Người Việt Boston. TV
November 24, 2011 7:51 AM
Nhân ngày lễ Thanksgiving 2011, các phóng viên NguoiVietBoston.TV đã thực hiện một chương trình phóng sự truyền hình đặc biệt ngay tại địa điểm lịch sử, nơi cách đây gần 400 năm trước những người tỵ nạn đầu tiên trên chiếc tàu Mayflower đã đến tại thành phố Plymouth, thuộc tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ.
Kính mời quý vị theo dõi Phóng Sự Truyền Hình Đặt Biệt “Thanksgiving tại Plymouth Rock” trên NguoiVietBoston.TV
---------------------------
VietCatholic
November 23, 2011
Thanksgiving được coi là dịp để bày tỏ lòng biết ơn nhau và nhất là Tạ Ơn Chúa đã ban cho vụ mùa màng đưọc sinh hoa kết trái, lương thực đồi dào và dùng đủ, và tất cả các ơn lành khác ta nhận được trong cuộc sống. Lễ Tạ ơn thường được tổ chức với gia đình và bạn bè gặp gỡ, cùng chia sẻ niềm vui, và nhất là một bữa tiệc buổi tối, gia đình sum họp ăn uống vui vẻ. Đây là một ngày quan trọng cho đời sống gia đình, nên dù ở xa, con cháu thường về với gia đình. Năm nay tuy dù xăng nhớt và vé máy bay đắt đỏ, nhưng trong cuối tuần này có tới 40 triệu ngưởi Hoa Kỳ sẽ di chuyển trong vòng từ 75 cây số trở lên để về ăn Lễ Tạ Ơn với gia đình.
Tại Mỹ, ngày lễ này được tổ chức vào thứ 5, tuần lễ thứ 4 trong tháng 11 hằng năm. Người ta thường được nghỉ 4 ngày cuối tuần cho ngày lễ này tại Hoa Kỳ: họ được nghỉ làm hay nghỉ học vào ngày thứ Năm và thứ Sáu của tuần Lễ Tạ ơn. Lễ Tạ ơn thường được tổ chức tại nhà, khác với ngày Lễ Độc lập Hoa Kỳ hay Giáng Sinh, những ngày lễ mà có nhiều tổ chức công cộng (như đốt pháo hoa hay đi hát dạo).
Nguồn gốc Lễ Thanksgiving đầu tiên.
Chuyện kể rằng những người di dân 102 người hầu hết là thuộc Thanh giáo, họ rời Anh quốc vào tháng 9 năm 1920 trên chuyến tàu Mayflower, một thuyền buồm trọng tải 180 tấn. Đầu tiên, họ đến Leyde thuộc Hòa Lan, nhưng cuộc sống ở đây làm họ thất vọng. Do đó nhóm người này quyết định đi tìm một chân trời mới tại Tân thế giới, họ muốn tạo dựng một “một thành Jérusalem mới” ở Hoa Kỳ.
Trên chuyến đi sang Tân thế giới, họ đã trải qua bao gian lao, thử thách, lo sợ và nguy khốn… Nước đá lạnh tràn vô tàu khiến mọi người sợ hãi. Sàn tầu bằng gỗ, có lần đốt lửa xẩy ra tai nạn, nên sau đó họ phải ăn thức ăn lạnh. Nhiều người ngả bệnh. Cuộc hành trình này có 1 thủy thủ và 1 hành khách chết. Trong khi còn trên biển, bà Elizabeth Hopkins sinh một con trai mà bà đặt tên là Oceanus (có nghĩa là «Đại Dương»).
Sau 65 ngày trên biển lạnh, vào ngày 21 tháng 11 năm 1620, tàu đến Cape Cod, sau cuộc hành trình dài 2,750 hải lý (1 mile = 1,852 km). Cap Cod là một bờ biển chưa ai đặt chân tới (sau này là Massachusetts). Và sau khi tàu cập bến tại hải cảng Provincetown, thì Susanna White cũng cho ra đời một bé trai, đặt tên là Pelégrine (nghĩa là “người hành hương”). Tuy biết là đã đi sai đường, nhưng họ phải xuống tàu, và ký ngay ngày hôm đó một hiệp ước sống hòa hợp với dân bản xứ (Narranganset và Wampanoag). Đó là Maryflower Compact Act, trong đó ghi những gì phải làm khi định cư.
Họ tới Plymouth Rock, Massachusetts, ngày 11 tháng 12 năm 1620. Có nhiều cuộc chạm trán nho nhỏ, nhưng không quan trọng lắm. Họ phải đi tìm chỗ ở khá hơn bởi vì lúc đó là mùa đông đầu tiên của họ, một mùa đông đầu tiên vô cùng khác nghiệt và quá lạnh lẽo.
Sau 6 tháng lên đất liền, thời tiết khắc khe và thiếu thốn. Ngay từ cuối thu, vì bệnh dịch và lạnh lẽo, họ đã mất đi 46 người trong số 102 người khởi hành trên tầu Mayflower, Trong số người chết có 14 người vợ (trong số 18 người cả thảy), 13 người chồng (trong số 24 người). Những người sống sót nhờ ăn thịt gà tây hoang và bắp do người dân da đỏ cung cấp.
Nhưng mùa gặt của năm 1621 lại là một mùa tốt đẹp. Những người còn sống sót quyết định làm tiệc ăn mừng có sự tham gia của 91 thổ dân da đỏ – những người đã giúp họ sống sót trong năm đầu vì đã cung cấp lương thực và dạy họ trồng bắp và săn thú rừng. Đoàn di dân tin rằng họ không thể tồn tại được nếu không có người da đỏ giúp đỡ. Buổi tiệc được tiến hành theo phong tục cổ truyền mừng mùa màng của Anh chứ không đơn thuần chỉ là “tạ ơn” và kéo dài suốt 3 ngày.
Lúc đó, người đứng đầu cai quản vùng đất này – Thống đốc William Bradford đã cử 4 người vào rừng để săn chim, gà và ngỗng cho buổi tiệc. Không biết rõ gà rừng có phải là một phần chính cho bữa tiệc hay không nhưng chắc chắn là họ dùng thịt của một loài lông vũ. Danh từ “turkey” từ đó được những người di dân dùng cho những giống chim rừng.
Sang năm tiếp theo, 1662, Lễ Tạ ơn không được tổ chức. Nhưng vào năm 1623 sau nhiều lần hạn hán những người di dân của các thuộc địa cùng nhau tụ tập lại cầu nguyện cho mưa xuống. Sau khi mưa liên tiếp trút xuống mấy ngày, Thống Đốc Bradford tuyên bố một ngày Tạ ơn nữa, và họ lại mời những người bạn da đỏ.
Những Lễ Thanksgiving tiếp theo sau…
Trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ, Hội đồng các thuộc địa đã định ra thêm một vài ngày Tạ ơn trong năm (trừ năm 1777).
George Washington với tư cách là chỉ huy lực lượng giải phóng đã tuyên bố ngày Tạ ơn trong tháng 12/1777 là ngày lễ mừng chiến thắng lính Anh tại Saratoga. Hội đồng thuộc địa công bố ngày lễ Tạ ơn vào tháng 12 từ năm 1777 đến 1783 (trừ năm 1782).
Sau khi trở thành Tổng thống, George Washington đã tuyên bố ngày lễ Tạ ơn quốc gia năm 1789 và 1795 dù gặp phải vài sự phản đối. Tổng thống John Adams tuyên bố ngày Tạ ơn vào năm 1798 và 1799. Tổng thống Madison cũng dành ra một ngày gọi là để Tạ ơn vào cuối cuộc chiến năm 1812.
Sau đó, nhờ Sarah Josepha Hale, chủ bút của một tờ báo cố gắng thuyết phục mọi người công nhận lễ Tạ ơn bằng những bài viết của bà trên tờ Boston Ladies’ Magazine và Godey’s Lady’s Book kèm theo thư từ cho các thống đốc và các tổng thống, cuối cùng vào năm 1863, Tổng thống Lincoln tuyên bố ngày Thứ Năm cuối cùng của tháng 11 là ngày lễ Tạ ơn và là ngày nghỉ hàng năm. Các đời Tổng thống kế tiếp cũng làm theo tiền lệ này.
Năm 1939, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt tuyên bố lễ Tạ ơn sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ 3 trong tháng 11, tạo điều kiện giúp giới kinh doanh thuận lợi trong việc bán hàng trước lễ Giáng sinh. Song tuyên bố của ông Roosevelt không có hiệu lực vì bị nhiều tiểu bang phản đối.
Đến năm 1941, Quốc hội Mỹ đã đạt được sự đồng thuận và định ra ngày thứ Năm của tuần lễ thứ 4 trong tháng 11 sẽ là ngày Tạ ơn trên toàn quốc. Ngày 26/11/1941, Tổng thống Roosevelt chính thức ký thông qua đạo luật này.
Bữa tối mừng lễ Tạ ơn
Món ăn chính trong bữa Tạ ơn tại Mỹ và Canada là thịt gà tây nướng. Vì gà tây là món ăn phổ biến nhất trong bữa tối mừng Lễ Tạ ơn, nên đôi khi ngày Tạ ơn còn được gọi là Ngày Gà Tây. Tổ chức USDA từng thống kê năm 2006 có trên 300 triệu con gà tây được nuôi và khoảng 1/6 trong số này dành phục vụ lễ Tạ ơn.
Thời kỳ đầu, lễ Tạ ơn kéo dài ba ngày. Tuy nhiên họ không thực sự chỉ ăn gà tây (turkey, dindon) bởi vì chữ “turkey” lúc bấy giờ dùng để chỉ gà tây, gà, chim cút, chim trĩ… Cho dù những người di dân đầu tiên có ăn gà tây hay không vào dịp lễ Thanksgiving đầu tiên, thịt gà tây luôn luôn được gắn liền với lễ này.
Cùng với gà tây là món Bí đỏ (pumpkin) truyền thống, đây là loại thức ăn đã cứu sống những người hành hương trong mùa lạnh kinh khủng đầu tiên ấy, đã trở thành món ăn quan trọng gần như thịt gà tây. Món ăn bí đỏ luộc, và làm bánh chiên bằng bột ngô. Một số thực phẩm khác cũng xuất hiện trên bàn tiệc như: nước sốt chanh, nước sốt thịt, khoai tây nghiền, khoai lang ướp đường, đậu xanh. Lúc đó trên bàn cũng không có sữa, nước táo, khoai tây hay bơ như sau này, vì họ chưa nuôi được bò để có sữa. Nhưng bữa tiệc cũng thêm phần thịnh soạn vì có thêm cá, trái dâu, rau cải soong, tôm hùm, thịt chim rừng, trái cây khô và trái mận tươi.
Các món tráng miệng cũng được bổ sung trên bàn ăn, bao gồm một số loại bánh nướng nhất là bánh bí ngô, bánh nướng nhân dâu tây, bánh nhân hồ đào.
Ngày nay, trong dịp lễ này gia đình đoàn tụ, khách có thể mang theo món ăn, nhưng không mang theo quà cáp.
Những hoạt động trong ngày Tạ ơn tại Hoa Kỳ
Một hoạt động không thể thiếu vào dịp Tạ ơn là mua sắm. Ngày thứ Sáu sau ngày Lễ Tạ ơn là ngày mua sắm đông nhất trong năm tại Hoa Kỳ. Bắt đầu từ những năm 1930, mùa mua sắm nhân dịp Giáng sinh bắt đầu khi lễ Tạ ơn kết thúc.
Tại thành phố New York, cuộc diễu hành nhân ngày Tạ ơn của Tập đoàn Macy’s được tổ chức hàng năm tại khu trung tâm Manhattan. Cuộc tuần hành được tổ chức theo các chủ đề đặc biệt nào đó, hoặc mô phỏng các cảnh trong những vở kịch trên sân khấu Broadway kèm theo những chùm bóng lớn vẽ nhiều nhân vật hoạt hình hoặc diễn viên truyền hình nổi tiếng. Diễu hành nhân dịp Tạ ơn cũng diễn ra ở một số thành phố khác như Plymouth, Los Angeles, Houston, Philadelphia và Detroit…
Một hoạt động chính khác trong dịp lễ Tạ ơn tại Mỹ là đá bóng (American football). Nó được coi là một phần quan trọng trong ngày Lễ Tạ ơn. Theo truyền thống, hai đội chuyên nghiệp sẽ giao đấu vào ngày Tạ ơn, song đến gần đây, các trận bóng được tổ chức vào ngày trong tuần, không phải vào Chúa Nhật. Các đội chuyên nghiệp thường đấu nhau trong ngày này để khán giả có thể xem trên truyền hình. Thêm vào đó, nhiều đội banh trung học hay đại học cũng đấu nhau vào cuối tuần đó, thường với các đối thủ lâu năm.
Riêng tại Canada, lễ Tạ ơn diễn ra trong 3 ngày cuối tuần và không được coi trọng như ở Mỹ. Vào dịp này, các gia đình Canada khó có thể tụ họp với nhau, thay vì thế họ coi ngày Noel là dịp để thành viên trong gia đình đoàn tụ. Thêm vào đó, lễ Tạ ơn tại Canada lại rơi vào ngày thứ 2, tuần lễ thứ 2 trong tháng 10, nên người Canada có thể ăn bữa tối Tạ ơn vào bất kỳ ngày nào trong số 3 ngày cuối tuần trước đó. Điều này có nghĩa, họ sẽ ăn tối cùng một nhóm họ hàng trong 1 ngày và một bữa khác với nhóm khác vào ngày hôm sau.
VietCatholic sưu tầm.
.
.
.
No comments:
Post a Comment