Chuyển ngữ: Hoàng Chính
15.11.2011
Tổ chức Mạng Lưới An Ninh và Hòa Bình Phụ Nữ Phi Châu của Leymah Gbowee phát sinh từ cuộc đối đầu của bà với lãnh chúa Charles Taylor. Bà chia giải Nobel hòa bình với Ellen Johnson Sirlief, Tổng Thống Liberia và Tawakkul Karman, nhà vận động phong trào Mùa Xuân Ả Rập của Yemen.
Leymah Gbowee, một trong ba phụ nữ nhận giải Nobel Hòa Bình năm nay, là người biết cách truyền đạt thông điệp của mình.
Năm 2002, trong thời gian cuộc nội chiến thứ nhì ở Liberia, bà giúp huy động hơn 3000 phụ nữ Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo phản kháng cuộc xung đột này một cách hòa bình. Những phụ nữ đã cam kết sẽ không ân ái với chồng mình cho tới khi cuộc bạo động chấm dứt.
Những cuộc biểu tình công cộng đầy sáng tạo đã dẫn tới cuộc thương thảo với Charles Taylor, bấy giờ đang là tổng thống và lãnh chúa của Liberia. Để đáp ứng, ông ta đã sẵn sàng tham gia những cuộc đàm phán hòa bình với phong trào nổi dậy Người Liberia Đoàn Kết Cho Hòa Giải Và Dân Chủ, ở Ghana. Chiến tranh kết thúc năm 2003, cùng năm ông Taylor bị lưu đày và truy tố tội phạm chiến tranh bởi Tòa Án Đặc Biệt Sierra Leone.
Hiện nay, bà Gbowee, công dân Liberia, tiếp tục công việc tranh đấu công lý cho xã hội của bà. Bà thành lập tổ chức phong trào Phụ Nữ Đấu Tranh Cho Hòa Bình & An Ninh ở Accra, Ghana, năm 2007.
Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp ở trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York tháng sáu năm 2010, Gbowee bàn luận đến những hệ quả về việc cho phép phụ nữ đóng những vai trò then chốt trong cuộc xung đột, sau cuộc xung đột, giai đoạn hòa bình, và những cuộc thương thuyết hòa giải và trong các cơ chế đóng vai trò quyết định. Bà cũng giải thích tại sao phụ nữ trên thế giới vẫn chưa được đại diện đúng mức trong những tiến trình này.
Monitor: Những kinh nghiệm ở Liberia đã thúc đẩy bà như thế nào để [quyết định] sang làm việc ở Ghana và những quốc gia khác. Những mục đích chính của bà là gì?
Gbowee: Sau khi đã làm việc với phụ nữ Liberia được vài năm, Tôi nhận ra rằng việc xây dựng hòa bình, việc vận động hòa bình, và vai trò phụ nữ trong quá trình ấy là những thứ mà tôi muốn tham gia. Đó là lời kêu gọi dành cho tôi.
Nhưng đồng thời tôi cũng tham gia vào việc ấy ở Liberia, nhất là khi nó liên hệ đến những phong trào chính trị địa phương, nên tôi cần bước ra ngoài không gian ấy và thâu tóm kinh nghiêm một cách bao quát hơn, bởi vì cách suy nghĩ của tôi đã dần trở nên quá địa phương. Hai bạn đồng nghiệp và tôi đã quyết định thành lập một tổ chức an ninh và hòa bình phụ nữ khu vực… [Vì có] những hạn chế, và [cần] những người trợ giúp tài chánh, chúng tôi cần những quốc gia ổn định, có những chuyến bay thường xuyên, và với tất cả những đòi hỏi trên, Ghana trở thành chỗ thuận lợi nhất để chúng tôi đặt trụ sở.
Hiện tại, công việc của chúng tôi có cơ cấu xoay quanh ba chủ đề: giới tính trong khu vực an ninh và tiến trình cải thiện, những đề xướng về an ninh và hòa bình cho phụ nữ nông thôn, những đề xướng về an ninh và phát triển cho giới trẻ.
Một trong những lãnh vực mà tôi thấy mình bị thúc đẩy nhiều là làm việc trong lãnh vực phát triển và an ninh giới trẻ, nhất là với những kế hoạch về vai trò lãnh đạo của các thiếu nữ trẻ.
Những lợi ích cụ thể lớn nhất trong việc để phụ nữ trực tiếp tham gia vào những tiến trình chính trị là gì?
Điều lợi đầu tiên là xóa bỏ những suy nghĩ rập khuôn về việc phụ nữ tham gia vào các tiến trình chính trị. Lợi ích thứ hai là hồi sinh năng lực: Sự tham gia của phụ nữ vào những quá trình này tạo một cảm quan hy vọng rằng chúng ta đang rời xa những trật tự cũ và chúng ta đang tiến về phía một trật tự mới mẻ. Tôi đã thấy điều đó ở rất nhiều những cộng đồng này khi phụ nữ đứng lên và quyết định, ‘Đây là cách tôi muốn nó hướng đến.’
Thứ ba, điều khác nữa tôi đã thấy là thực tế khi phụ nữ bước ra khỏi những vai trò truyền thống của mình, việc này tạo nên một cảm quan khẩn trương nơi những nhà lãnh đạo chính trị. Bạn thấy điều lo âu ấy ở những người cầm quyền nam giới, rằng, “Chúng ta phải làm một điều gì đó, nếu không quyền lực sẽ bị tước đoạt khỏi tay chúng ta.”
Năm 2003 bà đối đầu với Charles Taylor – lúc đó đang là Tổng Thống – để tranh đấu hòa bình choLiberia và cho phụ nữ tham gia trong tiến trình tạo dựng hòa bình. Bà nghĩ sự tiến bộ trong việc để phụ nữ tham gia những quá trình hòa bình đã biến chuyển như thế nào từ lúc đó?
Tôi thực sự cũng chưa thấy sự thay đổi lớn lao nào… bước tiến đã thực sự, thực sự rất chậm chạp. Bạn sẽ nghĩ chúng ta đã có nhiều nhà hòa giải phái nữ, nhiều phụ nữ ở các bàn tròn thương thuyết và điều phỏng đoán tổng quát là Liên Hiệp Quốc đã làm đi làm lại việc đó, và đã làm cho đúng, nhưng tôi chưa thực sự nhìn thấy nó.
Bạn vẫn thấy phụ nữ biện minh cho sự tham gia của họ trong bàn thương thuyết hòa bình và rồi bạn tự hỏi, “Người ta có tiếp nhận những đề nghị ấy một cách nghiêm túc không?” Đã có vài bước tiến nhỏ và chậm như sên mà họ đã đạt được về việc đòi hỏi những luật lệ gắt gao hơn cho tội hiếp dâm và bạo động tình dục, và bây giờ bạn có thể thấy nhiều thỉnh cầu đặc biệt đã được nêu ra bởi phụ nữ trong những sứ mệnh của Liên hiệp Quốc. Thì đó là những thứ nho nhỏ mà bạn thấy, nhưng vẫn còn nhiều thứ [khác] có thể thực hiện [thêm].
Cần phải làm gì để thúc đẩy bước tiến? Một cuộc biểu tình đình công toàn bộ khác chăng?
Chúng tôi, với tư cách những phụ nữ tranh đấu toàn cầu, thực sự… cần phải ngồi lại thành một quần thể pháp chế và nói, “Đây là nơi chúng tôi đang hiện diện, còn đây là nơi chúng tôi muốn đạt tới trong hai, ba năm tới.” Ngôn ngữ chúng ta nói ra phải đồng bộ ở mọi tầng lớp từ Âu Châu qua Phi Châu tới Mỹ Châu.
Liberia là quốc gia Phi Châu đầu tiên có nữ Tổng Thống [Ellen Johnson Sirleaf, cũng là người nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình 2011]. Bà có nghĩ điều này đưa Liberia vào vai trò lãnh đạo các quốc gia Phi Châu khác không?
Một vị tổng thống phái nữ tự bà ta sẽ chẳng thay đổi được những cấu trúc xã hội phụ hệ đã thành cơ chế. Chúng ta vẫn có nhiều nam dân biểu trong quốc hội, chúng ta vẫn có nhiều đàn ông nắm vai trò bộ trưởng. Và bạn cũng cần nhớ một điều, vì chúng ta vẫn còn một khoảng cách giáo dục – trong suốt 14 năm chiến tranh vừa qua, phụ nữ đã không ưu thế được ngồi ở những nơi có thể học hành. Thành ra chúng ta cũng còn nhiều thử thách phải vượt qua.
Khi đến gặp Charles Taylor, bà mới ngoài 30 tuổi. Ý nghĩ nào đã thoáng qua trong đầu bà ở giây phút ấy?
Chỉ là một sự giận dữ… [Tôi nghĩ] “Người đàn ông này, chính người đàn ông này, phải chịu trách nhiệm cho cái chết và sự tàn phá của bao nhiêu người và phải chịu trách nhiệm cho sự lạc hậu của đất nước này. Chính người đàn ông này, ông ta ngồi đây không chút ân hận, và mình phải nói ngay ra điều mình muốn nói bởi vì mình có thể sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội nói cho ông ta nghe nữa.”
Lúc ấy ông ta có nhìn vào mắt bà không?
Ông ta đeo kính đen.
.
.
.
No comments:
Post a Comment