Saturday, November 26, 2011

NHÀ CẦM QUYỀN VIỆT NAM ĐÃ CÓ HƯỚNG ĐI RÕ RÀNG ? (Nguyễn Ngọc Già)



Nguyễn Ngọc Già
Thứ Bảy, 26/11/2011

Báo VNExpress ngày 26/11/2011 cho biết (1): "Một ngày sau khi Thủ tướng lên tiếng ủng hộ việc soạn thảo dự án Luật biểu tình, sáng nay Quốc hội đã thông qua nghị quyết đưa dự luật này vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật và pháp lệnh nhiệm kỳ 13".

Cuối cùng, Luật biểu tình đã chính thức được đưa vào chương trình làm luật của QH khóa XIII. Dù ông Hoàng Hữu Phước và những ông nghị nào ủng hộ ông ta có thể buồn một chút, thì cũng nên vui vẻ công nhận trong việc thông qua này, dư luận thật nóng và rất căng từ phía xã hội và báo giới trong ngoài nước đã góp phần rất lớn, cũng như nên ghi nhận tâm huyết của ông Dương Trung Quốc, ông Trương Trọng Nghĩa (tưởng như) lẻ loi trên diễn đàn. Một lần nữa, báo chí truyền thông tự do đã tiếp tục chứng tỏ sức sống mãnh liệt, không thể thiếu được của nó với vai trò phản biện phục vụ cho người dân. Có thể đối với một số người, có thêm một chút buồn nữa, lẽ ra không đợi đến khi người đứng đầu Hành pháp lên tiếng, cơ quan Lập pháp đã phải ngay lập tức mạnh mẽ và tự tin đưa vào chương trình soạn thảo trong bối cảnh xã hội hiện thực đang đòi hỏi. Thôi thì cũng thở nhẹ ra một chút.

Phần còn lại, nội dung "Luật biểu tình" như thế nào còn phải để hậu xét. Bên cạnh đó, vẫn thấy băn khoăn, khi VNExpress cho biết thêm: "Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến của nhiều đại biểu đối với dự án luật này là cần chỉ đạo, chuẩn bị kỹ về nội dung, cân nhắc thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua để tránh việc lợi dụng biểu tình gây rối an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức". Băn khoăn ở chỗ, làm sao cho các ông bà ĐBQH, nhất là những chuyên gia nào chắp bút soạn Luật biểu tình loại bỏ được suy nghĩ "lợi dụng"?! Hãy nghĩ về phục vụ cho dân, về sự trong sáng, công tâm thay vì nghĩ đến hai chữ "lợi dụng". Nói cách khác, tay thì đặt trên bàn phím, miệng thì trao đổi nội dung trong các cuộc họp bàn, nhưng trong đầu cứ ngay ngáy nỗi lo: "Không biết "chỗ này", "ý này", bọn dân đen có "lợi dụng", có "lách" được không nhỉ?".

Hãy soạn thảo Luật Biểu tình bằng cái tâm đối với dân, đặc biệt phải đinh ninh Luật biểu tình là MÓN NỢ quá lâu Nhà nước chưa trả cho dân, thay vì suy nghĩ vẩn vơ, vô lối. Cả hơn chục cuộc biểu tình ở Hà Nội và Saigon, ai cũng thấy, tất cả xấu xí, hỗn loạn và kém văn hóa xuất phát trực tiếp hay gián tiếp đều do phía công quyền gây ra bằng cách vu khống, chửi bới, hành xử bạo lực, khiêu khích, chọc ngoáy, dè bỉu, rình mò, giành giật biểu ngữ... dẫn đến tâm trạng người dân bị kích động, mất bình tĩnh để rồi một số người vin vào đó mà công kích cá nhân, bới móc đời tư rất tệ. Cũng từ đó gieo vào trong tâm lý của những người như Hoàng Hữu Phước xem người dân biểu tình chỉ là đám ô hợp, vô học. Điều này cho thấy, chính những người đại diện dân lại đang bóp méo và vu vạ cho dân!

***

Song song với Luật biểu tình được chính thức đưa vào soạn thảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tư cách đứng đầu hành pháp đã có một tuyên bố mà đài RFA đặt dấu hỏi có vẻ vừa hứng khởi vừa ngờ vực: "Phải chăng bắt đầu một vận hội mới?" (2). Với phát ngôn chính thức trong một diễn đàn của toàn dân, phát ngôn có thể gọi là có một không hai từ hơn 30 năm qua, ông Nguyễn Tấn Dũng đã gọi chế độ trước 1975 là "CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM CỘNG HÒA" - một phát ngôn gây choáng váng nhưng hoàn toàn tích cực từ nguyên thủ quốc gia. Chỉ có sáu chữ thôi, đúng, chỉ có sáu chữ, nhưng đã cho thấy một sự nhìn nhận chính danh, tôn trọng thay cho những từ ngữ xấu xí, miệt thị, rẻ khinh dành cho ông Nguyễn Văn Thiệu và nội các ngày xưa. Một phát ngôn, theo đánh giá cá nhân người viết có thể gọi là "đúng thực chất văn minh" cần phải có của một Nhà nước hợp pháp được Liên Hiệp Quốc công nhận. Kèm theo đó, cũng lần đầu tiên trước toàn thể đồng bào Việt Nam, ông Dũng tiếp tục làm kinh ngạc không chỉ giới báo chí mà ngay cả những người dân đang sống trong, ngoài nước, đó là việc chậm rãi mà dứt khoát khẳng định chủ quyền về Quần đảo HOÀNG SA và Quần đảo TRƯỜNG SA là CỦA VIỆT NAM, cũng như chính thức lên tiếng việc Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã dùng võ lực đánh chiếm trọn Hoàng Sa năm 1974.

Sau phút hứng khởi, nức lòng về những phát ngôn này, nhiều người dân tiếp tục đặt dấu hỏi về chữ TÍN đối với ông Dũng, khi liên hệ đến quá nhiều việc hơn 5 năm qua kể từ ngày ông nhậm chức Thủ tướng trong nhiệm kỳ đầu cho đến nay.

Không tránh khỏi sự ngờ vực trong dân chúng, mới đây con trai trưởng ông Dũng là Nguyễn Thanh Nghị đã nhậm chức Thứ trưởng Bộ Xây Dựng vào một ngày đẹp hiếm có lại dễ nhớ - 11/11/2011. Không khỏi nghi ngại, ngay cả cách chọn ngày để ban hành quyết định cho ông Nghị. Trước đó, bà Nguyễn Thanh Phượng cũng đã có bước tiến mới trong lĩnh vực ngân hàng để trở thành người lãnh đạo của một ngân hàng lớn tại Việt Nam. Người dân dè chừng với việc thu tóm quyền lực trong tay đang được dàn xếp thật êm nhẹ cùng hậu thuẫn từ lực lượng Công an và Quân đội, sau quá nhiều bê bối ở mảng kinh tế như Vinashin, in tiền Polimer... mà dư luận không thể bỏ qua, khi chủ nợ đang tiến hành kiện tụng Vinashin ra tòa London.

Quả đáng đăm chiêu trước những động thái gần đây của ông Nguyễn Tấn Dũng, đây đó đều râm ran bàn tán "cuộc chiến Ba - Tư" do người ký tên Trềnh A Sáng vừa tung lên mạng, gây sự chú ý đặc biệt trong công luận về cuộc tỉ thí giữa ông Chủ tịch nước và ông Thủ tướng để tranh giành quyền lực. Như nhà thơ Nguyễn Duy đã nói: "Nghĩ cho cùng mỗi cuộc chiến tranh, phe nào thắng thì nhân dân đều bại" để lên án sự đấu đá tranh giành quyền lực dù ở cấp độ nào đi chăng nữa, người dân vẫn phải nhận lãnh mọi hậu quả tồi tệ.

Người dân vẫn đang dè dặt với những phát ngôn của ông Dũng và cả ông Sang, bởi hơn 36 năm qua họ đã quá ớn những "chiếc bánh vẽ" mà thể chế này hay đưa ra vào những lúc muốn tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Nay, xem ra khó sử dụng nữa rồi, vì thế những chiếc bánh vẽ (nếu quả thật là vậy) chỉ làm cho người dân càng cảnh giác cao độ để hướng về việc làm cụ thể, thiết thực của những người chịu trách nhiệm cao nhất tại Việt Nam.

Nhà cầm quyền có lẽ cũng nhận rõ điều này, vậy nên hành động sớm như nhiều người đã yêu cầu từ lâu:

- Những vụ án hoàn toàn là hình sự không hề mang hơi hướm chính trị như cái chết: Nguyễn Công Nhựt, Trịnh Thanh Tùng mà vợ và con họ đang đi đòi công lý gần cả năm qua phải được đem ra xét xử ngay lập tức với một tâm thức công bằng, thượng tôn pháp luật, đúng người đúng tội. Cần nhớ, chính những người dân lương thiện này tác động mạnh mẽ nhất vào nhận thức xã hội bởi tính trong sáng, chỉ đòi công lý, không vướng bận một chút danh vọng hay cái mà nhiều người hoạt động dân chủ hay bị vu là "đánh bóng tên tuổi".

- Trả tự do ngay và vô điều kiện đối với ông Nguyễn Văn Hải (Blogger Điếu Cày). Xét cho đến nay, đây là trường hợp vô lý, vô pháp nhất trong nhiều trường hợp tù nhân chính trị, bởi ông Hải đã hoàn tất quá trình thọ án với tội danh "trốn thuế", không còn lý do nào để biện minh cho việc giam giữ mờ ám. Đồng thời làm rõ việc "mất tay" hay không của ông Hải. Quả đáng nghi ngờ và thật đau lòng khi người viết bài nghiêng về tình huống "mất tay" đã là sự thật, nên phía công an loay hoay nhiều tháng qua mà không tài nào giải thích nổi. Nếu đây là sự thật, cần nghiêm trị theo pháp luật những ai làm "mất tay" ông Hải, việc xét xử nghiêm minh này càng làm cho người dân càng tin tưởng với những gì ông Dũng, ông Sang tuyên bố. Hoàn toàn có lợi cho chế độ.

- Trả tự do ngay cho Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn Trội v.v... và những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm có thời gian thọ án đã chiếm hơn 50% án đã kết.

- Phiên xử phúc thẩm tới đây của Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành trong vụ việc có liên quan đến môn phái "Pháp luân công", cần tuyên án vô tội cho họ, một mặt để chứng minh lời nói đi đôi việc làm của nhà cầm quyền, mặc khác chuyển thông điệp nhẹ đến nhà cầm quyền Trung Quốc rằng: quý vị không nên can thiệp vào nội bộ Việt Nam (như Bộ ngoại giao Việt Nam hay tuyên bố).

- Tất cả những ai bị tạm giam quá thời hạn luật định như: Phan Thanh Hải hay 15 người là các giáo dân bị bắt trái pháp luật vừa qua, cần phải công khai họ có tội hay vô tội rồi theo đó mà giải quyết ngay lập tức. Đặc biệt trường hợp Phan Thanh Hải (Blogger Anh Ba Sài gòn) tính đến nay đã hơn cả năm trời bị bắt khẩn cấp vào lúc 10 giờ 30 tối ngày 18/10/2010 nhưng thủ tục bắt hoàn toàn vi phạm pháp luật.

- Ông Dũng đã gọi Nhà nước VN trước 1975 là "Chính quyền VNCH" và dõng dạc tuyên bố Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng võ lực, điều này đồng nghĩa ông đã thay mặt Nhà nước công nhận những binh sĩ hy sinh năm 1974 tại Hoàng Sa là Liệt sĩ. Vậy theo đó, giao cho Bộ LĐ - TB- XH nhanh chóng làm thủ tục công nhận để cho người thân của những chiến sĩ ấy không sống trong oan ức, cũng như truy lãnh tất cả những quyền lợi mà họ được quyền hưởng từ sự hy sinh của người thân. Đồng thời ông Dũng cũng đã công nhận lời kêu gọi trả tự do cho những ai phục vụ trong chính thể VNCH của ông Cù Huy Hà Vũ là đúng, vậy cần trả tự do ngay cho ông Cù Huy Hà Vũ để minh định lời nói và việc làm hoàn toàn song hành.

- Nhanh chóng nới lỏng các biện pháp khắc nghiệt trong lao tù, tăng cường chăm sóc y tế, dinh dưỡng trong bữa ăn tù nhân.

- Cần ký kết thỏa thuận "Hiệp định Liên Hiệp Quốc chống tra tấn" (3) mà Việt Nam cam kết ký trong năm nay. Bây giờ đã là cuối tháng 11 rồi, e khá trễ, tuy vậy có thể làm sớm trước tết âm lịch.

***

Khởi từ tuyên bố hơn 16 tháng trước của Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton: sự hòa bình và ổn định của biển Đông dung chứa "lợi ích quốc gia Hoa Kỳ", đã từng làm Trung Quốc phản ứng gay gắt nhưng không hiệu quả. Vừa rồi, tại Indonesia, Tổng thống Barack Obama đã khẳng định quá rõ ràng và ngắn gọn: HOA KỲ TRỞ LẠI CHÂU Á. Đó cho thấy chính sách chính trị, ngoại giao, kinh tế nhất quán, xuyên suốt và có hệ thống của người Mỹ, những tuyên bố cấp cao không phải chuyện đùa. Kèm theo đó, dường như Barack Obama đã dứt khoát nhưng nhẹ nhàng tuyên bố (4):
“Lịch sử cho thấy dân chủ và phát triển kinh tế phải đi đôi với nhau".Phải chăng đây là thông điệp dành cho Nhà cầm quyền Việt Nam?
"Thịnh vượng mà không có tự do là một dạng nghèo khó khác”.Còn đây là lời nhắn gửi cho Nhà cầm quyền Trung Quốc?

Cuối cùng, nếu chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam được biến thành sự thật từ Tổng thống Barack Obama, đó là bước chuyển biến tốt đẹp trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, cũng như Asian và Châu Á hiện đang diễn ra phức tạp. Không biết ông Nguyễn Tấn Dũng còn nhớ đến chuyến viếng thăm mà ông đã hoan nghênh vào tháng 7 năm ngoái trước bà Hillary Rodham Clinton (5)?

Nguyễn Ngọc Già
________________

.
.
.

No comments: