Wednesday, November 16, 2011

HỒI ỨC VỀ NHÀ TÙ CỘNG SẢN VIỆT NAM [5] (Huỳnh Ngọc Tuấn)


Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [5]
Đăng ngày 23-2-2009

Theo suy nghĩ của tôi, Nguyễn Văn Linh là nhân vật của thời cuộc, nhân vật được cộng sản VN chọn lựa cho một kịch bản, cho một giai đoạn và giai đoạn đó đã qua. Chính sách nào nhân sự đó. Đỗ Mười lên thay thế Nguyễn Văn Linh để thực hiện một kịch bản mới: Giai đoạn Bắc thuộc.

Trung cộng là một con sư tử đang thức giấc, chế độ độc tài cộng với nền kinh tế thị trường sẽ biến Trung cộng thành nhà nước phát-xít  nhưng so với nhà nước phát-xít Đức thì chế độ hiện nay tại TQ vô cùng tệ hại vì dù sao nhà nước phát-xít Đức cũng có tinh thần quốc gia và tự hào dân tộc. Họ làm việc để phục vụ dân tộc họ, còn các chế độ cộng sản thì không, họ chỉ phục vụ cho Đảng và chế độ. CSVN đi theo vết xe của Trung cộng với tâm thức lệ thuộc nên còn tệ hại hơn nhiều, không có tinh thần tự tôn dân tộc, không có tinh thần quốc gia… chỉ còn lại một thứ chủ nghĩa thực dụng lố bịch, kệch cỡm, trần trụi. Chính cái chủ nghĩa thực dụng quái gở này rồi sẽ tạo ra bao nhiêu bi kịch và thảm hoạ cho đất nước và dân tộc trong thời gian sắp tới.
Tôi cảm thấy lo sợ vì tương lai trước mặt tăm tối và sẽ còn kéo dài, hy vọng sớm thoát khỏi nhà tù này không thể thành hiện thực.
CSVN sẽ bước qua một giai đoạn cực đoan mới, với việc bỏ cấm vận, mở đường cho CSVN hội nhập vào kinh tế thế giới, chắc chắn kinh tế VN sẽ đạt được bước nhảy vọt, trong thời gian đầu kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống người dân được thay đổi. Tình hình Việt nam cũng giống như một người bị trói tay trói chân, nay được mở trói đứng lên, chính sự đứng lên này tạo ra bước nhảy vọt… còn trong tương lai, con người đó đi như thế nào, nhanh hay chậm, vững vàng hay chệnh choạng thì “hạ hồi sẽ rõ”. Nhưng với thành quả này CSVN sẽ hênh hoang cái bệnh hoang đường sẽ có cơ hội bùng phát…Với một tâm trạng như vậy tôi tiên liệu rằng thời gian sắp tới sẽ không có thay đổi lớn và tình trạng dai dẳng của chế độ độc tài sẽ kéo dài.

Xe qua phà sông Gianh vào nửa đêm, mưa vẫn lất phất bay, nhìn xuống đường nhiều người co ro trong cái lạnh, ánh đèn vàng buồn bã. Trên bến phà,người ta làm việc vất vả với những phương tiện cũ kỹ lạc hậu so với chiếc phà mà công binh VNCộng Hoà dùng để đưa người dân qua sông ở bến sông Tam Kỳ vào năm 1970 thì quá lạc hậu. Bất chợt tôi mĩm cười chua chát: 24 năm 1 bước lùi!
Trời bắt đầu sáng, cả một đêm không ngủ, bây giờ trời vẫn mưa, cái mưa dai dẳng khó chịu của khu vực Bắc Trung bộ cộng với cái lạnh của gió mùa Đông Bắc làm cảm giác khó chịu tăng lên. Tôi không biết ở đây người dân sống như thế nào -khắc nghiệt quá. Tôi nhìn ra cánh đồng, xa xa, những túp lều tranh xiu vẹo, chơ vơ. Quê tôi đã nghèo rồi, nhìn cái cảnh tiêu điều này tôi thấy chạnh lòng vì nó thê thảm hơn nhiều.

Xe đến thị xã Vinh lúc 10 giờ sáng.
Vinh lúc đó là một thị xã nghèo nàn, kiến trúc lộn xộn nhếch nhác, “đầu Tây đuôi Tàu” chẳng ra thể thống gì. Tôi hiểu người dân nơi đây làm lụng vất vả, để dành được một ít thì xây nhà, có đến đâu xây đến đó, không có một chương trình tổng thể nào. Còn một số người mới giàu lên nhờ thời cuộc, nhờ quan hệ xã hội, nhờ quyền lực, và nhờ đủ thứ phương tiện kể cả mồ hôi và thân xác của mình thì nhãn quan thẫm mỹ cũng có hạn và kết quả của quá trình tự phát đó là những công trình nham nhở, loè loặt, đầy sự phô trương nhưng lại quá nghèo nàn.
Xe dừng lại cho cán bộ ăn cơm, chúng tôi cũng được một dĩa cơm, một lát thịt kho, một lát cá nhỏ, một ít su xào.
Tại đây chúng tôi có một kỷ niệm không quên, bà chủ quán cơm biết chúng tôi là những người tù từ miền Nam ra (tôi không chắc bà có biết chúng tôi là tù chính trị không, nhưng theo kinh nghiệm của người dân Đất Bắc, họ đã chứng kiến từng đoàn người từ miền Nam ra Bắc sau 1975, họ là những quan chức VNCH). Tôi nghĩ là bà ta biết chúng tôi là những người tù chính trị bị lưu đầy, vì không phải tù chính trị thì chẳng ai đưa ra đây làm gì. Ở Miền Nam cũng có chỗ để nhốt. Bà mang lên cho chúng tôi mỗi người một quả chuối và một miếng bánh đậu xanh. Bà nói:
- Biết các bác từ miền Nam ra, chẳng có gì nhiều, chỉ có tí quà, mong các bác vui vẻ nhận. Chúc các bác chân cứng đá mềm.
Bà nói không hề cười cho dù chỉ là một thoáng. Tôi thầm cảm phục. Một lát sau có mấy chị bán hàng phía dưới, có nhã ý mang biếu chúng tôi mỗi người một trái chuối, nhưng mấy người cán bộ không cho họ đuổi mấy chị xuống. Các chị không nỡ đi, họ cứ nấn ná quanh xe nhìn chúng tôi ái ngại.
Họ giục chúng tôi ăn nhanh, không kịp cho chúng tôi uống nước, xe tiếp tục chạy. Bà chủ quán và mấy chị bán hàng rong ra tiễn chúng tôi bằng ánh mắt âu lo.
Anh em chúng tôi nhìn nhau trao đổi bằng một cái gật đầu, chúng tôi những con người của miền Nam bị lưu đầy ra đất Bắc (cũng là đất của quê hương tổ phụ tôi-Dòng họ tôi gốc người Thanh Hoá) được sự yêu thương của người đất Bắc làm chúng tôi thấy lòng mình ấm lại, được an ủi rất nhiều. Chúng tôi tự hứa với lòng mình: sẽ có một ngày chúng tôi sẽ mang lại “Tự do-Dân chủ-Nhân quyền và Hạnh phúc” cho các chị, cho những người dân đất Bắc yêu quý, những người đồng bào máu thịt của mình. Rồi sẽ có một ngày đồng bào hiểu những việc làm của chúng tôi
Đến đây, một chiếc xe trong đoàn chúng tôi đi thẳng. Xe tôi và xe sau tách khỏi đường quốc lộ hướng về phía núi.

O -Trại tù "cải tạo". Nguồn: The Orange County register

Con đường đến Trại 5 (Lý Bá Sơ), gập ghềnh, ổ gà ổ trâu, xe chạy rất chậm, nghiên bên này, lắc bên kia, con đường đất chỉ rộng hơn con đường làng một chút.
Xe đi giữa cánh đồng hun hút gió, những người nông dân trong cái lạnh..thấu xương, áo quần phong phanh mỏng manh. Tôi nhìn thấy sự cơ cực của người dân nơi đây qua đôi chân trần, qua thần hình gầy đét xanh xao. Họ hoàn toàn khác với đám cán bộ CA, là sự tương phản đến khó hiểu. Một bên là những tay công an trắng trẻo, hồng hào như cây nến thậm chí béo nung núc, áo quần bảnh bao thơm phức. Còn một bên gầy trơ xương, rách rưới, tồi tàn, nhem nhuốc trên đôi chân trần, áo quần như đống dẽ lau nhà (không bằng đống dẽ cho chó nhà giàu nằm!).
Xe đi qua những ngôi làng, những mái nhà tranh xơ xác, lụp sụp những khu vườn nhỏ, những ao cá bẩn thỉu, những chiếc cầu tre cong vênh, xiêu vẹo vắt qua những con mương đục ngầu, những khu vườn ở đây vừa nhỏ vừa đơn điệu, chỉ có chuối và rất nhiều táo, nhà nào cũng trồng táo, thứ quả dở nhất trên đời, nhạt nhẽo vô vị.
Xe lướt qua cánh đồng bắp, ruộng bắp bạc màu, cây bắp còi cọc xơ xác phất phơ trong gió rét, và phía xa kia, khuất sau những lũy tre, những hàng dừa là một ngôi giáo đường, cây thánh giá trên nóc nhà thờ vươn lên. Tôi cảm thấy dâng lên một niềm an ủi, cây thánh giá là một hình ảnh quen thuộc, nó mang lại sự bình yên trong lòng cho mỗi ai nhìn thấy. Tôi không phải là người công giáo, nhưng tại nơi đất Bắc, trên đưòng lưu đày, nhìn thấy cây thánh giá như nhìn thấy bến bờ của sự sống và hy vọng. Nó cũng giống như khi nghe tiếng chuống chùa ngân vang từ một nơi nào đó. Cây thánh giá và tiếng chuông chùa mang lại cho tôi cảm giác bình an, thanh thoát.
Xe của tôi rẽ về phía trại mà từ rất xa đã trông thấy, còn chiếc xe đi sau, nơi đó có anh Đỗ Hườn, anh Dương Văn Sỹ, Vũ Đình Thụy thì đi thẳng, đến đây chúng tôi mới biết, họ tách chúng tôi ra làm ba: 1 đi Nam Hà, 1 đi Trại 5 và 1 đi Thanh Cẩm.

Xe dừng lại trước những ngôi nhà khang trang, có phần lộng lẫy, nơi Ban giám thị làm việc. Bước xuống xe, cái lạnh bao trùm chúng tôi. Tôi nhìn mọi người áo quần mong manh đang run cầm cập. Nhờ tính lo xa, khi bước lên xe từ Xuân Phước tôi đã mặc một chiếc áo ấm bằng da cũ kỹ với lớp lông bên trong.
Chúng tôi ngồi co ro trên nền xi măng để chờ làm thủ tục bàn giao (tôi nghĩ như vậy), 30 phút trôi qua, anh em rét cóng vì ngồi ngoài trời, dưới cơn mưa lất phất. Tôi cũng run lẫy bẩy, hai hàm răng va vào nhau theo từng cơn run không cưỡng được.
Sau khi kiểm người, họ dẫn chúng tôi vào trại. Mới đến một nơi lạ hoắc, lạnh run người, bụng đói cồn cào, khát nước và buồn tiểu, tôi không xác định được phương hướng, cứ đi như người mộng du. Bước qua cái cổng sắt nặng nề và kiên cố (một khoảng sân rộng) trước mắt tôi là hai dãy nhà giam, trên sân có mấy cây mít rất lớn, gốc hai người ôm. Đi qua khu nhà đầu tiên, tôi nhìn thấy mấy anh em, tôi nhận ra anh Nguyễn Ngọc Đăng, anh Phạm Văn Thành, anh Phạm anh Dũng, Trần văn Lương ra sát cánh cổng vẫy chào chúng tôi.
Một niềm vui khôn tả ngập tràn, niềm vui gặp lại người thân tại một nơi lưu đày xa lạ..Chúng tôi cười để chào, những cái gật đầu, không vẫy tay được vì ai cũng khệ nệ những đồ dùng của mình.

Ai cũng vất vả mới mang được đồ dùng của mình, đôi chân tê cứng vì ngồi xe suốt hai ngày, một đêm, đôi tay mỏi rời và dại đi vì bị cùm. Họ giục chúng tôi đi thật nhanh. Gần cuối dãy nhà giam, chúng tôi đến trước một cánh cổng sắt đã mở sẵn, vào sân của khu buồng giam dành cho chúng tôi. Không có ai ở đây cả, bước lên ba bậc nền  xi măng đi vào buồng giam, mùi vôi vữa sơn vẫn còn hăng nồng. Tôi vịn vào cây cầu thang bằng sắt bắt lên sàn trên, một cảm giác ướt dính, tôi lấy tay ra- lớp sơn còn chưa khô.
Họ chuyển chúng tôi đi vội vàng. Lại thêm một lần kiểm tra đồ dùng cá nhân, áo quần, sách vở bút mực, tất cả đều đựơc xem xét cẩn thận. Riêng sách vở bút mực bị tạm giữ. Họ không cho chúng tôi giữ một mảnh giấy hay một mẫu bút chì. Tay công an Nguyễn Quốc Huy -thượng uý được BGT trại giới thiệu là người quản giáo chúng tôi. Huy tự giới thiệu mình đã tốt nghiệp đại học CA và có bằng cử nhân Luật.
Sau khi ổn định chổ nằm cho mỗi người, trời cũng chập choạng tối. Chúng tôi nhận phần cơm của mình, còn cái gọi là “canh” của trại mang đến cho chúng tôi không thể dùng được. Đó là những chiếc lá cải bắp màu vàng úa, được cắt nhỏ luộc trong nước, nó bẩn thỉu và có cái mùi cay cay không chịu được, màu nước canh đen như nước ao tù.
Khi cơm nước xong. BGT mang vào cho chúng tôi một số chăn, trong đó chỉ có 10 cái chăn bông, còn lại là chăn chiên…
Tôi cầm tấm chăn mỏng trên tay phân vân, trong cái lạnh thấu xương ở đất Thanh Hoá này, cái chăn mỏng như thế làm sao chịu nổi. Rất may cho tôi là chú Phan văn Bàn có một cái chăn chiên mang từ Xuân Phước ra chú đưa cho tôi dùng.
Tối hôm đó mặc áo ấm vào, xấp hai cái chăn lại, tôi ngủ say vì đã một đêm không ngủ. (không có điện, chỉ có cây đèn dầu mờ mờ đặt ở cuối phòng…)
Sáng ra chúng tôi đi dạo quanh khu chúng tôi ở, khu này có hai buồng, buồng chúng tôi đang ở tạm ổn tuy chưa có cửa sổ để khép lại khi mưa, chỉ có khung sắt to tướng và khá rộng, phòng nhiều cửa sổ nên rất thoáng. Buồng bên cạnh tiếp tục làm, những người thợ chỉ là những người tù thường phạm được tuyển chọn. Họ làm việc lầm lũi và không dám tiếp xúc với chúng tôi..có lệnh như vậy mà.
Có giếng và buông tắm, nhà bếp ở phía sau.
Tôi nhìn xuống giếng, rộng và sâu nhưng rất ít nước, mùa này ở Thanh Hoá không mưa hoặc mưa nhỏ nên thiếu nước. Sau này tôi mới biết như vậy, trái ngược với quê tôi, mùa này ngập úng vì mưa nhiều.
Anh em tắm và giặt đồ bẩn..trời rất lạnh, buổi mai ai cũng thèm một chén trà nhưng củi không có. Chúng tôi tìm xem những quần áo cũ, bao ny lon và nhặt những miếng gỗ bé tí của đám thợ hồ bỏ lại, với sự khéo léo của những con người luôn sống trong cùng cực thiếu thốn..một ấm trà đã sẵn sàng. Chú 6 Bàn vừa cười vừa nói, trà ít quá nên không dám tráng để vậy cho đủ đậm. 5 cái chén chỉ lưng lửng một thứ nước thơm lừng và đậm đà. Tôi uống chậm từng tí một, từ Xuân Phước chúng tôi bị phong toả, rất may nhà tôi trước khi xảy ra cuộc đấu tranh đòi nhân quyền có gởi vào cho tôi một thùng bưu phẩm, trong đó có 3 lượng trà Mai Hạc, để dành được một lượng, anh em ai cũng thiếu thốn..không tiền, không quà, không thư từ, không thăm nuôi cho nên số trà còn lại của tôi giờ này thật quý giá.
Hiện nay chúng tôi tiếp tục bị phong toả, chúng tôi không được đi mua ở Căngtin như mọi người trong trại. Căngtin gần đó, từ cánh cổng sắt…chỉ bước vài bước là đến. Anh BS Nguyễn Kim Long còn một ít tiền nhưng không biết làm sao để mua nên đành chịu.

Buổi trưa người ta mang cơm và canh vào, nhìn thau cơm, canh chúng tôi rất bất bình, canh là cái thứ lá cải già vứt cho bò nó không thèm ăn, màu nước của cái gọi là canh đen sì như nước mương, còn cơm thì toàn phân gián, thóc lẫn lộn, không biết họ nấu từ thứ gạo gì, hình như đó là thứ gạo dùng để nuôi heo. Chúng tôi cảm thấy bị xuất phạm nặng quá.
Anh em nhất trí đem trả lại nhà bếp và nhịn ăn trưa nay. Anh Lê Văn Vàng được trại chỉ định làm đội trưởng, thay mặt chúng tôi xuống trả lại phần cơm cho trại.
Khi anh Vàng về, anh em xúm quanh để hỏi xem họ giải thích thế nào, anh Vàng nói:
- Thì họ vòng vo, nói là ở đây, trại còn nghèo, đời sống còn khó khăn, họ hứa sẽ ưu tiên cho chúng tôi.
Mọi người họp lại ngoài sân và quyết tâm sẵn sàng tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi này.
Đang họp bàn với nhau thì có một người từ nhà bếp (anh ta cũng là tù nhân) đến, đứng bên ngoài cánh cổng sắt gọi với vào, anh Vàng đi ra gặp họ. Chúng tôi cũng theo ra xem anh ta nói gì.
- Các anh các chú chờ thêm một tiếng đồng hồ nữa, chúng tôi đang nấu cơm canh khác.
Nói xong anh ta quay đi.
Lúc đó đã gần 12 giờ trưa, bụng đói cồn cào, anh em cũng chẳng còn gì ăn cả, tất cả dự trữ đều không còn khi đặt chân đến Thanh Hoá này. Mọi người bàn luận đến những khả năng xấu nhất. Chú Nguyễn Trưởng- một người có khuôn mặt nhân hậu, mái tóc muối tiêu gợn sóng, đôi mắt sáng tinh anh, nước da đen bóng nói:
- Các anh thế nào, riêng tôi đã quyết định rồi, sẵn sàng hy sinh. Chứ không để họ xem thường mình. Ai cũng chết một lần, có gì phải sợ,. và chú cười sang sảng, tay vuốt chòm râu bạc.
Chú Nguyễn Trưởng chỉ là một lão nông, quê Quảng Ngãi. Chú đi dinh điền….từ thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, trước năm 1975, với mồ hôi và sự khôn khéo, với sự trợ giúp của chính phủ lúc đó và thời đệ nhị cộng hoà, chú có cả một cơ ngơi to lớn, 50 mẫu đất trồng mía, trồng tiêu, tài sản của chú trước năm 1975 có đến hàng ngàn lượng vàng. Cuối cùng mất trắng, chú tham gia vào một tổ chức kháng chiến đơn giản vì bất bình trước sự bất công, bạo ngược và ngu dốt của chính quyền mới. Chú không hề có một ý niệm gì về chính trị.

Tất cả mọi người đều quyết định như thế, anh Nguyễn Văn Trung sẽ đi tiên phong trong cuộc đấu tranh này, đây là cuộc đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm, nhân quyền của con người vừa là cuộc đấu tranh để tìm một sinh lộ cho tất cả mọi người. Chúng tôi nhận thấy không thể sống với một khẩu phần ăn như vậy.
Gần 1giờ chiều, nhà bếp mang lên một thau cơm trắng, cơm bốc khói, một thau bắp cải luộc- lần này đúng là bắp cải cho người ăn chứ không phải cho bò!!.
Buổi chiều hôm đó cũng vậy.
Tối hôm đó, phòng chúng tôi có điện, mấy người thợ vội vàng từ chiều, họ khoan đục và đặt đưòng dây.
Trại Thanh Hoá này dùng lưới điện quốc gia nên điện rất sáng, không tù mù như trại Xuân Phước. Anh em có nhu cầu đọc sách, khốn nổi không có gì để đọc, sách vở bị giữ cả, buổi tối dài đằng đẳng không biết phải làm gì, thấy vô vị và hoang phí quá!
Ba ngày sau tôi bị gọi đi làm việc, tôi biết đây là chuyện về lá thư tôi vứt xuống khi đi ngang qua Tam Kỳ, và họ đã thu được. Nội dung thư cũng chẳng có gì, nhưng điều làm tên cán bộ Tiếp -thiếu tá  công an từ Bộ CA về và những người cộng sản nổi giận vì tôi viết trong lá thư đó có nhóm từ ”Tù chính trị”. Chế độ này vẫn phủ nhận với công luận trong nước và thế giới rằng: Ở VN không có tù chính trị mà chỉ có những người vi phạm luật pháp. Về phía chúng tôi vẫn giữ lập trường là tù nhân chính trị.
Đây là một việc tế nhị, chỉ là một nhóm từ nhưng ở đây thể hiện sự khác biệt, thậm chí đối đầu giữa hai quan điểm.
Trên đường đi, tôi sẵn sàng tâm lý sẽ bị cùm. Bước qua cánh cổng sắt to lớn nặng nề và kiên cố, tôi đi theo người cán bộ của trại ra đến văn phòng làm việc của BGT.
Tôi nhìn quanh, một không gian thoáng đảng, những căn nhà sang trọng 2, 3 từng, ghép kính màu, những chậu hoa, những cây cảnh, lối đi rải sỏi trắng, những vạt cỏ được cắt tỉa cẩn thận, vườn cây ăn trái vây bọc hồ nước với dã sơn và những con cá chép đủ màu lượng lờ.
Tôi hít một hơi thật dài, thật sâu, không khí ở đây cũng khác, nhẹ nhàng và trong sạch không như ở trong kia. Hai thế giới gần kề nhau. Thiên đường và Địa ngục. Thiên đường dành cho những người cai trị, Địa ngục dành cho những kẻ bị trị.

.
.
.

No comments: