Friday, November 04, 2011 8:34:01 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=139583&z=3
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=139583&z=3
Hành trình gian nan của một phụ nữ người Việt tị nạn, chỉ để nói lên sự thật và làm đúng lương tâm của người có chuyên môn, lan truyền đi nhanh chóng sau khi cơ quan điều tra độc lập của chính phủ ra thông cáo báo chí công nhận người phụ nữ này đã làm đúng, nói thật, nói thẳng trong nhiều năm qua.
Bà Lê Diễm Thi chụp tại tư gia. (Hình gia đình)
Người phụ nữ này là bà Lê Diễm Thi. Năm nay 52 tuổi, bà Thi làm kiểm toán viên cho Bộ Quốc Phòng. Trả lời báo Người Việt, bà giải thích lý do bà chịu đi qua quãng đường 6 năm điêu đứng đó, bằng một câu đơn giản: “Tại vì tôi không thể làm được những điều trái với lương tâm tôi.”
Qua Mỹ tị nạn năm 1975, bà Thi đến với nghề này một cách khá bình thường như mọi kiểm toán viên khác. Bà học ngành quản trị xí nghiệp tại Washington State University, sau khi ra trường làm kế toán cho các hãng tư. Năm 1989, bà Thi bỏ hãng tư vào làm cho cơ quan kiểm toán hợp đồng quốc phòng (Defense Contract Audit Agency). Cơ quan này xem xét hóa đơn của các công ty thầu cho quân đội, để bảo đảm nhà nước đừng phải trả tiền quá mức cần trả.
Với việc làm của một công chức, hàng chục năm kinh nghiệm quý báu có được từ thời gian làm hãng tư, không bao giờ bà Thi lại ngờ là có lúc bà trở thành cái gai trong mắt cấp trên, bị đì, bị trả thù, đến nỗi sự nghiệp tưởng như bị tiêu tan. Và bà cũng không ngờ có ngày bà trở thành nhân chứng quý giá, điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ, trước những nhân vật quyền lực nhất nước.
Tất cả những điều này đến với bà Thi, chỉ vì bà làm đúng theo nghề của bà, là “bảo vệ quyền lợi của người đóng thuế.”
Người “thổi còi”
Người ta gọi những người có can đảm lên tiếng tố cáo những điều sai trái ở nơi mình làm việc là “whistleblower.” Họ là những người trọng tài tự vác ngà lên vai, thổi còi mỗi khi họ thấy điều gì không đúng.
Và giống số phận của những “whistleblowers” khác, bà Thi đã phải chịu đựng một cuộc trù dập kéo dài nhiều năm, ở ngay cơ quan mình làm việc, cho đến khi mọi việc được đưa ra ánh sáng.
Bản thông cáo báo chí của Văn Phòng Luật Sư Ðặc Biệt (Office of Special Counsel) - cơ quan điều tra độc lập của chính phủ liên bang - viết:
“Cơ Quan Kiểm Toán Hợp Ðồng Quốc Phòng (DCAA) hôm nay đã có những hành động thích hợp để sửa chữa sai lầm trong việc ngược đãi bà Lê Diễm Thi, một kiểm toán viên chuyên nghiệp của cơ quan.”
Lý do bà Thi bị ngược đãi, hay đúng ra là bị trả thù, theo cách hành văn của người Luật Sư Ðặc Biệt, là vì bà đã tố giác những thiếu sót và gian lận kiểm toán tại DCAA, nơi bà làm việc.
Vào tháng 9 năm 2005, khi kiểm toán hóa đơn của các công ty lớn như Fluor, Parker Hannifin và Interstate Electronics, bà Thi đã khám phá ra những lỗi kế toán khiến chính phủ bị tính tiền quá mắc. Bà đem điều này nói với cấp trên, nhưng cấp trên lại gạt đi, và sửa báo cáo kiểm toán để lờ những lỗi này đi.
Ðiều này, tới nay, được văn phòng Luật Sư Ðặc Biệt công nhận. Nhưng, 6 năm trước, không ai chịu nghe bà Thi.
Không chỉ một mình báo cáo kiểm toán của bà Thi bị sửa từ “thiếu sót” thành “đầy đủ.” Một đồng nghiệp khác nói ông cũng bị sửa báo cáo từ “thiếu sót” thành “đầy đủ.”
Trong buổi điều trần tại Thượng Viện, bà kể:
“Tôi vào xem trong hệ thống computer của đội kiểm toán. Tôi giật mình thấy nhiều báo cáo cho rằng hệ thống kiểm soát của nhà thầu bị 'thiếu sót' thì người đứng đầu văn phòng lại sửa lại thành 'đầy đủ.'”
Bà nói với Ủy Ban Nội An và Chính Quyền Sự Vụ của Thượng Viện, “Tôi không biết tại sao người ta lại làm vậy, cho tới khi tôi hỏi đồng nghiệp ở những chi nhánh khác.”
Họ giải thích cho bà Thi biết, người sếp được đánh giá bằng số giờ kiểm toán, trên giá trị hợp đồng. Nếu cứ nói hệ thống của nhà thầu là thiếu sót, thì sẽ phải kiểm toán nhiều hơn, mất nhiều giờ hơn, và người sếp bị mất điểm, mất tiền thưởng, mất cơ hội tiến thân.
Và để bảo vệ cơ hội tiến thân của mình, sếp bà Thi trả thù và chặn cơ hội tiến thân của bà. DCAA đánh giá công việc của bà rất thấp một cách không thể giải thích được, không cho tăng lương, và bị khước từ các cơ hội lên chức, chịu thái độ xa lánh, thù nghịch của đồng nghiệp, và còn bị hăm dọa và quấy rối. Có lần bà Thi còn bị cấp trên ra lệnh cấm không được tiết lộ thông tin với những thanh tra bên ngoài, trong đó có US Office of Special Counsel.
Rất may, cơn ác mộng của bà sau 6 năm ròng rã cuối cùng đã chấm dứt.
Ðược hỏi về cảm tưởng, bà Thi bảo rất vui là những ngày kinh hoàng đã qua đi, vui hơn là giờ đây bà được lên chức, đảm nhiệm việc huấn luyện kiểm toán viên tại “Defense Contract Audit Agency,” nơi bà đã gia nhập với hoài bão phụng sự quốc gia, “bảo vệ quyền lợi của người đóng thuế.”
“Nhưng vui hơn cả là có thể sống đúng với quan điểm của mình là nhìn mình trong gương không thấy hổ thẹn.” Bà Thi khẳng định.
Nhưng bà Thi đã thấy gì, mà nếu không lên tiếng tố giác sẽ làm lương tâm hổ thẹn?
Trong bản trường trình dài 5 trang, công bố Tháng Tư năm 2010, US Office of Special Counsel xác định 3 điểm chính:
a) bà Thi khám phá những lỗi lầm kế toán đưa đến việc tính tính tiền chính phủ Hoa Kỳ quá mắc, của những hãng lớn như Fluor, Parker Hannifin và Interstate Electronics.
b) khi cấp trên sửa đổi ý kiến kiểm toán để lờ đi những sự kiện này, bà Thi đã gọi cho Department of Defense office of Inspector General's Hotline - DOD IG Hotline (đường dây nóng của văn phòng Thanh Tra Bộ Quốc Phòng) để trình bày sự việc,
c) bà Thi sau đó đã bị DCAA có những hàng loạt hành động trả thù, và
d) US Office of Special Counsel đề nghị DCAA phải sửa sai thích hợp.
Luật sư Ðặc biệt Carolyn Lerner, trong thông cáo báo chí, chính thức cám ơn bà:
“Tôi rất biết ơn Lê Diễm Thi đã có lòng can đảm, lên tiếng tố giác. Những whistleblowers như Lê Diễm Thi phải trả rất đắt cho sự nghiệp của họ khi lên tiếng tố cáo những sự gian lận và lạm dụng, tiết kiệm được tiền cho người đóng thuế, và làm cho chính quyền ngày càng mạnh hơn.”
Cái giá bà Lê Diễm Thi phải trả, có lẽ đối với nhiều người là quá đắt, nhưng với bà Thi, và cả người bạn đường của bà, là con đường duy nhất có thể chọn.
“Vì không thể làm những điều không đúng với lương tâm!”
Bà Thi tâm sự như thế khi tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại.
“Tôi là một người đàn bà có cá tính mạnh,” bà Thi nói.
Rồi tâm sự:
“Tuy thế, khi quyết định gọi cho Hotline tôi cũng run vô cùng, nhưng mình không thể thấy sai mà cứ yên lặng làm ngơ được.”
Bà cũng cho biết “nếu không có sự khuyến khích, hỗ trợ của anh Vũ,” chồng bà, “thì những năm vừa qua, có lẽ không biết làm sao mà chịu nổi. Anh Vũ là một người bạn đường rất tốt, tôi không thể kiếm được một người đáng quý hơn anh ấy!”
––––––-
Liên lạc tác giả: HaGiang@nguoi-viet.com
.
.
.
No comments:
Post a Comment