Thursday, November 10, 2011

HÙNG CA SỬ VIỆT & FREEDOM IS NOT FREE ! (Phúc Nguyễn)



Phúc Nguyễn
11/10/2011

Tôi có nhận được email của một người bạn với link lên youtube để xem một số bài hát Hùng Ca Sử Việt. Tôi không rõ nguồn gốc từ đâu ra và cũng không chuyển tiếp cho ai sau đó. Tôi đã coi và rơi nước mắt về bài hát cuối cùng của tập Hùng Ca Sử Việt này.
Bài Quốc Ca của Việt Nam Cộng Hòa.

Bài hát và lời ca chưa đủ để giọt nước mắt của tôi trào ra khỏi bờ mi: “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…”
Nhưng nó đã bắt đầu làm nhịp tim của tôi đập mạnh lên và làm hơi thở của tôi ngắn lại và quên thở. Vì những kỷ niệm của đất nước, của Saigon, của năm tháng thời trai trẻ, của trường xưa tuổi học trò ào ạt trở về trong nỗi nhớ không tên.

Vào một đêm không ngủ của thập niên 60, tôi không nhớ rõ năm nào, bắt đầu trước 12 giờ nửa khuya tại sân trường Văn Khoa ở đường Gia Long, có một cuộc tuần hành đi bộ trong đêm khởi đầu  từ đó. Một cuộc tuần hành đi bộ trong đêm để tưởng nhớ ngày chia đôi đất nước, tôi đã đem cả trái tim và bầu nhiệt huyết yêu quê hương cùng tất cả các bạn trai gái trẻ khác cùng nhau cất bước đi khắp phố đêm với cờ vàng và biểu ngữ.

Tiếng nói và tiếng hô Việt Nam tự do và đả đảo Cộng Sản đã vang lên sôi động ở mỗi khu phố đi qua. Không có súng ống, quân phục hay dùi cui chung quanh và cũng không vội vã, ồn ào hay hỗn loạn trong bước đi. Không có ai đứng đầu và cũng không ai ở cuối. Tất cả chỉ là một đoàn người mà mọi người đều như nhau. Như một sự tự nhiên, một điều hiểu ngầm và chung một nhịp tim, chúng tôi cất bước thong thả theo nhau trên khắp con đường mà tôi không biết sẽ qua những nơi nào trong đêm nhưng tôi biết bên cạnh tôi, trước và sau tôi, quanh tôi có nhiều bạn bè không quen  như tôi, chung một tuổi trẻ trai cũng như gái đang sánh vai bước đi yên lặng và đang cùng chia nhau một nỗi suy tư chung.

Khi 2 kim đồng hồ vừa nhập lại với nhau ở con số 12, tại ngã tư Yên Đổ và Trương Minh Giảng, thời gian chợt dừng lại và nửa đêm đã giữ tất cả bước chân của đoàn người trai gái trẻ lại tại một nơi không còn ai chung quanh, không có một sự sống và tiếng động nào quanh đây ngoại trừ ánh đèn vàng bên đường buồn bã một mình buông xuống với những cánh cửa im lặng đóng lại từ bao giờ.

Bài hát và lời ca này chưa đủ để giọt nước mắt của tôi trào ra khỏi bờ mi: “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…”
Tiếng hát này đã trở về ào ạt trong tim tôi, kỷ niệm đã đổ xô dồn dập về ký ức vì chính vào lúc thời gian dừng lại này, tôi và tất cả tuổi trẻ của đất nước đã cất cao lời hát tự hào từ trong tim: “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…” Chúng tôi hát say sưa và hát nồng nàn tưởng như mình vừa tìm thấy một buổi sáng ngào ngạt của một ngày mới vừa ló lên ở cuối chân trời phương Đông. Rồi thấy hân hoan cho bình minh hy vọng nhưng cũng nhớ đến nỗi khổ đau từ chiến tranh vẫn còn ẩn hiện khắp mọi nơi trên đất nước mỗi khi hoàng hôn đêm tối trở về.

Từ một cánh cửa sổ trên lầu của căn nhà không tên bên đường, tiếng hát nửa đêm đã làm bật mở một khung cửa gỗ, có dáng một người đàn ông tóc bù đang cố gắng vươn đầu ra xem. Tiếng hát vẫn tiếp tục cao ngất. Chúng tôi vẫn say sưa ngợi ca lòng yêu nước sau khi “… đứng lên đáp lời sông núi…”

Bóng người đàn ông biến mất bên khung cửa nhưng cánh cửa vẫn còn mở yên. Tôi tưởng nó sẽ được đóng lại theo chân người đàn ông ấy. Bỗng nhiên, cánh cửa sổ còn lại được mở tung ra, dáng người đàn ông đã trở lại bất ngờ. Hai tay ông đang đưa ra ngoài khung cửa một khúc cây và chỉ trong một chớp mắt, ngọn cờ vàng và ba sọc đỏ đã vươn ra phất phới trong đêm bên khung cửa.

Không một lời nói và không một hành động ngoài cánh tay phất ngọn cờ vàng trên một căn gác không tên vào nửa đêm khi tiếng hát bài quốc ca vẫn còn vang dội một góc phố. Tiếng hát nửa đêm đã làm tung bay ngọn cờ vàng. Thật ngạc nhiên, bất ngờ và thật cảm động. Tôi xin ghi ơn người đàn ông không tên của nửa đêm này đã cho tôi hiểu nghĩa được lời ca tôi hát.

Bài hát và lời ca này chưa đủ để giọt nước mắt của tôi trào ra khỏi bờ mi: “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…”
Bây giờ, ở đây, ngay trong khi bài hát quốc ca chưa chấm dứt, nước mắt tôi đã thực sự rơi ra từ khóe mắt. Tôi đang thực sự khóc cho quê hương, cho một thời vào lúc nửa đêm cách đây gần 50 năm, đã một lần hát vang lời hát này từ trong tim cùng bạn bè, với tuổi trẻ và cho quê hương.

Quê hương của tôi không có gì nhiều và chẳng có gì lớn. Nó là những kỷ niệm vụn vặt, từng đoạn và một thời nhưng tiếp nối nhau theo thời gian. Chính những kỷ niệm vụn vặt, từng đoạn và một thời này, chính đêm không ngủ này đã để nước mắt tôi tuôn ra khi kỷ niệm trở về. Ghép chúng lại với nhau theo thời gian và quay lại nhìn, tôi đã  thấy được bạn bè, láng giềng, hàng xóm, phố phường và gia đình, nơi đời mình đã đi qua và những người khác đã đi qua đời mình.

Đã hơn nửa đời người, tôi còn giữ được những giọt nước mắt cho một câu chuyện đêm không ngủ, tôi mới hiểu được nỗi nồng nàn, sâu đậm và bao la của tình yêu quê hương. Tôi không có con trâu và lũy tre đầu làng. Tôi không thấy đồng lúa xanh tới tận cuối trời và nghe tiếng sáo diều vi vút trên đê. Tôi cũng chưa từng mang guốc mộc và choàng áo the để nghe kể chuyện tình ca dao.

Những huyền thoại này về quê hương vẫn luôn luôn nằm trong câu chuyện kể xưa, nơi tôi chưa từng được đứng bên cạnh để cất tiếng hát mở đầu bằng mấy chữ “Này công dân ơi…..” Với tôi, quê hương thật nhỏ nhắn. Nó chỉ là cánh cửa sổ trong đêm, nơi đó, có ngọn cờ vàng phất phới và một bóng người không tên hiện ra khi tiếng hát “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi..” được cất lên. Nhưng nếu tôi còn được một giọt nước mắt nhỏ xuống đêm nay, tôi biết tôi đã có một quê hương để sống và một quê hương để trở về.

Sau khi xem chùa xong video clip của Hùng Ca Sử Việt trên youtube, tôi đã tự xin chuộc tội của mình bằng cách mấy hôm sau, đi mua ngay một đĩa gốc Blue Ray Hùng Ca Sử Việt. Đây là một việc tôi chưa bao giờ làm đối với các DVD ca nhạc của Asia hay Thúy Nga vì tôi không phải là khách hâm mộ của cả 2 trung tâm này nhưng tôi không thể đánh giá Hùng Ca Sử Việt tương tự ngang với các chương trình ca nhạc khác của họ.

Tôi đã thấy Hùng Ca Sử Việt làm bùng lên ngọn lửa nồng cháy của đêm đi bộ gần 50 năm trước đây trong tôi, một phần của đời mình đã đi qua. Tôi đã thấy Hùng Ca Sử Việt là những bóng dáng của nhiều người khác đã đi qua đời mình. Tôi đã thấy Hùng Ca Sử Việt kể những câu chuyện lịch sử của đất nước cho chúng ta nghe.

Tôi đã thấy Hùng Ca Sử Việt mang một chứng tích lịch sử lẫn dấu vết nghệ thuật trong đó, cái phần mà những video khác của Asia chỉ cố để có được một nửa của nó. Tôi đã thấy Hùng Ca Sử Việt đã được hát lên bởi những người trong cuộc chiến chứ không đứng bên lề, những người không còn phân biệt tuổi tác sinh ra.

Tôi đã thấy Hùng Ca Sử Việt không có nhẩy múa, điệu bộ, y phục mầu mè và khung cách biểu diễn cá nhân.

Tôi đã thấy Hùng Ca Sử Việt với niềm hãnh diện, tự hào và trang trọng trên những khuôn mặt của người hát khi họ cất lên tiếng hát của mình về các ca khúc lịch sử và đấu tranh.

Hùng Ca Sử Việt không còn là một chương trình mua vui cho người coi. Hùng Ca Sử Việt phải được trân trọng giới thiệu đến tất cả người Việt Quốc Gia hải ngoại trên quả địa cầu này như những trang sách lịch sử nhỏ quý giá, những bức hình kỷ niệm thân yêu của đất nước. Tất cả cần phải được bảo vệ, nâng niu và gìn giữ.

Đừng bán rẻ trang sách lịch sử này và đừng đứng bên lề của lịch sử để mua vui với việc xem chùa trên Youtube.
Nếu bạn chưa từng có một đêm đi bộ để hát “Này Công dân ơi! Đứng lên đáp lời sông núi”, nếu bạn chưa từng cất cao lời hát này từ lúc biết nói cho tới ngày cuối đời thì đây là lúc các bạn đứng lên cùng tôi cất cao bài hát này. Bài hát này được hát trên sân khấu của Asia, bởi toàn thể các ca sỹ của Asia, bên cạnh ban hợp xướng Ngàn Khơi cùng dàn nhạc giao hưởng Tây Phương.

Một chương trình nghệ thuật được hoàn thành công phu và giá trị bởi bàn tay, trí óc và con tim của rất nhiều người. Riêng tôi, xin gửi lời xin lỗi đến Asia về việc xem chùa trên Youtube và đồng thời xin được chuộc lỗi bằng việc đi mua 1 đĩa Blue Ray gốc tại một tiệm nhạc trong khu Phước Lộc Thọ ở Santa Ana. Cho dù phải lái xe hơn 1 giờ đồng hồ qua một quãng đường hơn 75 miles để có được một đĩa Blue Ray Hùng Ca Sử Việt riêng cho mình, tôi thấy rất vui sướng cho một việc đúng đã làm và từ nay, sẽ gạt bỏ được mặc cảm tội xem chùa nữa.

Tôi mong sẽ nhận được một nụ cười nhỏ nhẹ bỏ qua từ Asia. Tuy nhiên, tôi cũng cần phải cám ơn Asia về niềm vui và hạnh phúc Asia đã đem tôi trở về kỷ niệm của gần 50 năm trước đây qua đĩa Hùng Ca Sử Việt.

Xin trân trọng giới thiệu đến các bạn DVD và Blue Ray Hùng Ca Sử Việt do trung tâm Asia phát hành, có bán tại các tiệm nhạc Việt Nam hay trên internet. Hùng Ca Sử Việt không thể nào được mua rẻ và chắc chắn Hùng Ca Sử Việt không thể nào phải bán rẻ hay cho không trên Youtube.

Freedom is not free!

---------------------------

HÙNG CA SỬ VIỆT  (ASIA)
Golden Asia DVD 2: Hùng ca sử Việt (Phần 1)
Golden Asia DVD 2: Hùng ca sử Việt (P2)
Golden Asia DVD 2: Hùng ca sử Việt (P3)

.
.
.

No comments: