Phạm Việt Vinh
Thứ sáu, 11 Tháng 11 2011 00:33
Điều dễ nhận thấy là từ vài năm nay, khí thế cuả phong trào phấn đấu cho dân chủ tại quê nhà cuả người Việt hải ngoại đã giảm sút rõ rệt. Nhiều người đã bỏ cuộc. Một bộ phận lớn quần chúng đã thất vọng rồi dần dần xa lánh các hội đoàn và các hoạt động vì dân chủ.
Hiện tượng đáng buồn trên cũng đã thể hiện trong cuộc hội thảo "Các biến động tại Bắc Phi gần đây và Làn sóng dân chủ thứ tư" do Tập hợp dân chủ đa nguyên (THDCĐN) tổ chức tại Bruxelles, thủ đô của Vương quốc Bỉ, vào ngày 30 Tháng Mười vừa qua. Được diễn ra tại một thành phố có hơn ba ngàn người Việt sinh sống, nhưng buổi gặp mặt đã chỉ quy tụ đuợc hơn 40 người tham dự, trong đó, gần phân nửa là một số thành viên cuả THDCĐN đến từ Bỉ, Pháp và Đức. Nhưng, đứng trước một số lượng cử toạ khiêm tốn như vậy, Ban tổ chức vẫn tiến hành buổi hội thảo rất chu đáo và ân cần, ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực Ban lãnh đạo THDCĐN, với tư cách là diễn giả cuả buổi Hội thảo, vẫn hết sức nhiệt tình và sắc bén đưa đến người nghe một bản thuyết trình đầy thuyết phục. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng, sau khi trải qua Làn sóng dân chủ thứ nhất được khởi đầu từ cuộc cách mạng Pháp làm tan vỡ các chế độ quân chủ phong kiến, Làn sóng dân chủ thứ hai sau Đệ nhị thế chiến đánh đổ Chủ nghiã dân tộc cực đoan và Làn sóng dân chủ thứ ba gạt Chủ nghĩa cộng sản sang bên lề lịch sử, thế giới ngày nay, được bắt đầu bằng các cuộc nổi dậy tại Bắc Phi, đang trải qua Làn sóng dân chủ thứ tư để triệt hạ các chế độ độc tài cá nhân được đặc trưng bởi tính phi tư tưởng và sự tập trung tối đa quyền lực vào tay một nhóm người nhỏ và sau cùng là vào tay một cá nhân duy nhất. Bài phân tích cuả ông NG Kiểng cũng cho thấy là, tại Việt Nam, những người lãnh đạo cộng sản, hoặc vô tình, hoặc cố ý, đã đang lái các bộ máy nhà nước theo hướng từ độc tài đảng trị sang thể chế độc tài cá nhân, và vì vậy, trong cơn lốc cuả Làn sóng dân chủ thứ tư, chế độ độc tài tại Việt Nam sẽ bắt buộc phải sụp đổ trong một tương lai không xa.
Một làn sóng chung của nhân loại sẽ không để lại ngoại lệ cho bất cứ quốc gia nào, mặc cho giữa Bắc Phi và Việt Nam có nhiều cách biệt. Một trong những cách biệt, hoặc nói một các khác, một trong những thiếu hụt cuả Việt Nam là sự vắng mặt cuả những tổ chức đối lập với lý luận vững chắc và một tầm vóc tương xứng. THDCĐN luôn xác quyết là phải tập trung sức lực cho mục tiêu lấp kín lỗ hổng sống còn này. Và cũng chính vì thế, THDCĐN hết sức trân trọng sự có mặt cuả hơn 20 con người đã đến tiếp xúc với Tập hợp. Trong tình trạng lắng lại và lãnh cảm hiện nay, đó là hơn 20 người Việt thực lòng một cách bền bỉ vì đất nước. Đối với những con người đáng quý này, cho dù họ có thể có những chính kiến khác nhau, nhưng như lời khai mạc cuả ông Nguyễn Gia Kiểng, "THDCĐN vô cùng cảm động, và ngay từ những giây phút gặp gỡ ban đầu, đã quý mến và coi họ như là những người anh em đồng hành".
Trong phần thảo luận, có ý kiến đưa ra đề nghị phải xem xét kỹ hơn khả năng dân chủ hoá tại Bắc Phi trong thực trạng còn khá bất ổn và sự trở lại cuả một vài thế lực Hồi giáo cực đoan. Đối với nghi ngại trên, ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng Mỹ và Châu Âu đã tham gia tích cực và trực tiếp vào việc hậu thuẫn các lực lượng nổi dậy tại Bắc Phi, và vì vậy, sắp tới, khó có khả năng xuất hiện một chính quyền Hồi giáo cực đoan. Về khả năng dân chủ hoá tại Việt Nam, "ảnh hưởng cuả gã khổng lồ xấu tính phương Bắc" cũng được nêu ra. Nhận định cuả ông Nguyễn Gia Kiểng là, với tất cả những mâu thuẫn nội tại cơ bản, Trung Quốc sẽ không có khả năng giữ nguyên và phát triển đà tiến kinh tế như hiện nay. Trung Quốc trước sau sẽ phải dồn sức đối phó với những biến động lớn trong nước và không còn khả năng để kìm hãm diễn biến dân chủ ở Việt Nam một cách mạnh mẽ. Có vẻ như những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam còn muốn dựa vào Bắc Kinh để củng cố và bảo vệ chế độ độc đảng cuả họ, nhưng lịch sử tan rã của các chế độ cộng sản tại Đông Âu lại cho thấy: chỉ một sự lung lay ban đầu tại Liên Xô đã tạo ra sự tan rã chế độ ở các nước Đông Âu đàn em, và sau đó, sự rã đám bên ngoài đã tạo ra sự sụp đổ cuả "thành trì vĩ đại". Có nghiã là những biến động dân chủ cơ bản hoàn toàn có khả năng xảy ra tại Việt Nam trước khi xảy ra tại Trung Quốc.
Khi được một khách tham dự trẻ tuổi hỏi về nhận định cuả THDCĐN đối với vai trò cuả thanh niên trong công cuộc phấn đấu vì dân chủ, những người đại diện cho THDCĐN cho rằng, thiếu vắng trầm trọng trong thanh niên Việt Nam là những ước mơ lớn, trong đó có cả ước mơ phục vụ cho một quê hương dân chủ. Lý do cuả sự thiếu hụt này một phần nằm ở chính những người trẻ tuổi, và một phần là do tầng lớp cha anh, do những người đi trước đã làm cho thanh niên từ thất vọng đi tới việc từ bỏ những hoài bão, những dự tính cao mang tính xã hội. Trong việc hoạch định những bước đi sắp tới, THDCĐN tự xác định cho mình là phải có một cách nhìn và một sách lược chính xác và hoàn chỉnh hơn đối với khả năng và chỗ đứng phải có cuả thanh niên đối với sự nghiệp xây dựng dân chủ ở Việt Nam.
Và cũng như trong bất kỳ mỗi cuộc gặp mặt nào do THDCĐN tổ chức, lập trường "hoà giải và hoà hợp dân tộc" lại được đưa ra tranh luận. Trong thực tế, lập trường này cuả THDCĐN đã gặp phải sự chống đối cuả một bộ phận không nhỏ trong số những người được gọi là "người Việt quốc gia". Trong buổi hội thảo, có người hỏi rằng, cùng với nguyên tắc "bất bạo động", lập trường này cuả THDCĐN phải chăng chỉ mang tính chiến thuật trước một thực tế là những người đối lập hoàn toàn không có khả năng thay đổi chế độ hiện nay bằng bạo lực. Đối với ý kiến này, ông Nguyễn Gia Kiểng đã đưa ra một trả lời dứt khoát: "Dân chủ hoá bằng con đường bất bạo động dựa trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc là nguyên tắc và tinh thần bất di bất dịch cuả THDCĐN. Giả dụ nếu có thể thay đổi chế độ bằng quân sự, thì THDCĐN sẽ từ bỏ khả năng đó và sẵn sàng chấp nhận thất bại để tránh cho dân tộc khỏi phải đổ máu thêm một lần nữa!"
Câu trả lời trên chứa đựng một bề sâu tư tưởng và một thái độ kiên định lương thiện. Và cùng với những yếu tố trên, thái độ quý mến và chân tình trong tình đồng bào cuả THDCĐN đã phần nào khoả lấp đi sự thiếu hụt về số lượng người tham dự và cuối cùng, đã mang lại cho buổi hội thảo một thành công không nhỏ: Ngay sau cuối buổi họp mặt, hai thân hữu đã chính thức xin gia nhập đội ngũ THDCĐN.
Sẽ là không cường điệu khi cho rằng, phẩm chất cuả THDCĐN biểu lộ trong buổi hội thảo khiêm tốn tại Bruxelles, tấm lòng bền vững đối với đất nước cuả những người đến dự, và quyết định cương quyết dấn thân cuả hai thành viên mới trong THDCĐN đã một lần nữa khẳng định một điều: sự trầm lắng cuả phong trào dân chủ Việt Nam chỉ là tạm thời, và những người yêu dân chủ Việt Nam vẫn còn có rất nhiều cơ sở để hy vọng.
Phạm Việt Vinh
11/2011
11/2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment