Saturday, November 26, 2011

MỘT CÁI NHÌN TRẦN TRỤI VỀ QUAN HỆ VIỆT - TRUNG (Bá Mạnh, Trần Ngọc Vương, báo Đất Việt)



Một cái nhìn 'trần trụi' về quan hệ ViệtTrung
Trần Ngọc Vương
(Đại học Quốc gia Hà Nội)

Bá Mạnh thực hiện  (báo Đất Việt)

Tình hình “biển Đông dậy sóng” thời gian qua không nằm ngoài bối cảnh tham vọng lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc cũng như mối quan hệ lịch sử phức tạp giữa hai nước Việt - Trung. Phóng viên Đất Việt online đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Ngọc Vương, ĐH Quốc gia Hà Nội, người đã nhiều năm nghiên cứu Trung Quốc, về điều này.

Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, không chỉ là mối quan hệ ngoại giao hiện tại, mà là dưới góc độ lịch sử, văn hóa?

PGS-TS Trần Ngọc Vương: Thực tế thì từ trước đến nay, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là một quan hệ rất phức tạp. Dù công khai hay không công khai thừa nhận thì đó là một thực tế không ai có thể che giấu được.
Mối quan hệ phức tạp đó được thể hiện trên nhiều phương diện: chính trị, văn hóa, chủ nghĩa dân tộc, chân chính hay không chân chính, lành mạnh hay không lành mạnh, trong đó có cả tâm lý đám đông.
Trước hết, cần phải khẳng định quan hệ Việt – Trung từ quá khứ lịch sử đến tận ngày nay là một quan hệ nhiều chiều phong phú, đa dạng, phức tạp và đầy nghịch lý, mâu thuẫn.
Năm 1998, tại Đại học Bắc Kinh, tại cuộc gặp mặt và trao đổi trực tiếp giữa học giả 2 nước Việt Nam, Trung Quốc, các học giả Trung Quốc đã hỏi tôi: Ông nghĩ như thế nào về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Tôi muốn nhắc lại một ý mà tôi đã trả lời lúc đó, như là một nhận thức đã trở thành công thức cố định: Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ít nhất phải nhìn trong 3 góc độ, 3 tư cách của Trung Quốc.

Tư cách 1: Trong lịch sử, Việt Nam tiếp thu nhiều từ Trung Quốc, cho nên tư cách đầu tiên của Trung Quốc đối với Việt Nam là tư cách ông thầy. Đây là điều không chối cãi được do Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Quốc cả một thiên niên kỷ. Trong suốt thời gian dài đó, người Việt đã học tập rất nhiều điều từ người Trung Quốc. Chúng ta không thể nào không kính trọng một dân tộc có nền văn minh, văn hóa thuộc loại hàng đầu thế giới.
Tư cách 2: Trung Quốc với Việt Nam là bạn: Bạn ở đây được hiểu theo nhiều nghĩa và được quy định bởi nhiều điều kiện.
Thứ nhất, là 2 nước láng giềng có chung đường biên giới rất dài cả trên đất liền và trên biển. Do có chung đường biên giới quá dài nên để có thể sống với nhau ổn định, cần có sự hữu nghị cả về phương diện cộng đồng, xã hội lẫn phương diện quốc gia. Bản thân tôi cũng có những người bạn Trung Quốc.
Thứ hai, chữ “bạn” ở đây được hiểu vừa là đối tác, vừa là đối thủ. Ngay trong một cộng đồng nhỏ cũng tồn tại những đối thủ, huống hồ là giữa 2 đất nước. Nếu bỏ qua tư cách đối thủ, tự anh sẽ làm hại anh do sẽ dẫn đến mất cảnh giác. Điều này được thể hiện trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị. Nhưng không vì vậy mà yếu tố đối thủ làm triệt tiêu yếu tố đối tác, bằng hữu.
Nhưng theo tôi, nếu xét trên tư cách bằng hữu, sự hợp tác giữa 2 nước chưa cao. Bởi muốn hợp tác có hiệu quả thì 2 nước phải có những mục tiêu và lợi ích chung. Phải có định hướng về tầm nhìn là cùng nhìn về 1 hướng thì sự hợp tác mới lâu bền và toàn diện. Nếu quay lưng lại với nhau hay người này tìm cách tranh thắng hơn so với người kia thì không thể hợp tác được. Trong hợp tác, nguyên tắc “Cả 2 cùng thắng” mới là nguyên tắc quan trọng nhất, chứ không phải kẻ thắng người thua.
Tư cách bằng hữu này về lâu về dài vẫn cần phải duy trì để cùng tồn tại.
Tư cách 3: Việt Nam thường xuyên là nạn nhân của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sự bành trướng đế chế của Trung Quốc: Trong thực tế, do nhiều lý do lịch sử, Việt Nam không phải là nước lớn để đặt đồng đẳng trên bàn cân so với Trung Quốc. Cho nên, tồn tại bên cạnh một đế chế khổng lổ có dân số chiếm 1/5 nhân loại không phải là điều đơn giản. Rõ ràng, so về tiềm lực, quốc lực, Việt Nam không phải là đối thủ cạnh tranh bình đẳng của Trung Quốc. Không nhận thức được điều này thì sẽ mất nước. Tôi cũng muốn sử dụng khái niệm “sự bành trướng đế chế” như là một thuật ngữ của khoa học lịch sử.
Chính vì điều này, ngay từ quá khứ lịch sử đã luôn đặt ra 1 tình huống, đó là: mất cân bằng.
Đối với nước nhỏ bé hơn, đây bao giờ cũng là hiểm họa. Điều này không có gì lạ, khắp nơi trên thế giới đều như vậy. Nói một cách lạnh lùng hơn, đây là một quy luật, có thể gọi là “chủ nghĩa Darwin xã hội”, đó là quy luật sinh tồn cạnh tranh về mặt xã hội.
Quy luật này chính các nhà kinh điển Mác – Lênin đã nhận thức và coi là quy luật bất di bất dịch: Quốc gia nào mạnh sẽ đi xâm lược, quốc gia nào yếu sẽ bị xâm lược. Không có một quốc gia đạo đức thuần túy nào từng xuất hiện trên trái đất. Chủ nghĩa bành trướng như là một lẽ đương nhiên của các nước lớn. Trung Quốc từ xưa đến nay, trừ những giai đoạn tự mâu thuẫn, tự đấu tranh nội bộ, khi họ đạt được sự thống nhất nhất định thì họ đều có tư thế nước lớn. Và khi có tư thế nước lớn, họ tự có thuộc tính bành trướng.
Khi bàn về đế chế Sa Hoàng, Lênin đã phải thừa nhận một thực tế khách quan, tất yếu: Khi nó đã là đế chế, là một quốc gia có quy mô lớn như đế chế Nga thì nó hút theo nó rất nhiều sự phụ thuộc, ép các cộng đồng dân tộc xung quanh nó trở thành vệ tinh.
Tôi xin nhắc lại, đế chế nào, quốc gia lớn nào cũng vậy. Sức ảnh hưởng, bành trướng của các đế chế này là sức hút nam châm, có xu hướng hút và cuốn các nước xung quanh vào bên trong nó. Nếu chống lại được lực hút đó thì được độc lập, còn nếu không li tâm được thì tất yếu sẽ bị phụ thuộc.
Tôi cho rằng, xu thế chung của nhân loại và nói riêng các quan hệ khu vực trong khoảng một thiên niên kỷ trở lại đây là những quốc gia như Việt Nam ngày càng thể hiện tư thế độc lập hơn, tự quyết, tự chủ hơn so với các đế chế kiểu như Trung Quốc. Mặc dù có những thời điểm trong lịch sử, xu thế đó không phải là dạng đồ thị tiến thẳng, có những lúc người cầm quyền Việt Nam tỏ ra bạc nhược, yếu hèn, nhưng nhìn tổng thể thì Việt Nam ngày càng độc lập hơn.
Việt Nam hoàn toàn đủ nội lực để tự mình trở thành một quốc gia độc lập hơn nữa, bình đẳng hơn nữa với các thế lực bên ngoài. Điều kiện của quốc tế hiện đại cho phép thực hiện được, hiện thực hóa được xu hướng đó.

Tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề cần giải quyết trong quan hệ giữa hai nước. Một bước tiến có thể nói khá quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp này là các bên đồng thuận không sử dụng vũ lực. Vậy vì sao gần đây tình hình lại đột ngột “nóng” lên, cùng với đó là sự đe dọa sử dụng vũ lực từ phía Trung Quốc?

PGS-TS Trần Ngọc Vương: Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua, chúng ta có cái nhìn toàn cảnh và rõ ràng hơn về cái gọi là việc sắp xếp lại trật tự thế giới, cấu trúc lại những vùng ảnh hưởng trên thế giới. Nhìn theo nhiều lĩnh vực, có thể xuất hiện những cường quốc khác nhau, thậm chí có thể gọi là những siêu cường khu vực. Nhìn một cách tổng thể, rõ ràng Trung Quốc đang có khát vọng trở thành một siêu cường, ít nhất là siêu cường khu vực.
Từ năm 1978, khi khởi xướng lên việc định hướng lại và cải cách kinh tế để tạo vị thế của Trung Quốc, cho đến gần đây, Trung Quốc nêu lên một số mệnh đề mà tôi cho rằng đặc biệt cần chú ý.
Thứ nhất là mệnh đề: “Một hữu đới đầu” - Nhất quyết không đi đầu. Họ chấp nhận không làm người dẫn đầu, không gánh vác trách nhiệm trước thế giới. Điều này có thể dễ dàng hiểu được, cũng là do họ chưa đủ điều kiện để làm vậy dù họ muốn. Tôi cho rằng, về tầm nhìn, đó là một tầm nhìn dài hạn và khôn ngoan của họ.
Mệnh đề thứ hai là “thao quang dưỡng hối”, tức là che bớt ánh sáng, nuôi dưỡng cái tù mù. Trung Quốc muốn giữ cho riêng mình một vùng bí mật rộng lớn trong các quốc sách cũng như trong việc đo đếm, tính toán quốc lực của họ. Đây là một cách giữ gìn bí mật quốc gia để quốc tế không thể biết được tiềm lực thực sự của Trung Quốc. Dù bên ngoài có nói xấu hay nói tốt, nói hay hay nói dở, Trung Quốc cũng không phản đối hay khẳng định quyết liệt.
Mệnh đề thứ ba là “nhất quốc lưỡng chế”, tức là một nước hai chế độ. Chính mệnh đề này đã gây ra tranh luận giữa tôi với các học giả Trung Quốc năm 1998, thời điểm khi họ đang tiếp nhận Hồng Kông.
Khẩu hiệu “Nhất quốc lưỡng chế” mà Đặng Tiểu Bình đưa ra là một tôn chỉ mà họ đang thực hiện và sẽ còn lâu mới thực hiện xong. Đây chính là câu khẩu hiệu gây nhiều suy nghĩ cho tôi.
Tôi đã hỏi các giáo sư, học giả Trung Quốc ở Đại học Bắc Kinh rằng: Một nước 2 chế độ, nghĩa là một bên anh duy trì XHCN, một bên anh duy trì TBCN? Vậy thì CNXH có phải mục đích tối hậu của Trung Quốc không? Đó của phải là hệ tư tưởng của Trung Quốc không?
Họ nói theo họ là như vậy. Tôi nói: Vậy thì theo logic, anh phải tồn tại 2 chế độ, dù cho tầm nhìn xa đến đâu, khoảng thời gian dài đến đâu, nhưng nếu đến “một lúc nào đó”, tình trạng đó sẽ được / bị xóa bỏ, thì đó vẫn cứ là một công thức mang tính chiến thuật, dù nó không ngắn hạn về mặt thời gian. Cuối cùng anh phải giải quyết vấn đề 2 chế độ ra sao chứ? Phải nhất thể hóa thành một chế độ chứ? Nếu khẳng định như thế, tôi không tin là trên bốn chục triệu người ở mấy vùng lãnh thổ kia để yên cho anh “sáp nhập” dễ dàng.
Trong trường hợp ngược lại, nếu anh nói rằng đó là một tôn chỉ lâu dài, không xác định về mặt thời gian thì tức là anh từ bỏ về mặt nguyên tắc đối với chủ nghĩa cộng sản. Vì trong một nhà nước phải có, và chỉ có một hệ tư tưởng. Giả sử các vùng lãnh thổ như Đài Loan sáp nhập với Trung Quốc thì hệ tư tưởng lúc đó chắc chắn phải khác hệ tư tưởng bây giờ. Vậy hệ tư tưởng đó là gì? Các học giả Trung Quốc không trả lời được. Họ hỏi ý kiến của tôi thế nào. Tôi nói: đó chính là chủ nghĩa tư bản, hoặc một dạng khác, xác thực hơn nữa: chủ nghĩa dân tộc. Họ im lặng nhưng sa xẩm mặt mày.
“Thao quang dưỡng hối” và “không đi đầu” thì hiện nay Trung Quốc đang dần dần từ bỏ. Tức là họ công khai bộc lộ và thị uy sức mạnh, đồng thời một bộ phận kích động chủ nghĩa dân tộc.
Nguy cơ về sự bùng lên và khó lòng kiểm soát của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc là điều có thật. Cái tâm lý này nằm cả ở những người ở cấp cao, tuy tôi chưa dám nói những nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc thì ở mức độ như thế nào.
Vì thế, tôi cho rằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Trung Quốc bùng nên và khó kiểm soát đang thực sự là một nguy cơ đối với chúng ta. Tôi theo dõi báo chí và các trang mạng Trung Quốc, qua các thống kê của chính các trang đó, tôi thấy các con số về tỷ lệ người Trung Quốc đòi “dạy cho Việt Nam một bài học” là rất cao. Điều này phản ánh một tỉ lệ trung bình cộng mà chúng ta cần phải hết sức cảnh giác. Đương nhiên là các nhà chính trị không dễ dàng đưa ra các quyết định dựa trên những thống kê trên mạng như vậy, nhưng cũng chắc chắn họ sẽ bị chi phối bởi điều này.
Để hiểu tận căn nguyên, tôi không chỉ theo dõi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mà tôi còn phải theo dõi cả thực thể Trung Hoa, tôi cho rằng hiện nay, những vấn đề mâu thuẫn nội tại của xã hội Trung Quốc là căng thẳng nhất thế giới. Có người đã nói ví von là: Giữa những tỷ phú giàu nhất thế giới đã có người Trung Quốc, nhưng những cộng đồng nghèo đói nhất thế giới cũng có người Trung Quốc. Điều đó dẫn đến những bất an về mặt xã hội.
Những bất an xã hội đó khiến tôi rất lo lắng. Không phải chỉ lo và thương cho người Trung Quốc. Tôi không dám nói đó là tất yếu, nhưng theo những lối mòn của lịch sử, để trấn an nội bộ, trong mấy nghìn năm qua, Trung Quốc luôn dùng phương pháp chuyển mâu thuẫn ra ngoài. Tức là cứ mỗi lần nội bộ Trung Quốc có vấn đề lớn, các nhà cầm quyền Trung Quốc lại tiến hành xâm lược một vùng nào đó. Họ dùng “võ công” để răn đe và giải quyết mâu thuẫn bên trong. Tức là họ không đánh trực tiếp đối thủ trong nước mà tấn công bên ngoài để làm giảm áp lực và xả bớt lực căng xã hội. Xin nói thật, đây là điều tôi sợ nhất vì Việt Nam có nguy cơ cao trở thành nạn nhân, các tỷ lệ thống kê cao trên mạng phản ánh đúng điều này.
Báo chí và các trang mạng Trung Quốc, kể cả các tờ được coi là chính thống và quan trọng hàng đầu, kể cả Đài Truyền hình Trung ương, hiện nay đang liên tục xuyên tạc về Việt Nam, tôi xin gọi là nói rất láo về Việt Nam.
Tôi nghĩ là người Trung Quốc đâu thù Việt Nam đến thế. Những người làm chính trị, quan sát chính trị đều nhận thấy trong thời gian qua Việt Nam đã nhẫn nhịn rất nhiều. Thế giới không ngây thơ để tin vào những tuyên truyền xuyên tạc của Trung Quốc là Việt Nam luôn gây hấn và kích động. Rõ ràng là người Việt Nam luôn có tâm lý hòa hiếu, muốn yên ổn. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Võ công thiên tài và chiến công hiển hách như Quang Trung mà trước khi đánh trận Đống Đa còn yêu cầu Ngô Thì Nhậm viết sẵn biểu tạ tội, rồi biểu cầu phong.
Vì vậy, vấn đề ở đây là chúng ta phải tránh để bị Trung Quốc biến thành vật hi sinh. Nhưng đồng thời, ta không chỉ giữ thể diện với dân mà về lâu dài cần phải nuôi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của nhân dân ta. Như cụ Hồ đã nói một câu thể hiện tất cả: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Chúng ta vừa phải mềm mỏng, nhẫn nhịn nhưng cũng luôn phải tự cường, rắn rỏi.

Hòa bình, đó là khát vọng ngàn đời của nhân dân Việt Nam. Song, cũng như ý chí nhân dân, các vị lãnh đạo của Việt Nam luôn khẳng định “chủ quyền là số một”. Từ cái nhìn lịch sử, theo Giáo sư, làm thế nào để giữ được cả hai điều này?

PGS-TS Trần Ngọc Vương: Mặc dù có những cái đầu ở Trung Quốc đang rất nóng, và cả nhiều cái đầu ở các nước láng giềng của Trung Quốc, đương nhiên cả ở ta, cũng đang nóng, nhưng theo tôi chúng ta nên coi đó là chuyện bình thường. Có những phản ứng cực đoan thái quá là bình thường. Cả ở đây nữa, “trái tim có những lý lẽ riêng mà cái đầu không thể hiểu”. Nhưng đó không phải là tất cả. Vấn đề là các nhà cầm quyền phải biết giữ tỉ lệ cực đoan đó ở mức có thể kiểm soát được và không gây ra tác hại. Các nhà lãnh đạo cần có cách hành xử và giải quyết vấn đề phù hợp.
Tôi cho rằng với diễn biến của tình hình vừa rồi, sự bộc lộ thái độ và hành động của cộng đồng và người dân Việt Nam là hợp lý. Giữ mức độ như thế là hợp lý.
Với tư cách là người cũng đã nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc, về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tôi cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay đối với chúng ta là làm thế nào để cân bằng được niềm tự hào dân tộc, khí phách dân tộc với hoạt động thực tiễn chính trị tỉnh táo để đạt được mục tiêu quan trọng hàng đầu là giữ gìn độc lập dân tộc. Đồng thời tránh cho dân tộc khỏi những tổn thất, va chạm không cân sức và không cần thiết.

Xin cảm ơn Giáo sư.

Bá Mạnh thực hiện
.
.
.

No comments: