Sunday, November 20, 2011

HUY PHƯƠNG RA MẮT SÁCH "TẠP GHI" THỨ 7 : "QUÊ NHÀ - QUÊ NGƯỜI" (Nguyên Huy/Người Việt)



Nguyên Huy/Người Việt
Saturday, November 19, 2011 6:09:01 PM

WESTMINSTER (NV) - Chiều Thứ Bẩy, nhà văn Huy Phương tổ chức buổi ra mắt tác phẩm Tạp Ghi thứ bẩy “Quê Nhà-Quê Người” của ông tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.

Nhà văn Huy Phương đang ký sách cho cá thân hữu và độc giả.

Trước khoảng hơn 100 thân hữu và độc giả khá chọn lọc đến tham dự, hai diễn giả giới thiệu về cuốn Tạp Ghi “Quê Nhà-Quê Người” của ông đã cuốn hút hầu hết người tham dự vì những nhận xét, nhận định phong phú và sâu sắc.

Diễn giả thứ nhất là nhà kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa. Diễn giả thứ hai là Linh Mục Joseph Nguyễn Thái. Cả hai đều xác nhận không là chỗ quen biết thân tình với tác giả trước đó nhưng thay vì từ chối đã chợt nghĩ “phải biết làm việc có lợi cho người khác chứ đừng tính toán từ quyền lợi của mình” như kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết. Còn Linh Mục Josep Nguyễn Thái thì “đã theo dõi Huy Phương từ cuốn tạp ghi đầu, thấy trong đó những suy tư, trăn trở của tác giả có chiều sâu tâm linh rất gần với những lời răn của Chúa nên đã nhận lời giới thiệu cho một Phật tử.”

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nhìn Huy Phương, qua những Tạp Ghi của tác giả như “một người đã nhận vác cây Thánh Giá nặng nề.” Trong thời chiến thì nhập ngũ. Hết chiến tranh thì đi tù và “ra khỏi vùng đất u tối hãi hùng của quê hương đặt chân lên nước Mỹ, ông tiếp tục bưng cây Thánh Giá nay đã trở thành cây bút ngàn cân, để hàng tuần viết tiếp...”

Vẫn theo kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa thì Huy Phương viết như người gánh vác nổi trầm luân của người khác. Với ông thì “đây là cái Nghiệp” trong nhà Phật. Với chúng ta đón nhận tác phẩm của ông “là cái Duyên.” Và kinh tế gia NX Nghĩa cho rằng tác giả viết “để giải nghiệp, không phải cái nghiệp bản thân mà cả cái Cộng Nghiệp của dân tộc.”

Nhận định về lối viết và những tư tưởng tác giả truyền đạt đến người đọc, ông Nguyễn Xuân Nghĩa thấy rằng “tác giả đã làm cho nhiều người phật ý vì đi ngược với đám đông. Khi nhiều người muốn sống theo lối ‘dừng lay tôi nhé cuộc đời,’ Huy Phương lại là người lay động. Và chấp nhận trả giá cho việc đó. Ông không chỉ có cái Bi mà còn có cái Dũng là không sợ.”

Tiếp lời Kinh Tế Gia Nguyễn Xuân Nghĩa là Linh Mục Joseph Nguyễn Thái. Qua hơn 1 tiếng đồng hồ phát biểu, Linh Mục Thái đã cuốn hút được người nghe vì sự chân tình hùng hồn của mình, vì những phân tích sâu sắc nhiều bài viết của Huy Phương trong tất cả những tác phẩm của Huy Phương mà linh mục theo dõi từ cuốn đầu và rất đồng cảm với tác giả qua những suy tư, trăn trở của tác giả về quê hương, đất nước và dân tộc. Và qua rất nhiều bài viết của tác giả, linh mục còn thấy những suy tư, ý tưởng của tác giả rất gần với những lời Răn của Chúa. Linh mục nói: “Tôi sẽ dùng những bài viết của Huy Phương vào những bài giảng của tôi.”

Hơn 60 phút ngồi nghe một diễn giảng giới thiệu về một cuốn sách trong buổi ra mắt sách mà hầu hết khán thính giả đều chăm chú, nhiều khi còn rộ lên những tràng pháo tay đồng tình là một điều hiếm thấy trong những buổi ra mắt sách. Ðiều gì đã khiến linh mục cuốn hút được người nghe, có lẽ vì sự chân thực trong những điều linh mục truyền đạt. Kể về văn hóa “đéo” mà Huy Phương đề cập đến trong tác phẩm, Linh Mục Thái đã không ngần ngại cho biết ngay cả một linh mục trong một nhà thờ ở Hà Nội cũng thốt ra tiếng “đéo” khi đề cập đến tệ nạn này ở Hà Nội. Câu chuyện của Linh Mục Thái đã khiến cả hội trường cười phá lên không về ý nghĩa câu chuyện mà nhiều người đã biết, mà vì sự chân thực, dám kể sự thật của một linh mục phải sống trong xã hội Hà Nội.

Linh Mục Joseph Nguyễn Thái đang bày tỏ sự chân tình qua những bài viết trong các Tạp Ghi của Huy Phương.

Chấm dứt phần cho các diễn giả, nhà văn Huy Phương lên cảm tạ thân hữu và độc giả. Trong dịp này ông cũng nhắc đến một bài viết “Cá Tháng Tư” vừa qua đã gây một hậu quả mà ông không vui.

Buổi ra mắt sách của nhà văn Huy Phương đã đạt được kết quả tốt đẹp, không phải vì sách bán được nhiều mà vì những diễn giả, vì không là thân hữu của nhà văn trước đó nên cả hai diễn giả đã không có một lời vái nhau nào của các nhà văn thường “mặc áo thụng vái nhau.”

Một điều khác cũng nên ghi nhận là phần phụ diễn văn nghệ, nhà văn Huy Phương đã không có “văn nghệ cây nhà lá vườn” mà chỉ có tiếng kèn Saxo nhức nhối do một nhạc sĩ thân hữu người Ý, Kelvin Mitch phụ trách trong suốt buổi.

––––
Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com

.
.
.


No comments: