Saturday, November 5, 2011

NGƯỜI MỸ LÚN SÂU VÀO PHONG TRÀO VÔ LÝ & TUYỆT VỌNG (David Pinkus)


Tác giả: David Pinkus (ĐH Arizona State)

Quốc Dũng dịch
Bài đã được xuất bản.: 05/11/2011 06:00 GMT+7

(VEF.VN) - Lãnh đạo Mỹ đã không tìm ra được một biện pháp khả thi nào để trấn an người dân, và người dân Mỹ thì đang ngày càng lún sâu vào những phong trào vô lý và tuyệt vọng hơn - bình luận của GS David Pinkus (ĐH Arizona State, Mỹ) viết riêng cho Diễn đàn Kinh tế Việt Nam về Chiếm phố Wall.

17/9/2011 là ngày đầu tiên cuộc biểu tình "Chiếm phố Wall" nổ ra. Cuộc biểu tình đã vượt ra ngoài thành phố New York, và thậm chí là cả biên giới nước Mỹ để rồi xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều người, bao gồm cả các nhà lãnh đạo chính trị, bắt đầu gọi những cuộc biểu tình này là một dạng "phong trào".

Tuy nhiên nếu gọi Chiếm phố Wall (OWS) là một phong trào, thì đây chỉ là một phong trào quy mô nhỏ, với lượng thành viên tích cực trong những cuộc biểu tình trung bình chỉ vài trăm. Con số này chỉ tăng mạnh lên hàng chục nghìn người khi có sự tham gia của các công đoàn - những tổ chức có mục tiêu hạn chế và cụ thể hơn. Các cuộc biểu tình cũng đông hơn vào cuối tuần, khi có nhiều người tham gia vào hoạt động này như một hình thức giải trí.

Tương tự, dù thỉnh thoảng có gây ách tắc giao thông, các cuộc biểu tình của phong trào chưa thực sự "chiếm" được bất cứ điều gì. Việc bắt giữ hay bạo lực xảy ra ở mức độ nhỏ không khiến xã hội bận tâm. Cuộc sống không bị gián đoạn, và những người ở ngoài vùng bao phủ của phong trào vẫn sinh hoạt như bình thường. Nó khiến cho OWS không thể trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn, và chẳng thế "đánh chiếm" được thành phố nào của nước Mỹ, cho dù cũng có một vài doanh nghiệp phải tạm đóng cửa do ảnh hưởng của nó.

Mặc dù vậy, OWS cũng có những tác động đến dư luận. Lý do hình thành nên phong trào là yếu tố quan trọng nhất về nó. Các phương tiện truyền thông Mỹ tràn ngập những cuộc thảo luận về việc OWS đã nêu ra tình trạng nước Mỹ ngày nay. Những cuộc thảo luận này đã tạo ra rất nhiều xúc cảm. Hầu hết người dân Mỹ đều tin vào những điều mà OWS đã nêu ra. Bất chấp con số thực tế những người tham gia chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong dân số của nước Mỹ, nó dường như vẫn đại diện cho tiếng nói của đông đảo quần chúng.

Và cho dù khẩu hiệu của phong trào vẫn có phần lỏng lẻo, nó đã biến OWS trở thành một phong trào "dân túy", tương tự như phong trào Tea Party. Dù thành viên của cả 2 phong trào nay không thích bị so sánh với nhau, họ vẫn có những điểm tương đồng:
- Đầu tiền, cả hai đều kêu gọi bồi thường cho người dân, và chống lại những nhóm nhỏ thuộc giới thượng lưu
- Cả hai đều không thích các Đảng chính trị truyền thống, cho rằng các Đảng này không có khả năng đáp ứng những nhu cầu hiện tại và đang có sự tổn hại từ trong "hệ thống".
- Cả hai đều không xác định mục tiệu một cách nhất quán và chính xác. Trong một số thời điểm, họ đưa ra những đòi hỏi rất cụ thể để mang lại lợi ích cho những thành viên thuộc nhóm của mình, và cố gắng tạo ra những ảnh hưởng chính trị để đạt được mục đích. Nhưng vào những thời điểm khác, họ lại từ chối các chính trị gia và kêu gọi Chính phủ phải thay đổi lại hoàn toàn.
- Cả hai đều vay mượn những kỹ thuật từ nghệ thuật và tôn giáo để tạo ra và ràng buộc ý thức cộng đồng thông qua những xúc cảm mạnh mẽ. Họ sử dụng âm nhạc, cờ, khẩu hiệu và diễu hành để tạo ra những màn trình diễn kịch tính. Họ đối xử với những người tham gia vào phong trào như những người thân và không đưa ra quá nhiều yêu cầu. Họ trực tiếp thể hiện sự tức giận với những kẻ "bên ngoài" của phong trào, vốn là nguyên nhân và cũng là đối tượng của phong trào.

Rất ít điểm khác nhau giữa OWS và Tea Party. Nếu có thì đó là OWS căm ghét các nhà đầu tư trên phố Wall, còn Tea Party lại không thích Chính quyền Washington. Tuy nhiên, điều này cũng không hoàn toàn khác biệt. Những người ủng hộ phong trào Tea Party cũng căm ghét hệ thống ngân hàng và về vấn đề này thì họ hoàn toàn đồng tình với OWS. Về phía OWS, phong trào này cũng chẳng ưa gì chính phủ, và nói rằng họ đại diện cho 99% người dân Mỹ.

Trên thực tế, sự khác biệt thực sự giữa 2 phong trào này chỉ là khoảng cách địa lý và những điều họ nói về nhau. Như tên gọi của mình, OWS là một sự kiện diễn ra ở khu vực đô thị và phản ánh sự hòa hợp dân tộc tại các thành phố lớn. Còn Tea Party lại diễn ra ở khu vực ít bị đô thị hóa của Mỹ, và tập trung chủ yếu là người da trắng. Điều này giúp cho Tea Party dẽ dàng hơn trong việc quyên góp những khoản tiền lớn. Cả hai đều coi mình là đại diện thực sự của người dân và cho rằng phe đối đầu của họ mang những giá trị sai lầm.

Câu hỏi thực sự được đặt ra là tại sao các phong trào dân túy lại diễn ra phổ biến trong thời điểm hiện tại. Để hiểu được điều này, chúng ta phải nhớ đến những phản ứng của người dân Mỹ trong cuộc khủng hoảng diễn ra năm 2008 và chiến lược tài chính với tên gọi "quá lớn để có thể sụp đổ".

Tháng 9/2008, ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ, Lehman Brothers đã tuyên bố phá sản. Hầu hết người Mỹ, cũng như người Việt Nam, đều không quan tâm đến điều này. Tuy nhiên, mọi người đã sớm nhận ra nền kinh tế thế giới đã mặc phải những vấn đề trầm trọng và khiến cuộc sống của họ ngày càng khó khăn hơn.

Mặc khác, Chính phủ và doanh nghiệp lớn thì nghĩ rằng những gì xảy ra với Lehman có thể sẽ tái diễn ở các ngân hàng lớn khác, và thế giới có thể chìm vào một cuộc đại suy thoái mới nếu các ngân hàng lớn không thể cho vay tiền, những tổ chức kinh doanh không thể vay được tín dụng sẽ buộc phải sa thải một lượng lớn nhân viên. Đến lượt chính phủ sẽ không thể thu được thuế từ những người thấp nghiệp khi doanh nghiệp cắt giảm nhân công và tái cơ cấu lại tổ chức.

Trước những vấn đề như vậy, các chính trị gia và giới kinh doanh đã đưa ra một quyết định khiến tầng lớp trung lưu của Mỹ rất tức giận. Đó là họ quyết định "giải cứu" các ngân hàng dễ bị tổn thương và các doanh nghiệp lớn bằng cách bơm vào đấy hàng tỉ USD.

Chi tiết của các gói cứu trợ là vô cùng phức tạp, thậm chí cả các chuyên gia kinh tế cũng khó có thể phân tích nổi nó. Và quan trọng hơn, có một cuộc tranh cãi chính trị xung quanh việc các gói cứu trợ có thực sự đem lại hiệu quả. Một số chuyên gia cho rằng hoàn toàn không, nhưng có những người lại cho rằng nều không có các gói cứu trợ, tình hình đã tồi tệ hơn nhiều. Những người thuộc tầng lớp trung lưu của Mỹ thì không quan tâm đến những cuộc tranh luận này, nhưng họ vẫn nhận thấy rằng nền kinh tế đang tăng trưởng yếu. Những gì họ nhìn thấy đó là công cuộc "giải cứu" đã không thể giải quyết được những vấn đề mà họ coi là cấp bách, và họ cũng không nhìn thấy các giải pháp khả thi trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, các phong trào như OWS và Tea Party bắt đầu phát triển, bởi những phong trào này nắm bắt đúng được những suy nghĩ của người dân. Dưới đây là những suy nghĩ phổ biến nhất:

Đầu tiên, các thành viên của OWS và Tea Party không nghĩ rằng cuộc khủng hoảng xảy ra bởi những yếu tố như chu kỳ kinh doanh hay những tác động của toàn cầu hóa. Họ cho rằng cuộc khủng hoảng xảy ra bởi một số kẻ xấu xa và vô trách nhiệm

Thứ hai, người ủng hộ phong trào không nghĩ rằng bản thân họ cũng đã góp phần gây ra những vấn đề của nền kinh tế. Kết quả là họ luôn kêu gọi sự trừng phạt, chỉ khác nhau ở điểm là nên trừng phạt ai và trừng phạt như thế nào.

Điều cuối cùng, bên cạnh việc kêu gọi bỏ đi những ưu đãi giành cho tầng lớp thượng lưu, những phong trào này cũng yêu cầu nhiều hơn cho mình. Chẳng hạn, OWS yêu cầu các khoản vay cho sinh viên học đại học cần được xóa bỏ. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đề những ngân hàng cung cấp khoản vay này, nhưng tốt cho những người ủng hộ OWS. Tương tự, Tea Party muốn chính phủ không hỗ trợ cho những kẻ mà họ ghét, và yêu cầu chính phủ phải mở rộng trợ cấp y tế và quân đội bởi tổ chức này sẽ được hưởng lợi từ những điều này, cho dù đối với toàn nước Mỹ thì chưa chắc.

Làm thế nào để các nhà lãnh đạo của nước Mỹ có thể đáp ứng được tất cả những điều này? Mặc dù chúng ta luôn có cảm giác rằng các nhà lãnh đạo chỉ nghe lời của tầng lớp thượng lưu, nhưng sự thực là các chính trị gia Mỹ đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực để chiếm được cảm tình các phong trào dân túy.

Lãnh đạo của Đảng Cộng hòa đã nói với phong trào Tea Party rằng nếu nhận được sự ủng hộ của Tea Party, họ sẽ đáp ứng nhu cầu của phong trào. Phía bên kia, các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ cũng ủng hộ OWS bằng cách tuyên bố họ sẽ giải quyết vấn đề kinh tế và xã hội bằng cách tăng thuế đối với các triệu phú. Chính những điều này khiến các phong trào dân túy ngày càng phát triển.

Còn nhiều điều nữa cần phải thảo luận, nhưng rõ ràng là Chiếm phố Wall hay Tea Party đều là những dấu hiệu cho thấy nước Mỹ đang ngày càng suy yếu. Lãnh đạo của nước Mỹ đã không tìm ra được một biện pháp khả thi nào để trấn an người dân, và người dân Mỹ thì đang ngày càng lún sâu vào những phong trào vô lý và tuyệt vọng hơn.

(Quốc Dũng dịch)

.
.
.

No comments: