước, trong khi các tiểu thương ở đây phản ứng khá ôn hòa thì hàng trăm côn đồ đã từ các nẻo tới “giúp sức”, ẩu đả với công an bằng gạch đá, que gậy khiến nhều người sau đó phải nhập viện.
Internet và các phương tiện truyền thông hiện đại đã giúp cho côn đồ tứ xứ tập hợp lực lượng nhanh chóng và hữu hiệu, làm cho cảnh sát nhiều phen trở tay không kịp. Trong số những kẻ tham gia cuộc ẩu đả ngày hôm qua, có cả những người tới từ nước ngoài chỉ với mục đích quậy phá, họ đã chuẩn bị chu đáo tới mức đem theo cả bác sĩ riêng.
Các loại “vũ khí”
Lâu lắm rồi, có lẽ từ thời xuống đường tranh đấu với cộng sản tới nay, người dân Warsaw mới lại chứng kiến khói lửa ngút ngát, vòi rồng phun nước, súng bắn đạn cay, cùng hàng trăm cảnh sát trang bị tận răng xông trận, như ngày hôm qua.
Cho tới lúc mạnh ai người nấy đấm đá. Ảnh Wyborcza
Mọi thứ vũ khí thô sơ, lượm lặt trên đường phố, đều được đám côn đồ tận dụng. Và nhiều kẻ không ngần ngại tung chưởng, đấm đá người thi hành công vụ, dù đã bị dí máy quay phim sát nơi. Đa số côn đồ đều trùm, bịt kín mặt nên sẽ rất khó khăn cho công an nhận dạng sau này.
Đầu tiên là pháo sáng, chai lọ rồi tới các thùng rác bằng bê tông, gạch lát đường, ghế ngồi nơi công cộng, rào chắn phân luồng giao thông bằng kim loại, ở khu vực quảng trường Hiến Pháp, đều bị đám côn đồ lật tung và dùng để ‘chiến đấu’ chống lực lượng thực thi pháp luật. Dù được trang bị lá chắn, mũ bảo hiểm, áo chuyên dụng.v.v. nhưng nhiều lúc cảnh sát cũng bất lực trước ‘cơn mưa’ của những viên đá lát đường có thể gây thương vong cho bất kỳ ai trở thành mục tiêu của đám quá kích. Tình hình chỉ tạm được khống chế sau nhiều giờ, khi cảnh sát quyết định dùng tới vòi rồng và hơi cay.
Vài con số “ấn tượng”
Hiện chưa ai biết chính xác mức độ thiệt hại của cuộc bạo động ngày hôm qua. Nhiều tư nhân có cửa hàng, quầy quán hay xe cộ đỗ trong khu vực trung tâm cũng bị đập phá tan nát, hoặc vô tình trúng gạch đá, nên việc kê khai sẽ mất nhiều thời gian.
Nhưng chỉ riêng những thứ có thể đong đếm ngay lập tức cũng đã đủ khiến nhiều người giật mình. Hơn 40 công an bị thương tích, nhiều người phải nhập viện chữa trị, 14 chiếc xe cảnh sát bị đập tan tành và 210 người bị bắt.
Đêm qua, cơ quan điều tra đã tiến hành ‘phân loại’ những kẻ côn đồ đang bị tạm giữ. Trong số 210 người có gần một nửa là người nước ngoài. Cụ thể: 92 tới từ Đức, 1 từ Tây Ban Nha, 1 từ Đan Mạch và 1 công dân Hungaria.
Đặc biệt, báo chí truyền thông cũng trở thành đối tượng hành hung của đám côn đồ quốc tế này. Hai chiếc xe chuyên dụng của hãng truyền hình lớn TVN bị đốt cháy, xe của đài phát thanh Quốc gia Ba Lan bị đập bẹp trước sự bất lực của lực lượng cảnh sát và ngay trước mũi các phóng viên báo chí. Một phóng viên (chưa rõ của báo nào) trong lúc chụp ảnh đã bị một côn đồ tiến tới đấm thẳng vào mặt.
Chuyện tấn công nhà báo khi tác nghiệp là hết sức hi hữu ở Ba Lan, có lẽ mới chỉ được ghi nhận lần gần đây nhất ở sân vận động Wrocław, khi một kẻ côn đồ trong lúc ẩu đả, đã xông vào đạp ngã một phóng viên và xô đổ luôn chiếc máy quay phim. Dù nhà báo không bị thương tích gì, nhưng hành vi đó bị cả xã hội lên án và kẻ côn đồ đã lĩnh án vài năm tù trong một phiên tòa sau đó.
Bài toán cho các nhà lập pháp
Bất cứ người dân Warsaw bình thường nào có thể cũng cảm thấy ít nhiều xấu hổ sau sự cố bạo động ngày hôm qua, nhưng “quê” nhất có lẽ là Tổng thống Ba Lan. Mấy tiếng đồng hồ sau bài diễn văn hào hùng mừng độc lập, cổ vũ hòa bình, xây dựng xã hội thân ái và tôn trọng lẫn nhau của ông, thì một cảnh tượng đánh lộn hãi hùng ‘như trong phim’ đã diễn ra ngay giữa trung tâm thành phố.
Hôm nay, thủ tướng sẽ có cuộc gặp bất thường với các bộ trưởng, đại diện chính quyền Warsaw và tư lệnh công an thành phố, để tìm hướng giải quyết hậu quả cuộc bạo động vừa qua. Tòa án cũng đang tiếp nhận và xem xét hồ sơ của những kẻ bị bắt để ra những phán quyết thích hợp cho từng đối tượng, kể cả người nước ngoài.
Nhưng, về lâu dài, các nhà xã hội học, tội phạm học và đặc biệt là các nhà lập pháp sẽ phải tìm lời giải cho làn sóng bạo lực đang có xu hướng xâm nhập sâu vào xã hội Ba Lan. Điều này càng trở nên cấp thiết, khi giải bóng đá Euro Cup mà Ba Lan đăng cai đang tới gần, có thể sẽ thu hút hàng trăm ngàn khán giả, hàng triệu du khách nước ngoài và sẽ là cơ hội ngàn vàng cho đám côn đồ càn quấy.
Người ta sẽ phải nghiên cứu và thông qua những đạo luật, sao cho không vi phạm các quyền cơ bản của một xã hội dân chủ, nhưng vẫn tạo điều kiện tối đa cho những người thực thi pháp luật.
Những bất cập từ vụ bạo động này có thể cho ra nhiều bài học. Chẳng hạn, công an đã biết trước về sự có mặt của hàng trăm người Đức và khả năng gây rối loạn của họ, nhưng đã không thể làm gì để ngăn chặn. Hiệp ước Schengen cho phép mọi công dân châu Âu đi bất kỳ chỗ nào họ muốn, mà không ai có quyền cấm cản, hạch hỏi, nhất là khi cuộc tuần hành được tổ chức hợp pháp. Luật hiện hành cũng trói tay lực lượng cảnh sát, biến họ thành những “bù nhìn rơm” và không được có bất kỳ động thái nào trước khi đám đông bạo loạn. Và khi đó, thường là quá trễ, hoặc quá mỏng manh trước cả trăm, thậm chí cả ngàn người đang tâm trạng kích động.
Cho tới nay, đã xuất hiện một số đề xuất cho các nhà lập pháp như: Không cho phép những kẻ có nhiều tiền án tiền sự về quậy phá được tham gia các sự kiện đông người; người biểu tình, tuần hành không được phép bịt kín mặt; những nhà tổ chức phải chịu trách nhiệm lớn hơn và phải cam kết khi xin giấy phép… Nhưng có lẽ, quan trọng hơn cả, điều luật mới sẽ phải cho phép lực lượng cảnh sát có nhiều quyền hạn hơn trong việc xử lý các vụ bạo động như vừa rồi.
Những công nhân vệ sinh môi trường đã làm việc miệt mài thâu đêm suốt sáng nay, để xúc đi những đống gạch đá, rác rưởi, giúp nhịp độ giao thông trên các tuyến phố trung tâm sớm trở lại bình thường. Nhưng người ta sẽ phải mất rất nhiều ngày, thậm chí nhiều năm nữa, mới có thể xóa đi khỏi ký ức những người dân Warsaw về một ngày lễ Độc lập tồi tệ, đáng xấu hổ như thế.
VIDEO :
© Mạc Việt Hồng
© Đàn Chim Việt
.
.
.
No comments:
Post a Comment