Tuesday, November 22, 2011

ẤN ĐỘ CÓ CƠ HỘI CHI PHỐI TRẬT TỰ ĐANG THAY ĐỔI TẠI ĐÔNG Á (C. Raja Mohan, The Indian Express)



C. Raja Mohan
Tournament of shadows   -   The Indian Express 17-11-2011

Hương Trà (gt)
Thứ hai, 21 Tháng 11 2011

Trong bài “Tournament of shadowsđăng trên The Indian Express, C. Raja Mohan, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại Delhi, cho rằng khác với quá khứ, Ấn Độ giờ không cần phải là một khán giả thầm lặng trước những thay đổi về cán cân quyền lực quanh mình. Ấn Độ hiện đang ở vị trí có thể chi phối phương hướng và định hình về nội dung của sự thay đổi cấu trúc tại Châu Á, đồng thời nâng cao vị thế của chính mình như một cường quốc.

Thủ Tướng Manmohan Singh dự Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Bali, Indonesia trong bối cảnh quan hệ quốc tế của Châu Á đã có được sự năng động mới sau hàng thập niên với sự ổn định chính trị tương đối và kinh tế ngày càng thịnh vượng. Sự chuyển dịch quyền lực hiện nay ở Châu Á được thúc đẩy bởi sự nổi lên của Trung Quốc. Phản ứng của Mỹ tuy chậm nhưng mạnh mẽ trước quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc có thể đem lại hệ quả lớn hơn nhiều so với những biến động trong quan hệ giữa các cường quốc trước đây. Khác với quá khứ, Ấn Độ giờ không cần phải là một khán giả thầm lặng trước những thay đổi về cán cân quyền lực quanh mình. Ấn Độ hiện đang ở vị trí có thể chi phối phương hướng và định hình về nội dung của sự thay đổi cấu trúc tại Châu Á, đồng thời nâng cao vị thế của chính mình như một cường quốc.

Hội nghị Bali đánh dấu rõ ràng sự trở lại của Mỹ tại Châu Á. Kể từ khi trở thành chỗ dựa của hệ thống an ninh Châu Á sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Mỹ dường như đã quay lưng lại khu vực này trong 2 thập niên qua. Trong thập niên 1990, Mỹ còn phải bận tâm với những dàn xếp chính trị tại Châu Âu thời hậu Chiến tranh lạnh. Còn tại thập niên vừa qua, Mỹ đã tự dấn thân vào các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Khi đã mất ưu thế trước Trung Quốc, Washington dường như miễn cưỡng hoặc không thể cạnh tranh trước địa vị đứng đầu mới tại Châu Á của Bắc Kinh. Năm 2009, năm đầu tiên nắm quyền tại Nhà Trắng, Tổng Thống Mỹ Obama đã muốn cùng Trung Quốc xây dựng một hệ thống quản lý chung tại Châu Á và thế giới. Tuy nhiên, với những lý do của riêng mình, Bắc Kinh đã từ chối đề nghị của Obama về việc thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện. Có vẻ như Trung Quốc cho rằng Mỹ không tránh khỏi kết cục suy sụp và đã công khai một chính sách mạnh mẽ hơn đối với các láng giềng Châu Á.

Nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đòi hỏi chủ quyền tại khu vực Biển Đông đã gây chấn động toàn khu vực. Bác bỏ quan điểm “nổi lên hòa bình” của Trung Quốc, các quốc gia láng giềng của Bắc Kinh đã quay sang Washington từ giữa năm 2010. Chính quyền Obama sốt sắng đáp lại với một tuyên bố dứt khoát trở lại Châu Á. Kết quả đầu tiên là việc ASEAN mời Mỹ (và Nga) tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á thường niên. Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 6 tại Bali tuần này là lần đầu tiên có sự tham dự của Tổng Thống Mỹ. Điều này đã chấm dứt một ảo tưởng từ lâu rằng Châu Á có thể tự xây dựng một trật tự khu vực cho riêng mình. Với việc mời Mỹ và Nga, ASEAN đã tuyên bố rằng an ninh Châu Á chỉ có thể được xây dựng trong một khuôn khổ rộng lớn hơn.

Việc Đông Á lo ngại trước một Trung Quốc đang nổi lên và xích lại gần Mỹ được thể hiện trên 3 lĩnh vực:

Thứ nhất là về kinh tế. Cho đến nay, Đông Á đã chấp nhận vai trò trung tâm của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực thông qua cơ chế “ASEAN+3”, gồm 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Khu vực hiện đang tích cực cân nhắc một lựa chọn thay thế là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bắt nguồn từ một sáng kiến khiêm tốn nhằm hội nhập sâu hơn giữa các quốc gia có nền thương mại tự do nhất như Singapore, Brunei, Chile và New Zealand, hiện giờ TPP đã được coi là một khuôn mẫu tương lai bởi các quốc gia như Mỹ, Nhật, Úc, Malaysia và VN. Bắc Kinh thì cho đây là một cơ chế nhằm loại bỏ Trung Quốc trên cơ sở các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về tự do hóa thương mại.

Thứ hai là trên lĩnh vực chính trị. Cách đây chỉ vài năm, ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc đều hướng tới vai trò trung lập giữa Washington và Bắc Kinh. Ngày nay, tất cả đều mong muốn củng cố mối quan hệ đồng minh lâu năm với Mỹ.

Các quốc gia Đông Nam Á với truyền thống không liên kết cũng đang xích lại gần hơn với Mỹ khi tính tới một tương lai Đông Á dưới cái bóng của Trung Quốc. Về phần mình, Washington sẵn sàng xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược mới với những quốc gia như Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Washington cũng đang ủng hộ những quốc gia nhỏ hơn tại Châu Á trước sự gia tăng các tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Tuy không đứng về phe nào trong tranh chấp nhưng Mỹ nhấn mạnh lợi ích của nước này trong việc giải quyết hòa bình những tranh chấp tại Biển Đông theo các nguyên tắc đã được chấp nhận của luật pháp quốc tế. Ngược lại, Bắc Kinh muốn đối thoại song phương với các quốc gia láng giềng và nhiều khả năng sẽ phản đối bất kỳ cuộc thảo luận nào về tranh chấp lãnh thổ cũng như vấn đề lớn hơn là an ninh hàng hải tại Hội nghị Cấp cao Đông Á tuần này.

Thứ ba là về quân sự. Đã có nhiều quan ngại tại Châu Á về sức mạnh quân sự của Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và sức ép cắt giảm ngân sách quốc phòng ngày càng gia tăng.
Chính quyền Obama đã vạch ra kế hoạch tái tổ chức lực lượng quân sự toàn cầu nhằm đảm bảo sự hiện diện đáng kể tại Châu Á và các vùng biển trong khu vực. Trước khi tới Bali, Obama sẽ thông báo việc thiết lập các căn cứ quân sự mới gần Đông Nam Á hơn tại Bắc Úc. Washington cũng đang cân nhắc lại học thuyết quân sự của mình. Trước việc phải đối đầu với sức mạnh hải quân và khả năng về tên lửa đang gia tăng của Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương, Washington được trông chờ sẽ công bố một học thuyết mới với tên gọi “cuộc chiến hải-không” (air-sea battle), có thể chống lại nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đẩy hải quân Mỹ xa hơn khỏi vùng biển Châu Á. Trước một chương trình nghị sự khu vực mới tại Hội nghị Cấp cao Bali tuần này, việc bày tỏ ủng hộ đối với các quốc gia nhỏ hơn tại Châu Á và các cuộc gặp với Tổng Thống Mỹ Obama, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề Hội nghị của Thủ Tướng Singh sẽ có cơ hội đem tới một vai trò lớn hơn cho Ấn Độ trong việc xác định và quản lý trật tự an ninh Châu Á.

--------------------------

Tin liên quan :

.
.
.

No comments: