Đỗ Trung Quân
25.11.2011
Muốn sống, định cư, tìm cơ hội làm việc, kinh doanh thì vào Sài Gòn .
Muốn sáng tạo nghệ thuật thì …tìm chỗ khác . Chỗ nào thì tôi không biết nhưng Sài Gòn hôm nay khó có chỗ cho sáng tạo. Tôi – một người sinh ra , lớn lên và chắc chắn đi đâu cũng về lại Sài Gòn thấy mình đủ can đảm để nhận định điều ấy .
Có nghịch lý chăng khi Sài Gòn từng là nơi tiếp nhận nhanh nhất, sớm nhất những trào lưu triết học, nghệ thuật, văn chương, hội họa, âm nhạc của thế giới ? Nhưng đấy là chuyện xưa rồi.
Hôm nay, Sài Gòn vẫn đúng với vế đầu : Muốn sống, muốn định cư, muốn tìm cơ hội kinh doanh , kinh tế…Còn là nơi tiếp nhận những trào lưu sáng tạo e không đúng nữa. Thế những trường hợp này thì lý giải ra sao : Rất nhiều những nhạc sĩ Hà Nội thành danh hơn nữa ở Sài Gòn như Trần Tiến , Dương Thụ , Phú Quang vv…Rất nhiều những con ngừoi từng bị ruồng bỏ như Hoàng Hưng tác giả tập thơ “Ngựa biển”, người bị tù 4 năm chỉ vì trong tay có một tập thơ của Trần Dần hay Hoàng Cầm chi đấy , Ngọc Tân sau cuộc vướt biên bất thành, vẫn được đón nhận ở Sài Gòn ? Những họa sĩ tài danh Lưu Công Nhân, Bùi Quang Ngọc…Những nhà thơ như Phan Vũ vân vân và vân vân đều có mặt ở Sài Gòn ? Xin nói ngay đấy là những trường hợp để sống .
Công dân mới nhất, gần nhất chưa tròn 1 năm định cư ở Sài Gòn chính là nhà văn Nguyễn Quang Lập .Anh là người mà sự nghiệp, tên tuổi được tạo dựng từ nhiều nơi . Nay chỉ về Sài Gòn sống và làm việc.
Trở lại với sự sáng tạo. Câu chuyện được nghe kể lại rằng trong buổi tiệc trước khi tiễn những nhà văn của Hội Nhà Văn Thành Phố ra Hà Nội dự đại hội Nhà văn Việt Nam với vé máy bay và 1 triệu đồng bỏ túi tiêu vặt, ông Ba Đua – Phó bí thư thường trực Thành ủy, người phụ trách tư tưởng của Thành phố Hồ Chí Minh, ân cần gửi đi thông điệp đại ý: “Thành ủy rất quan tâm tới các nhà văn của thành phố. Hà Nội đã có rất nhiều tác phẩm thơ ca, âm nhạc . Hy vọng rằng các đồng chí sẽ có nhiều tác phẩm hay, đặc biệt là về Thành phố Hồ Chí Minh của chúng ta …” Thông điệp gửi gắm không có gì sai . Nó chỉ…chưa đúng thôi. Dư luận – trà dư tửu hậu của một vài nhà văn sau đó là: “ Thành ủy, Tuyên giáo, ông Ba Đua đừng chỉ đạo hay can thiệp vào việc sáng tác của chúng tôi là Sài Gòn sẽ có tác phẩm hay ngay thôi…” . Tuy vậy , thông điệp của ông Phó bí thư thường trực vẫn được tiếp nhận và thực hiện từ những nhà thơ, nhạc sĩ vốn nếu không chỉ đạo thì…không sáng tác được. Vẫn có những ca khúc về Sài Gòn nhưng “nghèo”thay, cũng chỉ loanh quanh với hình ảnh quen thuộc Bến Nhà Rồng và êm ái hơn tí là lác đác điểm xuyết hình ảnh vài hàng me xanh, có yêu đương tí chút và…hết. Tác phẩm vẫn có, nhưng tác phẩm ấy không sống nổi trong đời sống âm nhạc hàng ngày, nó chỉ có mặt trên truyền hình những dịp giỗ chạp, kỷ niệm gì đấy.
Thử đi tìm lời lý giải xa xôi hơn cho vấn đề “sáng tạo nghệ thuật” của Sài Gòn . Đấy là thành phố có một lịch sử đặc biệt cho những vấn đề đối đầu trong quá khứ , có “ ân oán “ giữa nhiều lực lượng văn hóa nghệ thuật .[ Ở đây không bàn đến lĩnh vực báo chí ]. Nếu thập niên 70 Sài Gòn có phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của sinh viên học sinh mà đa số sẽ là thành phần lãnh đạo âm nhạc của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay . Thì cũng có ngay bên cạnh nó phong trào “Du ca” mà nổi bật là nhạc sĩ Phạm Duy .Bên này hát , bên kia cũng hát; bên này nói về đồng bào dân tộc , bên kia cũng hát về quê hương đất nước chiến tranh…Họ mặc nhiên xem nhau là đối thủ trong lĩnh vực tư tưởng và chủ nghĩa. Đấy chỉ là một ví dụ trong nhiều ví dụ của Sài Gòn khi chưa thống nhất . Khi Hà Nội thực hiện chương trình “Nửa thế kỷ âm nhạc việt nam” vào thập niên 90, thì tên tác giả và tác phẩm được đề nghị có trong chương trình ca khúc “ Về miền trung – Bà mẹ Gio Linh” đã gây tranh cãi, đặc biệt ở Hội nhạc sĩ Thành phố khi ấy.[ Nhạc sĩ Phạm Duy thời điểm ấy cũng còn ở nước ngoài.] Kết quả , “ Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam” không có tên cây cổ thụ Phạm Duy. Ngay chính nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn cũng trở thành đề tài thuyết trình ở các cơ sở Đoàn khi đã được cải biên theo tinh thần phê phán, châm biếm của một nhạc sĩ phong trào những năm đầu thống nhất. Sài Gòn có những vấn đề lịch sử để lại mà khó thể hòa hợp trong chỉ một thập niên.
Nhưng hôm nay đã là 37 năm. Lịch sử u buồn đã trôi xa. Nhiều ca sĩ Việt Nam bay trình diễn ở Hoa Kỳ như cơm bữa .Nhạc sĩ Phạm Duy đã về định cư tại xứ sở, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời cũng đã có tên đường . Nhưng vẫn còn đây đó chỗ này chỗ nọ những cái đầu còn đậm “ ân oán” cũ. Trường hợp Chế Linh , người về muộn hơn nhiều ca sĩ hải ngoại khác, dù có chút trục trặc ở Hà nội nhưng rồi vẫn có thể trình diễn.” Ông hoàng nhạc sến “vẫn không suôn sẻ khi chương trình trở về đất cũ Sài Gòn. Hãy tạm gác ở đây những chiêu, trò những mánh lới, thủ đoạn thường có và ngày càng lắt léo của giới bầu sô – show – biz.-Những chiêu trò để bán vé hay làm “ sập tiệm” lẫn nhau . Câu chuyện Chế Linh dường như còn ẩn chứa những vấn đề “ khó nói “ trên văn bản . Khó nói đến nỗi văn bản chính thức của Sở văn hóa – thông tin Thành phố chỉ ghi: “Chưa phù hợp với điều kiện của thành phố”. Cái cụm từ có vẻ dễ hiểu nhưng lại không dễ hiểu vì nó…mù mờ ? Câu hỏi đặt ra là: “ Nếu chưa phù hợp – thì chưa phù hợp điều gì với thành phố ? “ và “ Đến khi nào thì phù hợp ?” Câu hỏi vẫn còn nguyên đấy. Chuyện văn hóa ở Sài Gòn là chuyện quản lý và chỉ đạo, dù nơi khác cũng thế. Nhưng Sài Gòn còn những vấn đề khác cho dù 37 năm đất nước đã hòa bình, thống nhất.
Vậy thì hãy chọn Sài Gòn nếu ai muốn kinh doanh, tìm cơ hội học hành,làm giàu và để sống.
Còn muốn tìm môi trường sáng tạo hay đổi mới nghệ thuật – cá nhân tôi xin nói thật:
Quên đi !
Đ. T.Q
Tác giả gửi cho Quê choa
…………………
[ * ] Một lời nhạc của ns Y Vân
.
.
.
No comments:
Post a Comment