Tuesday, November 1, 2011

KHÔNG CHỈ LÀ SỰ VÔ CẢM (Song Chi)


Song Chi
Saturday, October 29, 2011 4:52:12 PM

Khi câu chuyện kinh khủng về cái chết của cô bé Duyệt Duyệt (Yueyue) hai lần bị hai chiếc xe tải cán ngang qua người ở thành phố Phật Sơn (Foshan) tỉnh Quảng Ðông ngày 13 tháng 10, 2011, sau đó bị bỏ mặc trong sự thờ ơ, vô cảm của người qua đường chưa kịp lắng xuống.

Bé Yueyue và mẹ. (Hình: Telegraph)

Thì ngày 25 tháng 10, báo Tuổi Trẻ đăng lại nguồn tin từ báo chí Trung Quốc, qua đó “ngày 21 tháng 10, tại tỉnh Tứ Xuyên lại xảy ra vụ một tài xế xe tải cán qua một cậu bé 5 tuổi, sau đó - theo một số người - đã lùi lại cán tiếp cho chết.”
...Những người đi đường cho biết sau khi cán qua bé Xiong, tài xế Yong nhảy ra khỏi xe tải và hỏi: “Tôi sẽ phải trả bao nhiêu đây?”
Cảnh sát nói Yong đã đôi co với gia đình bé Xiong về “mức độ thiệt hại” suốt 7 tiếng đồng hồ.
...Vụ việc diễn ra ngay sau vụ bé Duyệt Duyệt đã gây phẫn nộ sâu sắc trong cộng đồng mạng Trung Quốc. Nguyên nhân xảy ra những vụ việc thương tâm trên, theo nhiều người Trung Quốc, là do suy nghĩ rằng trả tiền bồi thường cho một nạn nhân chết sẽ rẻ hơn chi tiền viện phí nếu nạn nhân chỉ bị thương.” (Thêm cháu bé bị xe cán hai lần ở TQ, báo Tuổi Trẻ).

Chính người TQ, thông qua các diễn đàn trên mạng, đã nói rất nhiều về sự vô cảm đến bệnh hoạn của xã hội từ câu chuyện của bé Duyệt Duyệt. Tưởng không cần phải nhắc lại nữa.

Câu chuyện này gợi nhớ đến vụ một người phụ nữ VN ở Ban Mê Thuột, đi nhặt hạt cà phê rụng bị đàn chó của ông chủ trang trại cà phê tấn công ngày 21 tháng 1, 2010. Nhưng tay quản lý khi nghe tiếng thét kêu cứu của ba người - người phụ nữ đang lâm nguy và hai cô gái nhanh chân leo được lên cây cao, cứ mặc kệ. Ðến khi ông ta quay lại thì đàn chó đã xé xác người phụ nữ tơi tả.

Cả hai câu chuyện đều khiến người ta rùng mình vì sự vô cảm, tàn nhẫn của con người đối với tính mạng của đồng loại.
Tuy nhiên, suy nghĩ sâu xa hơn, chúng ta lại càng thấy sợ hơn cho sự suy đồi, xuống cấp của đạo đức xã hội. Ðó là những nếp nghĩ đã ăn sâu thành thói quen ứng xử của con người.

Trong vụ bé Duyệt Duyệt, là cái cách mọi người bỏ mặc cô bé bị thương nằm đó không cứu giúp chỉ vì sợ vạ lây, làm ơn mắc oán, như đã từng xảy ra. Là cái cách suy nghĩ của tay tài xế thứ nhất, được đăng trên trang China Hush và dịch sang tiếng Anh. Khi tay tài xế gọi điện thoại cho phóng viên báo chí thừa nhận mình là người đầu tiên đã cán cô bé và nói: “If you hit a person, you would run away too, I'm willing to compensate some money, but I will not turn myself in. (Nếu bạn tông một ai đó, bạn cũng sẽ chạy trốn, tôi sẵn lòng bồi thường một số tiền, nhưng tôi không muốn nộp mình cho cảnh sát.)
Không chút day dứt hối hận vì hành động của mình, tay tài xế chỉ nói về những điều mà anh ta và gia đình cũng phải chịu đựng từ sự cố “không may” này, và khi phóng viên hỏi:
“Seeing your kid, wouldn't that remind you of the little girl you ran over?” (Khi nhìn con anh, điều đó không nhắc nhở anh về cô bé mà anh đã cán qua sao?)
Anh ta thậm chí còn đáp lại:
“Why should I? She isn't even my kid.” (Tại sao tôi phải làm vậy? Con bé thậm chí không phải con tôi).
Cả hai tay tài xế đều đã bị bắt sau đó.

Và cái cách suy nghĩ của nhiều người khi người phụ nữ quét rác 58 tuổi Chen Xianmei (Trần Hiền Muội) nhận được nhiều lời khen ngợi và cả tiền thưởng từ một vài tổ chức, cá nhân cảm động trước việc làm của bà. Có những người phấn khích đến mức đề nghị phải tạc tượng bà, nhưng cũng có những ý kiến khác hẳn.
Theo bà Muội, mặc dù bà đã yêu cầu công chúng đừng gửi tiền cho bà mà thay vào đó là tặng cho gia đình Duyệt Duyệt, bà cũng nguyện gửi tặng một phần tiền thưởng cho Duyệt Duyệt. Nhưng những lời bình phẩm ác ý rằng bà đã làm việc tốt để được nổi tiếng, được có tiền khiến bà phiền muộn, đến mức không dám bật TV lên để nghe thiên hạ bàn tán xung quanh sự việc.

Trong cả hai chiều hướng, đều cho thấy chuyện một ai đó làm việc tốt, tử tế với người dưng thay vì xã hội phải cho đó là chuyện bình thường, đương nhiên, thì lại trở thành đặc biệt, thậm chí bất thường.

Còn câu chuyện về cậu bé bị tài xế lùi lại cán tiếp với suy nghĩ nếu nạn nhân chết thì rẻ hơn là bị thương và còn sống, ở Việt Nam cũng đã từng có những câu chuyện như vậy.

Ðọc bài “Sự thật khi lái xe cố tình cán chết người” trên báo VNExpress ngày 26 tháng 3, 2010 mà rùng mình ghê sợ:
Sự thật là cánh tài xế vẫn bảo nhau rằng: “Thà nó chết hẳn còn hơn bị thương. Mất mấy chục triệu một lúc còn hơn phải nuôi nó cả đời ! Ði tù cùng lắm chỉ vài năm, có ai ‘đóng hộp’ hết án đâu. Nó sống thì mình chết!” “Nó” ở đây chính là nạn nhân của bánh xe.

Từ vụ tai nạn giao thông ở Củ Chi ngày 5 tháng 11, 2003, sau khi đụng hai người đi xe gắn máy ngã xuống, thấy vẫn còn sống, tài xế xe ben đã lùi xe lại cán thêm lần nữa. Vụ tài xế Ðặng Hữu Anh Tuấn, vào tối 14 tháng 5, 2008, va chạm làm một cô gái trẻ đi xe đạp bị ngã vào trục sau của bánh xe. Mặc cho cô gái vùng vẫy kêu cứu, mặc cho người đi đường ngăn cản, tài xế vẫn cho chiếc container cán liên tiếp 3 lần qua người nạn nhân.
Hay vụ tài xế xe hơi, kỹ sư Ngô Minh Trí vượt đèn đỏ, tông vào xe gắn máy chở hai trong đó có em Thắng ngày 18 tháng 9, 2010, khiến cả hai ngã xuống nhưng chưa bị gì. Nhưng sau đó Trí lại cho xe lao tới, cán qua người Thắng khiến em tử vong sau đó... Vụ việc đã gây xôn xao dư luận khi gia đình nạn nhân lên tiếng đòi công bằng cho em Thắng.
Và còn nhiều trường hợp khác nữa...

Chúng ta thấy gì qua những sự việc này?
Không dám quy kết cho bản chất của người Trung Quốc hay người Việt Nam bây giờ đã trở nên vô cảm, ác độc hơn. Cũng không dám đổ thừa hoàn toàn rằng tình trạng xuống cấp trong đạo đức xã hội bắt nguồn từ một mô hình thể chế chính trị xã hội hay hệ quả của nền giáo dục.

Bé Yueyue được cấp cứu trong bệnh viện nhưng hoàn toàn hôn mê. Nếu sống, sẽ sống trong tình trạng thực vật (vegetative state) đến khi chết hẳn. (Hình: Blog shanghaiist.com)

Nhưng rõ ràng trong một số hiện tượng, có sự tương đồng giữa hai xã hội vốn giống nhau như anh em từ văn hóa cho đến mô hình thể chế chính trị này. Những chuyện như thế này liệu có xảy ra ở Mỹ, Pháp, Canda, Úc, Nhật Bản hay Na Uy không?

Ở đâu thì cũng có người tốt kẻ xấu, cũng có những ngoại lệ về cái ác vượt quá khả năng lý giải của con người. Nhưng chuyện 18 người đi qua một em bé bị thương mà không ngó ngàng, chỉ đến người thứ 19 là bà đổ rác mới có phản ứng thì rõ ràng sự vô cảm, cái xấu đã thành phổ biến, thắng thế trong xã hội.
Chưa kể, khi vụ việc nào bị đưa ra ánh sáng thì dư luận làm ầm ỹ, phản ứng của người dân như “lên đồng,” nhưng còn những vụ việc không được đưa ra ánh sáng thì sao?
Hoặc trước cái cách suy nghĩ của nhiều người, khiến người ta phải nghĩ rằng trong những xã hội như TQ hay VN, cái ác, cái xấu, sự không tử tế dường như đã trở thành bình thường còn cái thiện, cái tốt, chuyện tử tế lại thành bất bình thường.

Như vậy không chỉ là sự vô cảm, độc ác. Mà sự bất thường, méo mó, lệch lạc trong nếp nghĩ, trong thói quen ứng xử, đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội mới chính là đáng sợ nhất.

Câu hỏi đặt ra là nếu một ngày nào đó TQ, VN thay đổi, trở thành những quốc gia dân chủ, tự do, xã hội công bằng văn minh, con người và cả chính quyền mới thời hậu cộng sản sẽ phải mất bao nhiêu năm để cải tạo não trạng chung của xã hội?

.
.
.

No comments: