Friday, November 4, 2011

MỘT VÌ SAO VỪA TẮT : THI SĨ HÀ THƯỢNG NHÂN (Nguyễn Mạnh Trinh)


Nguyễn Mạnh Trinh
Thứ Sáu, 21 tháng 10 2011

Thi sĩ Hà Thượng Nhân

1.

Một văn tinh vừa tắt. Nhà thơ Hà Thượng Nhân vừa từ trần ngày 11 tháng 10 vừa qua.

Ông người làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, đã từng đi theo Kháng chiến rồi trở về thành và di cư vào Nam. Ông là chân dung của một nghệ sĩ đích thực. Của một ông đồ nho thấm nhuần truyền thống uyên áo của dân tộc. Của một nhà truyền thông lão luyện đã giữ những trọng trách suốt một thời gian dài. Của một chính khách có uy tín nhưng lại không chạy theo danh vọng. Của một người Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố lịch sử gần như suốt một thế kỷ và đời sống trôi theo nhịp thăng trầm của đất nước loạn ly. Và, của một thi sĩ, luôn nâng niu thi ca như một báu vật của trời và tầm mắt luôn hướng vọng về những chân trời của Đông Phương lãng mạn. Những chân dung rực rỡ và đa diện ấy chỉ là một phần trong tổng thể vóc dáng của nhà thơ Hà Thượng Nhân. Trong hành trình tìm kiếm chân dung đích thực của ông, tôi đã tìm kiếm được rất nhiều bất ngờ lý thú.

Ông sinh năm 1920, Hà Thượng Nhân là bút hiệu có nguyên danh là Hoàng Sĩ Trinh, sau khi về Thành, lấy tên khác là Phạm Xuân Ninh theo phả hệ của cụ Phạm Xuân Độ mà ông coi như là cha nuôi. Ông đã dạy học tại trường Dũng Lạc ở Hà Nội và trường Thiếu Sinh Quân Liên Khu IV rồi theo kháng chiến chống Pháp đến năm 1952 thì về Thành rồi di cư vào Nam năm 1954. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông gia nhập quân đội với cấp bậc đại úy đồng hóa. Ông đã soạn thảo tập Sơ Thảo Lý Thuyết Chiến Tranh Tâm Lý và đảm nhiệm Nha Chiến Tranh Tâm Lý sau phát triển thành Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị.

Ông làm Giám Đốc Đài Phát Thanh Quốc Gia, chủ bút rồi chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến là cơ quan ngôn luận chính thức của QLVNCH. Khi viết báo Tự Do, ông thường ký bút hiệu Tiểu Nhã và phụ trách mục thơ châm biếm Đàn Ngang Cung. Trên báo Ngôn Luận ông dùng bút hiệu Nam Phương Sóc cho các bài viết của mình.

Tôi đọc “Thơ Hà Thượng Nhân” và qua phần Thân Hữu Cảm Khái đã biết được một phần nào chân dung kẻ sĩ phương đông của ông. Trong bài “Kỷ niệm Tiền Tuyến” của Nhất Giang, kể lại hai việc mà anh cho là của kẻ sĩ uy vũ bất năng khuất. Khi tờ báo bị lỗi kỹ thuật và bị cấp trên (tức Trung tướng Trần Văn Trung) hỏi thăm ông nhận lỗi cho thuộc cấp và chỉ cảnh cáo sơ sài những người phạm lỗi:
- Trình Trung tá có Trung tướng muốn nói chuyện với Trung tá!
Trung tướng đây là Trung tướng Trần Văn Trung, tổng cục trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, người trực tiếp chỉ huy cao cấp nhất của chúng tôi.
Trung tá Ninh thản nhiên cầm điện thoại:
-Alô, chào Trung tướng tôi nghe.
Từ đầu dây bên kia có giọng nói của ông tướng đầy vẻ bực bội:
-Anh Ninh, sáng ni anh đã đọc báo của anh chưa?
Giọng của ông Ninh vẫn điềm đạm bình thản:
-Tôi mới vào tòa soạn nên chưa kịp đọc, có chuyện gì vậy thưa Trung tướng?
Giọng ông tướng càng có vẻ bực dọc hơn:
-Anh có thấy Việt Cộng có cái loại vũ khí chi lạ: nó pháo kích vô Nam Vang mà lại làm sập đài phát tuyến ở Quán Tre!
Ông Ninh ra hiệu cho thượng sĩ Cót đưa trang nhất của tờ báo để ông liếc sơ qua, xong ông nói:
- Thưa Trung tướng, có thể đây là lỗi kỹ thuật, Trung tướng để tôi xem lại rồi sẽ trình trung tướng rõ.
-
Được rồi, nhưng anh phải tường trình cho tôi biết rõ ràng sự việc nội buổi sáng nay. Anh nên nhớ sáng nào tổng thống cũng đều đọc báo của anh. Lỡ tổng thống hỏi tôi biết trả lời mần răng?

Mà lỗi kỹ thuật thật! Chả là vì ông “xếp ty pô” đã vô ý bốc nhầm hai “pac kê” 2 cái tít của hai bản tin hai cột khác nhau cùng loan tin Việt Cộng pháo kích nhưng một cái là “Cộng Quân pháo kích Trung Tâm Huấn Luyện QuangTrung gây thiệt hại cho đài phát tuyến Quán Tre” còn một cái tít khác là “Cộng Quân pháo kích thành phố Nam Vang” nhưng ông thầy sắp chữ đã bê nhầm vế trên của cái tin hai cột này đặt vào vế dưới của tin hai cột kia nên mới có chuyện râu ông nọ cắm cằm bà kia như vậy. Khi truy nguyên ra sự việc, các ông tổng thư ký, thầy cò (tức người có trách nhiệm sửa lỗi các bản in thử) và xếp typô là Thầy Tiều (cũng là lính cơ hữu của Tiền Tuyến) chỉ bị ông Ninh nhẹ nhàng khiển trách vì ông biết việc này hoàn toàn chỉ là một tai nạn nghề nghiệp. Sau đó ông ra lệnh cho thượng sĩ Cót làm một bản tường trình với ông Tướng cùng với đề nghị ông tự phạt mình 30 ngày trọng cấm…

Và còn nhiều ví dụ khác như ông đã thuyết phục được Tổng thống Ngô Đình Diệm thay đổi quyết định khi cho các linh mục có chương trình tôn giáo trên đài phát thanh quốc gia lúc ông làm giám đốc đài. Khi tổng thống hỏi ông có nên đưa một chương trình của Công giáo từ hệ thống C lên hệ thống A không thì ông đã trả lời thẳng là không nên vì làm vậy 4 tôn giáo lớn khác sẽ so bì và tổng thống đã đồng ý theo nhận định đứng đắn của ông. Hay như khi làm chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến, mặc dù là cơ quan truyền thông của QLVNCH nhưng cũng hưởng ứng làng báo Sài Gòn đình bản một ngày trong việc chống lại tăng giá bông giấy. Những việc làm của ông phải là của một người lãnh đạo dám nhận trách nhiệm của mình.

Khi vào tù Cộng sản, ông cũng thản nhiên và dùng văn thơ như một cách để sống thực và biểu lộ tâm tình của mình với gia đình, với đất nước. Như khi viết Bên Trời Lận Đận, ông đã mượn Tỳ Bà Hành để nói lên tâm sự của mình. Ông viết:

“Tâm sự , cảnh ngộ của Bạch Cư Dị đâu phải là tâm sự cảnh ngộ của tôi, nhưng tấc lòng đắng cay Bên Trời Lận Đận kia cũng là tấc lòng đắng cay của chính mình.
Tỳ Bà Hành chỉ là một cái cớ để tôi nói lên tâm sự của riêng mình. Bạn đọc sẽ bắt gặp trong tập thơ này nhiều ý, nhiều câu trùng hợp, điều đó cũng không quan trọng. Điều quan trọng là liệu tôi có dựa vào nỗi lòng của cố nhân để gửi gấm được chút gì nỗi lòng của mình không? Liệu những oan trái mà tôi và các bạn tôi đã trải qua có thể làm cho người đọc bồi hồi xúc động như tôi đã bồi hồi xúc động khi đọc Tỳ Bà Hành chăng? Từ đó liệu con đường đi tìm Chân Lý, đi tìm Lẽ Phải có bớt chông gai được chút nào chăng?”

Bên Trời Lận Đận có những câu thơ như nói với người xưa mà gửi lại thế hệ hôm nay. Thơ như lúc nào cũng vẳng lại âm điệu đoạn trường của tiếng đàn ngày xưa trên sông nước nhưng cũng chính là tiếng lòng rung động của một người bị trói buộc vào những cảnh ngộ đau lòng:

Ôi cơn gió heo may thuở trước
Lạnh ngàn năm sông nước Tầm Dương
Về đây rừng núi Thanh Chương
Nghe heo may nổi canh trường ngẩn ngơ
Trước đã có nhà thơ cùng quẫn
Ngàn năm sau sao vẫn còn ta?
Đời gần tưởng đã rất xa
Bâng khuâng vì tiếng tỳ bà chưa nghe…

Có những câu thơ phải viết và phải nhớ, vì không viết không nhớ không được. Có phải là tiếng kêu vọng lên trời xanh để gửi những uất hận liếp người vào vô tận. Ngày xưa. Bạch Cư Dị và Tỳ Bà Hành thì bây giờ, ở xó rừng tù ngục, Hà Thượng Nhân và Bên Trời Lận Đận như có giây phút giao thoa với nhau để thành cung bậc xót thương cho kiếp nhân sinh đọa đầy.

Với tôi, một người yêu thơ và cũng là một người tù cải tạo, sau năm 1975 tôi được nghe nhiều về ông qua hai bài thơ viết về những ngày sa cơ trong trại tù Cộng sản là bài “Mưa ở Long Giao” và bài “Xin Làm Cỏ Biếc”. Bài thơ “Mưa ở Long Giao” được nhạc sĩ cũng bị giam chung với ông Vũ Đức Nghiêm phổ nhạc và truyền tụng về tới dư luận ở Sài Gòn qua tay của các bà vợ đi thăm nuôi chồng rồi trở ngược lại trong các trại tù. Lúc ấy tụi tôi chỉ biết là thơ của một thi sĩ nổi danh trước đây thôi chứ không biết là của nhà thơ Hà Thượng Nhân và nhạc của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Bài thơ đã nói lên tâm sự của một người tù trước cảnh quốc phá gia vong,

Trời có điều chi buồn
mà trời mưa mãi thế?
Cỏ cây có chi buồn
Mà cỏ cây đẫm lệ?
Thương Em từng phút
Nhớ con từng giây
Chim nào không có cánh
Cánh nào không thèm bay?
Người nào không có tình
Tình nào không đắm say?
Trao làm sao nỗi nhớ
Gửi làm sao niềm thương!
Nhớ thương như trời đất
Trời đất vốn vô thường!
Ngày xưa chim hồng hộc
Bay cao chín tầng mây
Ngày xưa khắp năm châu
Bước chân đi nhỏ hẹp
Ngày nay giữa Long Giao
Nằm nghe mưa sùi sụt
Mời nhau điếu thuốc lào
mình say... mình say sao?

2.

Thơ dàn trải những nỗi niềm. Của những con người của một thời thế lịch sử đầy bi kịch. Hoàn cảnh ấy không phải chỉ riêng của một người như Hà Thượng Nhân hay Vũ Đức Nghiêm. Mà nó thành của chung của nhiều người của hàng trăn ngàn quân cán chính VNCH bị đầy ải trong ngục tù Cộng sản. Bản nhạc được phổ biến và hát lén lút trong tù. Cho tới bây giờ bài thơ và bài hát vẫn còn ghi khắc trong bộ nhớ của những người cùng chung số phận với thi sĩ và nhạc sĩ như một chứng tích không thể nào quên của lịch sử Việt Nam.

Bài thơ thứ hai là bài “Xin Làm Cỏ Biếc”, ông viết trong lúc chuyển trại từ Trại tù Thác Bà, Yên Bái về trại 6 Thanh Chương, Hà Tĩnh năm 1979:

anh cầm tay em
bàn tay khô héo
anh nhìn mắt em
gió lùa lạnh lẽo
anh nhìn lòng mình
mùa xuân mông mênh
cỏ non mùa xuân
còn vương dấu chân
trăng non mùa hạ
ướt đôi vai trần
có xa không nhỉ?
Ngày xưa thật gần
Thời gian! Thời gian
Em vẫn là em
Nụ cười rạng rỡ
Ngày nào vừa quen
Mai đưa em về
Xin làm cỏ biếc
Vương chân em đi
Xin làm giọt mưa
mưa giầm rưng rức
Trên vai người yêu…

Trong tù ngục Cộng sản, thì nhớ về gia đình là một phương cách để người tù “gắng sống mà trở về”. Đã có biết bao nhiêu cơn mơ của người tù cải tạo, đêm đêm nằm trong vòng lao ngục nhưng vẫn mơ đến gia đình, nhớ thương đến những người thân yêu đang xa cách. Nhà thơ Hà Thượng Nhân cũng thế, ở trong những trại giam khắc nghiệt nhất của chế độ Cộng sản, trong lúc bị chuyển trại nhọc nhằn từ địa ngục này sang cõi a tỳ khác, nhà thơ vẫn thản nhiên nghĩ về tình yêu của mình của thuở ngày xưa tươi đẹp. Đó là một phản ứng để quên đi thực tại đen tối của những người bị cả một chính sách quy mô đầy đọa.

Bài thơ này thiết tha của một tình yêu, vượt qua được cảnh giới u ám đen thẳm của những trại tù để về miền ký ức của ngày xưa, của tình cảm không phai nhòa dù trải qua nhiều cảnh huống đoạn trường của cuộc sống.

Khi nói về những bài thơ “Thư Của Chúng Mình” ông viết: “Đọc lại thơ cũ tôi vẫn bồi hồi xúc động như ngày nào. Ba mươi tám năm trời trôi qua (Tập thơ được viết vào năm 1949). Tập thơ vẫn chưa hề được công bố. Tôi bỗng nghĩ rằng: ‘Cuộc đời này tạm bợ còn có ý nghĩa hơn là tình yêu nữa không? Nỗi lòng của chúng tôi cũng như nỗi lòng của triệu triệu người vào cùng một lứa tuổi. Vậy thì tại sao không công bố? Tình yêu không có tuổi, lòng ta không già…’”

Theo tài liệu của Wikipedia tiếng Việt thì “Về tài văn thơ ông có biệt tài làm thơ trào lộng nhưng khi còn trẻ tuổi ông cũng sính thơ Đường. Khi vào Huế trong một cuộc chơi thơ ông có ứng khẩu một bài thơ vịnh “trăng thu” mà được cụ Ưng Bình chấm là hay nhất và khen:

Trăm mặt thẹn thua chàng tuổi trẻ
Một bài cũng đủ gọi Thi ông….

Hai nhà thơ Hữu Loan và Hà Thượng Nhân là bạn cùng lứa tuổi và cùng quê quán ở Thanh Hóa nên rất thân thiết. Hữu Loan, một nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, người đã phê bình sự dốt nát của các quan “văn nghệ Cộng sản” bằng hình ảnh ví von thật ác: “Những mắt lợn thưởng tranh. Những tai trâu huấn nhạc.” Và cũng chính Hữu Loan, tác giả của bài thơ “Mầu tím hoa sim”, người đã không thèm cầm bút theo sự chỉ huy của chính quyền chuyên chế, về cày ruộng thồ đá, lao động như một nông dân chính hiệu.

Nhà thơ Hà Thượng Nhân đã có những câu thơ phác họa chân dung bạn mình thật sống động như:

...Nguyễn Hữu Loan
hồn nhiên như con trẻ
đơn sơ như miệng cười
dám chân thành làm một con người
giữa bão tố quyết không là cây sậy
chỉ biết cúi đầu vâng lời lẽ phải.
Với bạn bè gìn giữ thủy chung
Đỗ Phủ xưa dù lớn vô cùng
Nguyễn Hữu Loan không chịu là Đỗ Phủ
Ba mươi mấy năm chân trần lam lũ.
-Đói khôngLoan?
Khổ không Loan?
Tao chẳng khổ bao giờ
Tao đi cày như tao làm thơ
-Mày đi cày vì mày dám làm thơ.
Thơ vĩ đại vì thơ không đánh đĩ
Bọn dối trá chẳng thể là thi sĩ
Kiệt Trụ đừng nói chuyện thi ca.
Nhớ Nguyễn Du xưa rau cháo xanh da
Nửa tháng ốm không có tiền mua thuốc.
Không cần thép thơ vẫn thành bó đuốc.
Thơ nâng người cao sát với thần linh

Thi sĩ Hà Thượng Nhân không ca tụng Hữu Loan với tư cách một người bạn mà ông muốn qua chân dung thi sĩ, mà có người ví von là một “cây thước gỗ lim vuông cành cạch”, để tố cáo một chế độ cai trị độc tài sắt máu gây ra bao nhiêu thảm cảnh cho toàn dân. Thơ của ông nói về một nhà thơ chính trực như Hữu Loan còn là tiếng nói chính luận của lương tri của những người Việt Nam yêu tự do dân chủ.

Thi sĩ Hà Thượng Nhân là một nhà thơ thông tuệ, làm thơ Đường Luật rất nhanh và chỉnh. Có người đã nói ông giống như Tào Thực ngày xưa đi bảy bước là đã hoàn thành được một bài thơ tuyệt tác. Thế mà thơ của ông đã làm xong tới cả hàng ngàn bài mà trong đời của ông mới chỉ in một tập thơ nhỏ vì lời yêu cầu của nhiều người ái mộ ông. Cho đến khi ông bị bệnh nặng, nằm trong bệnh viện và lại đang trong cảnh “lá già khóc lá xanh” khi người con trai thứ là Pham Xuân Dương từ trần, nên để cho thi sĩ gượng vui nên đã in Thơ Hà Thượng Nhân để có một dấu tích của kỷ niệm đẹp cho văn học Việt Nam. Và ngày ra mắt tuyển tập thơ ấy, nhà thơ như trẻ lại. Xem DVD thu hình lại buổi lễ, thấy ông miên man nói về thơ, về văn chương với cả một sự đam mê trân trọng đến quên đi cuộc đời nhiều bi kịch của những người lưu lạc Việt Nam hôm nay.

Nhưng, hôm nay, nhà thơ đã đi vào cõi vĩnh hằng. Chín chục năm góp mặt với đời, qua bao nhiêu biến cố lịch sử, bao nhiêu cuộc thăng trầm, những bài thơ vẫn còn như một chứng tích của tấm lòng vuông tròn với cuộc sống. Là một quan võ nhưng lại có lối hành xử của quan văn, là một người đã trải qua và hiểu được chế độ Cộng sản, ông như người đặt rường cột cho ngành chiến tranh tâm lý mà sau này phát triển thành tổng cục chiến tranh chính trị. Nhưng, bất cứ ở đâu và bất cứ ở một vị trí nào, ông cũng là người yêu nước và yêu văn chương và muốn chữ nghĩa tạo được sự tốt đẹp cho cuộc nhân sinh.

Một kẻ hậu sinh như tôi viết bài này như một cách thế đốt nén tâm hương để gửi đến người thi sĩ đã vừa ra đi. [NMT]

.
.
.

No comments: